Nhóm kháng sinh dùng cho phụ nữ có thai mẹ bầu cần biết
Nội dung bài viết
Kháng sinh là một loại thuốc đặc biệt quan trọng trong điều trị các bệnh về nhiễm khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh phải cẩn thận để tránh tình trạng vi khuẩn kháng thuốc tràn lan như hiện nay. Thuốc kháng sinh cho bà bầu cũng là một vấn đề thách thức lớn bởi sự nhạy cảm và vấn đề dị tật trẻ trong giai đoạn thai kỳ. Vậy có thai uống thuốc kháng sinh như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về Nhóm kháng sinh dùng cho phụ nữ có thai nhé!
Phân loại kháng sinh
Thuốc kháng sinh là bao gồm tất cả các hợp chất tự nhiên, bán tổng hợp hay tổng hợp có tác dụng kháng vi khuẩn.
Thuốc kháng sinh, đặc biệt là thuốc kháng sinh cho bà bầu có vai trò đặc biệt quan trọng trong điều trị các bệnh do nhiễm khuẩn gây ra như bệnh lao, thương hàn, dịch tả, viêm phổi,… Kháng sinh được chia thành nhiều nhóm khác nhau như:
- Nhóm beta – lactam (gồm penicillin, ampicillin, amoxicillin, các cephalosporin thế hệ 1, 2, 3, 4,…).
- Nhóm macrolid (erythromycin, clarithromycin, roxithromycin, azithromycin,…).
- Nhóm cyclin (tetracyclin, minocyclin, doxycyclin,…).
- Nhóm phenicol (chloramphenicol và thiamphenicol).
- Nhóm aminoglycosid ( kanamycin, gentamycin, neltimicin, tobramycin, amikacin).
- Nhóm quinolon (offloxacin, ciprofloxacin, levofloxacin,…).
- Nhóm peptid (vancomycin, teicoplanin, polymyxin, colistin,…).
- Nhóm lincosamid (lincomycin, clindamycin).
- Nhóm 5-nitro-imidazol (metronidazol, tinidazol, ornidazol, secnidazol,…).
- Nhóm Co-trimoxazol (phối hợp thuốc giữa sulfamethoxazol và trimethoprim).
Sử dụng kháng sinh trên đối tượng đặc biệt là phụ nữ đang mang thai
1. Sử dụng kháng sinh lúc mang bầu có tốt không?
Mỗi nhóm kháng sinh đều có phổ kháng khuẩn khác nhau và đáp ứng điều trị với từng bệnh lý khác nhau. Khi vào trong cơ thể, thuốc sẽ gây ra một số tác dụng phụ với mức độ nhẹ như dị ứng, ban da, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,… hoặc thậm chí nghiêm trọng như sốc phản vệ. Tình trạng này nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh cho bà bầu trong thời gian dài có thể gây rối loạn cân bằng hệ tạp khuẩn đường ruột. Thường được biết đến là triệu chứng tiêu chảy do dùng kháng sinh. Nhiễm nấm Candida ở da, miệng, ruột,… cũng có thể xảy ra nếu dùng kéo dài.
Hầu hết các thuốc kháng sinh đều có thể vượt qua được hàng rào nhau thai và gây ra các tác hại cho thai nhi. Mức độ gây hại trên thai nhi tùy thuộc vào việc sử dụng kháng sinh nào, liều lượng ra sau, thời gian khi sử dụng cũng như thuốc đã được sử dụng trong giai đoạn nào của thai kỳ. Các tác hại có thể gây ra trên thai nhi như khuyết tật, dị dạng hay thậm chí gây tử vong.
2. Ảnh hưởng của thuốc lên các giai đoạn thai
Việc dùng thuốc kháng sinh cho bà bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây quái thai. Đặc biệt là dùng thuốc kháng sinh trong thời kỳ phôi 75 ngày (11 tuần đầu tiên). Khả năng ảnh hưởng của thuốc đến thai trong giai đoạn này sẽ cao hơn hẳn. Các cơ quan thai nhi đang được hình thành trong khoảng thời gian này, các tế bào đang được nhân lên mạnh mẽ nên rất nhạy cảm với thuốc.
Thai nhi ở thời kì trưởng thành (sau tuần thứ 14 trở đi), các cơ quan của cơ thể có phần hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, thai cũng sẽ chịu tác động của thuốc và gây ngộ độc.
Giai đoạn cuối thai kì là giai đoạn từ tháng thứ 6 trở đi, thai có thể bắt đầu tự chủ. Tuy nhiên, các cơ quan chuyển hóa và thải trừ chưa hoàn chỉnh nên thuốc vẫn gây độc hại cho thai.
3. Kháng sinh nào an toàn cho bà bầu?
Một số thuốc kháng sinh cho bà bầu được xem là an toàn như:
- Amphotericin B.
- Ampicillin.
- Amoxicillin.
- Cephalosporin.
- Metronidazol (sử dụng vào thời kỳ giữa và cuối thai kỳ).
- Clarithromycin.
- Erythromycin.
- Azithromycin.
- Penicillin G.
- Vancomycin.
Thận trọng khi dùng kháng sinh lúc mang thai
Thuốc kháng sinh cho bà bầu cần phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Một số kháng sinh cần phải thận trọng khi dùng trong giai đoạn này như:
1. Tetracyclin
Thuốc Tetracyclin bị chống chỉ định do gây độc cho gan đối với người mẹ và ảnh hưởng đến men răng của trẻ. Trẻ sẽ bị vàng răng không hồi phục nếu sử dụng kháng sinh này. Đồng thời, thuốc cũng ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ, làm cho trẻ thấp bé, chậm phát triển.
2. Chloramphenicol
Thuốc Chloramphenicol có tác dụng gây nguy hại cho cơ quan tạo máu của người mẹ. Nếu người mẹ sử dụng trong những ngày ngay trước khi sinh, thuốc sẽ tích lũy ở bào thai và gây nên tình trạng trụy tim mạch. Trẻ sơ sinh có thể tử vong. Tình trạng này được gọi là hội chứng xám.
3. Aminoglycosid
Thuốc kháng sinh Aminoglycosid bị chống chỉ định vì gây độc cho tai trẻ. Trong những trường hợp cần sử dụng để điều trị một số bệnh lý nhiễm trùng nặng trong giai đoạn này thì nên dùng khoảng thời gian ngắn (dưới 1 tuần). Kèm theo đó phải kiểm tra chức năng thận thường xuyên bằng chỉ số creatinin.
4. Các thuốc trong Chương trình phòng chống lao như isoniazid, rifampicin, ethambutol
Thuốc được sử dụng để điều trị cho người mẹ không may mắc bệnh lao trong thời gian mang thai. Các loại thuốc này có thể đi qua nhau thai nhưng không làm ảnh hưởng đến thai nhi nếu dùng ở liều lượng bình thường.
Qua bài viết này, YouMed đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi có thai uống thuốc kháng sinh như thế nào? Việc sử dụng thuốc cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có bất cứ tác dụng không mong muốn nào xảy ra thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết tốt nhất!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Kháng sinh nào cho phụ nữ mang thai?https://suckhoedoisong.vn/khang-sinh-nao-cho-phu-nu-mang-thai-n54116.html
Ngày tham khảo: 21/02/2021
-
Is it safe to take antibiotics during pregnancy?https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/expert-answers/antibiotics-and-pregnancy/faq-20058542
Ngày tham khảo: 21/02/2021
- Hướng dẫn sử dụng kháng sinh của Bộ Y tế năm 2015https://kcb.vn/thu-vien-tai-lieu/tai-lieu-huong-dan-su-dung-khang-sinh.html