YouMed

Hói đầu là gì? Nguyên nhân nào gây ra nó?

Bác sĩ VÕ THỊ NGỌC HIỀN
Tác giả: Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền
Chuyên khoa: Da liễu

Hói đầu là tình trạng tóc rụng rất nhiều tạo thành những mảng da đầu trống trơn. Tình trạng hói đầu này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên nó gây tác động tiêu cực đối với cảm xúc và tâm lý của những người mắc phải. Nhiều người trong chúng ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân khiến cho hói đầu xảy ra là gì và có cách nào để ngăn chặn tiến triển của bệnh lý này hay không. Trong bài viết này, chuyên gia từ You Med sẽ giải đáp đến các bạn nguyên nhân khiến bệnh lý hói đầu xảy ra.

1. Chu kỳ phát triển của sợi tóc

hói đầu

Tóc cùng với móng là một trong những cấu trúc cứng nhất của cơ thể. Ở người, tóc có chức năng bảo vệ và có vai trò thẩm mỹ. Tóc đổi mới thường xuyên nên hàng ngày tóc cũ bị rụng đi và tóc mới sẽ mọc thay thế.

Số lượng tóc nhiều hay ít tùy thuộc vào di truyền của mỗi người. Một chu kì sống của sợi tóc trải qua 3 giai đoạn đó là tăng trưởng (anagen), ngừng phát triển (catagen) và thoái triển (telogen).

  • Giai đoạn tăng trưởng (anagen)

Đây là giai đoạn mọc nhanh của các sợi tóc. Tóc sẽ dài trung bình khoảng 1 – 2 centimet mỗi tháng, đồng nghĩa với 6 – 12 cm một năm. Vào mùa hè, tóc sẽ mọc và dài nhanh hơn so với mùa đông. Thời gian của giai đoạn này kéo dài trung bình 3 – 5 năm tùy người. Ở người châu Á, giai đoạn tăng trưởng kéo dài hơn có thể lên đến 7 năm. Phần lớn tóc trên đầu, khoảng 85 – 95 % ở trong giai đoạn tăng trưởng.

  • Giai đoạn ngừng phát triển (catagen)

Sợi tóc ở giai đoạn này không mọc dài ra nữa và nó kéo dài khoảng 1 – 2 tuần. Chỉ một số lượng ít tóc trên đầu, khoảng 1 – 2 % ở trong giai đoạn này.

  • Giai đoạn thoái triển (telogen)

Sợi tóc trong giai đoạn này sẽ dần bị đẩy ra và rụng khỏi da đầu. Sau khi rụng, nang tóc đó sẽ nghỉ ngơi khoảng 3 tháng rồi phát triển lại một chu kỳ mới của sợi tóc. Có khoảng 8 – 9 % sợi tóc trên đầu ở trong giai đoạn thoái triển.

2. Hormon ảnh hưởng đến phát triển nang tóc           

Chu kỳ phát triển của nang tóc phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Ngoài vấn đề dinh dưỡng, môi trường và các bệnh lý ở da đầu thì hormon là một yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển của nang tóc. Androgen là một hormon được cho là tác nhân chính điều hòa các nang tóc phát triển. Khi chúng ta bước vào độ tuổi dậy thì, nồng độ androgen sẽ tăng cao. Lúc này androgen sẽ có tác dụng biến lông tơ thành lông dài như lông mép hay lông nách. Ngoài ra androgen còn là nguyên nhân gây ra rụng tóc kiểu hói đầu phổ biến ở nam giới.

3. Các kiểu hói đầu

hói đầu

Như các bạn cũng đã biết, hói đầu xảy ra phổ biến ở đối tượng là nam giới. Khoảng hơn 50% nam giới trên 50 tuổi xuất hiện hói đầu (theo số liệu của Mỹ). Các kiểu rụng tóc dẫn đến hói đầu bao gồm:

  • Kiểu chữ M. Tóc rụng ở hai bên đỉnh trán, tiến vào trong tạo thành hình chữ M.
  • Kiểu chữ U. Tóc rụng cả phần trán tiến vào đỉnh đầu, tạo thành hình chữ U hay hình móng ngựa.
  • Kiểu chữ O. Tóc rụng ở đỉnh đầu tạo thành hình tròn như chữ O.

4. Nguyên nhân gây hói đầu

hói đầu

Một trong những nguyên nhân gây ra hói đầu đó là do di truyền. Những nghiên cứu tìm ra rằng hói đầu ở nam có liên quan đến một loại hormon có tên là androgen. Hormon androgen có rất nhiều chức năng giúp điều hòa hoạt động sinh lý của cơ thể bao gồm cả điều hòa phát triển nang tóc.

Mỗi sợi tóc sẽ có một chu kỳ phát triển. Ở đối tượng nam giới mắc bệnh lý hói, chu kỳ của nang tóc bị rút ngắn lại. Giai đoạn phát triển của sợi tóc bị ngắn hơn và khi tóc rụng đi không có tóc mới mọc thay thế.

Ngoài nguyên nhân chính liên quan đến di truyền và hormon thì hói đầu có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:

  • Thiếu máu. Dẫn đến không cung cấp đủ máu và chất dinh dưỡng cho cơ thể trong đó có tóc. Thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ làm cho tóc dễ gãy rụng hơn so với bình thường.
  • Bệnh lý tuyến giáp. Cả tình trạng cường giáp hoặc suy giáp đều có thể gây ra rụng tóc. Khi đó, điều trị bệnh lý tuyến giáp ổn sẽ giúp khắc phục tình trạng rụng tóc.
  • Bệnh lý viêm nhiễm. Nấm da đầu do vi nấm gây ra có thể gây tóc rụng thành từng mảng loang lỗ. Sau khi điều trị kháng nấm, tóc sẽ mọc phục hồi trở lại.
  • Buồng trứng đa nang. Đây là tình trạng có sự gia tăng hormone androgen và gây rụng tóc.
  • Căng thẳng bệnh lý. Telogen efluvium là tình trạng rụng tóc liên quan đến căng thẳng và cảm xúc. Điều này thường xảy ra ở những cá nhân mắc bệnh lý trầm cảm hay lo âu.

5. Ai có nguy cơ bị hói đầu

hói đầu

Hói đầu ở nam giới có thể bắt đầu ở độ tuổi thiếu niên, nhưng thường sẽ phổ biến ở độ tuổi trưởng thành. Điều đó có nghĩa là tần suất bị mắc bệnh tăng theo độ tuổi. Do yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong bệnh lý hói đầu nên ta nhận thấy rằng có sự liên hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Điều này có nghĩa là con cái có cha bị hói đầu thì sẽ có nguy cơ bị tình trạng này, đặc biệt là ở các bé trai. Cũng như trong gia đình họ hàng có thành viên bị hói đầu thì các thế hệ sau cũng có thể cũng bị hói đầu.

Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

baldness, https://www.healthline.com/health/male-pattern-baldness#risk-factors, accessed on 2020 Mar 31

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người