YouMed

Rau mương: Cây thuốc hoa vàng chữa tiêu chảy hiệu quả

Bác sĩ BÙI KHÁNH HÀ
Tác giả: Bác sĩ Bùi Khánh Hà
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Rau mương quả là môt cái tên thú vị, người ta gọi nó là “rau”, nhưng lại ít thấy ai dùng làm rau ăn hàng ngày. Tuy nhiên đó là một vị thuốc chữa tiêu chảy khá hiệu quả. Và không chỉ có tiêu chảy, nó còn chữa được nhiều bệnh khác nữa. Kho tàng dược liệu của dân gian quả thật bao la. Cây thuốc với những đóa hoa vàng li ti này lại góp thêm chút phần cho kho tàng bao la ấy. Bài viết dưới đây mong mỏi sẽ đưa đến cho bạn đọc cái nhìn bao quát về cây thuốc này.

1. Đặc điểm, phân bố

1.1. Mô tả cây thuốc

Cây Rau mương (tên khoa học: Ludwigia prostrate) có nhiều loại, thuộc chi Rau mương (Ludwigia), họ Rau dừa nước (Onagraceae), được biết đến với những cái tên như Rau mương đất, Rau mương thon, Rau mương nằm,… Có người còn gọi nó là cỏ Cuốn chiếu hay cây Lức.

Rau mương là cây thân thảo, sống hàng năm
Rau mương là cây thân thảo, sống hàng năm

Đây là loại cây thân thảo sống một năm, cây có thể mọc nằm hoặc mọc đứng. Thân cây dài khoảng 0,4 – 0,6m, màu xanh lục, phân nhánh nhiều, nhánh có cạnh và có màu đỏ. Thân và cành có 4 góc lồi.

Lá cây hình mũi mác dài, rộng khoảng 0,7 – 1,5cm, dài 2,5 – 7cm. lá màu xanh lục, điểm đỏ, phiến lá có 1 gân chính và 7 – 8 đôi gân phụ tỏa ra từ gân chính.

Hoa nhỏ, mọc đơn độc từ nách lá, không cuống, màu trắng. Mỗi hoa có 2 lá bắc con hình vảy. Đài có ống hình trụ, 4 thùy. Tràng có 4 cánh hoa. Nhị 8, có bao phấn hình mắt chim. Bầu hình trụ, không cuống.

Quả hình trụ, nhẵn, hơi phình ra ở đỉnh, chứa nhiều hạt, các hạt này ẩn sâu và chỉ xếp 1 dãy trong ¾ dưới, rời nhau và xếp nhiều dãy ở phần trên. Mỗi quả dài 2 – 3cm.

Hoa rau mương màu vàng, nhỏ
Hoa rau mương màu vàng, nhỏ

1.2. Phân bố cây thuốc

Đây là loại cây ưa ẩm ướt. Trên thế giới, cây phân bố tại một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ Philippine và một số nước châu Mỹ như Brazil,…

Tại Việt Nam, cây ưa mọc ở ven các ngòi nước, hồ nước, bờ đê, gò ruộng, ruộng cạn dần,… Rau mương phân bố nhiều ở các tỉnh phía Nam, từ Huế trở vào cho đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Người ta dùng toàn cây cả rễ của Rau mương để làm thuốc. Nó có thể được thu hái quanh năm, tuy nhiên để làm thuốc thì nên thu hái vào mùa hè thu, chọn lúc tiết trời khô ráo, như thế để đảm bảo chất lượng thuốc được tốt nhất.

Người ta nhổ lấy cả cây đem về, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô để dùng dần. Lưu ý cất giữ nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp để không làm hư hỏng, ẩm mốc và bạc chất thuốc.

3. Thành phần hóa học

Hiện chưa có một công trình nào nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như tác dụng dược lý của cây Rau mương.

4. Công dụng của Rau mương

Trong Đông y, người ta thấy rằng vị thuốc này có vị ngọt nhạt, hơi sít, tính mát, người ta thường dùng nó để:

  • Thanh nhiệt giải độc
  • Trừ thấp, tiêu thũng
  • Chữa thấp khớp
  • Trị viêm ruột, cầm tiêu chảy và đi lỵ
  • Làm mát máu, tiêu sưng viêm
  • Trị cảm mạo phát sốt
  • Trị viêm hầu họng, viêm lưỡi, viêm amidan
  • Đắp ngoài chữa mụn lở sưng đau
Rau mương chữa tiêu chảy khá hiệu quả
Rau mương chữa tiêu chảy khá hiệu quả

Ngoài ra theo thời gian, người ta còn phát hiện thêm một số nơi trên thế giới, Rau mương được sử dụng với những công dụng như như:

  • Trị đái tháo đường
  • Tại Ấn Độ, lá của Rau mương được dùng để chữa đau nhức răng, đau cơ, hạt dùng để trị ho gà, còn rễ trị lỵ
  • Tại Trung Quốc, Rau mương còn được ứng dụng vào chữa viêm gan vàng da cấp, viêm ruột thừa cấp, viêm hầu họng, viêm ruột cấp,……

5. Liều dùng và cách dùng vị thuốc Rau mương

Liều dùng: 10 – 20gr/1 ngày nếu dùng khô. 30 – 40gr/ 1 ngày nếu dùng tươi

Cách dùng: Cây này có thể dùng dưới dạng thuốc sắc để uống. Nếu viêm miệng lưỡi, dùng cây khô sắc nước súc miệng. Dùng ngoài thì lấy cành lá tươi giã nát để đắp.

6. Lưu ý

Không nên tự ý sử dụng cho trẻ em, phụ nữ có thai và đang cho con bú.

7. Một số bài thuốc chữa bệnh từ Rau mương

7.1. Bài thuốc chữa đái tháo đường từ Rau mương

15 gram rau mương, 15 gram chuối hột, 15 gram dây mây, 10 gram lá vú sữa tím, 15 gram lục bình, 10 gram cam thảo nam và 20 gram khổ qua. Tất cả các vị thuốc cho vào ấm, thêm 3 chén nước và sắc cạn còn 8 phân thì tắt bếp, lọc lấy thuốc và chia đều ra uống 2 lần vào buổi sáng và chiều.

7.2. Bài thuốc trị tiêu chảy, đầy bụng

Rau mương dùng lá tươi, ngâm nước muối pha loãng, rửa sạch. Đem giã lấy nước rồi uống.

7.3. Bài thuốc điều trị viêm họng, viêm amidan

Lấy một nắm lá Rau mương tươi, đem rửa sạch. Nhai nuốt chỗ rau này với một chút muối hột. Có thể nhai ngày 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Lưu ý nên dừng khi bệnh đã thuyên giảm.

7.4. Bài thuốc chữa abces, mụn nhọt, chín mé từ Rau mương

Bài này gồm 2 phần, trong uống, ngoài đắp.

Phần thuốc đắp: Lấy một nắm thân và lá Rau mương, đem ngâm nước muối loãng rồi rửa sạch, để ráo. Giã nát phần thuốc này, rồi đem đắp vào chỗ abces, mụn nhọt trong 15 phút. Lưu ý phải vệ sinh sạch sẽ vùng da này trước và sau khi đắp. Làm 1 -2 lần mỗi ngày.

Phần thuốc uống: Chuẩn bị khoảng 30 – 40gr Rau mương khô, đem sắc nước uống mỗi ngày. Dùng cách này đến khi vết thương lành hẳn.

Rau mương là một vị thuốc dân gian gần gũi và nhiều công dụng. Nhưng cũng như bao vị thuốc khác, nếu muốn điều trị bệnh, bạn đọc nên có sự thăm khám, tham khảo ý kiến những người có chuyên môn để được biết về tình trạng cơ thể mình, có thích hợp dùng vị thuốc này không. Tránh tự ý sử dụng để có thể đưa đến những tác dụng không mong muốn. Rất mong nhận được những phản hồi cũng như sự đồng hành của các bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Võ Văn Chi. Những cây thuốc thông thường.

  2. Võ Văn Chi. Cây rau làm thuốc.

  3. Lương y Tuệ Minh, Dương Thiên. Cây thuốc nam thông dụng trị bệnh dễ tìm.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người