Thận ứ nước: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Nội dung bài viết
Bệnh lý thận ứ nước là hậu quả của việc tắc đường dẫn nước tiểu trong hoặc ngoài thận. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm. Bệnh có thể gây suy giảm chức năng của thận và làm tổn thương cấu trúc tế bào thận. Để hiểu rõ hơn về bệnh và cách điều trị, mời các bạn hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây nhé!
Thận ứ nước là gì?
Thận ứ nước (tiếng Anh: Hydronephrosis) là 1 dạng tổn thương của thận biểu hiện ở việc thận bị giãn nở hoặc sưng to lên do nước tiểu bị ứ đọng, tắc nghẽn lại bên trong. Tình trạng này có thể xảy ra chỉ ở một bên thận hoặc ở cả hai bên.
Nó gây tổn thương cấu trúc tế bào và suy giảm chức năng thận. Các tổn thương này có thể giảm thiểu nếu giải quyết sớm. Tuy nhiên, nếu tình trạng ứ nước kéo dài đến vài tuần hoặc vài tháng thì có khả năng gây ra các triệu chứng trầm trọng hơn, trở thành thận ứ nước mãn tính (hai quả thận đều bị ảnh hưởng dẫn đến suy thận).
Những ai thường mắc bệnh?
Thận ứ nước có thể xảy ra ở bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận ứ nước bao gồm:
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới.
- Những người đang mắc bệnh sỏi thận, ung thư tử cung, phì đại tuyến tiền liệt…
- Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung hoặc những người đang mang thai có nguy cơ cao mắc bệnh thận ứ nước.
Nguyên nhân
Nguyên nhân thận ứ nước là do tắc nghẽn ở bất cứ phần nào của đường tiết niệu.
1. Nguyên nhân tại đường tiết niệu
- Đối với trẻ em, sự tắc nghẽn thường là do bị hẹp niệu đạo (niệu đạo là ống lấy nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể) hoặc do thu hẹp lỗ niệu đạo (là các ống mang nước tiểu từ thận đến bàng quang).
- Đối với người lớn, nguyên nhân thường liên quan đến các các bệnh lý sẵn có như: sỏi thận (gây tắc nghẽn niệu đạo), trào ngược bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang, tử cung, buồng trứng và đại tràng.
Sỏi thận được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thận ứ nước. Sỏi thận gây tắc nghẽn niệu quản. Nếu là sỏi nhỏ thì nó di chuyển từ thận xuống bàng quang dễ dàng. Nhưng nếu sỏi quá to sẽ gây tắc nghẽn niệu quản khiến nước tiểu ứ lại ở chỗ tắc. Trong khi đó, thận vẫn tiếp tục lọc ra nước tiểu mà niệu quản bị tắc, không thông xuống được bàng quang nên thận bị ứ nước, phình to.
Mặt khác, nếu niệu đạo hẹp do viêm nhiễm hay do vết mổ lấy sỏi thận trước đó thì cũng có thể gây tắc nghẽn làm thận bị ứ nước. Ung thư bàng quang, sỏi bàng quang, co cổ bàng quang bất thường cũng gây tắc nghẽn lối nước tiểu từ quàng quang đến niệu đạo. Kết quả là nước tiểu ứ đọng lại từ bàng quang, khiến thận bị ứ nước.
2. Nguyên nhân từ bên ngoài
Nếu ở bên ngoài đường tiết niệu người bệnh có các khối u chèn ép niệu quản thì cũng có khả năng ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu. Do đó, các bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, sa tử cung, đa xơ cứng, phụ nữ mang thai, rối loạn chức năng bàng quang do u não… đều có thể là nguyên nhân gây ứ nước ở thận.
Ngoài ra, nó cũng có thể do tác động ngoại thể từ thói quen ăn uống, sinh hoạt không tốt, không lành mạnh như uống nhiều rượu bia, ngủ nghỉ không đủ giấc hoặc lạm dụng thuốc bổ thận quá đà.
Dấu hiệu
1. Dấu hiệu thận ứ nước cấp tính
- Đau vùng thắt lưng hoặc đau bụng.
- Đau khởi phát từ phần hông lưng hoặc sườn lưng và lan tới háng.
- Kèm theo nôn, buồn nôn và bị vã mồ hôi.
- Đau từng cơn, đau nhiều khiến người bệnh quằn quại hoặc gập người lại vì đau.
- Có thể đi tiểu ra máu, tiểu buốt gắt.
2. Dấu hiệu thận ứ nước mạn tính
- Thận giãn to dần dần trong thời gian dài và có thể không có bất kỳ triệu chứng nào.
- Khi có các khối u ở xương chậu hoặc bàng quang gây chèn ép thì khối u có thể phát triển âm thầm và gây ra những triệu chứng suy thận như: mệt mỏi, buồn nôn và nôn, rối loạn các chất điện giải natri, kali, canxi, bị rối loạn nhịp tim.
- Xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện máu, vi khuẩn gây nhiễm khuẩn hay các tế bào ung thư.
- Chụp cắt lớp thấy thận bị ứ nước và thấy sỏi.
- Siêu âm thấy thận bị ứ nước. Các đài bể thận giãn to, biến dạng thận to.
Phân độ
- Thận ứ nước giai đoạn 1: Cấp độ 1 là cấp độ nhẹ nhất. Độ 1 mới ở giai đoạn nhẹ nên chưa cần điều trị mà chỉ cần theo dõi, kiểm tra 3 tháng/lần. Dựa vào kết quả kiểm tra theo dõi, bác sĩ sẽ đánh giá chức năng của thận và phân tích nước tiểu hoặc dấu hiệu của bệnh để đưa ra những cách điều trị phù hợp.
- Thận ứ nước giai đoạn 2: Khi chuyển sang cấp độ 2, những dấu hiệu như cầu thận giãn 10 – 15 mm có thể xuất hiện. Người bệnh thường có những triệu chứng đau mạn sườn và hông cả ngày. Có thể kèm theo tình trạng đi tiểu liên tục gấp 1,5 – 2 lần so với bình thường.
- Giai đoạn 3: Thận ứ nước ở cấp độ 3 là giai đoạn nặng. Độ giãn của cầu thận đã vượt quá kích thước 15 mm. Đài thận và bể thận bị giãn nở thành nang lớn. Điều này khiến bác sĩ rất khó nhận biết được bể thận với đài thận trên ảnh chụp CT. Người bệnh thường có những biểu hiện mệt mỏi do cơ thể bị tích nước quá nhiều. Cần điều trị ngay để tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
- Thận ứ nước giai đoạn 4: Đây là tình trạng thận ứ nước giai đoạn cuối (nặng nhất). Thận đã bị tổn thương tới 75 – 90%. Người bệnh thường có những triệu chứng như mặt mũi và tay chân sưng phù, tiểu tiện ra máu, cần phải mổ gấp.
Bệnh có nguy hiểm không?
Như đã biết, thận có vai trò quan trọng đối với cơ thể người. Mỗi khi thận bị tổn thương sẽ kèm theo những triệu chứng khác ảnh hưởng đến sức khoẻ. Thận ứ nước là tình trạng bị tổn thương gây sưng, phù nề và dãn ra. Nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Mức độ nguy hiểm của bệnh thận ứ nước còn tuỳ thuộc vào tình trạng tắc nghẽn. Nếu như bệnh ở cấp độ 1, mức độ nguy hiểm và tổn thương ở thận hoàn toàn cải thiện được, chưa nguy hiểm đến sức khoẻ. Tuy nhiên nếu không trị từ giai đoạn đầu, bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển sang độ 3 rồi 4. Khi đó, mức độ tổn thương sẽ lên đến 75 – 90%, kèm theo những biến chứng nguy hiểm như:
- Người bệnh sẽ bị tăng huyết áp đột ngột do tình trạng điều hoà khí huyết không ổn định.
- Khi chức năng thận bị suy giảm do ứ nước, các chất thải cặn bã không được vận chuyển ra khỏi cơ thể. Lâu ngày, chúng đọng lại trong thận gây sỏi thận, suy thận.
- Nhiễm trùng thận gây ra bởi những tổn thương ở thành và vỏ thận. Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào thận dẫn đến nhiễm trùng.
- Khi thận bị ứ nước quá to, vách thận không chịu nổi áp lực sẽ dẫn đến tình trạng vỡ thận. Biến chứng này rất nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đau bụng vùng hông hoặc có máu trong nước tiểu. Bạn cũng nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu nhìn thấy nước tiểu rơi thành từng giọt (không thành dòng) trong lúc đi tiểu hoặc bạn không thể tiểu tiện. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất.
Ung thư thận cũng là một bệnh lý nguy hiểm cần được quan tâm. Tìm hiểu thêm trong bài viết: Ung thư thận: Những thông tin bạn cần biết.
Điều trị thận ứ nước như thế nào?
Điều trị chủ yếu theo nguyên nhân. Trước tiên, cần phải xác định nguyên nhân gây bệnh và giải quyết tắc nghẽn càng sớm càng tốt. Điều này giúp thận mau chóng hồi phục. Những trường hợp thận ứ nước nặng hoặc có nhiễm khuẩn phải được chuyển lưu nước tiểu trước. Sau đó mới đánh giá lại chức năng thận trước khi quyết định phẫu thuật cắt bỏ thận.
1. Hẹp khúc nối bể thận – niệu quản
Đối với các bệnh nhân bị hẹp khúc nối bể thận niệu quản, tùy theo mức độ tắc nghẽn mà có phương pháp điều trị thích hợp. Nếu thận ứ nước nhẹ, chức năng của thận chưa thay đổi nhiều thì hướng điều trị thường là điều trị bảo tồn không phẫu thuật. Tuy nhiên, cần phải thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh.
Khi thận ứ nước nhiều, chức năng suy giảm đáng kể thì cần chỉ định thực hiện phẫu thuật. Phẫu thuật nội soi là một trong những phương pháp điều trị hẹp khúc nối bể thận – niệu quản tốt nhất hiện nay.
2. Sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu gồm sỏi niệu quản và sỏi bể thận – đài thận là nguyên nhân thường gặp nhất gây thận ứ nước. Đối với sỏi nhỏ, thận không ứ nước hoặc ứ nước nhẹ có thể điều trị nội khoa bằng thuốc. Nếu sỏi lớn hoặc có triệu chứng gây đau nhiều vùng hông lưng, đáp ứng kém với thuốc giảm đau hoặc chức năng của thận bị suy giảm thì cần phải phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật sỏi niệu có thể áp dụng tùy vào đặc điểm sỏi bao gồm: tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi niệu quản tán sỏi laser, nội soi tán sỏi thận qua da hoặc phẫu thuật nội soi lấy sỏi.
Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị bệnh thận ứ nước
Ngày nay, hầu hết các bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn (gồm nội soi trong đường tiết niệu và phẫu thuật nội soi ổ bụng hoặc ngoài phúc mạc). Sau đây là một số ưu điểm của phương pháp phẫu thuật so với phương pháp mổ hở truyền thống:
- Không có vết mổ hoặc vết mổ nhỏ.
- Mất máu ít.
- Đau ít.
- Ít tổn thương các tạng trong ổ bụng.
- Thời gian hồi phục nhanh.
- Thời gian nằm viện được giảm xuống.
- Chi phí điều trị hợp lý.
Cách phòng ngừa
Khi tìm ra nguyên nhân gây bệnh, ban có thể phòng tránh bằng cách:
- Đối với người bị sỏi thận thì nên uống nhiều nước mỗi ngày để có thể loại bỏ sỏi.
- Đối với trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu: chung thủy một vợ một chồng, không quan hệ tình dục bừa bãi, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục trước và sau khi quan hệ tình dục, không tắm rửa hoặc ngâm mình trong vùng bị ô nhiễm như ao, hồ. Phụ nữ nên giữ gìn vệ sinh vùng kín đúng cách. Chỉ nên lau rửa vùng kín từ trước ra sau chứ không nên lau rửa từ sau về trước… để phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiết niệu ngược dòng, làm hẹp đường tiết niệu và là nguyên nhân gây thận bị ứ nước.
Nếu bạn có các dấu hiệu, triệu chứng hay thắc mắc về bệnh thì hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn cũng như điều trị đúng lúc và kịp thời.