Đặc điểm, dấu hiệu và cách điều trị ung thư phổi giai đoạn 2
Nội dung bài viết
Ung thư phổi là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Bệnh bao gồm nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Trong đó, giai đoạn I là giai đoạn đầu. Giai đoạn II cũng có thể cho là vẫn chưa muộn. Nhưng không phải tất cả các bệnh nhân đều may mắn phát hiện ở giai đoạn đầu. Theo thống kê, khoảng 30% bệnh nhân mắc ung thư phổi khi phát hiện thì đã ở giai đoạn 2. Ung thư phổi giai đoạn 2 thường là loại ung thư phổi không tế bào nhỏ. Ở giai đoạn này chưa có sự di căn của khối u. Vậy đặc điểm và dấu hiệu của bệnh là gì? YouMed sẽ cùng các bạn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Các đặc điểm ung thư phổi giai đoạn 2
Xác định giai đoạn 2 của ung thư phổi
Nhìn chung trong giai đoạn 2, khối u khu trú trong phổi. Tế bào ung thư có thể lan ra các hạch bạch huyết gần. Giai đoạn 2 được chia thành hai giai đoạn nhỏ hơn là 2A và 2B
- Giai đoạn 2A: Khối u có kích thước từ 4 đến 5 cm. Khối u có thể phát triển trong đường dẫn khí hoặc mô quanh phổi và chưa lan đến hạch bạch huyết. Đặc biệt là không có dấu hiệu của khối u di căn.
- Giai đoạn 2B: Giai đoạn này được xác định trong 2 trường hợp sau:
-
- Khối u kích thước nhỏ hơn 3 cm nhưng đã lan đến hạch bạch huyết
- Khối u kích thước từ 3 đến 5 cm đã lan đến đường dẫn khí, mô quanh phổi hoặc hạch bạch huyết. Giai đoạn này cũng chưa có sự di căn của khối u.
Triệu chứng của ung thư phổi giai đoạn 2
Khoảng 30% bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn 2 tại thời điểm chẩn đoán. Vì giai đoạn đầu triệu chứng rất mập mờ, khó phát hiện. Tuy vậy, triệu chứng trong giai đoạn 2 cũng không điển hình. Người bệnh có thể xuất hiện một số biểu hiện như sau:
- Ho nhiều, thường kéo dài theo từng cơn, ho đờm hoặc thậm chí ho ra máu
- Khó thở, thở khò khè ( triệu chứng giống lao phổi ).
- Đau tức ngực ngày càng nhiều.
- Giọng nói thay đổi rõ rệt, giọng trở nên khàn và đục hơn. Có thể mất giọng nếu khối u đã chèn ép thanh quản
- Xuất hiện hạch bạch huyết to, sưng tấy ở một vài vị trí như vùng cổ, bẹn, nách. Nhưng khi sờ vào không đau, nhức chỉ hơi khô, cứng.
- Hiện tượng sụt cân nhanh xuất hiện mà không rõ nguyên nhân.
- Một vài người có sức đề kháng yếu có thể sốt, mệt mỏi.
Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu trên thì rất có thể bạn mắc ung thư phổi giai đoạn 2. Do đó, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để thăm khám và có phương án điều trị kịp thời.
Ung thư phổi giai đoạn 2 sống được bao lâu?
Tỷ lệ sống sót ung thư phổi giai đoạn 2 tính theo giai đoạn TNM
Tỷ lệ sống sót sau ung thư thường được mô tả bằng tỷ lệ sống sót sau 5 năm có chẩn đoán ung thư. Các nhà dịch tễ học và các cơ quan y tế tính toán tỷ lệ này theo nhiều cách khác nhau. Một trong những cách đó là tính toán dựa trên giai đoạn TNM. Mặc dù việc tính toán tỷ lệ sống sót rất hữu ích nhưng nó chỉ mang tính ước lượng.
Ung thư phổi ở giai đoạn 2 nếu được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng chữa khỏi và sống được trên 5 năm có thể lên tới 60%. Tỷ lệ sống sót theo giai đoạn TNM như sau:
Ung thư phổi giai đoạn | Tỷ lệ sống 5 năm |
2A | 60% |
2B | 53% |
Tỷ lệ sống sót trên không phải luôn luôn cố định là con số như thế. Có người có thể sống tốt vượt quá con số ước tính trong 5 năm. Trong khi đó có thể có người không sống được tới 5 năm. Hạn chế của phương pháp TNM là vị trí, kích thước khối u không được phản ánh trong phương pháp này.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót
Tỷ lệ sống sót còn có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ như loại phẫu thuật, tuổi tác, giới tính, sức đề kháng của từng bệnh nhân.
Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 2, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của nữ cao hơn nam.
Nhìn chung, tỷ lệ sống sót sẽ giảm tỷ lệ với số lượng phần mô phổi bị loại bỏ. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người phẫu thuật cắt bỏ tiểu thùy cao gấp đôi so với người phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ một bên phổi (tương ứng là 31,5% và 15,6%).
Người bệnh ở độ tuổi càng trẻ và có sức đề kháng cũng như sức khỏe cao thì tỷ lệ sống sót càng cao.
Người có sức đề kháng tốt, chế độ ăn uống hợp lý khoa học sẽ có tỷ lệ sống sót cao hơn.
Người bệnh nếu vẫn giữ thói quen hút thuốc lá sau khi đã được chẩn đoán ung thư sẽ làm giảm tỷ lệ sống sót xuống 33%. Điều này nghĩa là giảm 50% thời gian sống sót nói chung cho người mắc ung thư phổi giai đoạn 2
Điều trị ung thư phổi giai đoạn 2
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn 2. Phương pháp này cắt bỏ một phần phổi hay toàn bộ phổi bị tổn thương. Cùng với đó, bác sĩ phẫu thuật có thể nạo vét các hạch bạch huyết có chứa các tế bào ung thư đã lan ra. Việc này để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư, ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Xạ trị
Bản chất của xạ trị là sử dụng các tia năng lượng cao tiêu diệt những tế bào ung thư. Hoặc làm giảm đi sự phát triển của những khối u. Xạ trị có thể áp dụng với đối tượng không thể phẫu thuật vì một số lý do. Hạn chế của phương pháp này là các tia xạ có thể làm tổn thương đến những mô xung quanh. Do đó, có rất nhiều tác dụng phụ.
Nhưng điều quan trọng cần nhớ là, phản ứng với xạ trị của mỗi người mỗi khác. Một số có ít hoặc thậm chí là không có tác dụng phụ với xạ trị. Với tiến bộ trong kĩ thuật xạ trị ung thư, các chuyên gia luôn mong muốn cải thiện hiệu quả điều trị và giảm tối đa các tác dụng phụ.
Hóa trị
Phương pháp hóa trị sử dụng các hóa chất để tiêu diệt những tế bào gây ung thư. Những hóa chất này có thể tiêm truyền trực tiếp vào mạch máu hoặc qua đường uống.
Giống với xạ trị, hóa trị cũng có thể gây ra một vài tác dụng phụ cho người bệnh. Thông thường, bác sĩ thường kết hợp hóa trị với xạ trị. Hoặc có thể sẽ áp dụng hóa trị trước và sau khi phẫu thuật để nâng cao hiệu quả điều trị.
Làm sao để ung thư phổi chậm tiến triển?
Tầm soát ung thư phổi
Ở giai đoạn đầu, ung thư phổi ít biểu hiện triệu chứng rõ ràng nên rất khó phát hiện. Đối với người chưa có chẩn đoán mắc ung thư phổi, chỉ có cách khám sức khỏe và tầm soát ung thư phổi định kỳ thì mới có thể phát hiện sớm bệnh. Từ đó, có thể can thiệp sớm để làm chậm quá trình phát triển của khối u cũng như có một kế hoạch điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Đối với người đã được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 2. Đừng hoảng loạn. Hãy mở lòng để chia sẻ về tình trạng hiện tại của bạn với người thân hoặc bạn bè để có một trạng thái tinh thần tích cực nhất. Nhìn chung, tỷ lệ điều trị khỏi hoàn toàn trong giai đoạn 2 cũng khá cao. Do đó, hãy tiếp nhận và tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ càng sớm càng tốt.
Cải thiện chất lượng cuộc sống
Khẩu phần ăn uống hàng ngày khoa học, hợp lý có ý nghĩa trong việc hạn chế các nguy cơ gây bệnh và tăng đề kháng.
Hạn chế sử dụng các chất kích thích, đồng thời tránh xa các hóa chất gây ung thư.
Thường xuyên tập thể dục, kết hợp với ăn uống nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp tăng cường sức khỏe.
Ngoài ra, việc từ bỏ thói quen hút thuốc lá sẽ tăng tỷ lệ sống sót sau ung thư. Đồng thời làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho người xung quanh.
Phát hiện bệnh ung thư phổi sớm chính là chìa khóa để cải thiện hiệu quả điều trị. Đối với ung thư phổi giai đoạn 2, khối u vẫn được giới hạn trong phổi và chưa xâm lấn sang những cơ quan khác. Do đó, chữa khỏi là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa tỷ lệ sống sót có thể tăng như ở trong giai đoạn 1. Ngoài ra việc từ bỏ hút thuốc lá, sống lành mạnh cũng giúp cho việc điều trị tốt hơn. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các bạn có một cái nhìn đúng nhất và có thể phát hiện sớm được bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.