Bạch đậu khấu: Thảo dược cầm nôn hiệu quả
Nội dung bài viết
Bạch đậu khấu còn được gọi là Đậu khấu, Viên đậu khấu. Tên khoa học là Amomum cardamomum L, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Bạch đậu khấu là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây Bạch đậu khấu. Đây không chỉ là loại gia vị quen thuộc trong ẩm thực Ấn Độ mà còn là vị thuốc cầm nôn hiệu quả.
1. Tổng quan về Bạch đậu khấu
1.1. Mô tả
Bạch đậu khấu là một loại cỏ mọc lâu năm. Thân rễ có vẩy. Từ thân rễ, những trụ mang lá cũng như trục mang hoa và quả ló trên mặt đất.
Lá mọc so le, không cuống, phiến lá hình mác. Cụm hoa hình bông mọc ở gốc, cả cuống hoa và hoa dài 8cm. Tràng hoa màu vàng, hình ống hẹp, dài, trên tràng hoa màu vàng, có điểm tím hay đỏ tía. Quả hình cầu dẹt, màu tím trắng.
1.2. Phân bố, thu hái, chế biến
Là cây mọc hoang và được trồng ở Việt nam, Thái Lan, Nam Mỹ.
Thường thu hái ở những cây đã được 3 năm, khi quả từ màu xanh chuyển sang màu vàng xanh thì hái. Sau khi hái đem về phơi hay sấy khô, loại bỏ cuống, rồi xông diêm sinh cho vỏ trắng ra là dùng được. Khi dùng, bóc vỏ lấy hạt.
1.3. Thành phần hóa học
Trong Bạch đậu khấu có khoảng 2,4% tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là D.bocneola và D.campho.
1.4. Bộ phận dùng
Bộ phận dùng là quả và hoa. Quả hình cầu dẹt, 3 múi, đường kính 1 – 1,5cm, vỏ ngoài màu trắng, nhẵn, có một số vân dọc, đôi khi còn sót lại cuống quả. Vỏ quả khô, dễ tách. Bên trong có 20 – 30 hạt, tập hợp thành hình cầu. Mùi thơm vị cay.
2. Công dụng theo y học hiện đại
2.1. Tăng cường nhu động ruột
Thảo dược này có tác dụng tăng cường nhu động ruột, gia tăng sự phân tiết dịch vị, ức chế sự lên men không bình thường ở ruột và chống nôn.
2.2. Ức chế sự phát triển của lỵ
Nước sắc vỏ (100%) có tác dụng ức chế sự phát triển của trực trùng lỵ. Tinh dầu của thảo dược trên chuột lang gây bệnh lao thực nghiệm, tăng cường tác dụng điều trị của Streptomycin dùng với liều nhỏ.
2.3. Tác dụng chống nấm, hạ sốt, giãn cơ trơn và hạ huyết áp
Từ quả Đậu khấu ở Thái Lan, người ta đã chiết tách được hoạt chất Diterpen perosid. Chất này có tác dụng diệt ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, do đó rất được chú ý trong công tác phòng chống sốt rét.
Thí nghiệm trên ống kính cho thấy tác dụng của Diterpen perosid khoảng 1/10 tác dụng của artemisinin và bằng tác dụng của arteflene, một thuốc chống sốt rét có hiệu quả mà về mặt cấu trúc có liên qian đến artemisinin.
3. Công dụng và liều dùng
Bạch đậu khấu là một vị thuốc chủ yếu dùng trong Đông y. Tính chất theo Đông y là vị cay, tính ôn. Quy vào các kinh phế, tỳ, vị; có tác dụng hành khí, ấm dạ dày, tiêu thực, cầm nôn, hóa thấp, giải độc rượu.
>> Tìm hiểu thêm về một dược liệu khác giúp cầm nôn hiệu quả: Bán hạ bắc: Thảo dược vàng trừ đờm, cầm nôn.
Dược liệu có công dụng chủ yếu chữa rối loạn đường tiêu hóa như kém ăn, khó tiêu, nôn mửa, đau bụng, đầy hơi, đi ngoài. Ngoài ra, nó còn được dùng như bài thuốc điều kinh, hạ sốt, đôi khi chữa lao có ho ra máu, thấp khớp, sốt rét, giải độc rượu.
Liều dùng: 2 – 6g/ngày.
Chú ý: Khi sắc thuốc gần xong nước còn đang sôi mới cho thảo dược vào vì sắc lâu dược liệu sẽ giảm tác dụng.
4. Bài thuốc kinh nghiệm từ vị thuốc
4.1. Chữa bụng đầy, ngực đau
Bạch đậu khấu 5g, Hậu phác 6g, Quảng mộc hương 3g, Cam thảo 3g. Sắc uống.
4.2. Chữa nôn mửa khi thai nghén
Bạch đậu khấu 3g, Trúc như 9g, Đại táo 3 quả, Gừng tươi 3g.
Gừng tươi giã nát ép lấy nước. Các vị thuốc còn lại dùng nước sắc còn độ 50 – 60ml, lọc uống với nước Gừng.
4.3. Chữa lợm giọng, buồn nôn
Nhấm hạt Bạch đậu khấu, nuốt nước.
4.4. Chữa trẻ em hay trớ sữa
Bạch đậu khấu 14 nhân, Sa nhân 14 nhân, Sinh cam thảo 6g, Chích cam thảo 6g. Tán thành bột mịn, xát vào miệng trẻ.
4.5. Giải độc rượu khi say rượu không tỉnh
Bạch đậu khấu 5g, Cam thảo 5g, sắc nước uống.
Bạch đậu khấu có nhiều công dụng hiệu quả trong việc cầm nôn, trị đầy bụng, giúp tiêu hóa. Để dược liệu mang đến hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe, quý độc giả nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội
- Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập I. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội