YouMed

Đừng để chán ăn kiểm soát cơ thể và tâm trí bạn

bác sĩ đào thị thu hương
Tác giả: Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Chuyên khoa: Nội thần kinh

Thời đại ngày nay khiến nhiều người trong chúng ta bị ám ảnh với cân nặng. Với châm ngôn “gầy là auto đẹp” đã khiến không biết bao nhiêu người phải nhịn ăn nhịn uống. Điều đó cũng bình thường thôi, nếu điều đó giúp bạn tăng thêm tự tin và tốt cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên cái gì cũng có giới hạn của nó. Nếu bạn phải bận tâm suy nghĩ quá nhiều về vấn đề ăn uống bạn có thể mắc chứng rối loạn ăn uống. 

Chán ăn là cảm giác không muốn ăn và có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Trong bài viết này chúng tôi đề cập đến chán ăn tâm thần, nghĩa là chán ăn do nguyên nhân tâm thần.

1. Chán ăn tâm thần là gì?

Chán ăn tâm thần là một rối loạn ăn uống và có khả năng đe dọa tính mạng. Nó có thể dẫn đến sụt cân bệnh lý và gây ra nhiều biến chứng. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng, người bệnh có thể được phục hồi. Rối loạn này thường liên quan đến cảm xúc, hình ảnh cơ thể bị méo mó và nỗi sợ hãi đối với cân nặng.

Nó thường bắt đầu từ rất sớm ở tuổi niên thiếu hoặc trưởng thành sớm. Thậm chí là trước tuổi teen. Đây là bệnh mãn tính phổ biến thứ ba ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tại Mỹ, rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến khoảng 30 triệu người. Cả nam và nữ đều có thể mắc chứng chán ăn, nhưng ở phụ nữ rối loạn này cao gấp 10 lần. Cứ khoảng 100 nữ giới lại có 1 người chán ăn ở một thời điểm nào đó.

2. Chán ăn tâm thần có hai loại

Có hai loại chán ăn:

  • Hạn chế ăn: giảm cân bằng cách hạn chế lượng calo đưa vào. Họ tuân theo chế độ ăn kiêng rất chặt, thậm chí nhịn ăn kéo dài đồng thời tập thể dục rất nhiều.
  • Bỏ xả thức ăn đưa vào: trong cách này người bệnh có thể dùng tay móc họng để gây nôn. Hoặc dùng thuốc nhuận trường hay lợi tiểu để giảm cân.

Nỗi sợ hãi dữ dội việc tăng cân hoặc ghê tởm với vẻ bề ngoài, có thể khiến việc ăn uống trở nên rất căng thẳng. Những suy nghĩ về chế độ ăn kiêng, loại thức ăn có thể chiếm phần lớn thời gian trong ngày. Nó khiến bạn ít có thời gian cho bạn bè, gia đình và các hoạt động ưa thích khác. Cuộc sống trở thành một chuỗi ngày chạy theo sự giảm cân. Nhưng dù bạn có gầy đến thế nào, thì nó cũng không bao giờ đủ.

3. Tại sao bạn lại chán ăn?

Ngoài một số bệnh lý y khoa có thể gây chán ăn như suy giáp, suy tuyến thượng thận, lao, các bệnh lý ác tính… Trong chán ăn tâm thần, nguyên nhân thường là sự tương tác của di truyền và môi trường.

Người ta ví von rằng nếu di truyền là chiếc súng được nạp đạn. Thì các yếu tố trong môi trường là phát kéo cò gây ra rối loạn ăn uống. Một số ví dụ về các yếu tố môi trường góp phần xuất hiện chán ăn:

  • Những ảnh hưởng của văn hóa, xã hội ưa chuộng những người gầy.
  • Nghề nghiệp, công việc đòi hỏi gầy và phải giảm cân, chẳng hạn như múa ba lê, người mẫu.
  • Chấn thương gia đình và thời thơ ấu: lạm dụng tình dục thời thơ ấu, chấn thương nặng.
  • Áp lực ngang hàng giữa bạn bè và đồng nghiệp là những người gầy.

Mặc dù chưa có biết chính xác gen nào có liên quan đến chứng rối loạn ăn uống này. Nhưng chúng ta biết rằng luôn có vai trò của gen trong chán ăn tâm thần.

>> Xem thêm: Thức ăn có thể tác động lên sự hoạt động của não như thế nào?

4. Một người chán ăn có biểu hiện như thế nào?

Trong khi người chán ăn có những thói quen khác nhau, nhưng có một điểm chung là: họ luôn che đậy và phủ nhận.

Hành vi ăn uống:

  • Ăn kiêng mặc dù gầy – Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng. Chỉ ăn một số thực phẩm ít calo. Cấm các loại thực phẩm xấu khác như carbohydrate và chất béo.
  • Ám ảnh về lượng calo, gram chất béo và dinh dưỡng – Đọc nhãn thực phẩm, đo và cân các phần, ghi nhật ký thực phẩm, đọc sách ăn kiêng.
  • Giả vờ ăn hoặc nói dối về việc ăn: Trốn hoặc vứt bỏ thức ăn để tránh ăn.
  • Luôn kiếm cớ để ra khỏi bữa ăn. Ví dụ: “tôi ăn trưa no quá” hay “bụng tôi hơi khó chịu”.
  • Hay nghĩ về thực phẩm. Không ngừng suy nghĩ về thực phẩm. Nấu ăn cho người khác, đọc tạp chí nấu nướng, lên kế hoạch nấu ăn trong khi ăn rất ít.
  • Hành vi ăn uống kỳ lạ hoặc bí mật: Từ chối ăn cùng với mọi người hoặc ở những nơi công cộng. Ăn uống theo cách thức cứng nhắc. Ví dụ: cắt đồ ăn ra, nhai và nhổ thức ăn ra ngoài, sử dụng một đĩa chuyên biệt.

Hình ảnh cơ thể bên ngoài

  • Giảm cân đột ngột – Giảm cân nhanh chóng, quyết liệt không có nguyên nhân bệnh lý.
  • Cảm thấy béo, mặc dù thiếu cân. Bản thân tự cảm nhận thấy mình dư cân hoặc béo một vùng nào đó như bụng, hông hoặc đùi.
  • Ám ảnh về cân nặng, hình dạng cơ thể hoặc kích thước quần áo. Cân thường xuyên và quan tâm đến những dao động nhỏ trong cân nặng.
  • Chăm chút rất kĩ cho ngoại hình. Dành nhiều thời gian trước gương để kiểm tra sai sót. Luôn luôn thấy cơ thể có cái gì đó “xấu”. Cơ thể mình không bao giờ đủ gầy.
  • Không chấp nhận rằng bạn quá gầy. Bạn hay phủ nhận rằng trọng lượng cơ thể thấp của bạn là một vấn đề. Trong khi làm nhiều thứ để cố gắng che giấu nó. Như uống nhiều nước trước khi bị cân, mặc quần áo rộng thùng thình hoặc quá khổ.

Hành vi loại bỏ cân nặng

  • Sử dụng thuốc giảm cân, thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu. Dùng thuốc thảo dược để ức chế sự thèm ăn, thuốc để thải nước, thải phân để giảm cân.
  • Nôn sau khi ăn. Thường xuyên biến mất sau bữa ăn hoặc đi vệ sinh. Người bệnh có thể xả nước để che đậy âm thanh khi nôn.
  • Tập thể dục điên cuồng. Thực hiện theo chế độ tập luyện cường độ cao nhằm đốt cháy calo. Tập thể dục cả khi bị chấn thương, bệnh tật và thời tiết xấu. Tập nhiều hơn nữa sau khi ăn cái gì “đáng lẽ không nên ăn”.

5. Khi nào bạn được chẩn đoán chán ăn tâm thần

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ phiên bản thứ 5 (DSM – 5), các tiêu chuẩn chẩn đoán cho chứng chán ăn tâm thần bao gồm:

  • Hạn chế lượng năng lượng nhập vào liên quan đến các yêu cầu, dẫn đến trọng lượng cơ thể thấp theo tuổi giới tính, thể chất. Trọng lượng cơ thể thấp rõ ràng được xác định là cân nặng thấp hơn giới hạn dưới bình thường. Đối với trẻ em và thiếu niên là ít hơn sự kì vọng tối thiểu.
  • Nỗi sợ hãi lớn về việc tăng cân hoặc trở nên béo. Hoặc các hành vi ảnh hưởng cân nặng kéo dài mặc dù thiếu cân.
  • Rối loạn trong cách nhìn nhận trọng lượng hoặc hình dạng cơ thể, ảnh hưởng không đáng có của cân nặng hoặc hình dạng đến việc tự đánh giá hoặc không nhận ra mức độ thấp nghiêm trọng của trọng lượng hiện tại.

6. Chán ăn có thể để lại hậu quả gì?

Các biến chứng của chán ăn có thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan của cơ thể. Với nhiều mức độ từ nhẹ đến rất nặng.

  • Tim mạch: nhịp tim thấp, huyết áp thấp và tổn thương cơ tim, suy tim.
  • Huyết học: thiếu máu, giảm khả năng chống đỡ bệnh tật.
  • Tiêu hóa: giảm nhu động ruột đáng kể khi ăn quá ít, thiếu cân nghiêm trọng. Nhưng điều này sẽ giải quyết khi chế độ ăn cải thiện.
  • Thận: Thải quá nhiều nước tiểu có thể khiến cơ thể mất nước và làm tổn thương tế bào thận. Gây suy thận. Tuy nhiên thận sẽ được phục hồi nếu được bù nước đủ.
  • Nội tiết tố: Mức độ hóc – môn tăng trưởng thấp hơn có thể dẫn đến chậm tăng trưởng trong thời niên thiếu. Các chất này có thể tăng trưởng bình thường trở lại với một chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Gãy xương: Bệnh nhân xương chưa phát triển hoàn toàn có nguy cơ bị loãng xương cao hơn. Hoặc giảm mô xương hoặc mất khối lượng xương.

Ngoài những ảnh hưởng về thể chất do dinh dưỡng kém. Người bệnh có thể có nguy cơ tự tử cao hơn. Cứ 5 trường hợp tử vong liên quan đến rối loạn ăn uống lại có 1 ca tử vong do tự tử. Chẩn đoán và điều trị sớm làm giảm nguy cơ biến chứng.

7. Các bệnh đồng mắc

Chán ăn tâm thần thường có nhiều rối loạn tâm thần khác kèm theo. Có thể kể đến như:

8. Làm thế nào để điều trị chán ăn tâm thần?

Một trong những trở ngại lớn nhất trong việc điều trị chứng chán ăn là người bệnh cần nhận ra là họ cần được giúp đỡ. Nhiều người mắc chứng này không tin rằng họ có vấn đề. Điều đó có thể làm cho điều trị khó khăn.

Việc điều trị nên cần có sự kết hợp của bác sĩ tâm thần, tâm lý gia và chuyên gia dinh dưỡng. Cũng có thể đề nghị gia đình bạn tham gia trị liệu với bạn. Đối với nhiều người, chán ăn là một thách thức suốt đời.

Một kế hoạch toàn diện được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân.

Thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi (CBT)
Thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi (CBT)

Mục tiêu của điều trị

  • Khôi phục trọng lượng cơ thể về mức khỏe mạnh.
  • Điều trị các vấn đề cảm xúc, lo lắng, bao gồm lòng tự trọng thấp.
  • Giải quyết suy nghĩ lệch lạc.
  • Giúp bệnh nhân phát triển và duy trì các hành vi lành mạnh.

Phương pháp điều trị

1. Nhập viện

Có thể cần nhập viện nếu suy dinh dưỡng nặng, từ chối ăn liên tục hoặc cấp cứu tâm thần.

2. Thuốc

Không có thuốc đặc hiệu, nhưng có thể cần bổ sung dinh dưỡng. Hoặc để điều trị các rối loạn tâm thần kèm theo, như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc trầm cảm.

Một số loại thuốc để điều trị các rối loạn trên được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, các bệnh nhân chỉ có thể dùng chúng khi trọng lượng cơ thể của họ đạt ít nhất 95% so với chiều cao và tuổi.

3. Tư vấn dinh dưỡng

Nhằm mục đích giúp bệnh nhân lấy lại thói quen ăn uống lành mạnh. Giúp họ tìm hiểu về vai trò của chế độ ăn uống cân bằng trong việc duy trì sức khỏe tốt.

Lượng thức ăn sẽ được tăng dần để tăng cân an toàn.

4. Tâm lý trị liệu

Tư vấn bao gồm trị liệu nhận thức hành vi (CBT). Trong đó tập trung vào việc thay đổi cách suy nghĩ, tư duy của họ. Từ đó thay đổi các hành vi để lành mạnh và phù hợp hơn. CBT có thể giúp bệnh nhân thay đổi cách họ nghĩ về thực phẩm và trọng lượng cơ thể. Và phát triển những cách hiệu quả để đối phó với các tình huống căng thẳng hoặc khó khăn.

Điều trị chán ăn cần có thời gian và tái phát là có thể, đặc biệt trong thời gian gặp căng thẳng. Sư hỗ trợ từ gia đình và bạn bè là rất quan trọng để đạt được kết quả thành công và lâu dài. Khi các thành viên trong gia đình có thể hiểu được tình trạng và xác định các dấu hiệu của bệnh. Họ có thể hỗ trợ người bệnh thông qua quá trình phục hồi và giúp ngăn ngừa tái phát.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Anorexia Nervosahttps://www.helpguide.org/articles/eating-disorders/anorexia-nervosa.htm

    Ngày tham khảo: 09/05/2020

  2. Anorexia Nervosahttps://www.healthline.com/health/anorexia-nervosa

    Ngày tham khảo: 09/05/2020

  3. What is Anorexia: Symptoms, Complications and Causeshttps://www.eatingdisorderhope.com/information/anorexia

    Ngày tham khảo: 09/05/2020

  4. Anorexia nervosa: What you need to knowhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/267432#what-is-it

    Ngày tham khảo: 09/05/2020

  5. ANOREXIA NERVOSAhttps://www.nationaleatingdisorders.org/learn/by-eating-disorder/anorexia

    Ngày tham khảo: 09/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người