Bồ hoàng: Vị thuốc trị chảy máu, đau bụng kinh
Nội dung bài viết
Bồ hoàng là phấn hoa của cây Cỏ nến, được y học cổ truyền dùng để cầm máu và điều trị các chứng huyết ứ, đau bụng kinh. Hãy cùng tìm hiểu cách thu hái, chế biến và sử dụng dược liệu trong bài viết dưới đây.
1. Giới thiệu cây Cỏ nến và vị thuốc Bồ hoàng
Cỏ nến là một thứ cỏ cao 1,5 – 3 mét, lá dài và hẹp, quả nhỏ hình thoi. Cụm hoa của nó giống cây nến nên có tên gọi Cỏ nến. Ngoài ra, nó còn có các tên như Bồ thảo, Hương bồ thảo.
Cỏ nến mọc hoang ở các vùng đầm lầy miền bắc nước ta như Sapa, Hà Nội… Vào tháng 4 – 6, cắt lấy phần trên của bông hoa (phần hoa đực), phơi khô. Giã hay giũ lấy phấn hoa, rây qua rây, sau đó phơi lần nữa được vị thuốc Bồ hoàng.
2. Thành phần hóa học và tác dụng qua các nghiên cứu trong hiện đại
Trong dược liệu có các chất như isoramnetin, xitosterin, palmatic acid… Ngoài ra còn có tinh dầu và chất béo.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Bồ hoàng dùng dạng nước sắc hay đắp tại chỗ có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu. Thuốc đốt thành than có tác dụng mạnh hơn.
Dược liệu này có có tác dụng tăng lượng máu của động mạch vành (nuôi tim), tăng lực co bóp của tim, tăng lưu thông máu, giúp hạ cholesterol máu rõ rệt. Nhờ đó, nó có thể phòng và trị xơ vữa động mạch.
Trên mô hình chuột bị đái tháo đường tuýp 2, vị thuốc có tác dụng tăng độ nhạy cảm với insulin và không gây tăng cân. Nghiên cứu khác tiến hành trên tế bào mỡ cũng xác nhận điều này.
Trên mô hình chuột chấn thương tủy sống, dịch chiết Bồ hoàng cho thấy tác dụng bảo vệ thần kinh, giúp phục hồi thần kinh, cải thiện chức năng vận động.
Dịch chiết này còn ức chế chức năng của các tế bào miễn dịch, làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể khi có chất lạ xâm nhập. Vì vậy có tiềm năng trong điều trị các bệnh lý miễn dịch.
Các thí nghiệm khác còn cho thấy Bồ hoàng tác động lên tử cung làm tử cung co bóp tốt hơn, tăng nhu động ruột, kháng viêm…
Các nghiên cứu nhỏ tại các bệnh viện ở Trung Quốc cho thấy các dạng bào chế của dược liệu (bột, sắc nước) có thể trị tử cung sau sinh co kém, trị bệnh mạch vành, mỡ máu cao, tăng huyết áp, chàm, viêm đại tràng mạn.
3. Công dụng theo y học cổ truyền
Theo các tài liệu, dược liệu có vị ngọt, tính ấm, không độc, quy kinh can, tỳ, tâm bào.
Bồ hoàng có tác dụng hoạt huyết, điều trị các tình trạng huyết ứ gây đau bụng, đau ngực, đau bụng kinh; điều kinh, cầm băng huyết, thông tiểu tiện. Nó còn có tác dụng chỉ huyết (ngưng chảy máu), điều trị tình trạng chảy máu ngoài da do chấn thương, nôn ra máu, ho ra máu, tiểu máu…
>> Trị chảy máy cũng là công dụng của nhiều dược liệu thân thuộc khác. Đọc thêm: Bạch cập: Vị thuốc quý cầm máu hiệu quả
Theo tài liệu cổ, Bồ hoàng phá huyết (trị huyết ứ) thì dùng sống, cầm máu thì sao đen. Dùng sống chữa kinh nguyệt không thông, đau ngực, đau bụng, tiểu tiện khó khăn. Dùng sao đen chữa xuất huyết, chảy máu cam, tiểu máu…
Tài liệu ngày nay cho thấy để có tác dụng cầm máu, không nhất thiết phải sao đen.
4. Liều dùng và cách dùng
Liều dùng: 3 – 20g, bọc lại lúc cho vào thang thuốc, bôi đắp ngoài tùy theo yêu cầu.
Kiêng kỵ: phụ nữ có thai không dùng.
5. Một số bài thuốc
5.1. Đơn thuốc điều trị cầm máu
Bồ hoàng 5g, cao Ban long 4g, Cam thảo 2g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia thành 2 hay 3 lần, uống trong ngày.
5.2. Điều trị tai chảy mủ
Bồ hoàng tán nhỏ, rắc vào tai.
5.3. Điều trị nhiễm trùng tiểu thể huyết lâm
Ở thể bệnh này, người bệnh nhiễm trùng tiểu có triệu chứng tiểu khó, tiểu đau, nóng rát đường tiểu, tiểu máu, kèm sốt.
Bài thuốc Tiểu kế ẩm: Sinh địa 40g, Tiểu kế 20g, Hoạt thạch 12g, Mộc thông 12g, Bồ hoàng sao 20g, Đạm trúc diệp 12g, Ngẫu tiết 30g, Đương quy 20g, Chi tử 12g, Trắc bá diệp 20g.
5.4. Điều trị bế kinh, đau bụng kinh
Có thể dùng các bài thuốc:
- Bài thuốc Thất tiêu tán: Bồ hoàng, Ngũ linh chi lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 4 – 6g, ngày 2 lần, uống với rượu ấm.
- Bài thuốc Bồ hoàng hắc thần tán: Bồ hoàng 10g, Hương phụ 6g, Bào khương thán 3g, Đậu đen 15g, sắc uống.
- Bồ hoàng 15g, Đơn sâm 30g, Ngũ linh chi 15g, sắc nước uống.
5.5. Trị xuất huyết do nhiệt
Có thể dùng các bài thuốc sau:
- Bài thuốc Bồ hoàng thang: Bồ hoàng thán (Bồ hoàng sao đen) 10g, nước và rượu mỗi thứ một nửa, sắc uống. Trị ho ra máu, chảy máu cam, tiểu máu, xuất huyết tử cung.
- Bồ hoàng thán, Ngó sen thán, mỗi thứ 15g, sắc uống. Trị xuất huyết tử cung cơ năng (nếu người bệnh yếu gia Hoàng kỳ 30g, Đảng sâm 25g).
- Bài thuốc Bồ hoàng tán: Bồ hoàng 10g, Đông quỳ tử 10g, Sinh địa 15g, sắc uống, trị tiểu máu.
5.6. Cách dùng của Tuệ Tĩnh
Trong Nam dược thần hiệu, Đại Y sư Tuệ Tĩnh dùng dược liệu này để cầm máu trong các trường hợp như:
- Trị miệng mũi chảy máu: Bồ hoàng tán nhỏ, 2 lạng, mỗi lần uống 1, 2 đồng với rượu nóng vào lúc đói.
- Trị chảy máu cam: Bồ hoàng, Thanh đại, mỗi thứ 1 đồng, uống với nước.
- Trị trong người nóng, bứt rứt, khạc ra máu hoặc đờm lẫn máu: Bồ hoàng sống, lá Sen khô, 2 vị lượng bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 2 – 3 đồng, sắc với nước vỏ trắng rễ Dâu, uống sau ăn.
- Trị trẻ con tiểu máu: Bồ hoàng, tán bột, mỗi lần uống 2 đồng, uống với nước nấu củ Sinh địa.
Bồ hoàng là vị thuốc điều trị huyết ứ (gây đau các vị trí trên cơ thể hoặc bầm tụ máu) hoặc xuất huyết (chảy máu ngoài da, nôn ra máu, chảy máu mũi, tiểu máu…). Ngoài ra, vị thuốc còn có tiềm năng trong điều trị các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, kháng viêm, ức chế miễn dịch…
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Nguyễn Thị Bay (2007). Bệnh học và điều trị Nội khoa kết hợp đông – tây y. NXB Y học, Hà Nội
- Trần Văn Kỳ (2005). Dược học cổ truyền toàn tập. NXB Y học, Tp. Hồ Chí Minh
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội
- Nguyễn Bá Tĩnh (2010). Tuệ Tĩnh toàn tập. NXB Y học, Hà Nội
- Feng X-T, Chen Q, et al, (2014), "Pollen Typhae total flavone improves insulin resistance in high-fat diet and low-dose streptozotocin-induced type 2 diabetic rats", Bioscience, Biotechnology, and Biochemistry, volume 78 (10), pp.1738-1742
- He Y-M, Wang W-J, et al, (2006), "Effects of Pollen Typhae total flavone on glucose and lipid metabolism in 3T3-L1 adipocytes", Journal of Chinese integrative medicine, volume 4 (6), pp.593-595
- Qin F, Sun H-X, (2005), "Immunosuppressive activity of Pollen Typhae ethanol extract on the immune responses in mice", Journal of Ethnopharmacology, volume 102 (3), pp.424-429
- Wang W, Guo Z, et al, (2015), "Effect of pollen typhae on inhibiting autophagy in spinal cord injury of rats and its mechanisms", International journal of clinical and experimental pathology, volume 8 (3), pp.2375-2383