Cát sâm: Thực hư vị thuốc được quý như sâm
Nội dung bài viết
Cát sâm là một thảo dược được trồng ở khu vực miền núi nước ta. Thảo dược này có nhiều công dụng như thanh nhiệt, nhuận phế. Trong dân gian dùng nhiều trong chữa ho, các bệnh viêm phế quản… phòng và chữa suy nhược cơ thể nên vị thuốc được quý như sâm. Theo Y học hiện đại, vị thuốc này có nhiều hoạt tính như kháng viêm, kháng khuẩn chống oxy hóa, chống suy nhược cơ thể. Chúng ta cùng tìm hiểu thêm dưới đây.
1. Mô tả dược liệu
- Cát sâm còn có tên gọi khác là Sâm nam, Sâm chuột, Ngưu đại lực, Sơn liên ngâu, Đại lực thự. Về tên gọi Cát sâm, cát là sắn. Vị thuốc giống củ sắn lại có tác dụng bổ do đó có tên Cát sâm.
- Tên khoa học của cây là Millettia speciosa Champ. Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
- Cát sâm là một loại cây nhỡ, có những cành mọc tựa, có rễ củ mẫm, vị hơi ngọt, mát. Lá kép lông chim lẻ, có lá kèn. Lá chét mọc đối. Lá non và cành non có phủ lông mềm màu xanh xám. Hoa dài 10 – 25mm, đài hình ống, miệng loa rộng, cánh hoa màu đỏ hay hơi tím. Nhị 10. Vòi hình sợi. Quả dẹt trong chứa 1 – 10 hạt hình thấu kính, rốn rộng và ngắn. Ra hoa vào tháng 6 – 8, kết quả vào tháng 9 – 12.
Đặc điểm sinh trưởng, thu hái
- Cát sâm mọc hoang tại những vùng đồi núi của nhiều tỉnh miền Bắc nước ta (Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình).
- Một số nơi trồng để lấy củ làm thuốc. Rễ củ đào ở những cây đã trồng được hơn một năm, vào thu đông, rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Không chế biến gì khác, hoặc tẩm nước gừng hoặc nước mật rồi sao vàng.
Bộ phận dùng
- Rễ củ.
2. Thành phần hoá học
- Rễ chứa nhiều loại flavonoid, và cấu trúc đã được xác định là bao gồm flemiphilippinin C và D.
- Rễ cũng chứa 5,7,3′,4′-tetrahydroxy-hydroxy-6,8-bis isopentenyl isoflavone (5,7,3′,4′-tetrahydroxy-6,8-diprenylisoflavone), Flemingia prime (Flemichin) D, lupeol (lupeol), β-sitosterol (β-sitosterol) và axit n-alkanoic với 22 – 30 nguyên tử cacbon. Còn chứa alkaloid, oleanane-type triterpene saponin, phenolic glycosides và các polysaccharide trong đó có một polysaccharide mới (MSCP2) được chiết xuất từ rễ với nhiều tác dụng sinh học quan trọng như hiệu quả trong điều hòa miễn dịch (hoạt hóa macrophage chống các tác nhân, tế bào ung thư…).
>> Xem thêm: Hoàng đằng: Kháng sinh thần kỳ từ thảo dược
3. Tác dụng dược lý
Nhiều nghiên cứu cho thấy dịch chiết xuất từ rễ cây cát sâm có các tác dụng sau:
- Tác dụng kháng viêm.
- Tác dụng kháng virus.
- Tác dụng kháng khuẩn.
- Tác dụng chống oxy hóa: các hợp chất Flavonoid.
- Tác dụng chống mệt mỏi: Các nghiên cứu cho thấy Cát sâm là một thực phẩm bổ sung có tác dụng chống suy nhược, mệt mỏi an toàn. Tuy nhiên cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn về cơ chế hiệu quả này để làm sáng tỏ tác dụng này.
Tóm lại, các tác dụng kháng viêm, kháng virus, kháng khuẩn, chống mệt mỏi cần được nghiên cứu thêm về hiệu quả, cũng như tính an toàn của vị thuốc này.
4. Công dụng, liều dùng
Theo Y học cổ truyền
Rễ củ có vị cam, tính bình. Quy kinh phế, thận, tỳ.
Công dụng
- Bổ phế nhuận phế, mạnh cân hoạt lạc (làm mạnh gân cơ xương cốt, giảm đau lưng).
- Theo “Biên soạn Quốc gia về Y học Thảo dược Trung Quốc” dùng điều trị đau thắt lưng do lao lực, phong thấp phạm quan tiết (đau nặng mỏi các khớp), phế nhiệt (Viêm phế quản), phế hư khái thấu (ho do phế hư), viêm phế quản mạn tính, viêm gan mạn, di tinh, bạch đới. Một số vùng sử dụng như là vị thuốc trừ thấp trong các bệnh lao phổi, viêm khớp dạng thấp, đau thắt lưng và gút.
- Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi, Cát sâm được xem là một vị thuốc bổ, mát. Thường dùng trong những trường hợp suy nhược, ho, sốt khát nước, nhức đầu, tiểu tiện khó khăn.
- Chữa cơ thể suy nhược, kém ăn, ho nhiều đờm (tẩm gừng sao vàng ), nhức đầu, ho khan, khát nước, sốt về chiều, bí tiểu tiện (tẩm mật sao).
Liều dùng
- Thường dùng 30 – 60g (theo “Biên soạn Quốc gia về Y học Thảo dược Trung Quốc”).
- Ngày dùng 15 – 30g có thể tới 40g, dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột (theo Viện dược liệu).
>> Tham khảo bài viết: Suy nhược thần kinh: Nguy cơ dẫn đến trầm cảm
5. Bài thuốc kinh nghiệm
Thuốc bổ dùng cho những người yếu, ho, sốt khát nước:
- Chuẩn bị: Cát sâm 12g, Mạch môn 12g, Thiên môn 8g, Vỏ rễ dâu 8g.
- Chế biến và sử dụng: cho tất cả vào 400ml nước, đun sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
Thuốc chữa sốt, khát nước:
- Chuẩn bị: Cát sâm 12g, Cát căn 12g, Cam thảo 4g, nước 400ml.
- Chế biến và sư dụng: Đun lên sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc chữa suy nhược cơ thể:
- Chuẩn bị: Lá đinh lăng phơi khô 20g, Rễ đinh lăng 15g đã sao vàng, Cát sâm 10g, Sinh địa 8g.
- Bào chế và sử dụng: Cho thuốc vào ấm sắc cùng 0.5 lít nước, đun cô cạn cho đến khi chỉ còn khoảng 150ml nước thuốc. Mỗi lần uống ⅓ bát thuốc, uống thành 3 lần dùng hết trong một ngày, kiên trì dùng đều đặn trong khoảng 10 ngày đến nửa tháng để thấy hiệu quả.
6. Kiêng kỵ
- Những người không phải âm hư, phổi ráo thì không nên dùng.
Cát sâm là vị thuốc hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể khá tốt. Vị thuốc với tính bổ, mát thường kết hợp thêm các vị có tính tương tự hỗ trợ rất tốt trong các chứng sốt, khát, mệt mỏi. Tuy nhiên trên đây là tài liệu tham khảo, quý độc giả không nên tuỳ ý sử dụng để tránh tác dụng không mong muốn. Quý độc giả nên được tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học.
- Huang, Z., Zeng, Y. J., Chen, X., Luo, S. Y., Pu, L., Li, F. Z., ... & Lou, W. Y. (2020). A novel polysaccharide from the roots of Millettia Speciosa Champ: preparation, structural characterization and immunomodulatory activity. International Journal of Biological Macromolecules, 145, 547-557.
- Zhao, X. N., Wang, X. F., Liao, J. B., Guo, H. Z., Yu, X. D., Liang, J. L., ... & Zeng, H. F. (2015). Antifatigue effect of Millettiae speciosae Champ (Leguminosae) extract in mice. Tropical Journal of Pharmaceutical Research, 14(3), 479-485.
- Ding, P., Qiu, J. Y., Ying, G., & Dai, L. (2014). Chemical constituents of Millettia speciosa. Chinese Herbal Medicines, 6(4), 332-334.
- Jinfeng, J., Xinjun, W., Xiaojing, W., & Zhi, Y. (2016). Analysis of factors influencing moxibustion efficacy by affecting heat-activated transient receptor potential vanilloid channels. Journal of Traditional Chinese Medicine, 36(2), 255-260.