Nấc cụt và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Chắc hẳn các bạn ai cũng đã từng trải qua những cơn nấc cụt phải không nào? Có khi thì thoáng qua chốc lát, có khi thì kéo dài hơn khiến ta khó chịu và ngại ngùng. Đã bao giờ bạn tìm hiểu về vấn đề ngộ nghĩnh này chưa? Hãy cùng đọc bài viết sau của YouMed để cập nhật thêm kiến thức cho mình nhé!
1. Nấc cụt là gì?
Nấc cụt hình thành do sự co thắt liên tục, không kiểm soát của cơ hoành. Cơ hoành là một cơ rất lớn, nằm ngăn cách giữa ngực và bụng. Chúng ta hít thở được chính là nhờ sự di động lên xuống của cơ hoành.
Khi cơ hoành co lại, di động đi xuống thì cũng là lúc phổi lấy oxy từ không khí vào. Lúc cơ hoành giãn ra, di động đi lên thì phổi sẽ thải CO2 đi ra ngoài.
Khi cơ hoành co thắt không theo nhịp thở sẽ tạo ra tình trạng này. Mỗi cơn co thắt của cơ hoành làm tống một lượng khí nhanh và mạnh ra khỏi phổi. Dây thanh âm phản xạ lại bằng cách khép đột ngột, tạo ra một tiếng nấc. Đó chính là cơ chế âm thanh của tiếng nấc cục.
2. Khởi đầu của cơn nấc cụt
Không có cách nào để dự báo một cơn nấc cụt. Với mỗi đợt co thắt, thường có một sự siết nhẹ của ngực hoặc họng trước khi tiếng nấc cụt được phát ra.
Phần lớn tình trạng nấc cụt khởi đầu và kết thúc đột ngột, không có một nguyên nhân rõ ràng nào. Các đợt nấc cụt thường chỉ kéo dài trong khoảng vài phút.
Nấc cụt trong thời gian hơn 48 giờ được xem là nấc cụt kéo dài. Nấc cụt kéo dài hơn 2 tháng được xem là nấc cụt khó trị.
Xem thêm: Đâu là cách bấm huyệt chữa nấc cụt hiệu quả?
3. Nguyên nhân gây nấc cụt
Có nhiều nguyên nhân đã được xác định là có thể dẫn đến nấc cụt. Tuy nhiên, thường thì việc này đến và đi mà không có một nguyên nhân rõ ràng nào.
Các nguyên nhân thường gặp có thể gây ra các cơn nấc cụt ngắn bao gồm:
- Ăn quá no.
- Ăn thức ăn cay.
- Uống thức uống có cồn.
- Sử dụng thức uống có ga, chẳng hạn như nước soda.
- Ăn đồ ăn quá nóng hay quá lạnh.
- Thay đổi nhiệt đột không khí đột ngột.
- Nuốt khí khi nhai kẹo cao su.
- Sự phấn kích hoặc stress.
- Nuốt nhiều không khí vào bụng.
Nấc cụt kéo dài trên 48 giờ được phân loại dựa trên loại tác nhân gây ra. Phần lớn nó thường kéo dài là do chấn thương hay kích thích lên các dây thần kinh điều khiển sự vận động của cơ hoành. Các dây thần kinh này có thể bị tác động bởi:
- Kích thích ở màng nhĩ, có thể do vật lạ trong tai.
- Đau rát họng.
- Bướu cổ (do sự phình to của tuyến giáp).
- Trào ngược dạ dày thực quản (dịch axit từ dạ dày đi ngược lên thực quản, là đoạn ống đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày).
- U hay nang ở thực quản.
Các nguyên nhân khác có thể liên quan đến não và tủy sống. Nếu các bộ phận này bị tổn thương, cơ thể sẽ mất khả năng kiểm soát.
Các tổn thương này bao gồm:
- Đột quỵ.
- Các bệnh lý thoái hóa thần kinh.
- U bướu.
- Viêm não, viêm màng não (là các nhiễm trùng gây ra sưng phù ở trong não).
- Chấn thương đầu hay tổn thương não.
Nấc cục kéo dài quá lâu cũng có thể gây ra bởi:
- Lạm dụng bia rượu.
- Hút thuốc lá.
- Phản ứng với thuốc mê sau phẫu thuật.
- Một số loại thuốc thần kinh.
- Tiểu đường.
- Mất cân bằng điện giải.
- Suy thận.
- Dị dạng mạch máu trong não.
- Điều trị ung thư và hóa trị.
- Bệnh Parkinson.
Đôi khi, một số thủ thuật y tế có thể gây nấc cụt trong thời gian dài. Các thủ thuật này thường dùng để điều trị hay chẩn đoán các bệnh lý, ví dụ như:
- Dùng dây luồn qua mạch máu để tiếp cận tim.
- Đặt ống nong vào thực quản để mở rộng thực quản.
- Đưa ống nội soi vào trong đường dẫn khí để nhìn vào trong phổi.
- Mở một lỗ ở cổ để người bệnh có thể thở trong trường hợp đường dẫn khí phía trên bị tắc nghẽn.
4. Những ai có nguy cơ bị nấc cụt?
Nấc cụt có thể xảy ra ở bất kì lứa tuổi nào. Thậm chí nó có thể xuất hiện ở bào thai còn đang trong bụng mẹ. Tuy nhiên, có một vài yếu tố có thể làm tăng khả năng bị nấc cụt.
Bạn có thể dễ bị nấc cụt nếu bạn:
- Là nam giới
- Có những trải nghiệm mãnh liệt về tâm lý hay cảm xúc, từ lo lắng cho đến phấn khích
- Phải gây mê toàn thân trước khi phẫu thuật
- Trải qua cuộc mổ, đặc biệt là phẫu thuật ở bụng
5. Điều trị nấc cụt
Hầu hết các trường hợp nấc cụt không phải là tình trạng cấp cứu và không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu cơn nấc kéo dài có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày.
Liên hệ với bác sĩ nếu bạn bị nấc kéo dài hơn 2 ngày. Bác sĩ có thể xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng nấc cụt đối với sức khỏe của bạn.
Có rất nhiều lựa chọn trong việc điều trị. Thông thường cơn nấc sẽ tự hết. Tuy nhiên, vẫn có một số cách sau bạn có thể thử tại nhà:
- Thở vào một túi giấy
- Ăn một muỗng đường
- Nín thở
- Uống một ly nước lạnh
- Thè lưỡi ra ngoài
- Cố ý thở hổn hển hoặc ợ hơi
- Để đầu gối chạm vào ngực và giữ nguyên tư thế như vậy
- Ngậm miệng, bịt mũi và gắng sức thở mạnh ra
- Thư giãn và hít thở chậm rãi
Nếu bạn vẫn còn bị nấc cụt sau 48 giờ, hãy đến khám bác sĩ.
Nấc cụt có thể gây cảm giác khó chịu, nhưng phần lớn là tự hết. Hi vọng qua bài viết trên, bạn đã biết thêm một số mẹo nhỏ để giải quyết tình trạng trên và nhận ra được khi nào là bất thường cần đi khám bác sĩ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.