Diêm sinh (Lưu hoàng): Khoáng vật tự nhiên có tác dụng trị bệnh
Nội dung bài viết
Diêm sinh (Lưu hoàng) không chỉ là khoáng vật tự nhiên được khai thác dung trong các ngành công nghiệp mà đây còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
Giới thiệu về Diêm sinh
- Tên gọi khác: Hoàng nha, Lưu hoàng, Oải lưu hoàng, Thạch lưu hoàng…
- Tên khoa học: Sulfur.
- Phân biệt: Thạch lưu hoàng (lưu huỳnh) là chất thiên nhiên có chia ra năm màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Loại màu vàng óng ánh là quý. Còn một loại khác nữa là thổ lưu hoàng, cay, nóng, tanh hôi, chuyên dùng để sát trùng, chỉ có thể dùng bên ngoài chữa ghẻ lở, không được uống.
Nguồn gốc của khoáng vật
Diêm sinh (Lưu hoàng) là một nguyên tố hóa học có sẵn trong thiên nhiên hay do chế từ những hợp chất có Lưu hoàng trong thiên nhiên mà được. Tùy theo nguồn gốc và cách chế biến khác nhau:
- Có khi là một thứ bột màu vàng, không mùi.
- Khi là những cục to không đều, màu vàng tươi, hơi có mùi đặc biệt, không tan trong nước, trong rượu và ête, tan nhiều hơn trong dầu.
- Khi đốt lên cháy với ánh lửa xanh và tỏa ra mùi khét khó chịu, có thể dẫn đến khó thở.
Ngoài công dụng làm thuốc, Diêm sinh còn là một nguyên liệu rất cần thiết trong kỹ nghệ hóa học nói riêng và trong công nghệ nói chung.
Cách bào chế
Diêm sinh được bào chế từ Lưu huỳnh qua các bước sau:
- Sau khi khai thác, đầu tiên loại bỏ tạp chất, đập thành từng cục nhỏ hoặc tán thành bột. (Diêm sinh sống)
- Nếu muốn dùng bằng đường uống thì cần dùng Diêm sinh chế. Lấy Diêm sinh sống nấu chung với đậu hủ, cứ 100 kg Lưu hoàng thì nấu với 200 kg đậu hũ.
- Nấu đến khi đậu hũ chuyển sang màu đen lục thì lấy ra, rửa sạch.
- Bỏ đậu hũ đi, lấy một cái chậu để đựng nước, trên châu đặt cái rây, đổ nước Diêm sinh đã tan ở trong nồi vào rây, nước chảy xuống chậu thành những hạt nhỏ, gọi là ngư tử hoàng (như trứng cá).
- Đem rải đều ra phơi dưới bóng râm (phơi âm can), rồi đập vụn, bảo quản dùng dần.
Bảo quản
Bảo quản dược liệu Diêm sinh ở nơi khô thoáng, tránh độ ẩm cao và nhiệt độ quá nóng.
Ngoài Diêm sinh, Chu sa cũng là khoáng vật tự nhiên có tác dụng trị bệnh:
Xem thêm: Chu sa: loại khoáng vật làm thuốc an thần
Thành phần hóa học và tác dụng của Diêm sinh
Thành phần hóa học
- Thành phần hóa học chính của Diêm sinh là Sufur nguyên chất.
- Tùy theo nguồn gốc, cách chế tạo mà người bào chế có thể cho thêm các tạp chất khác như: Đất, Asen, Vôi, Sắt,…
- Ngoài ra còn có thể có một số hoạt chất như: tefllurium, selenium, sắt, arsenic…
Tác dụng Y học hiện đại
Kích thích hệ tiêu hóa: Sau khi uống Lưu huỳnh, trong ruột sẽ có một phần biến thành hydrogen sulfide (H2S) và arsenic sulfide (As4S4), các chất này kích thích lên thành ruột làm tăng nhu động và gây tiêu chảy nhẹ do chất sulfide trong cơ thể sản sinh rất chậm nên tác dụng gây tiêu chảy tùy thuộc vào lượng nhiều ít.
Giảm ho, giảm đàm: Trên các thí nghiệm súc vật cho thấy Diêm sinh còn có tác dụng trị viêm khớp do formaldehydum.
Sát trùng, ức chế vi khuẩn, ký sinh trùng: Trong phân tích Dược học hiện nay đã chứng minh lưu huỳnh sau khi tiếp xúc với da, trước tiên có thể trở thành hydrogen sulfide (H2S) và acid pentathionic (vitamin B5), sau đó hòa tan vào da có tác dụng tiêu diệt các ký sinh trùng trên da.
Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị:
- Tính ôn, vị chua (theo Bản kinh)
- Có độc, đại nhiệt (theo Danh y biệt lục)
- Chứa đại độc, vị ngọt (theo Dược tính bản thảo)
Quy kinh:
- Quy kinh Tâm, Thận, Đại tràng
- Nhập Mệnh môn kinh (theo Lôi công bào chế dược tính luận)
- Nhập túc quyết âm kinh (theo Bản thảo kinh sơ)
Tác dụng:
- Bổ thận hỏa, trợ dương, sát trùng, tráng dương, thông tiện, mạnh gân cốt,…
- Chữa đại tiện bị kết do hàn, bụng thích đắp nóng, đại tiện bí kết do hàn tà tích lại lâu ngày.
- Dùng bên ngoài có thể sát được các loại trùng độc của chứng ghẻ…
- Trị phong thấp.
- Sát trùng, chữa mụn nhọt, mẩn ngứa.
Cách dùng và liều dùng của Diêm sinh
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Diêm sinh được ứng dụng làm dược liệu trong cả Tây và Đông y. Thường được sử dụng dưới dạng thuốc viên hoặc tán bột.
Liều lượng: 2 – 3 g mỗi ngày.
Kiêng kỵ:
- Những trường hợp dị ứng với hoạt chất không nên sử dụng.
- Không được sử dụng trong thời gian dài và sử dụng quá liều vì có thể gây nhiễm độc theo thời gian và gây tử vong.
- Phụ nữ có thai, người âm hư hỏa vượng (gầy yếu, mệt mỏi, đổ mồ hôi trộm, nóng trong người, gò má đỏ, chóng mặt hoa mắt…) không được dùng.
- Nếu cần sử dụng phải dùng Lưu hoàng đã bào chế, không được sử dụng Lưu hoàng trong tự nhiên.
Một số bài thuốc kinh nghiệm từ Diêm sinh (Lưu hoàng)
Trị thận hư lạnh, nên bụng đau, chân lạnh, xương khớp đau, ăn ít, không có sức
Bài thuốc Lưu Hoàng Hoàn (Thái Bình Thánh Huệ Phương, Q.7.Vương Hoài Ẩn).
Bổ cốt chỉ 40 g, Đương quy (sao sơ) 40 g, Hà thủ ô 60 g, Hồi hương 40 g, Lưu hoàng 40 g, Mộc hương 40 g, Não sa 40 g, Ngô thù du (sao sơ) 40 g, Nhục đậu khấu (bỏ vỏ) 40 g, Quế tâm 40 g, Tất trừng già 40 g, Thạch Hộc (bỏ rễ) 40 g, Xạ hương 20 g. Tán bột. Trộn với rượu hồ làm hoàn, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 15 viên với rượu ấm.
Chữa người già bị táo bón lâu ngày, mạch máu bị cứng, khớp xương đau
Diêm sinh rửa sạch 100 g, Bán hạ 60 g tán nhỏ. Cả hai vị trộn đều, thêm mật làm thành viên nhỏ bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10-20 viên.
Thuốc bôi ngoài chữa mụn nhọt
Diêm sinh, Đại phong tử, Xà sàng tử, các vị bằng nhau, giã nhỏ, thêm dầu vừng mà bôi lên các mụn nhọt đã rửa sạch (kinh nghiệm nhân dân).
Hoặc Chữa mụn trứng cá đỏ: Diêm sinh 25 g, Kinh phấn 5 g, Phèn phi 5 g, rượu 50 độ 300 ml, lắc đều ngày bôi nhiều lần.
Diêm sinh (Lưu hoàng) là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y họchttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf
- Đông dược thiết yếu. Viện Nghiên Cứu Trung Y
- Thần Nông bản thảo kinh