YouMed

Cỏ Bạc đầu: Có thực sự giảm đau, chữa viêm xoang hiệu quả

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cỏ Bạc đầu không chỉ là loài cỏ mọc hoang ở nhiều nơi mà đây còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng giảm đau, trị viêm xoang… rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

1. Giới thiệu về Cỏ Bạc đầu

  • Tên gọi khác: Bạc đầu cánh, Cỏ đầu tròn, Thủy ngô công, Cói bạc đầu lá ngắn, Pó dều dều, Nhá boóc đon (tiếng Thái).
  • Tên khoa học: Kyllinga brevifolia Rottb.
  • Họ khoa học: Thuộc họ Cói (Cyperaceae)

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cỏ Bạc đầu là loài thực vật sống ở vùng nhiệt đới. Cây đươc tìm thấy phân bố tại Campuchia, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Myanmar, Srilanka, Australia và một số quốc gia tại châu Phi. Ở nước ta, cây mọc hoang ven đường, trong vườn,… từ Lào Cai, Cao Bằng và trải dài đến các tỉnh miền Nam như Lâm Đồng, TP HCM và An Giang.

Thu hái dược liệu quanh năm. Sau khi thu hoạch, đem cây rửa sạch đất cát rồi dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.

Mùa hoa quả từ tháng 2-5.

cỏ bạc đầu
Cỏ Bạc đầu là loài thực vật mọc hoang nhưng có nhiều tác dụng trị bệnh.

1.2. Mô tả toàn cây

Cỏ Bạc đầu thuộc cây thảo nhỏ. Thân rễ mảnh, mọc bò. Còn thân khí sinh cao từ 10-40 cm, mọc đơn độc thành từng bụi.

Lá mọc thành 2 dãy cách nhau, thường ngắn nhưng có khi bằng hoặc dài hơn thân. Phiến lá hình dải, đầu nhọn, gân song song, mặt dưới rất nhạt.

Hoa mọc thành cụm ở ngọn, có hình cầu, mỗi cụm chứa 1-3 bông hình trụ và đường kính của cụm hoa dao động từ 8-12 mm, mọc trên cán dài hình ba cạnh. Gồm nhiều hoa màu trắng, mang ba đến bốn lá bắc dài, nằm ngang. Mỗi bông nhỏ thường chứa một hoa, có vảy nhẵn ở trên, hơi nháp hoặc có lông tơ mịn ở dưới.  Nhị 3-2.

Quả bế có dạng bình bầu dục hoặc hình trái xoan ngược, dẹp. Có màu trắng vàng. Toàn cây có mùi thơm đặc trưng, nhất là phần rễ.

1.3. Bộ phận làm thuốc và bào chế

Toàn cây cỏ được sử dụng để làm thuốc. Trong cây chứa nhiều tinh dầu và một số hoạt chất khác,

Chế biến: Rửa sạch toàn bộ dược liệu đã được thu hoạch bằng nước, để loại bỏ lớp đất cát, bụi bẩn và tạp chất. Sau đó có thể sử dụng ngay ở dạng tươi. Nếu sử dụng ở dạng khô, cần thái cỏ thành từng đoạn nhỏ khoảng 3-4 cm rồi đem phơi khô để dùng dần.

Cỏ Bạc đầu có chứa tinh dầu, mùi thơm đặc trưng, nhất là ở rễ cây
Cỏ Bạc đầu có chứa tinh dầu, mùi thơm đặc trưng, nhất là ở rễ cây.

1.4. Bảo quản

Bảo quản dược liệu khô trong bao bì kín và cất trữ ở nơi thoáng mát. Đối với dược liệu tươi, nên sử dụng hết trong ngày.

Ngoài cỏ Bạc đầu, Hoắc hương cũng là dược liệu có công dụng trị bệnh cao: Hoắc hương: Hương thơm kỳ diệu từ thiên nhiên

2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

2.1. Thành phần hóa học

Toàn thân cỏ Bạc đầu có chứa 8,47% protein, 0,94% chất béo, 45% tinh bột.

Ngoài ra còn có Beta sitostenon, ergosterol peroxyd, beta-sitosterol, vitexin…

Toàn cây chứa mùi thơm đặc trưng và tinh dầu.

2.2. Tác dụng

Theo Y học hiện đại:

  • Kháng khuẩn: Vitexin có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, hạ huyết áp, chống viêm, giảm co thắt, và có hoạt tính chống ung thư.
  • Nước sắc toàn cây có tác dụng lợi tiểu, chống viêm.

Theo Y học cổ truyền:

  • Tính vị: Vị cay, tính bình, không độc
  • Tác dụng: chỉ thống (giảm đau), sát trùng, giải nhiệt, lợi tiểu, chỉ khái (giảm ho), tiêu thủng.
  • Chủ trị: chữa lở loét, sát trùng vết thương, mụn nhọt, trị tiêu chảy, ho, viêm sưng đau, vết bầm do té ngã hay tổn thương…

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Cỏ Bạc đầu chủ yếu được dùng ở dạng đắp ngoài, ngoài ra có thể sắc uống chữa bệnh.

Liều dùng: (Liều dùng có thể bị thay đổi tùy vào đối tượng, bệnh tình và mức độ bệnh lý)

  • Dạng sắc uống với liều 10-16g mỗi ngày. Chữa cảm mạo, phong hàn, ho 30-45g cây tươi, sắc nước uống.
  • Dùng ngoài, cây tươi giã nát, thêm ít muối vào đắp tại chỗ hoặc đun nước để rửa chỗ đau.
  • Còn làm thức ăn gia súc.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Trị ho gà, viêm phế quản

Cỏ Bạc đầu 30g. Sắc lấy nước và chia thành 2 lần uống trong ngày.

4.2. Hỗ trợ điều trị viêm xoang

Cỏ Bạc đầu 60g, đem sắc lấy nước và dùng khi thuốc còn ấm.

Hoặc Mẫu kinh, cỏ Bạc đầu, lá cây Dừa và rễ Bồ hòn mỗi vị 15g. Đem các vị sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

Hoặc Cỏ Bạc đầu và Tía tô mỗi thứ 1 nắm, dùng tất cả nguyên liệu tươi. Đem rửa sạch rồi đun với nước cho sôi rồi dùng xông mặt để giải cảm, trị ho và nghẹt mũi.

Cỏ Bạc đầu hỗ trợ điều trị viêm xoang hiệu quả trong dân gian
Cỏ Bạc đầu hỗ trợ điều trị viêm xoang hiệu quả trong dân gian.

4.3. Hỗ trợ trị dị ứng, côn trùng cắn, vết sưng đỏ

Lấy một nắm cỏ Bạc đầu. Làm sạch rồi đem giã nát. Đắp một lượng vừa đủ lên vùng da bị dị ứng hoặc bị côn trùng cắn/ đốt.

5. Kiêng kỵ

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú nên hạn chế dùng.
  • Nếu dùng ở dạng tươi có thể gây kích ứng miệng, đường tiêu hóa, cổ họng, đường tiết niệu hoặc gây dị ứng da, cần thận trọng.
  • Các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với cỏ bạc đầu không nên sử dụng.

Cỏ bạc đầu là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học

  2. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người