Sâm vò: vị thuốc giảm cân, thanh nhiệt ngon miệng và hiệu quả
Nội dung bài viết
Sâm vò hay sương sâm là món ăn giải khát không còn xa lạ gì với người dân miền tây. Sương sâm có hương vị thanh mát, ngon miệng lại có nhiều tác dụng quý đối với sức khỏe. Ăn sương sâm giúp giảm cân, thanh nhiệt, chống táo bón… Công dụng của loại dược liệu này ngày càng được phát hiện nhiều thêm nhờ những nghiên cứu ở nhiều nước. Hãy cùng YouMed tìm hiểu thêm về cây sương sâm qua bài viết sau đây nhé.
Sâm vò là gì?
Sâm vò, sương sâm, xanh tam, hay dây xanh leo có tên khoa học: Tiliacora triandra (Colebr.) Diels, cây thuộc họ Tiết dê – Menispermaceae.
Đây là cây bụi thấp, mọc leo, thân cây mảnh, nhẵn. Lá có kích thước thay đổi, có khi hình trái xoan nhọn, có khi có hình tim ở gốc, mũi nhọn cứng ở đầu. Thường dài 4-13cm, rộng 2-6cm, bề mặt lá dai và nhẵn, không xẻ thùy. Có 3 gân chính trên lá, gân con thành mạng, cuống lá mảng, ngắn.
Cụm hoa thành chùm thưa, dài 15-25mm, có lông nhung. Có 3 lá đài phía ngoài, có hình tam giác, phía lưng có lông. Có 3 lá đài phía trong, lớn hơn lá đài ngoài gấp 2-3 lần. Tràng hoa 6 cánh, hình trái xoan ngược. Có 3 nhị, bao phấn hình tam giác, mở bên và mở dọc, chỉ nhị dài gấp 2-3 lần bao phấn. Lá noãn có từ 3-6 lá, vòi nhụy cong. Lá noãn chín có hình trứng, nhân có hình móng ngựa, có lõm hẹp ở giữa, phôi nhũ có hình liềm, lá mầm dài gấp 3 lần rễ mầm. Quả mọng, khi chín có màu tím đen, phía ngoài có lớp phấn trắng như mốc.
Cây mọc rải rác trong rừng, ở vùng núi đá vôi độ cao dưới 300m, cây cũng được trồng trong vườn để lấy lá làm thạch. Thường ra hoa vào tháng 2, có quả vào tháng 9.
Thành phần hóa học
Trong loại dược liệu này chứa hàm lượng cao flavonoid, phenolic, các acid béo, alkaloids…
Flavonoid và phenolic là những chất chống oxy hóa cao. Trong sâm vò có 3 loại acid béo có vai trò trong tăng cường chức năng P-glucoprotein trong vài dòng tế bào đa kháng thuốc. Các alkaloids từ cây sâm vò như tiliacorinine, tiliacorine có hoạt tính kháng khuẩn, chống sốt rét…
Tác dụng của Sâm vò
Thanh nhiệt
Sâm vò thường được vò kỹ với nước để làm thạch. Theo đông y, sâm vò có vị ngọt, nhạt, tính mát, không độc. Không những thế, thạch sâm vò lại chứa rất nhiều nước nên làm món ăn thanh nhiệt rất tốt.
Chống táo bón
Sương sâm còn giúp cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, chống táo bón. Táo bón thường do chế độ ăn thiếu chất xơ, phân ở đại tràng quá lâu ngày bị tái hấp thu nước nên trở nên khô cứng khó đi. Trong thạch sâm vò có nhiều nước, giúp tăng thể tích dịch trong lòng ruột, làm phân mềm, dễ đi, chữa táo bón.
Giảm cân
Sâm vò là một thực phẩm giảm cân lý tưởng. Nó có lượng calo rất thấp, nhiều khoáng chất vi lượng, lại chứa nhiều nước. Ăn sương sâm như món ăn vặt giúp giảm thiểu lượng calo hấp thu. Ngoài ra, loại dược liệu này còn chống táo bón, giúp thanh lọc cơ thể. Ăn nhiều sẽ giúp giảm cân nhanh chóng.
Chữa đái tháo đường
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã nhận thấy tiềm năng chữa tiểu đường của lá sâm vò. Dịch lá sâm này có tác dụng hạ đường huyết và cường insulin trên chuột. Tác dụng hạ đường huyết được cho là do lá sâm vò làm giảm sự phóng thích glucose từ gan. Tác dụng này được quan sát sau 8 tuần thử nghiệm.
Ngoài ra, còn có sự tăng insulin huyết thanh ở chuột được điều trị bằng lá sâm vò. Dịch chiết từ lá sâm vò làm tăng khả năng tái tạo và cải thiện mô học của các đảo b tuyến tụy (tế bào tiết insulin). Từ đó, có thể thấy trong lá sâm vò chứa hoạt chất có khả năng làm nhạy cảm insulin, kích thích insulin từ tuyến tụy. Insulin là hormon giúp điều hòa đường huyết, tiểu đường xảy ra khi insulin bị thiếu hụt hoặc không còn nhạy.
Chống oxy hóa
Dịch lá sương sâm được chứng minh là có khả năng chống oxy hóa mạnh. Trong nghiên cứu về khả năng chống oxy hóa của phần lá, người ta phát hiện chất phenolic đóng vai trò chủ đạo.
Chống ung thư
Trong một thử nghiệm trong ống nghiệm, người ta thấy dịch chiết lá sâm này có khả năng ức chế tế bào ung thư phổi và ung thư buồng trứng. Khả năng này có được có thể là do chất oxoanolobine có trong lá sâm vò.
Cách dùng lá Sâm vò
Loại dược liệu này thường được vò làm thạch để ăn như món giải khát. Cách làm thạch sâm vò cũng rất đơn giản. Chọn những lá sâm bánh tẻ, không quá non cũng không quá già, không sâu rầy. Rửa sạch sau đó cho nước đã đun sôi để nguội vào cho ngập mặt lá. Dùng sức xoắn vặn lá sâm bằng hai tay cho lá sâm nát đều ra.
Vò mạnh lá sâm, thỉnh thoảng nhồi mạnh lá sâm để ra hết chất nhựa. Vò mạnh tay, nhiều lần cho đến khi lá sâm hết nhựa, chuyển sang màu trắng là được. Dùng ray lược để loại bỏ bã lá. Vớt bớt bọt rồi để yên, lá sâm sẽ đông sau vài giờ. Nếu muốn ăn đặc hay loãng thì tăng giảm lượng nước tương ứng. Khi ăn thì thêm đường, đá. Không để thạch lá sâm qua đêm vì sẽ bị vữa.
Bài thuốc kinh nghiệm từ Sâm vò
Sốt lỵ, tiểu tiện khó
Dùng 50 gram cây sương sâm đem rửa sạch, vò nát hoặc giã nhỏ. Đem đun sôi để nguội rồi vắt lấy nước. Chờ khi dung dịch nước sương sâm đông lại uống. Dùng 40 – 100 gram lá tươi mỗi ngày.
Chậm tiêu
Dùng rễ sương sâm lông đem xay thành bột, bột gừng và bột hạt tiêu theo tỷ lệ 4:6:5. Trộn với mật ong, nhào thành bột nhão và hoàn viên. Dùng 0,2 – 0,3 gram/ngày. Uống liên tục đến khi triệu chứng châm tiêu thuyên giảm thì ngưng.
Tiểu đường, táo bón, miệng khô khát
Dùng 30 – 60 gram lá sương sâm phối hợp với 30 gram rau đắng (biển súc), 45 gram rung rúc. Đem đun sôi và uống.
Những lưu ý khi sử dụng Sâm vò
- Sâm vò thanh nhiệt, nhuận trường tốt nên cũng không nên dùng quá 2 ly mỗi ngày. Sẽ làm đầy bụng, lạnh bụng, khó tiêu.
- Làm sương sâm khá dễ, nên tự làm, vì sâm vò được bày bán sẵn thường không đảm bảo vệ sinh.
Sâm vò là món ăn giải khát ngon miệng, lại bổ dưỡng. Ngày nay, khoa học đã chứng minh trong lá sâm này có nhiều hoạt chất có giá trị; có nhiều tiềm năng trong điều trị đái tháo đường, ung thư, táo bón. Tuy nhiên khi dùng ở dạng bài thuốc, quý độc giả nên tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị để tránh tác dụng không mong muốn. Hi vọng bài viết này đem lại kiến thức bổ ích cho bạn đọc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Võ Văn Chi (2018). Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), Tập 1. Nhà xuất bản Y học.
-
Chemical Constituents and in vitro anticancer activity of Tiliacora triandra leaves
https://www.phcogj.com/article/97
Ngày tham khảo: 20/05/2021
-
Hypoglycemic Activity of Leaf Extracts from Tiliacora triandra in Normal and Streptozotocin-Induced Diabetic Rats
https://www.fulltxt.org/article/11
Ngày tham khảo: 20/05/2021
-
Bioactive compounds and encapsulation of Yanang (Tiliacora triandra) leaves.https://www.semanticscholar.org/paper/Bioactive-compounds-and-encapsulation-of-Yanang-Singthong-Oonsivilai/92fa6ab9c445303da1fa0be4db6bb30ff3518d7e
Ngày tham khảo: 20/05/2021