YouMed

Mang thai tuần 19: Một số lời khuyên dành cho mẹ

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Mẹ đã gần hoàn thành được 5 tháng thai kỳ! Sẽ có nhiều sự thay đổi làm cơ thể mẹ phát sinh nhiều vấn đề. Trong đó, chuột rút ở chân là một trong những tình trạng thường gặp của mẹ khi mang thai tuần 19. Hãy cùng ThS.BS Phan Lê Nam khám phá xem làm sao để gỡ bỏ những cơn chuột rút này nhé!

Sự phát triển của bé khi mang thai tuần 19?

Khi mang thai tuần 19, da của bé giống như có một lớp phủ trơn, màu trắng, được gọi là chất gây. Lớp chất này giúp bảo vệ làn da mỏng manh của bé, giữ cho da không bị nứt nẻ, trầy xước.

Dưới lớp chất gây, lông tơ trên da bé vẫn còn tồn tại. Cơ thể bé đã bắt đầu tích tụ mỡ dưới da giúp giữ ấm. Lúc bé con chào đời, nhiệt độ trong tử cung và môi trường bên ngoài chênh lệch nhiều. Lớp mỡ dưới da sẽ càng ngày càng dày lên, đặc biệt là trong những tháng cuối của thai kỳ.

Thính giác của bé bây giờ được phát triển tốt hơn tuần trước. Bé đã có thể nghe được nhiều âm thanh khác nhau. Thậm chí, bé có thể nghe thấy tiếng của mẹ khi đang nói chuyện. Với bé, giọng nói của mẹ trở nên nổi bật nhất trong bất kỳ thứ tiếng nào mà con nghe!

Bé đã có thể nghe được giọng nói của mẹ rõ ràng hơn
Mang thai tuần 19

Nếu hát hoặc nói chuyện với bé, mẹ hoàn toàn có thể nghĩ rằng bé con đang lắng nghe giọng nói của mẹ.

Ở tuần này, bộ não của bé tiếp tục phát triển hàng triệu tế bào thần kinh vận động. Điều này tạo ra sự kết nối giữa bộ não và sự vận động của các cơ. Do đó, bé bây giờ có thể thực hiện các chuyển động có ý thức, chẳng hạn như mút ngón tay cái, các cử động ở đầu và các cử động không theo ý thức khác.

Khi mang thai tuần 19 hoặc hơn, làm sao để mẹ giảm bớt những cơn chuột rút ở chân?

Chuột rút ở chân là tình trạng khá phổ biến trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ. Chúng thường xảy ra vào ban đêm và có thể làm mẹ thức giấc khi đang ngủ.

Nguyên nhân chính xác của chứng chuột rút ở chân vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc lưu thông máu ở chân bị chậm lại có liên quan đến tình trạng này. Việc lưu thông máu chậm là do tử cung to ra tạo áp lực lên tĩnh mạch ở chân mẹ.

>> Chuột rút là một trong những triệu chứng thường gặp trong thai kỳ. Đừng bỏ qua: Giải mã 4 triệu chứng thường gặp khi mang thai: Chuột rút, phù chân, khó thở, đau bụng dưới.

Mang thai tuần thứ 19: chuột rút thường xảy ra vào ban đêm và có thể làm mẹ tỉnh khi đang ngủ

Một số lời khuyên dành cho mẹ để giảm bớt sự khó chịu của tình trạng này

  • Tập bài tập để kéo căng cơ bắp chân, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
  • Nếu mẹ bị chuột rút, hãy kéo căng cơ bị ảnh hưởng. Mẹ hãy thử duỗi thẳng đầu gối và nhẹ nhàng uốn cong bàn chân lên.
Khi bị chuột rút, mẹ cần duỗi thẳng đầu gối và nhẹ nhàng uốn cong bàn chân lên
Khi bị chuột rút, mẹ cần duỗi thẳng đầu gối và nhẹ nhàng uốn cong bàn chân lên
  • Đi bộ trong lúc chuột rút cũng là một cách để hết nhanh chóng. Tuy ban đầu mẹ có thể thấy khó chịu, nhưng cơn chuột rút sẽ giảm đi nhanh chóng.
  • Trường hợp mẹ hay đứng nhiều trong ngày, hãy cân nhắc mang vớ y khoa. Loại vớ này thường được sử dụng cho những người có dãn tĩnh mạch dưới chân. Vớ sẽ giúp mẹ lưu thông máu ở chân tốt hơn.
  • Để ít tốn kém hơn, mẹ nên vận động thường xuyên. Tránh đứng hoặc ngồi lâu. Mẹ nên vận động đi lại hoặc đổi tư thế mỗi 1 – 2 tiếng/lần trong ngày.
  • Thường xuyên mát xa bắp chân cũng là một cách giúp giảm và phòng ngừa chuột rút.
  • Khi ngồi, mẹ có thể gác chân lên một chiếc ghế thấp để lưu thông máu tốt hơn.
  • Nên tránh mang giày cao gót. Thay vào đó, giày đế bằng hoặc thấp sẽ tốt cho đôi chân của mẹ hơn.
  • Ngoài ra, mẹ cần đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày. Thiếu nước cũng là một trong những nguyên nhân gây chuột rút. Mẹ nên uống 8 ly nước/ngày.

>> Mẹ có thể tham khảo thêm một số cách xử lý khi gặp tình trạng này: Giải mã 4 triệu chứng thường gặp khi mang thai: Chuột rút, phù chân, khó thở, đau bụng dưới

Khi nào mẹ cần thăm khám bác sĩ?

Nếu áp dụng các biện pháp trên nhưng những cơn chuột rút vẫn không thuyên giảm, mẹ cần nói điều này với bác sĩ. Ngoài ra, mẹ cần đến cơ sở sản phụ khoa càng sớm càng tốt nếu thấy các vấn đề tắc mạch ở chân trầm trọng như: sưng, đỏ hoặc tê đau không giảm ở chân.

Một số câu hỏi mà mẹ thường thắc mắc khi mang thai tuần 19

Nếu tôi bị vấp té và ngã, tôi có cần phải đi đến bệnh viện ngay?

Mẹ sẽ cực kỳ hoảng loạn và lo lắng khi mình bị vấp té. Tuy nhiên, mẹ có thể an tâm bởi vì đứa bé trong bụng được bảo vệ rất kỹ càng. Nếu bé bị tổn thương, chắc hẳn đó phải là một chấn thương nghiêm trọng như: tai nạn giao thông, té cầu thang từ trên cao… mới có thể ảnh hưởng đến bé.

Trên thực tế, đứa bé trong bụng mẹ được giữ ở trong thành tử cung. Cấu tạo của nó là lớp cơ dày, khỏe giúp giữ bé an toàn bên trong. Ngoài ra, ở những tuần đầu thai kỳ, tử cung vẫn còn nằm bên trong xương chậu. Vì thế, em bé sẽ khó bị ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, ở khoảng tuần 23 thai kỳ, khi bụng mẹ đã đủ lớn và hướng ra bên ngoài, một cú va đập trực tiếp vào bụng sẽ tăng nguy cơ tổn thương hơn so với những tuần đầu thai kỳ.

Sau khi té, vấp ngã, mẹ rất lo lắng cho sức khỏe của đứa bé trong bụng. Hãy đến cơ sở sản phụ khoa để bác sĩ thăm khám và đánh giá.

Sau khi té, vấp ngã, hãy đến cơ sở sản phụ khoa để bác sĩ thăm khám và đánh giá
Sau khi té, vấp ngã, hãy đến cơ sở sản phụ khoa để bác sĩ thăm khám và đánh giá

Tuy nhiên, với một số trường hợp, mẹ cần tìm đến cấp cứu ngay lập tức nếu như có các dấu hiệu bất thường, bao gồm:

  • Cú vấp ngã khiến mẹ đau bụng dữ dội hoặc có chảy máu trực tiếp ở bụng.
  • Mẹ có kèm theo chảy máu âm đạo hoặc rò rỉ nước ối.
  • Có dấu hiệu lâm bồn khi xuất hiện cơn gò tử cung thường xuyên, kèm theo đau bụng.
  • Cảm nhận của mẹ về thai máy không rõ ràng như trước đây. Thai máy chính là sự chuyển động của em bé trong bụng mẹ. Tuy nhiên, khi mang thai tuần 19, cảm nhận này chưa rõ ràng. Thai máy sẽ thường xuyên và đều đặn hơn ở khoảng tuần thứ 26 thai kỳ.

Mẹ nên yên tâm, nếu chỉ là té ngã nhẹ, trong hầu hết trường hợp em bé đều an toàn. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn sẽ kiểm tra lại bằng cách đo cơn gò và tim thai, hoặc thăm khám đường sinh nở để chắc chắn hơn.

Có an toàn khi sử dụng bồn nước nóng và phòng xông hơi khi mang thai?

Tắm nước ấm có thể giúp bạn thư giãn và giảm đau cơ mà không gây ra bất kỳ mối nguy hiểm nào cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi mang thai, cần tránh việc xông hơi và ngâm mình trong nước.

Trên thực tế, nếu mẹ dành hơn 10 phút ngâm mình trong bồn nước nóng có thể làm tăng thân nhiệt lên đến 40°C. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ sảy thai và dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh sẽ tăng nếu phụ nữ mang thai tiếp xúc với nhiệt độ cao.

Ngoài ra, khi thai càng lớn, mức độ huyết áp của mẹ sẽ thấp hơn bình thường. Tiếp xúc với nhiệt độ cao trong một khoảng thời gian dài sẽ làm cho huyết áp càng xuống thấp hơn. Tình trạng này có thể làm giảm việc cung cấp oxy cho bé và khiến mẹ bị chóng mặt, thậm chí dễ té ngã.

Mẹ cần biết một số nguyên tắc để đảm bảo an toàn khi tắm bồn nước nóng
Mẹ cần biết một số nguyên tắc để đảm bảo an toàn khi tắm bồn nước nóng

Trường hợp chọn tắm trong bồn nước nóng khi mang thai, để tránh ảnh hưởng đến mẹ và con, mẹ nên tắm trong bồn nước dưới 10 phút. Nên ra khỏi bồn nước nóng nếu mẹ bắt đầu đổ nhiều mồ hôi và cảm thấy khó chịu. Trường hợp mẹ đang có thân nhiệt cao hơn bình thường, như đang sốt, vừa mới tập thể dục… thì không nên sử dụng bồn tắm nước nóng.

Chụp X quang khi mang thai có an toàn không?

Trên thực tế, chụp X quang khi mang thai thường là an toàn. Nếu cần thiết phải dùng X quang, lợi ích của kết quả lớn hơn các rủi ro tiềm ẩn.

Trong trường hợp mẹ chụp X quang ở bụng khi mang thai, em bé sẽ tiếp xúc với bức xạ. Điều này làm tăng nguy cơ thay đổi các tế bào bên trong cơ thể bé. Nó có thể gây ra các dị tật bẩm sinh chẳng hạn như bệnh rối loạn về bạch cầu.

Hầu hết X quang ở các bộ phận khác như tay, chân, đầu, ngực đều ở mức an toàn. Ngoài ra, trước khi chụp, mẹ nên bảo vệ phần bụng bằng áo bảo hộ sẽ giúp chặn tia bức xạ tốt hơn.

Nếu cần chụp X quang, hãy cho bác sĩ biết rằng bạn đang hoặc nghi ngờ có mang thai. Bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng siêu âm thay cho X quang.

Đừng lo lắng nếu mẹ đã đi chụp X quang trước khi biết mình có thai. Nguy cơ rủi ro là rất nhỏ.

Nếu cần chụp X quang, mẹ hãy cho bác sĩ biết rằng mình đang hoặc nghi ngờ có mang thai
Nếu cần chụp X quang, mẹ hãy cho bác sĩ biết rằng mình đang hoặc nghi ngờ có mang thai

Nếu tôi bị cảm lạnh, nên được điều trị như thế nào?

Cảm lạnh có thể làm cho mẹ cảm thấy khó chịu và mệt mỏi. Tuy nhiên, khi mang thai, mẹ không nên sử dụng các thuốc như thuốc xịt thông mũi, xi-rô ho và những thuốc kháng dị ứng khác. Phần lớn nguyên nhân gây ra cảm lạnh là do nhiễm virus. Vì vậy, thay vì dùng thuốc, mẹ hãy áp dụng các biện pháp đẩy lùi virus nhanh chóng, bao gồm:

  • Uống nhiều nước hơn trong ngày: Nước hoặc nước trái cây, canh súp đều là những lựa chọn tốt. Chúng sẽ giúp bổ sung nước cho cơ thể trong quá trình tiết ra nhiều chất nhầy ở mũi và bị mất nước khi sốt.

>> Mẹ đã biết những thực phẩm nào tốt cho bé chưa? Đọc ngay bài viết: Mẹ bầu nên ăn gì để tốt cho bé?

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn: Khi cảm lạnh, cơ thể bạn sẽ thấy mệt mỏi hơn. Mẹ hãy nghỉ ngơi và đừng quá sức.
  • Đảm bảo căn phòng đủ ấm và ẩm: Trường hợp đang trong mùa khí hậu khô nóng, mẹ có thể sử dụng máy tạo ẩm trong phòng. Điều này sẽ giúp mẹ giảm nghẹt mũi.
  • Nếu mẹ có kèm theo ho, súc họng với nước muối sinh lý là một liệu pháp tuyệt vời. Súc họng sẽ giúp làm sạch, dịu cổ họng và giảm ho hơn hẳn. Mẹ cũng có thể sử dụng nước sinh lý để rửa mũi, sẽ giúp lỗ mũi thông thoáng hơn.
  • Trường hợp mẹ có biểu hiện sốt cao và đau nhức cơ thể: Thuốc giảm đau Acetaminophen là một trong những thuốc an toàn có thể sử dụng trong thai kỳ.

Súc họng với nước muối sinh lý là một liệu pháp tuyệt vời giúp làm sạch, dịu cổ họng, và giảm ho nhanh chóng
Súc họng với nước muối sinh lý là một liệu pháp tuyệt vời giúp làm sạch, dịu cổ họng và giảm ho nhanh chóng

Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho mẹ những thông tin cần biết khi mang thai tuần 19. Ở tuần thứ 20, mẹ sẽ có thể cảm nhận thai nhi trong bụng chuyển động rõ ràng hơn. Một số điều thú vị khác cũng sẽ diễn ra, mẹ hãy đón chờ nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người