YouMed

Nguyên nhân nào gây ra bệnh lý tiền sản giật?

bác sĩ lê dương linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Dương Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Tiền sản giật được xem là một trong các biến chứng nguy hiểm đối với mẹ và thai nhi. Có rất nhiều thai phụ quan tâm đến tình trạng này, tìm hiểu cách nhận biết cũng như phòng ngừa. Vậy bản chất của căn bệnh này là gì? Đâu là những nguyên nhân gây tiền sản giật? Những yếu tố nào liên quan đến tình trạng này? Hãy cùng tìm kiếm câu trả lời thông qua bài viết sau đây của Bác sĩ Lê Dương Linh nhé!

Tiền sản giật là gì?

Thông tin về tiền sản giật nên biết

Trước khi tìm hiểu nguyên nhân gây tiền sản giật, chúng ta cần hiểu rõ bệnh lý này là gì. Cụ thể, tiền sản giật là một bệnh cảnh nặng trong sản khoa. Bản thân tình trạng này bao gồm các rối loạn sau đây:

  • Tăng huyết áp trong quá trình mang thai.
  • Triệu chứng tiểu đạm hay còn gọi là protein niệu. 
  • Phù bệnh lý. Lưu ý rằng đa số các trường hợp phù khi mang thai đều là sự thay đổi sinh lý lành tính. Các trường hợp này chỉ phù nhẹ ở chân, mắt cá. Thường xảy ra vào chiều tối và giảm khi kê cao chân nghỉ ngơi. Những thai phụ phù mặt, phù toàn thân mỗi sáng thức dậy cần đi khám ngay. Đây rất có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác, cụ thể như tiền sản giật. 
  • Tác động xấu đến chức năng gan, thận.
  • Rối loạn hệ thần kinh khiến thai phụ đau đầu, nhìn mờ.
Tăng huyết áp trong thai kỳ không kiểm soát tốt tăng nguy cơ tiền sản giật
Tăng huyết áp trong thai kỳ không kiểm soát tốt tăng nguy cơ tiền sản giật

Ngoài ra, tiền sản giật còn báo động khả năng dẫn đến sản giật ở thai phụ. Đây là tình trạng ít gặp nhưng hậu quả khi xảy ra cực kì nặng nề.

Sản giật là cơn co giật đột ngột xảy ra trên sản phụ, thường kèm theo tăng huyết áp, tiểu đạm và phù. Từ đó đe dọa trực tiếp đến tính mạng cả mẹ và con. Trên thực tế, có một số rất ít trường hợp sản giật xảy ra đột ngột mà không hề có chẩn đoán tiền sản giật trước đó. Tuy nhiên, chẩn đoán tiền sản giật vẫn luôn là tình trạng đáng lưu tâm và cẩn trọng.

Nguyên nhân gây tiền sản giật là gì?

Những nguyên nhân gây tiền sản giật vẫn còn là một chủ đề chứa nhiều tranh cãi. Hiện nay, đang có nhiều giả thuyết về cơ chế gây nên tiền sản giật, cho thấy hệ nguyên nhân phức tạp bao gồm nhiều yếu tố tác động lẫn nhau. Theo các chuyên gia, hiện tượng quan trọng mấu chốt trong tiền sản giật là giảm lượng máu đến nuôi nhau thai. Hậu quả kéo theo là ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bào thai. 

Khi vừa mang thai, tử cung người phụ nữ có nhiều biến đổi. Một trong số đó là sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới mạch máu đến nhau thai. Nhờ đó, sẽ nuôi dưỡng bào thai phát triển khỏe mạnh. Trên các bệnh nhân tiền sản giật, mạng lưới mạch máu này hoạt động không hiệu quả, gây ra thiếu máu nuôi bánh nhau.

Theo đó, những nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Lượng máu nuôi tử cung không đủ.
  • Các bệnh lý thận, tim mạch, viêm nhiễm… làm tổn thương mạng lưới mạch máu này.
  • Tình trạng suy giảm miễn dịch ở thai phụ. 
  • Nguyên nhân di truyền.

Sự phát triển của nhau thai trong tiền sản giật

Hiện tượng thiếu máu nuôi đến bánh nhau là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ tiền sản giật. Kéo theo đó là sự phát triển của thai nhi cũng bị ảnh hưởng xấu.

Theo các thống kê, thai chậm tăng trưởng trong tử cung chiếm 56% các trường hợp có tiền sản giật nặng. Thiếu máu nuôi khiến thai nhẹ cân, suy dinh dưỡng lúc chào đời. Ngoài ra còn có các nguy cơ sức khỏe sơ sinh khác.

Tiền sản giật ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
Tiền sản giật ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi

Bên cạnh đó, sinh non có thể xảy ra ở 40% các trường hợp. Thường là do tiền sản giật nặng hay sản giật, nguy cơ tử vong mẹ và con cao, cần lấy thai ra sớm.

Tiền sản giật sẽ làm tăng nguy cơ tử vong chu sinh. Đây là hiện tượng thai nhi không vượt qua được tuần đầu tiên sau khi chào đời. Ngoài ra, tiền sản giật còn làm tăng nguy cơ nhau bong non. Đây là một tình trạng cấp cứu trong sản khoa rất nguy hiểm. 

Vì vậy, hiểu biết đúng về các nguyên nhân gây tiền sản giật sẽ hỗ trợ ngăn ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị đúng. Từ đó bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và con.

Tiền sản giật và các yếu tố miễn dịch, di truyền, môi trường

Nguyên nhân gây tiền sản giật còn liên quan đến các yếu tố miễn dịch, di truyền và môi trường. Theo nhiều nghiên cứu đã chứng minh những yếu tố làm tăng nguy cơ tiền sản giật có thể kể đến như:

  • Con so lớn tuổi. Nghĩa là mang thai lần đầu khi người mẹ từ 35 tuổi trở lên.
  • Y học ghi nhận rằng có sự gia tăng nguy cơ tiền sản giật trên các thai phụ từng có mẹ hay chị gái mắc tình trạng này.
  • Người mẹ mang từ hai thai trở lên cùng lúc (đa thai).
  • Các nghiên cứu cho thấy mùa và thời tiết cũng có ảnh hưởng đến tình trạng này. Dù có thể xảy ra quanh năm nhưng tiền sản giật thường gặp nhất vào mùa lạnh ẩm.
  • Hệ miễn dịch suy giảm. Thường gặp ở thai phụ đái tháo đường, béo phì, đang dùng thuốc chống thải ghép sau ghép tạng, đang điều trị ung thư, nhiễm tia xạ, HIV/AIDS…

Tiền sản giật và hiện tượng viêm

Hiện tượng viêm có mối liên quan mạnh mẽ với tiền sản giật. Các nhà khoa học nhận thấy những cơ địa nhạy cảm với phản ứng viêm là một trong các yếu tố nguy cơ cơ bản của tiền sản giật. Tuy nhiên lý giải tường tận cho mối liên quan này vẫn còn bỏ ngỏ.

Những bệnh lý làm gia tăng tình trạng viêm mạn tính của cơ thể. Đặc biệt là hệ thống mạch máu có thể là nguyên nhân gây tiền sản giật, cụ thể là bệnh đái tháo đường.

Đái tháo đường thai kỳ tăng nguy cơ tiền sản giật
Đái tháo đường thai kỳ tăng nguy cơ tiền sản giật

Hiện tượng viêm mạn tính sẽ dẫn đến thay đổi cấu trúc của mạng lưới mạch máu nuôi nhau thai. Mạch máu khỏe mạnh bình thường trơn láng và có tính đàn hồi. Khi có phản ứng viêm, cấu trúc và chức năng của các lớp tế bào mạch máu sẽ biến đổi. Viêm kéo dài khiến lòng mạch xơ hóa, teo co nhỏ, từ đó cản trở lưu thông máu.

Tiền sản giật và hội chứng HELLP

Hội chứng HELLP là một trong những biến chứng sản khoa nguy hiểm. Tình trạng này bao gồm các rối loạn sau đây: 

Hội chứng HELLP không phải là một nguyên nhân gây tiền sản giật. Tuy nhiên chúng có mối liên quan khá chặt chẽ. Khoảng 10% các trường hợp thai phụ mắc tiền sản giật nặng sẽ gặp hội chứng này. Vì vậy một số tài liệu ghi nhận hội chứng HELLP như một biến thể đặc biệt của tiền sản giật.

Chính vì mối liên quan này mà đa số các thai phụ có hội chứng HELLP đều đã được theo dõi trước đó. Những thai phụ có triệu chứng tiền sản giật nặng sẽ được theo dõi chặt chẽ với chế độ điều trị thích hợp. Các phương án dự phòng khi biến chứng xảy ra cũng được lên kế hoạch trước, để giảm tối đa nguy cơ cho mẹ và con. 

Hội chứng HELLP trên thai phụ có tiền sản giật càng làm tăng nguy cơ sinh non. Dẫn đến tăng nguy cơ tử vong cho con. Đối với người mẹ, gan có thể hư hại, suy giảm chức năng nghiêm trọng. Tình trạng giảm tiểu cầu và thiếu máu tán huyết càng tăng nguy cơ tử vong cho mẹ. Nếu chẩn đoán muộn, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 1-5%. 

Vì vậy, các thai phụ đã được chẩn đoán tiền sản giật trước đó nên nghiêm túc tuân thủ kế hoạch điều trị và theo dõi được đề ra tại bệnh viện.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu được các thông tin cơ bản về tiền sản giật, nguyên nhân gây ra tiền sản giật và các yếu tố liên quan. Để phòng ngừa và phát hiện sớm các biến chứng sản khoa nói chung, cần khám thai định kỳ và kiểm soát tốt các bệnh mạn tính trước đó, đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Preeclampsia (Symptoms and causes)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/symptoms-causes/syc-20355745

    Ngày tham khảo: 30/04/2021

  2. ThS.BS Trần Thị Kim Xuyến, ThS.BS.CKII Lê Thanh Hùng (2016). Bài giảng sản phụ khoa trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tập 1. NXB Đại học Quốc gia TP.HCM.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người