YouMed

Cắn ngược là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Cắn ngược là tình trạng sai lệch khớp cắn gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng. Trong những trường hợp cắn ngược nặng có thể gây tình trạng má hóp, với kiểu khuôn mặt được gọi là “bulldog face”. Không chỉ ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài, đây còn là một trong những tình trạng “nghiêm trọng nhất” có thể xảy ra ở hàm, răng và mặt. Khớp cắn ngược được gọi là “khớp cắn xấu” vì nó có thể gây hại không chỉ cho sức khỏe răng miệng mà còn cho sức khỏe tổng thể. Cắn ngược có thể gây ra nhiều biến chứng răng miệng nghiêm trọng. Do đó quan trọng nhất là cần điều trị tình trạng này càng sớm càng tốt. Việc thăm khám và lựa chọn điều trị phù hợp cần được thảo luận kĩ cùng bác sĩ nha khoa.

1. Cắn ngược là gì?

Cắn ngược là tình trạng sai lệch khớp cắn thường xuất hiện trong sai khớp hạng III. Người có khớp cắn ngược có hàm dưới đưa ra trước. Các răng cửa hàm dưới ở trước các răng cửa hàm trên. Trong một khớp cắn bình thường, các răng cửa hàm trên phải hơi chồng lên các răng dưới. 

cắn ngược

Cắn ngược khiến cấu trúc khuôn mặt thay đổi. Cằm nhô ra trước nhiều hơn. Thông thường người ta gọi tình trạng này là “móm”.

cắn ngược
Khớp cắn ngược (trái) so với khớp cắn bình thường (phải)

2. Phân loại 

Có hai dạng cắn ngược gồm:

  • Do răng 

Cắn ngược do răng hình thành do nguyên nhân răng mọc lệch lạc. Tình trạng này thường gây ra bởi cắn chéo. Cắn chéo xảy ra khi một số răng dưới nằm ngoài răng trên khi hai hàm đóng lại.

Cắn chéo thường xuất hiện ở răng trước hơn răng sau. Cắn chéo răng trước xảy ra khi một vài răng hơi nghiêng ra trước một chút. Nhưng toàn bộ hàm dưới không đưa ra trước ( chìa ra ngoài ).

  • Do xương

Cắn ngược do xương hình thành do sự bất thường của xương hàm. Loại sai khớp cắn này thường có tính chất di truyền (xuất hiện khi mới sinh). Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây ra cắn ngược có thể là do dị dạng hàm (do xương), lệch lạc răng (do răng ) hoặc cả hai.

3. Nguyên nhân gây ra cắn ngược

Nguyên nhân chính gây ra cắn ngược bao gồm:

  • Di truyền (nguyên nhân chính)
  • Đẩy lưỡi
  • Mút ngón tay cái khi còn nhỏ
  • Ngậm núm vú giả khi còn nhỏ (ngậm thường xuyên và lâu hơn bình thường)
  • Bú bình trong thời gian dài (trẻ sơ sinh)
  • Chấn thương mặt và hàm
  • Khối u xương hàm

3.1 Yếu tố di truyền

Di truyền là yếu tố có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và sự phát triển xương hàm cũng như sự sắp xếp răng. Trẻ có thể di truyền các đặc điểm như: hàm dưới dài, hàm trên ngắn hay răng lệch lạc. Điều này có thể dẫn đến tình trạng cắn ngược ngay từ khi còn nhỏ.

Các tình trạng di truyền khác có thể gây ra cắn ngược, chẳng hạn như:
  • Hội chứng Treacher Collins
  • Ung thư biểu mô tế bào đáy nevoid
  • To đầu chi
  • Hội chứng Binder nghiêm trọng
  • Geroderma osteodysplastica
  • Hội chứng Rabson-Mendenhall

3.2 Thói quen thời thơ ấu

Một số thói quen trong thời thơ ấu có thể làm tăng cơ hội phát triển khớp cắn ngược sau này ở trẻ như:

  • Mút ngón tay cái
  • Sử dụng núm vú giả sau 3 tuổi
  • Cho trẻ bú bình kéo dài
  • Đẩy lưỡi

3.3 Chấn thương vật lý

Xương hàm bị gãy kèm theo việc lành thương không đúng có thể dẫn đến tình trạng cắn ngược. Ngay cả khi gãy hàm đã được phẫu thuật; nếu việc phục hồi không thành công cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

3.4 Khối u

Một khối u ung thư hoặc lành tính, bao gồm cả những khối u do ung thư biểu mô tế bào đáy nevoid, có thể khiến hàm nhô ra.

3.5 Sứt môi hoặc vòm miệng

Những người sinh ra với một khe hở môi hoặc vòm miệng thường phát triển tình trạng cắn ngược.

4. Cắn chìa so với cắn ngược

Cắn chìa xảy ra khi các răng cửa trên chìa ra ngoài quá mức so với các răng cửa dưới. Đây là tình trạng ngược lại so với cắn ngược. Thường gặp trong sai khớp cắn hạng II. Tuy dạng sai lệch là phổ biến nhưng ít hơn so với sai khớp cắn loại I (tình trạng các răng chen chúc).

5. Các biến chứng của tình trạng cắn ngược không được điều trị

Tình trạng cắn ngược nếu không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề về hàm và răng miệng theo thời gian. Thậm chí làm đau dữ dội. Các biến chứng thường gặp của cắn ngược không được điều trị bao gồm:

  • Tăng nguy cơ sâu răng

Cắn ngược làm tăng nguy cơ tổn thương men răng do mức độ nghiêm trọng của tình trạng lệch lạc. Lệch lạc răng làm tăng khả năng gây nghiến khiến men răng bị mòn đi. Bên cạnh đó, khả năng vệ sinh răng miệng cũng giảm. Do đó sâu răng có nhiều khả năng phát triển hơn.

  • Ngưng thở khi ngủ, thở bằng miệng và tăng ngáy

Việc cắn ngược không được điều chỉnh có thể dẫn đến rối loạn ngưng thở khi ngủ, thở bằng miệng và ngáy nhiều. Sự tắc nghẽn ở đường thở trên trong khi ngủ gây ra rối loạn, dẫn đến việc quá trình thở liên tục ngưng và tiếp tục trong ngủ.

Tình trạng này phổ biến ở cắn sâu hơn cắn ngược. Tuy nhiên, chúng có thể xảy ra ở cắn hở nếu nguyên nhân gây ra cắn hở là do hàm trên nhỏ bất thường và đường thở hẹp.

  • Rối loạn thái dương hàm (TMD)

Nếu không được điều trị, cắn ngược có thể dẫn đến rối loạn cơ và khớp thái dương hàm (TMJD). Rối loạn thái dương hàm dẫn đến rối loạn chức năng cơ khớp liên quan đến hoạt động của hệ thống nhai và gây cảm giác đau. Những người bị rối loạn TMJ trải qua các loại đau khác nhau. Chẳng hạn như đau đầu, đau tai và khó chịu khi mở hoặc đóng hàm.

 rối loạn khớp thái dương hàm thường không rõ ràng
Cắn ngược gây rối loạn thái dương hàm có thể gây đau đớn

Các biến chứng khác của cắn ngược không được điều trị bao gồm:

  • Khó khăn khi nói (nói ngọng và nói lắp), nhai thức ăn và nuốt.
  • Tăng nguy cơ phát triển bệnh nướu răng.
  • Cấu trúc miệng và nụ cười thay đổi.
  • Răng không đều hoặc khấp khểnh.
  • Hôi miệng, ngay cả sau khi đánh răng hoặc súc miệng bằng nước súc miệng.
  • Sức khỏe tinh thần kém và tự ti.
  • Tăng nhu cầu phẫu thuật hàm xâm lấn.

6. Điều trị cắn ngược

Cắn ngược thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mặc dù, tình trạng lệch lạc thường được giải quyết sau khi răng vĩnh viễn mọc hoàn chỉnh. Nếu bạn lo lắng rằng con mình có thể bị cắn ngược thực sự, hãy đưa trẻ đến khám nha sĩ để biết việc điều trị có cần thiết hay không.

Điều trị cho tình trạng cắn ngược phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của sự lệch lạc:

  • Cắn ngược ở trẻ sơ sinh so với trẻ em và người lớn

Nếu một đứa trẻ sinh ra với tình trạng cắn ngược nặng, một thiết bị điều chỉnh tăng trưởng sẽ giúp định vị chính xác hàm của trẻ ngay từ sớm. Một số sai lệch hình thành do dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như sứt môi và hở hàm ếch. Trong trường hợp này điều trị càng sớm càng tốt, càng ít có khả năng phải phẫu thuật sau này.

Nếu tình trạng không quá nghiêm trọng hoặc không xuất hiện khi sinh, các bác sĩ chỉnh nha khuyên bạn nên đợi cho đến khi trẻ đủ bảy tuổi để tìm cách điều trị. Khoảng độ tuổi này, răng sữa rụng và răng vĩnh viễn bắt đầu mọc.

Nếu khớp cắn không được khắc phục trong thời thơ ấu, rất có thể các bệnh lý răng miệng khác và các vấn đề về hàm sẽ phát triển khi đến tuổi trưởng thành.

Người lớn vẫn có thể điều trị nhưng các lựa chọn bị hạn chế vì hàm và răng đã phát triển đầy đủ. Tùy thuộc vào từng bệnh nhân, việc phẫu thuật thường là cần thiết ở giai đoạn đã trưởng thành.

Các lựa chọn điều trị phổ biến bao gồm:

  • Nhổ răng

Nhổ răng sữa là một lựa chọn điều trị phổ biến cho trẻ sơ sinh và trẻ em. Nhổ răng sớm để tạo chỗ cho răng vĩnh viễn mọc thẳng hàng. Các bác sĩ chỉnh nha cố gắng tránh nhổ răng vĩnh viễn của người lớn. Nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể cần điều trị để răng có đủ khoảng trống di chuyển.

  • Niềng răng

Niềng răng thường là lựa chọn điều trị tốt nhất cho trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và một số người lớn. Niềng răng giúp đạt được cả thẩm mỹ và chức năng, không chỉ giúp chỉnh sửa nụ cười của mà còn giúp điều chỉnh lại răng hàm cho bạn. Thời gian niềng răng kéo dài từ 18 tháng đến ba năm.

Xem thêm Niềng răng – Tìm hiểu về phương pháp chỉnh nha phổ biến hiện nay

chỉnh nha

  • Phục hồi

Trong trường hợp mức độ cắn ngược nhẹ và nguyên nhân do răng, phương pháp điều trị tái tạo lại hình dạng và vị trí phù hợp để tạo lại khớp cắn tốt hơn cho bệnh nhân được áp dụng. Các răng cửa hàm dưới sẽ được phục hồi lại ở vị trí mới bằng phục hình phù hợp.

  • Phẫu thuật

Phẫu thuật hàm (phẫu thuật chỉnh hình) là một lựa chọn điều trị có thể được yêu cầu đối với tình trạng cắn ngược ở những bệnh nhân lớn tuổi hơn hoặc những trường hợp bị cắn ngược nặng. Thông thường, phẫu thuật hàm hô móm được áp dụng kết hợp với điều trị chỉnh nha. Phẫu thuật hàm có thể sắp xếp lại vị trí của hàm trên và hàm dưới của bạn và tạo ra các kiểu khớp cắn thích hợp trong những trường hợp hô vẩu nghiêm trọng. Mỗi phẫu thuật là khác nhau và phù hợp với từng bệnh nhân. Thời gian hồi phục thông thường cho ca phẫu thuật hàm hô từ 10-12 tuần.

7.Câu hỏi thường gặp

  • Độ tuổi tốt nhất để điều trị cắn ngược là bao nhiêu?

Câu trả lời ngắn gọn là: càng sớm càng tốt. Ngay sau khi bạn nhận bất thường phát triển răng miệng ở trẻ, hãy tham khảo ý kiến ​​nha sĩ. Sự can thiệp sớm này có thể ngăn chặn nhu cầu chỉnh nha hoặc phẫu thuật. Nếu không, phương pháp điều trị truyền thống hiệu quả nhất trong độ tuổi từ 5-10.

  • Có thể điều trị tình trạng cắn ngược ngay cả khi tôi đã trưởng thành không?

Không bao giờ là quá muộn để điều trị tình trạng này. Việc điều trị có thể đảo ngược nhiều biến chứng đau đớn và tự ti về vẻ ngoài trong cuộc sống. Điều trị ở người lớn đã được chứng minh là thành công trong nhiều trường hợp.

Như đã nói ở trên, cắn ngược là sai lệch khớp cắn nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, sức khỏe toàn thân; thậm chí còn khiến bạn cảm thấy tự ti, mặc cảm vì ngoại hình. Việc điều trị tình trạng cắn ngược là vô cùng cần thiết. Tốt nhất trẻ nên được điều trị càng sớm càng tốt. Tuy nhiên không bao giờ là quá trễ để khắc phục tình trạng này. Việc điều trị ở người lớn tuy phức tạp và khó khăn hơn nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn cải thiện được cuộc sống rất nhiều. Hãy đến nha sĩ thăm khám ngay để được tư vấn và hiểu rõ về tình trạng; cũng như lựa chọn điều trị phù hợp cho tình trạng cắn ngược của bạn.

Bác sĩ Trương Mỹ Linh

 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

1/ Alyssa Hill, “TYPES OF UNDERBITES: CAUSES, RISK FACTORS & TREATMENT OPTIONS’. đăng nhập ngày 20-10-2020 tại website https://www.newmouth.com

2/ Mark Burhenne, DDS , “Underbite: Causes, How to Fix, Symptoms, in Children”, đăng nhập ngày 02-10-2020 tại website https://askthedentist.com

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người