Khám phá công dụng của Thốt nốt đối với sức khỏe
Nội dung bài viết
Thốt nốt thường được biết đến với chế phẩn là đường thốt nốt. Ngoài ra, còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà vị thuốc này có thể lợi tiểu, thanh nhiệt…hiệu quả. Sau đây, hãy cùng YouMed hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
1. Thốt nốt là gì?
- Tên gọi khác: Thnot, Thốt lốt…
- Tên khoa học: Borassus flabellifer L.
- Họ khoa học: Họ Dừa (Palmaceae)
- Tên dược liệu: Cuống của cụm hoa, rễ, dịch cây – Pedunculus, Radix et Jus Borassi Flabellifris.
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Đặc điểm sinh trưởng:
- Thuộc cây cổ nhiệt đới điển hình, mọc tự nhiên và được trồng nhiều ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia,…
- Ở Việt Nam, được tìm thấy nhiều ở vùng Tây và Đông Nam Bộ như Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh…
- Sống lâu năm, tuổi thọ trung bình từ 20-30 năm, tối đa 100 năm, bắt đầu ra quả vào tuổi thứ 15. Tuy nhiên, khi một cây Thốt nốt đã thu hoạch nước thì sẽ không cho quả nữa.
- Ưa sáng, chịu được khô hạn và có thể sống trên nhiều loại đất.
- Cây thốt nốt không thích nghi với nơi có khí hậu mùa đông lạnh kéo dài nên không trồng được ở các tỉnh phía bắc. Thời gian đầu cây sẽ phát triển chậm sau đó sẽ phát triển nhanh hơn.
- Trong suốt vòng đời, một cây có thể cho tới 30 quả, thậm chí 50 quả, riêng cây đực không có quả, nhưng vẫn có hoa, nhưng sẽ teo đi nhanh chóng.
- Ra hoa hằng nằm, thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng hoặc gió. Hạt dễ nẩy mầm khi được tiếp xúc với đất ẩm.
Thu hái:
- Thời điểm thu hái: Quanh năm
- Cụm hoa: Cắt đoạn ngắn ở đầu hoa khoảng đốt ngón tay rồi buộc ống vào, để qua đêm sẽ thu được khoảng 1 lít dịch từ hoa chảy ra. Dịch này có vị ngọt thơm, chua nhẹ.
1.2. Mô tả toàn cây Thốt nốt
Thuộc thân gỗ, cao tới 30 m, hình trụ, nhẵn, mọc thẳng đứng, có nhiều ngấn vòng, do cuống lá rụng để lại.
Lá xòe rộng, hình quạt, mọc tập trung ở ngọn thân, có gai, dài 0,6-1,2 m, mép có gai nhỏ. Phiến lá cứng, dày, lục sẫm, xẻ chân vịt thành nhiều lá chét hẹp thuôn.
Cụm hoa khác gốc, kích thước to là những bông mo, mang hoa đơn tính. Mo rộng có cuống, hoa đực xếp trên, cuống chung hình trụ, có nhiều lá bắc xếp lợp nhỏ. Có 3 lá đài rời hình nêm, cánh hoa 3, rời, không đều, 6 nhị, có chỉ nhị ngắn. Bầu hình cầu 3 cạnh, có 3-6 ô. Kích thước hoa cái lớn hơn một chút nhưng hoa đực lại mang nhánh chứa nhiều hoa hơn.
Quả hạch gần hình cầu, vỏ ngoài màu nâu, có cạnh, chứa cùi trắng, hạt thuôn chia 3 thùy ở đầu. Vị thịt quả béo và bùi, cắn thấy mềm như thạch.
1.3. Bảo quản
Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.
2. Tác dụng của Thốt nốt
2.1. Thành phần hóa học
Theo nhiều tài liệu, Thốt nốt có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:
- Nhựa cây: Acid succinic.
- Quả: Polysacharit, chất Flabeliferin E có vị đắng.
- Nước từ phần hoa: Đường sacaroza 10-15%.
- Nhân hạch: Galactomannan.
- Vitamin B1, B2, B3, C,… khoáng chất (canxi, phospho, sắt, kali…) dồi dào.
2.2. Tác dụng Y học hiện đại
- Chống oxy hóa, bồi bổ sức khỏe: Nhờ chứa đa dạng các khoáng chất (gấp nhiều lần so với đường cát trắng), giàu vitamin giúp tăng sức đề kháng, giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.
- Lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc: Tăng cường bài tiết chất độc ra ngoài cơ thể.
- Thốt nốt tốt cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ: Là thực phẩm giàu chất sắt, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu ở phụ nữ có thai. Bên cạnh đỏ dùng với liều lượng đúng, dược liệu sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ, xương chắc khỏe hơn.
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Giàu chất xơ, kích thích enzyme tiêu hóa, giúp nhuận tràng, giảm đầy bụng, khó tiêu…
- Làm đẹp cho làn da: Tăng sức đề kháng cho da chống tác nhân bênh, hỗ trợ trị mụn…
2.3. Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị: Vị ngọt, tính bình
Tác dụng của thốt nốt: Thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, giảm đau, chống viêm, kiện Tỳ, nhuận trường, bồi bổ cơ thể, mạnh gân cốt, hạ sốt,…
- Cuống và cụm hoa: Chữa sốt, lợi tiểu, trừ giun…
- Nước chảy từ cụm hoa: Nhuận tràng, trị táo bón…
- Rễ: thông lợi tiểu tiện, uống từ 50-60g dưới dạng thuốc sắc.
- Dịch nhựa: Lợi tiểu, tiêu viêm.
3. Cách sử dụng Thốt nốt
Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Thốt nốt có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài, hoặc dùng dược liệu ăn sống hoặc sao với đường để làm mứt dùng dần, lên men rượu…
Bên cạnh công dụng trị bệnh, các bộ phận khác của loài này cũng có nhiều lợi ích trong cuộc sống như lá dùng lợp nhà, thân cây làm ghe thuyền, cột nhà…
Liều dùng:
- Rễ: 50-60/ ngày dưới dạng thuốc sắc.
- Dùng ngoài: Không kể liều lượng cố định.
4. Một số bài thuốc từ Thốt nốt
4.1. Lợi tiểu, hỗ trợ tiểu không thông lợi
Rễ Thốt nốt 50g, cắt khúc, rồi sắc uống 3 phần nước còn 1 phần, uống 1 lần/ ngày, liên tục trong 7 ngày.
4.2. Trị táo bón, nhuận tràng
Dùng nước lấy từ cụm hoa vào sáng sớm, nước thu được vừa có tác dụng giải khát vừa giúp hỗ trợ táo bón.
5. Thốt nốt trong ẩm thực
Đường Thốt nốt:
- Là phần dịch nước lấy từ cụm hoa qua đêm, cho vào chảo lớn rồi cô đặc lại bằng lửa vừa. Trong quá trình này phải đảo đều để không bị cháy, rồi cho vào khuôn dày 2 cm hoặc ống tròn, lấy lá Thốt nốt để gói lại. Tổng thời gian để một mẻ đường hoàn thành là khoảng 3-4 tiếng, cứ 4 lít dịch hoa sẽ làm được 1 kg đường.
- Có vị ngọt thơm đặc trưng, chứa hàm lượng đường gấp nhiều lần so với đường cát trắng.
Quả Thốt nốt:
Khi già có màu vàng thơm, cắn mềm như thạch, cho thứ bột dẻo trắng như nếp. Lấy bột này làm bánh ú, bánh tôm, nấu chè… đều rất ngon.
6. Kiêng kỵ
- Mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vị thuốc.
- Không dùng dược liệu có mùi lạ, ôi thiu, hay chua, bởi sẽ gây tiêu chảy, dị ứng, tăng cholesterol máu, nôn ói…
Thốt nốt không chỉ là món ăn quen thuộc, mà từ lâu đã được sử dụng trong dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học.
- Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II. NXB Khoa học và kĩ thuật.
- GS Phạm Hoàng Hộ. Cây cỏ Việt Nam. NXB Trẻ.