YouMed

Ráy gai: Công dụng của loài cây quen thuộc

Bác sĩ DƯƠNG THỊ NGỌC LAN
Tác giả: Bác sĩ Dương Thị Ngọc Lan
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Ráy gai có tên khoa học là Lasia spinosa Thawaites. Cây còn có tên gọi khác là Củ chóc gai, Sơn thục gai, Rau chân vịt, Khoai sọ gai…Cây thuộc họ Ráy (Araceae). Theo Đông y, thảo dược có vị cay, tính ấm, có tác dụng tiêu đờm, trừ suyễn… Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin về loài cây này

Ráy gai là cây gì ?

Mô tả chung

Là cây thảo, có chiều cao trung bình từ 40 – 70cm. Cây có thân rễ nằm ngang, chia nhiều đốt. Lá mọc thẳng từ thân rễ, có mép nguyên lá non hình mũi tên. Lá già xẻ lông chim, mặt dưới có gai ở gần giữa, cuống lá mập, dài hơn phiến lá, phủ đầy gai, gốc có bẹ, các thùy có hình mác, đầu nhọn.

Cụm hoa là một bông mo, trục hoa hình trụ ngắn, mang toàn hoa lưỡng tính, bao hoa có 4 – 6 thùy, nhị 4 – 6, chỉ nhị ngắn, bầu hình trứng. Quả mọng có gai ngắn ở đỉnh.

Cây Ráy gai có mùa hoa quả trong khoảng tháng 3 – 4.

Ráy gai
Thời kháng chiến chống Mỹ, cây ráy là phương thuốc của nhiều bệnh hô hấp

Phân bố sinh thái

Ở Việt nam, chỉ có một loài Ráy gai, phân bố rải rác khắp các địa phương ở vùng đồng bằng, trung du và núi thấp.

Cây là loại cây ưa nước, có thể chịu bóng, thường mọc thành đám lớn ở bờ ao hồ, bờ suối hay kênh rạch. Cây sinh trưởng, phát triển gần như quanh năm, có khả năng đẻ nhánh khỏe, ra hoa quả nhiều. Khi quả chín rụng, cây thường được phát tán nhờ nước.

Theo thống kê, Việt nam có nguồn thảo dược tương đối dồi dào. Bên cạnh quần thể mọc tự nhiên, người ta còn trồng cây này dọc theo bờ ao để tránh xói lở, đồng thời nó cũng tạo thêm nơi trú ngụ cho hệ sinh vật khác.

Thành phần hóa học

Ráy gai chứa flavonoid, acid hữu cơ, hợp chất phenol, đường, acid amin.

Toàn cây còn có saponin triterpen. Thân rễ chứa tinh bột. Bông mo có acid hydrocyanic.

Công dụng của Ráy gai

Thân rễ cây có vị cay, tính ấm, có tác dụng tiêu đờm trừ suyễn và thanh nhiệt, giải độc.

Nhân dân ở vùng có Ráy gai mọc thường hái lá non về làm rau ăn, luộc hoặc muối dưa. Theo kinh nghiệm nhân dân, thảo dược này thường được dùng chữa ho, tê thấp, đau bụng, phù thũng, đau lưng, đầu gối đau, bàn chân tê buốt, suy gan, di chứng do sốt rét. Ngày dùng 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.

Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội miền Đông Nam bộ đã dùng rộng rãi thảo dược này để chữa viêm gan, vàng da, cơ thể suy nhược sau khi bị sốt rét cho ra kết quả tốt.

Năm 1973, Xưởng dược X5 thuộc Phòng Quân y – B2 đã sản xuất viên Ráy gai, dùng điều trị trên lâm sàng và viên ráy gai phối hợp với bột nghệ để làm thuốc bổ gan.

Đồng thời, loài cây này cũng được ứng dụng nhiều trong điều trị ở các nước khác như Trung quốc, Malaysia,…cụ thể như sau:

  • Ở Trung quốc, thảo dược được dùng để chữa ho, phế nhiệt.
  • Ở Malaysia, thảo dược là một thành phần trong bài thuốc chữa ho.
  • Ở Indonesia, nước hãm của rễ dùng cho đàn bà sau khi đẻ, nước sắc rễ và thân chữa các cơn đau thắt

Bộ phận dùng của Ráy gai

Bộ phận thường dùng là thân rễ, cây có thể thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa thu đông, có thể phơi hoặc sấy khô. Khi sử dụng, có thể ngâm nước phèn và nước gừng, đợi mềm, thái mỏng rồi sao lên.

Bài thuốc có chứa Ráy gai

Chữa tê thấp, bàn chân tê buốt

Ráy gai, Kim cang, Cẩu tích, Ngưu tất, Huyết đằng mỗi vị 12g. Sắc nước hoặc ngâm rượu uống.

Chữa thiên suy

Ráy gai 12g, Lá trâu cổ 10g, Hạt vải 10g. Tất cả thái nhỏ phơi khô, sắc với 400ml còn 100ml chia làm 2 lần uống trong ngày.

Chữa vàng da, suy gan

Dùng 12 – 16g Ráy gai, sắc uống trước mỗi bữa ăn chính khoảng 2 tiếng, dùng từ 2 – 3 lần/ ngày.

Để tăng hiệu quả cho bài thuốc, có thể cân nhắc dùng phối hợp nghệ vàng với Ráy gai, sắc dùng 1 thang mỗi ngày, liên tục trong 3 – 4 ngày. Đồng thời cũng có thể bổ sung một số vị thuốc khác như nhân trần, diệp hạ châu – mỗi vị 12 g, dùng liên tục trong 3 – 4 tuần cho đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm.

Trị đau gối, đau lưng, đau xương khớp

Ráy gai, Ngưu tất, Ngũ gia bì, Cẩu tích, Bạch thược, Cốt toái bổ, Đỗ trọng, Trần bì, mỗi vị dùng 20g. Ngâm tất cả với rượu làm thuốc.

Trị ho do phế nhiệt, nước tiểu đậm màu, vàng

Ráy gai, Bạc hà, Mạch môn, Huyền sâm, Râu ngô mỗi vị từ 10 –  12g. Sắc uống 1 thang mỗi ngày, dùng liên tục từ 1 – 2  tuần cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

Bài viết trên đã cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích về loài cây Ráy gai. Cũng như các loại thảo dược khác, Quý độc giả cần tham khảo ý kiến chuyên gia về liều lượng và thời gian sử dụng để mang lại hiệu quả tốt nhất

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người