Bí đỏ: Thành phần dinh dưỡng và lợi ích đối với sức khỏe
Nội dung bài viết
Bí đỏ là một loại thực phẩm rất có lợi cho cơ thể. Hãy cùng Youmed tìm hiểu những công dụng nổi bật mà bí đỏ mang lại cho sức khỏe nhé!
1. Tìm hiểu về bí đỏ
1.1. Nguồn gốc
Bí đỏ hay bí ngô (phương ngữ Nam bộ gọi là bí rợ) là một loại cây dây thuộc chi Cucurbita, họ Bầu bí (Cucurbitaceae).
Nguồn gốc của bí ngô chưa được xác định tuy nhiên nhiều người cho rằng bí đỏ có nguồn gốc ở Bắc Mỹ. Bằng chứng cổ nhất là các hạt bí đỏ có trong niên đại từ năm 7000 đến 5500 trước Công nguyên đã được tìm thấy ở Mexico. Đây là loại quả lớn nhất trên thế giới.
1.2. Phân loại
Những loại bí đỏ được ưa chuộng trên thị trường hiện nay bao gồm:
- Bí đỏ hạt đậu hay còn gọi bí hồ lô, là loại bí nhỏ, trọng lượng trung bình 0,8 – 1,2 kg/quả nhưng ruột rất đặc, ít hạt, màu vàng cam, ăn bở và ngọt. Hơn nữa, bí đỏ hạt đậu thích hợp với nhiều loại thời tiết, có thể trồng nhiều vụ trong năm, vụ xuân thời gian sinh trưởng 100 – 110 ngày, vụ đông 75 – 80 ngày.
- Bí đỏ Nhật có màu xanh lục, đậm, dạng tròn, dẹt. Bí đỏ Nhật một loại quả dễ trồng nhưng lại có giá trị dinh dưỡng đặc biệt. Người Nhật Bản luôn coi nó là một trong những món ăn trường sinh bất lão.
- Bí ngô bao tử hay còn gọi là bí nụ, nụ bí non, nụ bí bao tử. Gọi là nụ bí bao tử bởi người ta thu hoạch bí ngô non từ lúc cuống vẫn còn chưa rụng hoa. Quả nhỏ chỉ bằng khoảng 2 đầu ngón tay. Đây cũng là loại thuộc họ bầu, bí, thuộc chi Cucurbita, dạng cây thân thảo. Khi phát triển thường bò trên mặt đất hoặc trên giàn leo, có nhiều tua cuốn và lớp lông trắng mỏng bên ngoài. Loại quả này được sử dụng rộng rãi trên khắp đất nước, dùng chế biến nhiều món ăn ngon.
1.3. Thành phần dinh dưỡng
Trong các loại quả chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, bí đỏ được xếp ở vị trí đầu tiên. Trong bí đỏ có chứa sắt, kali, photpho, nước, protein thực vật, gluxit,… các axit béo linoleic, cùng các vitamin C, vitamin B1, B2, B5, B6, PP, beta caroten (tiền chất của vitamin A).
Ăn bí đỏ rất tốt cho não bộ, làm tăng cường miễn dịch, giúp tim khỏe mạnh, mắt sáng, cho giấc ngủ ngon hơn và hỗ trợ cho việc chăm sóc da cũng như làm đẹp, giúp giảm cân…
Thông thường, trong một quả bí đỏ có chứa:
- 85 – 91% nước.
- Chất đạm 0,8 – 2 g.
- Chất béo 0,1 – 0,5 g.
- Chất bột đường 3,3 – 11 g.
- Năng lượng 85 -170 kJ/100 g.
2. Công dụng của bí đỏ
2.1. Phát triển não bộ
Bí đỏ chứa nhiều chất axit glutamine, chất cần thiết cho hoạt động não bộ. Đây là một chất có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp phản ứng chuyển hóa ở các tế bào thần kinh và não. Ngoài ra nó còn có tác dụng bồi bổ dây thần kinh.
Phụ nữ mang thai ăn bí đỏ sẽ rất tốt cho sự phát triển các tế bào não, tăng cường sức sống, sức khỏe của thai nhi. Chúng còn giúp tăng cường phòng ngừa, điều trị chứng tăng huyết áp, phù và các biến chứng khác khi mang thai.
2.2. Tốt cho tim mạch
Những chất physterol, axit béo omega 3, omega 6 có trong bí đỏ là những chất có tác dụng làm giảm lượng cholesterol xấu, ngăn ngừa bệnh tim mạch và huyết áp.
Các nghiên cứu cho thấy, hạt bí đỏ giàu những chất này hơn cả phần thịt của quả bí. Chính vì thế, chúng ta có thể sử dụng phần hạt của bí rang lên và sử dụng như một món ăn vặt, vừa ngon lại tốt cho sức khỏe.
2.3. Tốt cho mắt
Ngoài cà rốt giúp bổ mắt, tác dụng của bí đỏ cũng giúp bồi bổ, tốt cho thị lực của bạn. Nhờ vào thành phần beta carotene và lutein mà bí đỏ giúp mắt sáng và ngừa đục thủy tinh thể hiệu quả.
Thống kê cho thấy rằng, những người có lượng beta-carotene cao hơn sẽ có nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể thấp hơn. Bí đỏ rất giàu lutein và zeaxanthin, đây là hai hợp chất có liên quan đến nguy cơ thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể do vấn đề tuổi tác.
Hàm lượng lớn các vitamin C, E trong bí đỏ còn hoạt động như chất chống oxy hóa. Có thể giúp ngăn chặn các gốc tự do gây tổn hại cho các tế bào mắt.
2.4. Giúp làm đẹp da
Bí đỏ chứa hàm lượng vitamin C cao giúp chống lại các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, các đốm nâu…bảo vệ làn da bạn chống lại các tác hại của ánh nắng mặt trời và ngăn ngừa tình trạng mất nước, khô da.
Nhiều nghiên cứu cho thấy các caroten như beta-carotene có khả năng hoạt động giống như một loại kem chống nắng tự nhiên. Sau khi ăn hàm lượng carotenoids sẽ được vận chuyển tới các cơ quan khác nhau bao gồm cả da. Tại đây, chúng sẽ thực hiện chức năng giúp bảo vệ các tế bào da chống lại các tia UV có hại.
2.5. Tác dụng giảm cân
Bí đỏ là một thực phẩm giàu chất xơ, chứa hàm lượng calo và chất béo thấp. Chính vì vậy, bí đỏ chính là một thực phẩm lí tưởng cho những người muốn giảm cân hay những người thừa cân, béo phì.
2.6. Tăng cường hệ miễn dịch
Hàm lượng cao vitamin C có trong bí đỏ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp hệ thống miễn dịch trở nên khỏe mạnh. Với hệ miễn dịch khỏe mạnh, cơ thể của chúng ta sẽ chống lại được các vi khuẩn, vi rút có hại.
3. Cách dùng bí đỏ
Bí đỏ có thể sử dụng được hầu hết các bộ phận của cây từ bông, quả đến hạt bí. Phần thịt quả bạn có thể chế biến thành các món canh, hầm, cháo,… trong bữa ăn hằng ngày hay làm sữa bí đỏ để bồi bổ cho những người mới ốm dậy, trẻ thiếu dinh dưỡng.
Hạt bí rửa sạch, đem phơi khô, sau đó rang vàng là bạn đã có được một món ăn chơi vừa ngon lành lại tốt cho sức khỏe. Trong y học dân gian, hạt bí cũng được sử dụng kèm với thuốc xổ để diệt giun sán. Cách dùng như sau:
- Mỗi lần dùng khoảng 50g hạt bí rang (kể cả vỏ)
- Nhịn ăn sáng
- Bỏ vỏ, ăn hạt vào sáng sớm
- Một giờ sau uống thuốc xổ
- Nên dùng vài ba lần cho hết hẳn trứng ký sinh trùng
4. Lưu ý khi sử dụng bí đỏ
Mặc dù bí đỏ tốt cho cơ thể, nhưng không phải ai cũng ăn được nó. Dưới đây là một số điều bạn cần chú ý khi sử dụng bí đỏ:
Ăn bí đỏ liên tục
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn không nên ăn bí đỏ quá 2 bữa/tuần. Nguyên do là trong bí đỏ chứa rất nhiều tiền chất của vitamin A, nếu bạn ăn nhiều, chất này không kịp tiêu hoá, sẽ dự trữ ở gan và dưới da. Do đó, sẽ khiến cho chóp mũi, lòng bàn tay, bàn chân dễ bị vàng.
Ăn bí đỏ khi bị rối loạn tiêu hóa
Một lưu ý nữa cho bạn đó là người bị rối loạn tiêu hóa hạn chế ăn bí đỏ vì hàm lượng chất xơ trong bí đỏ quá cao, không tốt cho tình trạng bệnh.
Ăn bí đỏ đã già và để lâu
Bí đỏ chứa hàm lượng đường cao, hơn nữa, nếu lưu trữ trong thời gian dài dễ khiến bên trong bí đỏ xảy ra quá trình hô hấp kỵ khí – lên men, và biến chất, vì vậy khi ăn sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe.
Qua bài viết trên, YouMed đã cung cấp cho bạn một số thông tin về lợi ích, công dụng và một số điều lưu ý khi sử dụng bí đỏ. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến sức khỏe, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết nhé!