Nhau tiền đạo: Định nghĩa, dấu hiệu, thông tin xử trí?
Nội dung bài viết
Khi thai của bạn phát triển, nhau thai đôi khi không nằm ở vị trí phù hợp. Mà chúng có thể ở vị trí gây ảnh hưởng đến thai kỳ. Vị trí nguy hiểm hay gặp là nằm ngang qua cổ tử cung – được gọi là nhau tiền đạo. Tình trạng này có thể làm chảy máu nhiều, gây nguy hiểm cho mẹ và em bé nếu không được xử trí kịp thời.
Nhau tiền đạo là gì?
Nhau thai là một thể phát triển bên trong tử cung trong thời kỳ mang thai. Nhiệm vụ của nó là cung cấp máu, oxy và dinh dưỡng để em bé phát triển. Nhau thai kết nối với em bé thông qua dây rốn. Trong hầu hết các trường hợp mang thai, nhau thường đóng ở vị trí phía đáy (ở trên) hoặc bên của tử cung.
Nhau tiền đạo xảy ra khi nhau thai che phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung của mẹ. Tình trạng này có thể gây chảy máu cực kỳ nghiêm trọng trong lúc mang thai và khi sinh.
Theo thống kê, nhau tiền đạo chiếm khoảng 1% số thai kỳ sau 28 tuần và khoảng 15-20% những trường hợp chảy máu âm đạo trước sinh.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ?
Nguyên nhân chính xác là không rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng có vài yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến nhau tiền đạo, bao gồm:
- Đã từng sinh mổ trước đó. Trong đó, nguy cơ nhau tiền đạo tăng tỉ lệ thuận với số lần sinh mổ.
- Đã từng được chẩn đoán nhau tiền đạo ở lần mang thai trước.
Đây là 2 yếu tố thường gặp nhất tăng nguy cơ mẹ có nhau tiền đạo hơn những người khác.
Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như:
- Đã từng có các thủ thuật được thực hiện trên tử cung như: tiền sử nạo phá thai, nạo lòng tử cung, mổ u xơ tử cung, …
- Đã sinh con nhiều lần
- Hút thuốc
- Song thai, đa thai
- Mang thai từ 35 tuổi trở lên
Dấu hiệu nhận biết?
Chảy máu âm đạo là dấu hiệu đặc trưng nhất trong nhau tiền đạo. Tình trạng này thường thấy ở 3 tháng cuối thai kì. Chảy máu xảy ra đột ngột, không nguyên nhân, không dấu hiệu báo trước, không đau bụng. Máu có màu đỏ tươi, lúc đầu có thể ra ít máu rồi tự ngưng. Tình trạng này có thể tái phát nhiều lần, và lần sau ra máu nhiều hơn lần trước.
Trong vài trường hợp, nhau thai không ngang qua cổ tử cung mà chỉ đóng gần lỗ. Lúc này trong quá trình mang thai sẽ không chảy máu, cho đến khi sinh mới chảy ồ ạt.
Nhau tiền đạo gây chảy máu là do khi thai phát triển, tử cung phải giãn ra để chứa em bé. Nếu nhau thai giãn không kịp sẽ gây tróc nhau, và chảy máu.
Nhiễm khuẩn âm đạo tác động đến đời sống và sinh hoạt của người phụ nữ. Tình trạng này còn làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục. Làm sao để phòng ngừa, hiểu thêm tại đây nhé: Nhiễm khuẩn âm đạo: Những tác hại khôn lường
Hậu quả có thể có?
Tất cả các trường hợp nếu được chẩn đoán nhau tiền đạo, các bác sỹ sẽ theo dõi chặt chễ để giảm những nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng như:
- Chảy máu ồ ạt trong thai kỳ và khi sinh: Làm đe dọa tính mạng người mẹ trong quá trình mang thai và sinh nở.
- Sinh non: Trường hợp máu chảy quá nhiều, bác sỹ sẽ cân nhắc lựa chọn sinh mổ để giữ an toàn cho cả mẹ và em bé dù chưa đủ tháng.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Nếu bạn đang mang thai và chảy máu từ âm đạo, hãy thăm khám bác sỹ càng sớm càng tốt.
Nếu bạn chảy máu nhiều và liên tục. Trong trường hợp này, hãy nhanh chóng đến cơ sở Sản phụ khoa gần nhà nhất để được xử trí.
Chẩn đoán nhau tiền đạo như thế nào?
Nhau tiền đạo được chẩn đoán bằng thiết bị siêu âm. Việc kiểm tra vị trí bánh nhau được thực hiện trong những lần khám thai định kỳ hoặc sau chảy máu âm đạo. Hầu hết các trường hợp nhau tiền đạo được chẩn đoán trong ba tháng giữa. Đôi khi chúng có thể xuất hiện sớm hơn vào 3 tháng đầu thai kỳ.
Ở nhiều phụ nữ, nhau tiền đạo có thể tự “hết”. Tức là bánh nhau tự dịch dời đến vị trí bình thường. Do khi tử cung càng dãn to ra, càng làm tăng khoảng cách giữa cổ tử cung và nhau thai.
Nhau tiền đạo được điều trị như thế nào?
Điều trị phụ thuộc vào tình trạng chảy máu và thời gian mang thai sẽ khác nhau.
Được chia làm 3 trường hợp:
Nếu nhau thai không gây chảy máu
Bạn sẽ được theo dõi sát và siêu âm kiểm tra nhiều lần đến khi sinh. Việc kiểm tra thường xuyên sẽ đánh giá sự thay đổi vị trí bánh nhau theo thời gian.
Trong thời gian mang thai, bạn nên nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng. Ngoài ra, bạn nên tránh các hoạt động có thể gây chảy máu như: quan hệ tình dục, tập thể dục quá sức. làm việc nặng, leo xuống cầu thang nhiều,v.v.
Nếu trong thai kỳ bạn có chảy máu
Dù bạn chảy máu thậm chí một chút, cũng phải cần được đến cơ sử Sản phụ khoa để kiểm tra và theo dõi. Bác sỹ sẽ đánh giá:
- Nhịp tim và huyết áp của bạn
- Nhịp tim của em bé
- Kiểm tra lượng máu chảy
- Kiểm tra máu còn chảy hay đã ngừng
Nếu chảy máu nặng và không có dấu hiệu ngừng
Lúc này, bác sĩ có thể:
- Truyền máu cho bạn để không bị mất máu quá nhiều.
- Việc cân nhắc sinh mổ cũng sẽ được đưa ra để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.
Hầu hết phụ nữ có nhau tiền đạo không cần phải mổ bắt con liền khi bị chảy máu. Một số phụ nữ có thể cần phải ở lại bệnh viện cho đến khi sinh con, nhưng có thể về nhà khi máu ngừng chảy. Khi bạn ở trong bệnh viện, bác sĩ có thể cung cấp thêm:
- Thuốc sắt, nếu bạn mất nhiều máu.
- Thuốc Steroid – Những thuốc này giúp hỗ trợ phổi của em bé sau khi sinh, trong trường hợp sinh không đủ tháng.
- Thử nhóm máu và các chỉ số khác liên quan đến máu.
Sau một thời gian kiểm tra vị trí bánh nhau. Nếu nhau thai dịch chuyển xa cổ tử cung hơn, bác sỹ sẽ tư vấn cho bạn và cân nhắc việc có thể sinh qua ngã âm đạo. Trong trường hợp nhau thai vẫn còn đóng ngang qua cổ tử cung. Bác sỹ sẽ lên lịch sinh mổ trước một tháng so với ngày dự sanh. Điều này là bắt buộc vì việc sinh ngã âm đạo sẽ gây chảy máu trầm trọng, nguy hiểm cho cả bạn và đứa con của bạn.
Nhau tiền đạo, nên chuẩn bị gì?
Nếu bạn được bác sỹ chẩn đoán là nhau tiền đạo, bạn chắc chắn sẽ lo lắng về tình trạng của mình. Nếu lo lắng nhiều, điều này sẽ ảnh hưởng đến bạn. Bạn có thể giảm đi nỗi lo bằng cách:
1. Tìm hiểu về nhau tiền đạo
Ngoài việc tìm thông tin trên web, bạn hay ghi ra tờ giấy những điều bằn khoăn của mình. Những câu hỏi sẽ được trả lời qua các bác sỹ Sản phụ khoa mà bạn đến kiểm tra sức khỏe.
2. Chuẩn bị tâm lý cho việc sinh mổ
Nếu nhau vẫn còn vắt ngang qua cổ tử cung trước ngày dự sanh một tháng hoặc bạn chảy máu nhiều. Việc sinh mổ sẽ được cân nhắc quyết định. Trong lúc này, hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng sức khỏe của bạn và em bé quan trọng hơn lựa chọn phương pháp sinh nở.
3. Hãy nghỉ ngơi và giữ tinh thần thoải mái
Nghỉ ngơi không có nghĩa là bạn chỉ ở trên giường. Bạn vẫn nên hoạt động, nhưng chịu khó nhẹ nhàng hơn một chút. Bạn có thể giết thời gian một cách bổ ích bằng cách đọc sách về trẻ sơ sinh. nghe những loại nhạc yêu thích và mua sắm như nhu yếu phẩm cần thiết cho bé.
4. Thông báo cho nhân viên y tế
Trường hợp bạn đến cơ sở Sản phụ khoa để thăm khám, dù là nguyên nhân gì, hãy nói vơi bác sỹ về tình trạng của bạn. Bác sỹ sẽ biết phương pháp thăm khám nào phù hợp để hạn chế gây chảy máu âm đạo.
Điều quan trọng trên hết, nếu trong quá trình mang thai, bạn có chảy máu âm đạo. Dù được thông báo là trước đó không có nhau tiền đạo, bạn vẫn phải đến cơ sở Sản phụ khoa uy tín để kiểm tra và thăm khám. Vì có thể có những lý do khác làm chảy máu gây nguy hiểm đến bạn và con bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Placenta previa: Managementhttps://www.uptodate.com/contents/placenta-previa-management
Ngày tham khảo: 01/04/2020
-
Placenta Accreta Spectrumhttps://www.acog.org/clinical/clinical-guidance/obstetric-care-consensus/articles/2018/12/placenta-accreta-spectrum
Ngày tham khảo: 01/04/2020
-
Placenta previahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/placenta-accreta/symptoms-causes/syc-20376431
Ngày tham khảo: 01/04/2020
-
Ths.BS. Nguyễn Xuân Vũ (2016). Sản khoa - Nhau tiền đạo, Bài giảng sản phụ khoa tập 1. Nhà xuất bản y học Tp. HCM, Trang 388-398.
Ngày tham khảo: 01/04/2020