YouMed

Những điều bạn cần biết về tình trạng sưng dái tai

thạc sĩ bác sĩ trần thanh long
Tác giả: ThS.BS Trần Thanh Long
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Dái tai khi bị sưng có thể đỏ lên, gây khó chịu và đau đớn. Các nguyên nhân thường gây sưng dái tai đó là nhiễm trùng, dị ứng và chấn thương. Hãy cùng Youmed theo dõi bài viết sau để biết thêm thông tin về tình trạng sưng dái tai nhé! 

1. Nguyên nhân gây sưng dái tai

Có nhiều nguyên nhân gây sưng dái tai. Mỗi loại gây những triệu chứng khác nhau. 

Bấm lỗ tai 

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây sưng dái tai ở phần lớn đối tượng. Sau khi bấm lỗ tai, bình thường cũng sẽ có đau và sưng một tí, nhưng các dấu hiệu này sẽ giảm đi sau vài ngày. 

Sưng dái tai cũng có thể là do phản ứng thải loại vật lạ của cơ thể hay nhiễm trùng vết bấm lỗ tai. Nếu sưng và đau kéo dài thì bạn cần phải đi khám bác sĩ. 

Phản ứng dị ứng 

Phản ứng dị ứng, đặc biệt với một số loại trang sức, có thể làm cho một hay hai bên dái tai sưng lên. Trong phần lớn trường hợp dị ứng, chất niken trong khuyên tai có thể gây ra viêm và sưng.

Bạn nên tháo bỏ khuyên tai đang dùng và chọn đeo các loại không có chứa niken có thể giúp giảm triệu chứng. 

Chấn thương 

Bất kỳ chấn thương nào lên dái tai cũng có thể gây sưng dái tai – thậm chí chỉ một chấn thương nhỏ như đeo khuyên tai quá chặt. Bên cạnh sự sưng nề, dái tai bị chấn thương có thể gây đau đớn. 

Tụ máu vành tai

Tụ máu vành tai là một biến dạng bên ngoài của tai. Nó có thể xảy ra sau chấn thương tai. Tình trạng thường gặp nhất trong các môn thể thao va chạm đối kháng như đấu vật, đấm bốc và võ thuật. 

Tụ máu vành tai xảy ra khi có máu tích tụ trong tai ngoài. Nếu tổn thương không được thoát lưu hợp lý, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng và biến dạng. Ngoài sưng dái tai, cũng có thể có vết bầm và đau.  

Nhiễm trùng 

Sưng dái tai cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Các triệu chứng khác của nhiễm trùng tai ngoài còn bao gồm: 

  • Đau 
  • Ngứa
  • Đỏ da 
  • Ấn vào gây đau 

Côn trùng cắn 

Dái tai bị côn trùng cắn có thể sưng lên và ngứa. Nếu bạn thức dậy và thấy dái tai bị sưng và ngứa thì có khả năng là bạn đã bị côn trùng cắn vào ban đêm. Điều trị ban đầu sẽ tùy thuộc vào loại côn trùng nào đã cắn bạn. 

Áp-xe

Áp-xe là một khối sưng xuất hiện dưới bề mặt da, báo hiệu có sự tụ mủ hay dịch ở vùng đó. Tình trạng này thường là do nhiễm vi khuẩn. 

Bởi vì áp-xe da có thể hình thành ở bất kì vị trí nào trên cơ thể nên áp-xe dái tai cũng không phải ngoại lệ. Tùy vào nguyên nhân gây áp-xe, bạn có thể có các triệu chứng khác nhau như: 

  • Sốt 
  • Ớn lạnh 
  • Viêm nhiễm ở vùng áp-xe 
  • Có dịch mủ chảy ra tại vị trí nhiễm trùng 
Áp-xe gây sưng dái tai
Áp-xe gây sưng dái tai

Nhọt

Đây là tình trạng nhiễm trùng da, có thể có tụ mủ ở lớp sâu phía dưới bề mặt da. Nhiễm trùng này có liên quan đến các nang lông và thường rất đau khi ấn vào. Kích thước của nhọt cũng rất thay đổi. 

Các triệu chứng khác có thể bao gồm: 

  • Ngứa
  • Đau nhức
  • Sốt 
  • Đóng mài, rỉ dịch ở vùng có nhọt

Nang

Nang ở vùng da thường gặp là nang bã nhờn, đây là những dấu hiệu bất thường ở da, có chứa dịch hay chất lỏng bên trong. 

Dù không nguy hiểm, nhưng các nang có thể gây khó chịu. Vì nang bã nhờn thường gặp nhất ở da đầu, mặt, cổ, và lưng nên nang ở dái tai cũng không phải là ít gặp.

Viêm da tiếp xúc 

Khi một vật chất phản ứng với da của bạn thì bạn có thể bị viêm da tiếp xúc. Ngoài sưng dái ta thì bạn có thể thấy ngứa, đỏ da và viêm. 

Viêm mô tế bào 

Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng da do vi khuẩn tương đối thường gặp. Tình trạng này thường gây đau và biểu hiện với một vùng da đỏ và sưng, sờ thấy nóng. Vì nó có thể xuất hiện bất cứ đâu trên cơ thể nên dái tai hoàn toàn có thể bị viêm mô tế bào. Các dấu hiệu khác đi kèm bao gồm đỏ da, đau và sốt.

Viêm mô tế bào có thể tiến triển gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn. Trong các trường hợp đó, bạn cần đi khám bác sĩ ngay lập tức. 

Viêm mô tế bào gây sưng dái tai
Viêm mô tế bào gây sưng dái tai

2. Phương pháp điều trị sưng dái tai 

Có nhiều cách để điều trị sưng dái tai, nhưng lựa chọn điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. 

Đầu tiên, bạn có thể thử một số cách tại nhà để giảm phù nề. Chườm lạnh có thể giúp làm giảm dòng máu đến vùng bị sưng, làm dịu đi dấu hiệu sưng nề. Nếu dái tai quá đau thì các thuốc giảm đau mua tại hiệu thuốc có thể có ích. 

Trong các trường hợp bị nhiễm khuẩn thì bạn sẽ cần thuốc kháng sinh. Các thuốc kháng sinh có thể sử dụng bằng đường uống hoặc bôi tại chỗ. Đối với các trường hợp côn trùng cắn và dị ứng thì bác sĩ có thể kê cho bạn một số thuốc giúp chống dị ứng. 

3. Khi nào cần đi khám bác sĩ? 

Nếu dái tai chảy dịch mủ vàng hay xanh, hoặc nếu bạn có phản ứng dị ứng nghiêm trọng thì bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Trong các trường hợp nang hay áp-xe, bác sĩ có thể cần phải rạch để tháo bớt dịch và mủ. Nếu cần sử dụng kháng sinh thì bạn cũng cần có bác sĩ để kê đơn chính xác. 

sưng dái tai 

Sưng dái tai có thể là dấu chỉ của các bệnh lý khác nhau. Bạn cần liên hệ bác sĩ nếu tình trạng không giảm đi qua thời gian hay nếu nghi ngờ có các dấu hiệu nguy hiểm khác. 

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thanh Long

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

https://www.healthline.com/health/swollen-ear-lobe

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người