Mang thai tuần 14: Những điều mẹ cần biết
Nội dung bài viết
Xin chúc mừng bạn! Khi mang thai tuần 14 có nghĩa là bạn đã bắt đầu tam cá nguyệt thứ hai. Đây sẽ thời điểm bạn bắt đầu tràn trề năng lượng trở lại. Bởi vì tình trạng ốm nghén sẽ bớt dần khi vào 3 tháng giữa. Nếu bạn có ý định đi chơi, dã ngoại để thư giãn thì 3 tháng này sẽ là thời điểm tốt nhất cho bạn. Hãy tận hưởng khoảng thời gian này! Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam sẽ cung cấp thông tin về mang thai tuần 14. Cùng YouMed theo dõi nhé!
Cơ thể của mẹ thay đổi gì khi mang thai tuần 14?
Bởi vì bạn đã bắt đầu tam cá nguyệt thứ hai và hầu hết các mốc phát triển quan trọng của thai đã được hoàn thành. Vì thế khả năng sảy thai sẽ giảm đáng kể.
Ở 3 tháng giữa, bụng của bạn sẽ lớn nhanh. Vì thế, bạn có thể chuẩn bị cho mình những bộ đầm bầu theo ý thích. Nếu như bạn vẫn chưa muốn, để thoải mái hơn, bạn có thể sử dụng quần có dây chun mềm hoặc những loại ghim quần an toàn để mở rộng thắt lưng.
Trên thực tế, cơ thể của bạn đáp ứng với thai kỳ này phụ thuộc vào những lần mang thai trước. Nếu bạn đã từng mang thai nghĩa là cơ thể của bạn có xu hướng dễ thích nghi với em bé đang lớn. Vì thế tử cung sẽ lớn nhanh hơn, bụng cũng sẽ to nhanh hơn so với lần mang thai đầu tiên.
Ngoài ra, bạn có thể bắt đầu xuất hiện tàn nhang trên mặt.
Mặc dù đây là phản ứng của nội tiết tố trong quá trình mang thai. Bạn vẫn nên được kiểm tra bởi bác sỹ Sản khoa, đặc biệt nếu chúng có hình dạng hoặc màu sắc kỳ lạ.
Một số triệu chứng thông thường khác khi mang thai như:
- Sưng và chảy máu nướu.
- Đau đầu, chóng mặt.
- Cảm thấy cơ thể nóng bừng.
- Chảy máu cam.
- Đầy hơi, táo bón.
- Khó tiêu, ợ nóng.
- Đau ngực.
- Chuột rút ở chân.
- Tay và chân bị sưng, phù.
Điều gì đang xảy ra với em bé khi mang thai tuần 14?
Sự phát triển của thai
Em bé của bạn bây giờ dài hơn 10 cm và chỉ nặng chưa đến 0,05 kg.
Cánh tay của bé bắt đầu dài ra và trở nên cân đối hơn với phần còn lại của cơ thể.
Gan đang bắt đầu sản xuất mật, và lá lách bắt đầu sản xuất hồng cầu.
Cơ quan sinh dục của bé được hình thành trong tuần này. Nếu bé có con trai, tuyến tiền liệt lúc này đang phát triển. Nếu bé là con gái, buồng trứng sẽ di chuyển xuống bụng ở trong xương chậu.
Tuyến giáp hiện nay đang hoạt động. Vì thế bé bắt đầu sản xuất nội tiết tố trong tuần này.
Vòm miệng sẽ được hình thành hoàn toàn vào cuối tuần.
Lông tơ tiếp tục mọc trên đầu và cơ thể của bé. Trong sáu tuần tới hoặc hơn, lông tơ sẽ càng ngày càng dày lên. Nó đóng vai trò trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể em bé. Lông tơ không tồn tại vĩnh viễn mà sẽ bắt đầu rụng vào khoảng bốn tuần trước khi sinh em bé. Tuy nhiên, một số trẻ rụng chậm hơn, và vẫn có thể vẫn còn lông tơ khi chào đời.
Sự phát triển phần phụ của thai?
Từ thời điểm này, sẽ có thêm một phần phụ của thai đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của bé mà chưa được hoàn thiện ở 14 tuần trước – Đó chính là nhau thai.
Nhau thai giống như hình một cái bánh rán tròn, chứa đầy máu. Nhiệm vụ của nó là đưa chất dinh dưỡng, oxy, nội tiết tố đến em bé. Đồng thời lấy đi các chất thải từ bé như CO2. Nhau thai được gắn chặt vào thành tử cung, và liên kết với em bé thông qua dây rốn. Bánh nhau thường bám vào mặt trước hay mặt sau của đáy tử cung. Nếu bám vào đoạn dưới từ cung sẽ được gọi là nhau tiền đạo.
Điều đặc biệt, máu của bạn và máu của em bé tiếp xúc gần nhau trong nhau thai nhưng chúng sẽ không bao giờ trộn lẫn nhờ có hàng rào nhau thai. Thực tế, nếu như máu mẹ và máu con trộn lẫn vào nhau, trong khi cả 2 khác nhóm máu, sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Kế hoạch khi mang thai tuần 14
Bạn có thể bắt đầu cảm thấy ủ rũ vào thời điểm này của thai kỳ. Tuy nhiên, việc thay đổi tâm trạng là điều phổ biến trong khi mang thai. Bạn có thể hào hứng, nhưng đôi lúc, bạn cũng có thể cảm thấy căng thẳng quá mức. Một số câu hỏi mà người mẹ hay đặt ra trong khoảng thời gian này là:
- Tôi sẽ là một người mẹ tốt phải không?
- Tôi sẽ quản lý tài chính như thế nào?
- Em bé trong bụng có đang khỏe mạnh không?
- Tôi có đang làm những điều đúng nhất cho con không?
Bạn nên biết rằng, mang thai là một sự kiện thay đổi cuộc sống, bằng cách thay đổi về cả thể chất và tinh thần. Vì vậy, hãy yêu chiều bản thân một chút, và đừng quá lo lắng.
Ở thời điểm này, bạn có thể tận hưởng bằng một chuyến dã ngoại, hoặc đi chơi. Cũng tại thời điểm này, năng lượng của bạn sẽ dồi dào hơn. Buồn nôn, nôn và các dấu hiệu ốm nghén trong 3 tháng đầu có thể giảm hoặc biến mất.
Khi mẹ bầu ngồi quá lâu, có thể làm tăng khả năng đông máu. Điều này có thể gây nguy hiểm cho mẹ và em bé. Để phòng ngừa, các mẹ có thể sử dụng vớ nén y khoa để cải thiện tuần hoàn máu ở chân. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng loại vớ này.
Ngoài ra, cho dù các mẹ đang sử dụng phương thức vận chuyển nào, thời gian di chuyển không nên vượt quá 6 giờ/ngày.
Điều gì cần lưu ý khi mang thai tuần 14?
Một số phụ nữ sẽ có thể được xem xét làm xét nghiệm chọc ối trong khoảng từ tuần 15 – 18, nếu như có các vấn đề sau:
- Mẹ từ 35 tuổi trở lên.
- Mẹ hoặc bên phía cha có tiền sử mắc các bệnh rối loạn di truyển.
- Xét nghiệm kết quả đo độ mờ da gáy được làm từ tuần 11 – 14 chỉ ra có nguy cơ cao.
- Tiền sử sinh con có dị tật bẩm sinh.
Với xét nghiệm này, một cây kim mỏng được đưa vào buồng ối. Sau đó, lấy một ít dịch ối để phân tích, sàng lọc một số bất thường trên thai nhi như: khuyết tật ống thần kinh và các rối loạn nhiễm sắc thể.
Một số phụ nữ lo rằng việc chọc ối sẽ có khả năng xảy thai. Đừng quá lo lắng, bởi vì rủi ro này là rất nhỏ.
Dinh dưỡng ở 3 tháng giữa
Đây là giai đoạn thai phát triển nhanh, vì vậy, cần cung cấp năng lượng nhiều hơn cho các mẹ bầu. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế về mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày, khi có thai 3 tháng giữa thai kỳ, khẩu phần ăn nên nhiều hơn, sao cho năng lượng cung cấp tăng 250 kcal/ngày (tương đương 1 bát cơm và thức ăn hợp lý).
Giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ là giai đoạn phát triển về khung xương, chiều cao của trẻ. Vì thế, cần chú ý ăn các thực phẩm giàu can xi, kẽm như: tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản.
Cần bảo đảm cung cấp đủ canxi 1200 mg/ngày, vì thể ngoài chế độ ăn thông thường cần uống thêm 6 đơn vị sữa/ngày.
Trong đó, một đơn vị ăn của sữa và chế phẩm sữa cung cấp 100 mg canxi tương đương: một miếng phô mai có trọng lượng bằng 15 g; một hộp sữa chua 100 g; một cốc sữa dạng lỏng 100 ml. Sữa dạng lỏng có thể là sữa tươi, sữa tiệt trùng hoặc sữa bột pha có hàm lượng can xi là 100 mg can xi trong 100 ml sữa.
Phụ nữ có thai mỗi ngày nên sử dụng 6 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa. Điều này tương đương 30 g phô mai (2 miếng phô mai), 200 ml sữa chua (2 hộp sữa chua) và 200 ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
Ngoài ra, người mẹ cần tiếp tục uống bổ sung viên sắt/acid folic và các chất bổ sung khác theo hướng dẫn của bác sỹ.
Khi bạn đã hoàn thành 3 tháng đầu thai kỳ, tỉ lệ sẩy thai đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, người mẹ cũng đừng nên chủ quan. Nếu như bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như chảy máu, đau bụng, hoặc huyết trắng có màu sắc lạ như xanh vàng; ngứa hoặc rát âm đạo. Hãy đến cơ sở Sản phụ khoa, để được theo dõi sức khỏe mẹ và thai nhi, và được điều trị kịp thời.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin về mang thai tuần 14 cho các mẹ bầu. Mẹ đã gần hoàn thành được 5 tháng thai kỳ! Sẽ có nhiều sự thay đổi làm cơ thể mẹ phát sinh nhiều vấn đề. Trong đó, chuột rút ở chân là một trong những tình trạng thường gặp của mẹ khi mang thai tuần 19. Cùng YouMed khám phá xem làm sao để gỡ bỏ những cơn chuột rút này tại đây nhé: Mang thai tuần 19: Một số lời khuyên dành cho mẹ
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Week 14https://kidshealth.org/en/parents/week14.html
Ngày tham khảo: 26/05/2020
-
14 weeks pregnant: fetal developmenthttps://www.babycentre.co.uk/14-weeks-pregnant
Ngày tham khảo: 26/05/2020
-
Week 14 - your second trimesterhttps://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/2nd-trimester/week-14/
Ngày tham khảo: 26/05/2020
-
Pregnancy Week 14https://americanpregnancy.org/week-by-week/14-weeks-pregnant/
Ngày tham khảo: 26/05/2020
- Mayoclinic (2018). Guide to a Healthy Pregnancy, Second Edition. Chapter 7 Month 4: Weeks 13 to 16.