Tác dụng chữa bệnh của Phèn chua
Nội dung bài viết
Phèn chua hay còn gọi là minh phàn, bạch phàn là một khoáng vật được tinh chế từ thiên nhiên. Chúng thường được sử dụng trong y học dùng để chữa rất nhiều bệnh. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Y học cổ truyền Tạ Công Thúy Mai sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về đặc điểm, công dụng của vị thuốc này.
Phèn chua là gì?
Danh pháp
Tên gọi khác: minh phàn, phèn chi, khô phàn, bạch phàn.
Tên khoa học: Alumen.
Nguồn gốc, tính chất
Phèn chua được chế biến từ nguyên liệu thiên nhiên gọi là minh phàn thạch (Alunite), có công thức hóa học là K2SO4.Al2(SO4).4Al(OH)3, chúng thường lẫn với một ít sắt.
Kích thước tinh thể không đều, không màu hay có thể có màu hơi vàng nhạt, không rõ mùi vị, Phèn chua đục hay trong suốt rất dễ bị vỡ vụn.
Vị hơi ngọt, chua và chát, tan trong glyxerin, tan trong nước nhưng không tan trong cồn.
Thành phần hóa học
Phèn chua là muối kép của kali và nhôm sunfat. Có công thức là K2SO4.Al2(SO4)3.24H2O.
Cách sử dụng của Phèn chua
Điều chế: nung đất sét và cho tác dụng với axit sunfuric, sau đó trộn với dung dịch muối Kali sunfat, để kết tinh lại.
Có thể dùng sống Phèn chua hay vì phi lên để dùng.
Tác dụng của Phèn chua
- Trông công nghiệp giấy đây là bí quyết giúp cho giấy không bị nhòe mực khi viết chữ lên.
- Trông công nghiệp dệt may nguyên liệu này giúp cho phẩm nhuộm trên vải bền, không dễ bị bay màu.
- Theo y học cổ truyền, nguyên liệu này có vị chua, tính hàn, quy vào kinh Tỳ.
- Có tác dụng uống trong thì nôn ra được đờm dãi thể phong nhiệt, dùng ngoài thì có tác dụng táo thấp sát trùng, giải độc hết ngứa.
- Thuốc dùng làm thu liễm, cầm máu, chữa các bệnh ho ra máu, các trường hợp có xuất huyết.
- Có tác dụng trị những thể động kinh mà có đờm dãi.
- Dùng ngoài có tác dụng trị bệnh ghẻ lở có chảy nước, ngứa da.
Bài thuốc có Phèn chua
1. Chữa bệnh viêm dạ dày và các bệnh lý viêm ruột cấp tính
Phèn chua 100 g rang lên, sau đó đem tán nhỏ mịn. Ngày dùng từ 0,5 – 1 g chia nhiều lần uống.
2. Chữa bị rắn cắn, mắt có quầng thâm.
Phèn chua và Cam thảo, hai vị cân lượng bằng nhau, sau đó đem tán nhỏ mịn. Mỗi lần uống lấy 3 – 6 g, chia làm 2 đến 3 lần uống trong một ngày.
3. Chữa khí hư bạch đới ở phụ nữ
Phèn chua rang lên thành khô phàn, Xà sàng tử, cân 2 vị lượng bằng nhau, đem tán thành nhỏ mịn, sau đó làm thành viên hoặc đem hỗn hợp sắc nước dùng để rửa vùng âm hộ.
4. Trị đinh ngọt, sưng đau, thấp chẩn
Phèn chua, Hùng hoàng mỗi vị lượng bằng nhau, đem trộn với bã trà đắp vào vùng bị bệnh.
5. Trị bệnh viêm gan có vàng da
Minh phàn, Thanh đại lượng bằng nhau, đem tán bột pha nước uống. Chia làm 3 lần uống trong một ngày, mỗi lần uống dùng 1,5 – 3g
6. Trị các trường hợp thấp chẩn
Dùng khô phàn, Lưu hoàng mỗi vị 90 g, Thanh đại 30 g, Thạch cao nung 480 g, Băng phiến 1,5 g, đem hỗn hợp tán mịn nhỏ thành bột đem cất kín. Khi dùng lấy trộn với dầu mè bôi vào chỗ bị bệnh, ngày bôi 2 lần, trong 5 đến 7 ngày (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).
7. Trị bệnh phụ nữ kinh nguyệt bế tắc không thông, trong tử cung kết tụ, huyết khô khí hư
Phèn chua, Hạnh nhân đem tán nhỏ, sau đó luyện với mật thành hoàn viên to kích cỡ như hạt táo, đặt vào âm hộ (Phàn thạch hoàn – Kim quỹ yếu lược).
8. Trị bệnh lở ngứa ở đầu
Minh phàn 720 g đem nung lửa lên thành khô phàn, sau đó tán thành bột, Tùng hương 90 g đã tán thành bột mịn, đem Tùng hương quậy với mỡ heo đã rồi nấu tới khi nào dẻo lên, lấy đũa nhúng vào đưa lên thấy nhỏ từng hột là đạt. Để nguội sau đó đem trộn với khô phàn, khuấy đều dán vào chỗ đau. (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).
Phèn chua là một loại khoáng vật có nhiều tác dụng được sử dụng trong y học cổ truyền khá phổ biến, đặc biệt là trị các bệnh viêm, ghẻ lở, mụn nhọt rất hiệu quả. Tuy nhiên để đạt kết quả cao điều trị, bạn nên cần tư vấn Bác sĩ chuyên khoa để đưa ra lời khuyên tốt nhất
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- GS.TS. Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, 2006.
- Lương y Hoàng Duy tân. Đông dược học. Nhà xuất bản Dân Trí.