YouMed

Dùng kháng sinh khi mang thai có an toàn không?

Bác sĩ NGUYỄN QUANG HIẾU
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Khi có ý định mang thai, các cặp vợ chồng luôn chú ý tới chế độ dinh dưỡng, luyện tập để tăng cơ hội thụ thai và giúp trẻ có được sức khỏe tốt khi sinh ra. Một trong những vấn đề được nhiều cặp vợ chồng quan tâm là việc dùng kháng sinh khi mang thai có gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé hay không? Vậy bài viết này chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được các thắc mắc của các cặp bố mẹ tương lai.

1. Thuốc kháng sinh là gì?

Thuốc kháng sinh là các chế phẩm sinh học có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây các bệnh viêm nhiễm có hại cho sức khỏe con người.

Các đường dùng của thuốc kháng sinh:

Đối với các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn, các loại thuốc kháng sinh thường được dùng theo dạng tiêm vào tĩnh mạch hoặc cơ. Khi tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, các thuốc kháng sinh khác được dùng bổ sung ở dạng viên uống.

Người bệnh cần sử dụng thuốc kháng sinh cho tới khi vi khuẩn lây nhiễm bị loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể – tức là tuân thủ đúng thời gian quy định của bác sĩ.

Rất nhiều loại thuốc kháng sinh trên thị trường, tùy thuốc chủng vi khuẩn và tình trạng bệnh.
Rất nhiều loại thuốc kháng sinh trên thị trường, tùy thuốc chủng vi khuẩn và tình trạng bệnh

Nếu bác sĩ bắt buộc phải kê đơn dùng kháng sinh khi mang thai để điều trị thì các loại thuốc cụ thể phải được lựa chọn cẩn thận. Một số loại kháng sinh có thể an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên số khác lại chống chỉ định cho sản phụ.

2. Phân loại kháng sinh

Kháng sinh có nhiều loại. Các nhóm kháng sinh thường gặp là:

  • Nhóm β – lactam (gồm các kháng sinh penicillin, ampicillin, amoxicillin, cephalosporin,…).
  • Nhóm macrolid (gồm các kháng sinh erythromycin, clarithromycin, roxithromycin,…).
  • Nhóm lincosamid (gồm các kháng sinh lincomycin, clindamycin).
  • Nhóm tetracyclin (gồm các kháng sinh doxycylin, minocyclin,…).
  • Nhóm phenicol (gồm các kháng sinh chloramphenicol, thiamphenicol).
  • Nhóm aminoglycosid (gồm các kháng sinh streptomycin, kanamycin,…).
  • Nhóm quinolon (gồm các kháng sinh offloxacin, ciprofloxacin,…).

Phổ kháng khuẩn (sự nhạy cảm của các loại vi khuẩn đối với kháng sinh) của mỗi kháng sinh là khác nhau. Do đó tùy từng trường hợp nhiễm khuẩn bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng kháng sinh thích hợp.

3. Thuốc kháng sinh có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không?

  • Hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng việc uống thuốc kháng sinh gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy kháng sinh không gây ảnh hưởng tiêu cực tới các hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt, rụng trứng hoặc thụ thai nên nó không phải là nguyên nhân gây vô sinh.
  • Ngược lại, uống thuốc kháng sinh còn giúp phụ nữ dễ thụ thai nhờ khả năng điều trị tình trạng nhiễm trùng (yếu tố cản trở quá trình thụ thai). Liệu pháp kháng sinh giúp củng cố hệ thống sinh sản bị suy yếu do nhiễm khuẩn, từ đó nâng cao khả năng mang thai của phụ nữ.
  • Tuy nhiên, một vài loại thuốc kháng sinh như tetracycline, penicillin, erythromycin cũng có thể gây ảnh hưởng xấu tới tinh trùng và khả năng sản xuất tinh trùng của nam giới. Một số loại thuốc kháng sinh khác cũng có thể làm giảm chất lượng tinh dịch.
thuốc kháng sinh
Một số thuốc kháng sinh ảnh hưởng đến ribisome trong tinh trùng, gián tiếp ảnh hưởng khả năng thụ thai

Tuy vậy, chỉ cần tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc kháng sinh khi có ý định mang bầu, các cặp vợ chồng hoàn toàn không cần lo lắng tới nguy cơ vô sinh do thuốc kháng sinh.

4. Độ an toàn của dùng kháng sinh khi mang thai

  • Để biết mức độ an toàn của thuốc kháng sinh đối với thai nhi (kể cả trong trường hợp chưa thụ thai), cần dựa vào hệ thống phân loại của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) về nguy cơ sử dụng thuốc trong thai kỳ. Điều này cũng có nghĩa sự ảnh hưởng của thuốc kháng sinh đối với thai nhi không phải chỉ xét dựa trên việc đào thải của thuốc.
  • Năm 1979, FDA đã phát triển một hệ thống phân loại thuốc kháng sinh có liên quan đến nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi.
  • Cụ thể:

Loại A

  • Dữ liệu thu thập từ những phụ nữ mang thai cho thấy nhóm thuốc loại A không có nguy cơ gây hại cho thai nhi trong ba tháng đầu.
  • Ngoài ra, cũng không có bằng chứng chứng minh kháng sinh nhóm A đem đến rủi ro cho trẻ nếu tiêm kháng sinh khi mang thai trong 2 tam cá nguyệt tiếp theo.

>> Mang thai là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ và thú vị. Tìm hiểu ngay 10 câu hỏi mẹ bầu cần chuẩn bị khi đi khám thai!

Loại B

  • Các nghiên cứu sinh sản trên động vật không chứng minh được kháng sinh loại B có nguy cơ cho thai nhi. Tuy nhiên vẫn chưa có kết luận chính xác ở phụ nữ mang thai.
  • Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu sinh sản trên động vật đã cho thấy tác dụng phụ (ngoại trừ việc giảm khả năng sinh sản). Nhưng dữ liệu trên phụ nữ đã tiêm kháng sinh khi mang thai trong 6 tháng đầu chưa có bằng chứng xác nhận về nguy cơ cho thai nhi.

Loại C

  • Một số nghiên cứu trên động vật đã cho thấy tác dụng phụ đối với thai nhi (gây ra dị tật bất thường hoặc tử vong) và không có sẵn những dữ liệu thực tiễn ở phụ nữ mang thai.
  • Do đó, thuốc trong danh mục C chỉ nên được kê toa nếu lợi ích điều trị tiềm năng vượt xa nguy cơ tiềm ẩn.

Loại D

  • Có bằng chứng cho thấy kháng sinh loại D gây nguy cơ rủi ro đối với thai nhi ở người.
  • Tuy nhiên vẫn có một vài lợi ích từ việc sử dụng nhóm thuốc này. Chẳng hạn, có thể cân nhắc dùng kháng sinh khi mang thai nếu thai phụ đang bị đe dọa đến tính mạng, hoặc đối với một bệnh nghiêm trọng mà những thuốc an toàn hơn không thể sử dụng hoặc không có hiệu quả.

Loại X

  • Các nghiên cứu trên động vật và dữ liệu trên người đã chứng minh nguy cơ gây bất thường cho thai nhi.
  • Bởi vì rủi ro khi sử dụng thuốc loại X ở phụ nữ mang thai vượt xa bất kỳ lợi ích tiềm năng nào, do đó danh mục kháng sinh này không được sử dụng cho những phụ nữ đang hoặc nghi ngờ mang thai.

Nhìn chung, phần lớn thuốc kháng sinh chưa được nghiên cứu nhiều trong các thử nghiệm có kiểm soát trên người, do đó FDA đã phân loại thuốc kháng sinh an toàn cho thai phụ nằm trong nhóm A và B.

Kết luận dùng kháng sinh khi mang thai

Để đảm bảo sức khỏe của thai phụ và sự phát triển tốt nhất của thai nhi, khi đang dùng thuốc kháng sinh hoặc vừa ngừng thuốc và có kế hoạch mang thai, các cặp vợ chồng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chi tiết.

>> Bạn đang có kế hoạch mang thai? Nhấn ngay vào đây để biết bạn cần chuẩn bị những gì để có một thai kỳ khỏe mạnh nhé

kháng sinh khi mang thai
Bác sĩ điều trị luôn cân nhắc các trường hợp cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn cho thai phụ khi dùng thuốc

5. Trường hợp phải dùng kháng sinh khi mang thai

Dùng kháng sinh khi mang thai an toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau

Căn cứ quyết định điều trị bằng việc dùng kháng sinh khi mang thai

  • Nhìn chung, thai nhi rất dễ bị tổn hại do các bé chưa hoàn toàn trưởng thành. Các cơ quan và mô chỉ mới bắt đầu phát triển, đặc biệt là trong ba tháng đầu của thai kỳ. Trong khi một số loại thuốc có thể hoàn toàn vô hại cho thai nhi, những loại khác lại có khả năng gây ra những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
  • Dùng kháng sinh khi mang thai an toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
    • Loại kháng sinh
    • Thời điểm của thai kỳ
    • Liều lượng
    • Tác dụng phụ
    • Thời gian dùng kháng sinh.
  • Ngoài ra, quyết định lựa chọn điều trị bằng bất cứ một loại kháng sinh nào còn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Ví dụ: sinh vật mục tiêu cần tiêu diệt, khả năng kháng thuốc và nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai kỳ cũng như giai đoạn cho con bú. 

Bác sĩ sẽ giải thích về quyết định tiêm kháng sinh khi mang thai, cũng như kết hợp với các biện pháp khác để cân bằng các rủi ro và lợi ích của việc điều trị bằng kháng sinh.

Loại kháng sinh an toàn cho thai kỳ

  • Những loại thuốc tiêm kháng sinh khi mang thai thường được xem là an toàn bao gồm:
    • Penicillin, bao gồm amoxicillin và ampicillin
    • Cephalosporin, bao gồm cefaclor và cephalexin
    • Erythromycin

Loại kháng sinh nguy cơ cho thai kỳ

  • Một số loại kháng sinh khác được cho là gây ra rủi ro trong thai kỳ. Ví dụ, tetracycline có thể làm mất màu răng của em bé đang phát triển, do đó loại thuốc này không được khuyến cáo sử dụng sau tuần thai thứ 15. Một số báo cáo cho thấy Tetracillin có khả năng làm hư mầm răng ở trẻ em.
  • Một ví dụ khác là thuốc kháng sinh sulfa, kết hợp với kháng sinh trimethoprim có trong thuốc Septra hoặc Bactrim thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng tiết niệu hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. Mặc dù Septra không gây ra dị tật bất thường và an toàn nếu tiêm kháng sinh khi mang thai giai đoạn đầu, nhưng chúng có thể gây vàng da ở trẻ sơ sinh và thường không được sử dụng ở giai đoạn sau của thai kỳ.
  • Một số thuốc thuốc nhóm Quinoline như Ciprofloxacin được ghi nhận có một tỉ lệ 1-3% trẻ em bị loạn dưỡng xương sau sinh nếu giai đoạn 3 tháng đầu thai kì mẹ có dung kháng sinh.

>> Tìm hiểu ngay: Bổ sung sắt trong thai kỳ: Nên hay không nên?

6. Các chú ý khi dùng kháng sinh khi mang thai

Mặc dù thuốc kháng sinh mang lại hiệu quả chữa bệnh cao nhưng chỉ nên sử dụng kháng sinh khi thật sự cần thiết. Vì 2 lý do chính sau đây:

Tác dụng phụ có hại

Thuốc kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ có hại, chẳng hạn như triệu chứng khó chịu ở dạ dày, phản ứng dị ứng, dị tật bẩm sinh ở thai nhi hoặc thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra, trong quá trình chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng, thuốc kháng sinh đôi khi vô tình tiêu diệt một số vi khuẩn có lợi, cản trở khả năng phòng ngừa và chống lại bệnh tật của cơ thể.

Dùng kháng sinh khi mang thai làm kháng kháng sinh

Thuốc kháng sinh có thể trở nên kém hiệu quả theo thời gian. Việc lạm dụng kháng sinh thậm chí còn tạo điều kiện cho vi khuẩn rèn luyện khả năng chịu đựng và dần trở nên kháng lại điều trị. Kháng kháng sinh là một vấn đề nghiêm trọng được cả thế giới quan tâm. Thói quen dùng kháng sinh không đúng cách hoặc không cần thiết của con người theo thời gian đã khiến vi khuẩn kháng thuốc phát triển ngày càng nhiều, xuất hiện những căn bệnh ngày càng khó điều trị hơn.

Kháng kháng sinh là vấn đề nhức nhối trong điều trị. Kháng sinh nếu dùng phải dùng đúng liều và đúng thời gian để đảm bảo kết quả tốt nhất
Kháng kháng sinh là vấn đề nhức nhối trong điều trị. Kháng sinh nếu dùng phải dùng đúng liều và đúng thời gian để đảm bảo kết quả tốt nhất

Tóm lại, trong trường hợp dùng kháng sinh khi mang thai là cách tốt nhất để điều trị tình trạng sức khỏe của người mẹ, các bác sĩ sẽ kê toa loại kháng sinh với liều lượng an toàn tối đa. Nếu có thắc mắc hoặc lo lắng về việc sử dụng kháng sinh trong thai kỳ, sản phụ nên chủ động thảo luận với bác sĩ để yên tâm chữa bệnh hơn.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2760892/
  • https://www.healthline.com/health/pregnancy/amoxicillin-safety
  • https://medicalxpress.com/news/2018-02-antibiotics-pregnancy-linked-child-infection.html
  • https://www.nhs.uk/conditions/antibiotics/considerations/
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người