Hoa đu đủ đực – hoa của cây “bỏ đi” và sự thật tác dụng của nó
Nội dung bài viết
Đu đủ là loại cây thông dụng, trồng ăn trái. Do không tạo trái ăn được nên cây Đu đủ đực thường bị nhổ bỏ. Tuy vậy Hoa đu đủ đực lại được đồn thổi là có rất nhiều tác dụng trong trị ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, … Hãy cùng tìm hiểu về hoa Đu đủ đực và sự thật tác dụng của nó qua bài viết sau.
1. Giới thiệu về cây Đu đủ
Cây Đu đủ có tên khoa học Carica papaya, thuộc họ Đu đủ. Đây là cây thân thảo to, không hoặc ít khi có nhánh, cao từ 3–10 m. Vỏ mang rất nhiều sẹo của cuống lá.
Lá to hình chân vịt, cuống dài, đường kính 50–70 cm, có khoảng 7 khía. Hoa trắng hay xanh, đài nhỏ, vành to năm cánh. Hoa đực mọc ở kẽ lá thành chùy có cuống rất dài. Hoa cái có tràng dài hơn tràng của hoa đực, học thành chùy ở kẽ lá.
Quả đu đủ to tròn, dài, khi chín mềm, hạt màu nâu hoặc đen tùy từng loại giống, có nhiều hạt. Thị quả dày, ban đầu có màu xanh lục, sau ngả màu cam. Trong ruột quả có rất nhiều dạt đen to bằng hạt tiêu xung quanh có lớp nhầy.
2. Nơi phân bố và gieo trồng
Đu đủ là cây có nguồn gốc ở vùng đất nhiệt đới châu Mỹ. Nó có lẽ đã được người Tây Ban Nha đưa tới Philippines vào khoảng năm 1550. Từ đây nó được đưa vào khu vực nhiệt đới châu Á, châu Phi. Ngày nay, đu đủ được trồng ở phần lớn các nước nhiệt đới như Brasil, Ấn Độ, Nam Phi, Sri Lanka, Philippines, Việt Nam.
Thường trồng bằng hạt, có thể gieo rồi đánh cây con sang chỗ khác hoặc trồng ngay tại chỗ. Đào lỗ, mỗi lỗ gieo 3 – 4 hạt. Sau khi trồng được 8 – 10 tháng bắt đầu thu hoạch. Thu hoạc nhiều nhất từ năm thứ 3.
3. Công dụng của các thành phần từ Đu đủ
Đu đủ thường được ăn xanh như một loại rau (làm nộm và hầm) và ăn chín như một loại trái cây. Trong quả đu đủ có một enzyme gọi là papain, một loại protease có tác dụng làm mềm thịt và các chất protein khác, do đó đu đủ xanh thường được hầm chung với thịt giúp thịt nhanh mềm.
Cây Đu đủ cung cấp nhiều bộ phận làm thuốc: quả đu đủ xanh và chín, hạt đu đủ, hoa đu đủ, nhựa đu đủ, chất papain và cacpain.
4. Phân biệt cây Đu đủ đực và Đu đủ cái như thế nào?
Đu đủ là cây phân tính. Cây Đu đủ cái ra hoa rồi kết quả, trong khi cây đủ đủ đực thường không có.
Đu đủ cái thân cây thường to, gốc cây hơi nghiêng. Hoa mọc ở phần sát thân, to và không theo chùm. Đu đủ càng nhiều hoa thì tỷ lệ đậu trái càng cao. Hạt đu đủ cái có màu đậm đen hơn và mọng nước hơn. Còn đối với cây non, rễ của cây đu đủ cái là mọc theo dạng rễ chùm, to khỏe.
Ngược lại, Đu đủ đực có thân khá nhỏ so với cây đu đủ cái. Hoa đu đủ đực mọc ở phần kẽ lá, có nhánh dài, nhiều hoa và mọc theo chùm. Đu đủ đực cho rất nhiều hoa và thường ít quả, nếu có thì quả rất nhỏ hoặc ăn không ngon. Hạt ngâm nước thường sẽ nổi trên nước, có màu trắng nhạt, không có màu đen bóng giống như hạt đu đủ cái. Còn đối với cây non, rễ cây là loại rễ cọc, mọc sâu vào trong đất.
5. Thành phần hóa học của Hoa đu đủ đực
5.1. Thành phần vô cơ
Người ta thấy hoa Đu đủ đực chứa các nguyên tố đa lượng cũng như vi lượng: Kali (K), Natri (Na), Mangan (Mn), Magie (Mg), Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Đồng (Cu), Canxi (Ca), … với tỷ lệ khác nhau.
Trong đó, Kali là một chất dinh dưỡng thiết yếu, nó giúp chuyển hóa protein và carbohydrate. Natri rất cần thiết trong việc điều chỉnh áp suất thẩm thấu của cơ thể và hỗ trợ duy trì cân bằng toan kiềm và cân bằng nước trong cơ thể.
Sự thiếu hụt của Magie có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi hệ thống cơ quan của cơ thể con người. Hàm lượng canxi trong hoa cho giá trị 9,32 mg/g. Canxi cần thiết cho răng, xương và máu khỏe mạnh. Hàm lượng canxi trong hoa cho thấy khả năng sử dụng chúng để điều trị bệnh thiếu Canxi.
Kẽm và Sắt là chất dinh dưỡng vi lượng cho cơ thể sống. Kẽm cần cho sự chắc khỏe của móng và các quá trình chuyển hóa. Sắt cần cho tạo máu. Nó liên kết với hemoglobin trong cơ thể giúp chuyển oxy từ phổi đến các mô tế bào.
5.2. Thành phần hữu cơ
Người ta thấy trong hoa Đu đủ đực có axit folic trong hoa với nồng độ cao 510,34 mg / 100 g trọng lượng khô. Axit folic hay vitamin B9 là một vitamin thiết yếu, cần cho nhiều chuyển hóa của cơ thể.
Trong hoa còn có các hợp chất phenolic như axit caffeic, axit gentisic, axit m ‐coumaric, axit p ‐coumaric, axit salicylic và quercetin. Ngoài ra còn có alkaloid và saponin.
Các chiết xuất của Hoa đủ đủ có hoạt tính chống oxy hóa thông qua ức chế gốc tự do DPPH. Đồng thời nó cũng các tác dụng kháng khuẩn, chống lại hai vi khuẩn gây bệnh là Escherichia coli và Bacillus subtilis.
6. Hoa đu đủ đực có tác dụng gì?
Nhiều thành phần từ đu đủ như lá, cuống, thân, hoa được cho là có tác dụng chống ung thư. Ý kiến này dựa trên các nghiên cứu trên tế bào. Riêng về hoa Đu đủ đực, 1 nghiên cứu năm 2015 cho thấy chiết xuất etanol và của hoa đu đủ đực gây độc tế bào trên dòng tế bào MCF-7 (ung thư vú).
>> Xem thêm: Dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú mà chị em nên biết
Ngược lại, nghiên cứu của các tác giả ở Thành phố Hồ Chí Minh, phân tích tác dụng của hoa đu đủ đực thu hái tại Bình Định. Kết quả cho thấy chiết xuất hoa đu đủ đực không thể ức chế 4 dòng tế bào ung thư ở người, được dùng trong thử nghiệm. Chúng là MCF-7 (ung thư biểu mô vú), HeLa (ung thư cổ tử cung), Hep-G2 (ung thư biểu mô tế bào gan) và NCI-H460 (ung thư biểu mô phổi).
Các kết quả nghiên cứu trái ngược nhau thể hiện rằng tác dụng chống ung thư của nó chưa được chứng minh cụ thể.
7. Kinh nghiệm sử dụng Hoa đu đủ đực
Theo kinh nghiệm, hoa Đu đủ đực được dùng điều trị vàng da, ho, khản tiếng, viêm phế quản, viêm thanh quản và viêm khí quản.
Hoa đu đủ đực tươi hoặc khô, hấp với đường hoặc đường phèn. Uống chữa ho, viêm thanh quản, mất tiếng.
8. Lưu ý
- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ dưới 3 tuổi tuyệt đối không được sử dụng vì chiết xuất papain trong đu đủ gây sẩy thai trên động vật. Liều cao papain trong đu đủ có thể gây độc đến thai nhi.
- Người thể hàn hay bị lạnh bụng và tiêu chảy cũng không nên dùng.
Hoa đu đủ đực là một loại dược liệu dùng trị các bệnh đường hô hấp như ho, viêm thanh quản,… Mặc dù tác dụng chống ung thư, hạ huyết áp, điều trị đái tháo đường,… của nó vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên với hàm lượng các chất có lợi, các vitamin và khoáng chất của mình, hoa Đu đủ đực có thể sản xuất dạng trà uống bổ sung dinh dưỡng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học Hà Nội.
- Obafemi, C.(2015), “ATR-FTIR and HPLC Spectroscopic Studies and Evaluation of Mineral Content of Carica papaya leaves and flowers”, Journal of Phytomedicine, volume 1(1).
- Jindal, K.K. and singh, R.N. (1975), Phenolic Content in Male and Female Carica papaya: A Possible Physiological Marker for Sex Identification of Vegetative Seedlings. Physiologia Plantarum, 33: 104-107.
- Dwivedi, M.K., Sonter, S., Mishra, S. et al. Antioxidant, antibacterial activity, and phytochemical characterization of Carica papaya flowers. Beni-Suef Univ J Basic Appl Sci 9, 23 (2020)
- Nga, V.T., Trang, N.T.H., Tuyet, N.T.A., Phung, N.K.P., Duong, N.T.T. and Thu, N.T.H. (2020), Ethanol extract of male Carica papaya flowers demonstrated non‐toxic against MCF‐7, HEP‐G2, HELA, NCI‐H460 cancer cell lines. VJCH, 58: 86-91.
- Marline Nainggolan and Kasmirul. Cytotoxicity activity of male Carica papaya L. flowers on MCF-7 breast cancer cells. Journal of Chemical and Pharmaceutical Research, 2015, 7(5):772-775.
- Nguyen, T.T.T., Shaw, P.N., Parat, M.‐O. and Hewavitharana, A.K. (2013), Anticancer activity of Carica papaya: A review. Mol. Nutr. Food Res., 57: 153-164.