Sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi? Câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Sốt xuất huyết là những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, thường xảy ra vào mùa mưa. Bệnh có thể làm cơ thể mất nước, mệt mỏi và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Điều này làm cho mọi người đặt ra câu hỏi liệu sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi? Dấu hiệu của việc sốt xuất huyết đã khỏi là gì? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo trả lời các câu hỏi trong bài viết dưới đây nhé!
Một số điều cơ bản về sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết do bất kỳ một trong bốn loại virus sốt xuất huyết gây ra. Bệnh sốt xuất huyết thường lây lan qua đường muỗi đốt. Bệnh cũng có thể lây từ mẹ sang con, lây qua các sản phẩm hiến máu, truyền máu, hiến tạng,…1 2
Hầu hết những người bị sốt xuất huyết có triệu chứng nhẹ, có trường hợp sẽ không có triệu chứng. Một số triệu chứng như:1
- Sốt cao, có thể sốt đến 40°C.
- Đau đầu dữ dội.
- Đau sau mắt.
- Đau cơ và đau khớp.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Viêm tuyến.
- Phát ban.
Sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi?
Hầu hết những người bị sốt xuất huyết đều có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần. Hiếm khi sốt xuất huyết có thể nghiêm trọng và gây tử vong.1
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh có thể trải qua các giai đoạn khác nhau như: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn khôi phục.3
- Thời kỳ ủ bệnh: Sau khi bị nhiễm virus Dengue từ muỗi, người bệnh sẽ ủ bệnh từ 4 – 7 ngày, có khi tới 14 ngày sau đó mới tới giai đoạn sốt.
- Giai đoạn sốt: sau khi nhiễm virus Dengue, người bệnh sẽ ủ bệnh từ 4 – 7 ngày có khi tới 14 ngày, sau đó mới có biểu hiện sốt. Bệnh nhân có thể sốt cao liên tục hoặc sốt cao đột ngột từ 39°C – 40°C, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm sốt. Đi kèm đó là các triệu chứng khác.
- Giai đoạn nguy hiểm: Ở giai đoạn nguy hiểm diễn ra từ ngày 3 – 7 sau khi bị sốt ngày đầu tiên. Người bệnh có thể giảm hoặc còn sốt, xuất hiện một số trường hợp nhiễm trùng thứ phát kèm hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Một số triệu chứng khác cũng có thể xảy ra ở giai đoạn này.
- Giai đoạn phục hồi: thường vào ngày thứ 7 – 10 của bệnh. Ở giai đoạn này, người bệnh hết sốt, sức khỏe dần ổn định, tiểu nhiều hơn và thèm ăn. Giai đoạn này cần lưu ý là nên chăm sóc sức khỏe cẩn thận và đúng cách, không được lơ là các triệu chứng bất thường dù bệnh nhân có biểu hiện hồi phục.
Dấu hiệu nhận biết bệnh đã khỏi
Thời gian khỏi bệnh sốt xuất huyết sẽ khác nhau tùy thuộc vào cách chăm sóc người bệnh và thể trạng mỗi người. Một số dấu hiệu nhận biết đã hết bệnh như:3
- Cơ thể bớt mệt mỏi: người bệnh cảm thấy cơ thể khỏe hơn, bớt mệt mỏi, ăn uống ngon miệng hơn,..
- Không xuất hiện các nốt ban mới.
- Đi tiểu nhiều hơn: khi bị sốt cơ thể bị mất nước nghiêm trọng nên thường tiểu ít. Đến sau 5 – 7 ngày nếu người bệnh đi tiểu nhiều hơn có thể người bệnh không còn mất nước và đang dần hồi phục.
- Các nốt xuất huyết mờ dần, nhưng vẫn có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa da.
Bệnh có tự khỏi được không?
Thông thường bệnh có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần. Trong một số trường hợp, các triệu chứng xấu đi và có thể đe dọa tính mạng, được gọi là sốt xuất huyết nặng, xảy ra khi các mạch máu bị hư hỏng và rò rỉ.2
Một số dấu hiệu cảnh báo về bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng – trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng. Các dấu hiệu như:1 2
- Đau bụng dữ dội.
- Nôn dai dẳng.
- Chảy máu từ nướu răng hoặc chảy máu mũi.
- Máu trong nước tiểu, phân hoặc chất nôn.
- Chảy máu dưới da.
- Khó thở hoặc thở nhanh.
- Mệt mỏi.
- Khó chịu, cồn cào.
Có thể thấy, sốt xuất huyết vẫn có thể tự khỏi. Nhưng để đảm bảo sức khỏe được hồi phục tốt và nhanh nhất, tránh trường hợp bệnh diễn tiến nặng đe dọa tính mạng, thì người bệnh nên liên hệ cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, không nên tự trị bệnh tại nhà.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết khi vào mùa
Tháng 5 đến tháng 11 hằng năm là thời điểm dịch sốt xuất huyết dễ bùng phát. Bạn đọc và gia đình có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây để giảm nguy cơ bị muỗi đốt, từ đó giảm rủi ro bị sốt xuất huyết:1 4
- Mặc quần áo dài, che chắn càng nhiều càng tốt.
- Ngủ màn ngay cả ban ngày. Tốt nhất là mắc màn có phun thuốc chống côn trùng.
- Lắp đặt khung lưới chống muỗi ở cửa sổ.
- Sử dụng các loại kem, thuốc đuổi muỗi có chứa DEET, Picaridin hoặc IR3535.
- Thường xuyên kiểm tra và diệt lăng quăng ở các đồ vật chứa nước sinh hoạt hằng ngày.
- Thường xuyên thay nước lọ hoa, có thể thả cá vào các bể cảnh, hòn non bộ,… để diệt lăng quăng.
- Dọn dẹp và loại bỏ các vật liệu phế thải, vật dụng chứa nước không sử dụng, ao tù nước động xung quanh môi trường sống.
- Cần tích cực phối hợp với cơ quan y tế trong các đợt diệt lăng quăng, phun thuốc đuổi muỗi.
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp cho bạn đọc về vấn đề “Sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi?”. Tuy sốt xuất huyết thường diễn tiến nhẹ nhưng vẫn có thể nguy hiểm với tính mạng người bệnh. Do đó, bạn đọc và gia đình cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là phòng bị muỗi đốt, để bảo vệ sức khỏe của cả nhà nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Dengue and severe denguehttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dengue-and-severe-dengue
Ngày tham khảo: 22/06/2023
-
Dengue feverhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dengue-fever/symptoms-causes/syc-20353078
Ngày tham khảo: 22/06/2023
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Denguehttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/06/Huong-dan-chan-doan-dieu-tri-sot-xuat-huyet-dengue.pdf
Ngày tham khảo: 22/06/2023
-
6 điều nên làm để phòng bệnh sốt xuất huyếthttps://vncdc.gov.vn/6-dieu-nen-lam-de-phong-benh-sot-xuat-huyet-nd16957.html
Ngày tham khảo: 22/06/2023