YouMed

Chân bầu: Vị thuốc trị giun, sán

Bác sĩ LÊ NGỌC BẢO
Tác giả: Bác sĩ Lê Ngọc Bảo
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền

Cây Trâm bầu hay Chân bầu là cây thuốc dân gian thường dùng để trị giun sán cho người và gia súc. Mời quý độc giả tìm hiểu về cây thuốc này, cách sử dụng trong trị giun, cũng như các tác dụng của nó trong các nghiên cứu khoa học qua bài viết sau.

1. Giới thiệu cây thuốc

Chân bầu còn có nhiều tên gọi khác như Chưn bầu, Chưng bầu, Tim bầu, Săng kê, Song re. Tên khoa học là Combretum quadrangulare Kurz., thuộc họ Bàng.

Cây nhỡ hay cây to, có thể cao đến 12m, vỏ màu xám. Cành non có 4 cạnh, mép có rìa mỏng, có lông màu trắng bạc.

Lá mọc đối, hình trứng dài, chóp tù hay hơi nhọn, gốc thuôn. Hai mặt lá đều có lông, nhất là ở mặt dưới. Cụm hoa mọc ở nách lá và đầu cành, gồm nhiều hoa nhỏ.

Quả có 4 cánh mỏng. Hạt hình thoi, có rìa. Mùa hoa quả vào tháng 9 – 11.

Chân bầu phân bố ở Thái Lan, Việt Nam, Myanma, Campuchia. Tại Việt Nam, cây này thấy ở Quảng Nam đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Côn Đảo và Phú Quốc. Cây mọc hoang rải rác khắp nơi vùng nước ngọt, nước mặn và đất phèn, thường được trồng lấy củi. Trâm bầu rất dễ trồng, không kén đất, nước ngập không chết, có nơi phát triển thành rừng.

Lá và quả cây Trâm bầu
Lá và quả cây Trâm bầu

2. Bộ phận dùng, thành phần hóa học, tác dụng

2.1. Bộ phận dùng

Dùng hạt, rễ, hoặc lá trong điều trị. Thu hái quả vào tháng 1 – 2, đem phơi khô, lấy hạt. Rễ, lá có thể thu hái quanh năm.

2.2. Thành phần hoá học

Trong hạt có tanin, dầu béo, acid béo, oxalat calcium, acid oxalic tự do,… Trong thành phần acid béo có acid palmitic (5,91%), acid linoleic (2,31%). Dầu Trâm bầu dùng trong công nghiệp xà phòng và tổng hợp các chất tẩy rửa. Ngoài ra có thể dùng để ăn nếu được tinh luyện kỹ ngay sau khi lấy dầu ra và loại bỏ độc tố.

2.3. Tác dụng

Hạt và rễ đều có tác dụng trị giun. Rễ chữa các vết thương và lá làm thuốc giảm đau, cầm tiêu chảy.

Người ta thấy dịch chiết toàn bộ hạt Trâm bầu có tác dụng diệt giun tốt hơn từng thành phần riêng rẽ, tác động lên giun đũa và giun kim.

3. Cách dùng hạt Chân bầu

3.1. Kinh nghiệm sử dụng

Hạt được dùng trị giun sán cho người và gia súc. Chất nhầy ở vỏ và canh non, rễ cũng có tác dụng trị giun, nhất là đối với giun đũa và giun kim.

Lương y Việt cúc dùng Trâm bầu trừ phong thấp, chữa sốt rét rừng và trị đau bụng. Lá sao sắc uống cầm tiêu chảy.

Ở Thái Lan, rễ được dùng trị giun và các vết thương, lá được dùng trị đau cơ.

3.2. Kinh nghiệm sử dụng hạt Chân bầu trong trị giun

Ðể trị giun đũa, giun kim, dùng hạt đem nướng rồi kẹp qua Chuối chín, nhai nuốt. Người lớn dùng 10 – 15 hạt (14 – 20g), trẻ em tuỳ tuổi 5 – 10 hạt (7 – 14g). Uống liền trong 3 ngày.

Hoặc dùng quả Trâm bầu phối hợp với lá Mơ tam thể, lượng bằng nhau, cắt nhỏ hai thứ trộn đều, thêm bột và nước làm bánh ăn vào sáng sớm lúc đói.

Người ta còn chết viên thuốc từ cao Trâm bầu, bột hạt Trâm bầu phối hợp với bột lá Muồng trâu để trị giun đũa.

Cây Trâm bầu được dùng để trị giun, sán
Cây Trâm bầu được dùng để trị giun, sán

4. Các nghiên cứu khoa học về hạt và lá cây Chân bầu

4.1. Nghiên cứu trên các chất chiết xuất từ hạt

Các chất chiết xuất từ hạt Trầm bầu có tác dụng kháng khuẩn. Tác dụng này thể hiện trên nhiều loại vi khuẩn gây các bệnh thường gặp như nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa, nhiễm trùng ngoài da. Người ta so sánh tác dụng của hạt Trâm bầu lưu giữ qua các năm với chiết xuất của nó. Nghiên cứu đưa đến gợi ý ta có thể dùng trực tiếp hạt để diệt khuẩn mà không cần tinh chế. Đồng thời hạt có thể được sử dụng trong vài năm nếu chúng được giữ trong điều kiện kín gió và khô ráo.

Bên cạnh đó, chiết xuất từ hạt Trâm bầu còn thể hiện tác dụng kháng các vi nấm gây bệnh. Gợi ý tiềm năng trong điều trị các nhiễm nấm cơ hội ở bệnh nhân nhiễm vi rút HIV hoặc bệnh nhân lao.

Chiết xuất từ hạt Trâm bầu thể hiện tác dụng bảo vệ gan trên nhiều mô hình chuột tổn thương gan thông qua các cơ chế kháng viêm, chống oxy hóa. Nó cũng ức chế các tế bào ung thư gan.

Nghiên cứu thấy Combretin là một alkaloid chiết xuất từ hạt Trâm bầu, có tác dụng chống dòng tế bào ung thư gan, ung thư đại tràng.

Trên mô hình chuột viêm da dị ứng, người ta thấy chiết xuất hạt Trâm bầu làm giảm các tổn thương bệnh lý trên da.

4.2. Nghiên cứu trên các chất chiết xuất từ lá

Chiết xuất từ lá Trâm bầu cũng thể hiện tác dụng chống ung thư, nó có tác dụng diệt các tế bào ung thư phổi, chống di căn. Qua đó hứa hẹn một loại thuốc mới trong điều trị ung thư phổi.

Tóm lại, hạt, lá, rễ Chân bầu chủ yếu được sử dụng để điều trị các ký sinh trùng đường ruột. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh tác dụng trị giun của nó. Ngoài ra còn cho thấy chiết xuất từ hạt và lá Trâm bầu có tác dụng kháng sinh, kháng nấm, chống ung thư, bảo vệ tế bào gan,… Tuy nhiên các nghiên cứu về Trâm bầu chưa nhiều, cần thận trọng khi sử dụng để tránh tác dụng không mong muốn.

Bác sĩ Lê Ngọc Bảo

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội
  • Võ Văn Chi (2012), Từ điển Cây thuốc Việt Nam tập 2, NXB Y học, Hà Nội.
  • Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung và cs (2004), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
  • Natachit, Khesorn, Dammrong Santiarvorn, and Banyong Khantawa (2006), “Antibacterial activity of the seeds of Combretum quadrangulare Kurz (Combretaceae).” CMU. Journal, vol 5(3), pp.333.
  • Adnyana I K, Tezuka Y, Banskota A H, Tran K Q, et al, (2000), “Hepatoportective Constituents of the Seeds of Combretum quadrangulare”, Biological & Pharmaceutical Bulletin, volume 23 (11), pp. 1328-1332.
  • Adnyana, I. Ketut, et al (2001), “1-O-galloyl-6-O-(4-hydroxy-3, 5-dimethoxy) benzoyl-β-D-glucose, a new hepatoprotective constituent from Combretum quadrangulare“, Planta medica, vol.67(04), pp.370-371.
  • Chittasupho C, Athikomkulchai S, (2018), “Nanoparticles of Combretum quadrangulare leaf extract induce cytotoxicity, apoptosis, cell cycle arrest and anti-migration in lung cancer cells”, Journal of Drug Delivery Science and Technology, volume 45 pp. 378-387
  • Nopsiri, Wimaluk, et al (2015), “Chemical constituents and antibacterial activity of volatile oils of Combretum latifolium Bl. and C. quadrangulare Kurz Leaves.” CMUJ Nat Sci 14, pp.245-256.
  • Adnyana I K, Tezuka Y, Banskota A H, Tran K Q, et al, (2001), “Three New Triterpenes from the Seeds of Combretum quadrangulare and Their Hepatoprotective Activity”, Journal of Natural Products, volume 64 (3), pp. 360-363.
  • Nantachit, Khesorn, et al (2017) “Three new polycyclic containing sulfur compounds from the seeds of Combretum quadrangulare kurz (Combretaceae), antifungal and anti-mycobacterium activities.” Chiang Mai Journal of Science, vol.44(1), pp.157-167.
  • Nantachit, Khesorn, and Somjing Roongjang (2016), “Anti-mycobacterium and Anti-cancer Activities of Combretin, an Isolated Steroidal Alkaloid from the Seeds of Combretum quadrangulare Kurz.” Journal of Pharmacy and Pharmacology, volume 4, pp.88-98.
  • Nantachit, Khesorn, et al (2015), “Antibacterial Activity of Extract and an Isolated Steroidal Alkaloid from the Seeds of Combretum quadrangulare Kurz.” Journal of Pharmacy and Pharmacology, vol.4, 261-267.
  • Park, Ju-Hyoung, et al (2020), “Combretum quadrangulare Extract Attenuates Atopic Dermatitis-Like Skin Lesions through Modulation of MAPK Signaling in BALB/c Mice.”, Molecules, vol.25(8), pp.2003
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người