Tầm soát sớm trầm cảm trong thai kì
Nội dung bài viết
Như chúng ta đã biết, trầm cảm sau sinh hay trầm cảm trong thai kì là một tình trạng khá phổ biến, thường bị bỏ qua do không hiểu hết được triệu chứng và tác động của nó. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp lên người mẹ, trầm cảm chu sinh còn ảnh hưởng lên cả sự phát triển sau này của em bé, ảnh hưởng lên sự gắn kết mẹ con và các thành viên trong gia đình.
Nên tầm soát trầm cảm ở các giai đoạn nào?
Nhận biết được những lợi ích của việc phát hiện và điều trị sớm trầm cảm trong thai kì, hiệp hội sản phụ khoa của Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists) đã đưa ra khuyến cáo nên tầm soát trầm cảm ở tất cả các phụ nữ mang thai, nhất là nhóm phụ nữ có nguy cơ cao (tiền căn bệnh trầm cảm trước đó, gặp các vấn đề stress trong lúc mang thai, tiền căn gia đình có người thân trực hệ bị mắc trầm cảm,…) ít nhất là một lần trong suốt thai kì.
Các thời điểm được khuyến cáo nên tầm soát trầm cảm
- Lần khám thai đầu tiên.
- Ít nhất một lần ở tam cá nguyệt 2.
- Ít nhất một lần ở tam cá nguyệt 3.
- 6 tuần sau sinh hoặc lần khám lại đầu tiên sau sinh.
- Sàng lọc lặp lại mỗi 6 đến 12 tháng.
Những phương pháp tầm soát trầm cảm chu sinh được đưa ra hướng tới sự tiện lợi. Giúp cho chính người phụ nữ hay gia đình của họ có thể giúp họ tự tầm soát tại nhà. Sau đó bạn có thể đối chiếu điểm và được hướng dẫn cụ thể bạn nên làm gì tiếp theo.
Thang điểm được sử dụng khá phổ biến là thang Edinburgh Postnatal Depression Screen (EPDS). Với thang điểm này, bạn hoàn toàn có thể tự tầm soát lặp đi lặp lại theo các thời điểm được khuyến cáo trên. Bạn lưu ý rằng đây chỉ là thang tầm soát chứ không phải là thang chẩn đoán (tức nó nó chỉ nói là bạn có khả năng mắc trầm cảm sau sinh hay không chứ không khẳng định chắc chắn bạn đang mắc trầm cảm, việc thiết lập chẩn đoán phải do chính bác sĩ đưa ra mới được kết luận chính xác).
Thang Edinburgh Postnatal Depression Screen (EPDS)
Vì bạn vừa sinh con nên chúng tôi muốn biết bạn cảm thấy thế nào. Xin hãy đánh dấu X vào câu trả lời phù hợp nhất với cảm giác của bạn trong 7 NGÀY qua chứ không phải chỉ mỗi cảm giác của bạn trong hôm nay.
- Tôi vẫn có thể cười và thấy được khía cạnh hài hước, tích cực của sự việc:
- Vẫn như trước đây. (0)
- Có vẻ là ít hơn so với trước.(1)
- Chắc chắn là ít hơn vào thời điểm này.(2)
- Không một chút nào.(3)
- Tôi đã hân hoan đón nhận mọi việc:
- Vẫn như trước đây.(0)
- Ít hơn trước.(1)
- Chắc chắn là ít hơn trước.(2)
- Gần như là không có.(3)
- Tôi luôn tự đổ lỗi cho mình khi mọi chuyện xảy ra không như ý muốn và tôi biết đáng lý ra không nên như vậy:
- Có, rất thường xuyên.(3)
- Có, thỉnh thoảng.(2)
- Không, không nhiều.(1)
- Không, không bao giờ. (0)
- Tôi hay lo âu hay lo lắng một cách vô lý:
- Không, không bao giờ.(0)
- Hầu như là không.(1)
- Có, đôi khi.(2)
- Có, rất thường xuyên.(3)
- Tôi đã cảm thấy sợ hãi và hốt hoảng một cách vô lý:
- Có, khá nhiều.(3)
- Có, đôi khi.(2)
- Không, không nhiều.(1)
- Không, không bao giờ.(0)
- Mọi việc dường như đã quá sức chịu đựng của tôi:
- Có, hầu như tôi không đối phó nổi.(3)
- Có, đôi khi tôi không thể ứng phó tốt được như trước đây.(2)
- Không, hầu như tôi ứng phó rất hiệu quả.(1)
- Không, tôi vẫn ứng phó với mọi chuyện tốt như mọi khi.(0)
- Tôi buồn bực đến mức bị khó ngủ:
- Có, hầu như lúc nào cũng vậy.(3)
- Có, đôi khi.(2)
- Không thường lắm.(1)
- Không, không bao giờ.(0)
- Tôi đã cảm thấy buồn và đau khổ:
- Có, hầu như lúc nào cũng vậy.(3)
- Có, khá thường xuyên.(2)
- Không thường lắm.(1)
- Không, không bao giờ.(0)
- Tôi buồn bực đến mức phải khóc:
- Có, hầu như lúc nào cũng vậy.(3)
- Có, khá thường xuyên.(2)
- Chỉ thỉnh thoảng.(1)
- Không, không bao giờ.(0)
- Tôi đã từng nghĩ đến chuyện tự hại bản thân mình:
- Có, khá thường xuyên.(3)
- Thỉnh thoảng.(2)
- Hầu như không.(1)
- Không, không bao giờ.(0)
Thang điểm và cách điều trị
< 8 điểm: không có khả năng trầm cảm. Tiếp tục hỗ trợ
9 – 11 điểm: có thể có trầm cảm. Tầm soát lại sau 2-4 tuần, cân nhắc có nên gặp bác sĩ hay không.
Từ 12 – 13 điểm: khả năng khá cao có trầm cảm. Cần theo dõi, hỗ trợ bệnh nhân để hiểu rõ vấn đề bệnh nhân đang gặp là gì. Khuyên rằng ở mốc điểm này nên đưa bệnh nhân tới gặp bác sĩ.
Từ 14 điểm trở lên: khả năng rất cao có trầm cảm. Lúc này cần tới gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để thiết lập chẩn đoán chính xác và được điều trị thích hợp.
Riêng đối với câu hỏi số 10, nếu bệnh nhân đánh vào 3 đáp án đầu tiên thì cần ngay lập tức thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm thần kinh để đánh giá và can thiệp thích hợp. Sự khẩn cấp phụ thuộc vào các yếu tố như: liệu đã lên kế hoạch tự sát chưa, trước đây bệnh nhân đã bao giờ thử tự sát chưa, liệu có đi kèm triệu chứng tâm thần không, và liệu có suy nghĩ nào về việc làm hại em bé không.
Với thang điểm trên, rất mong gia đình có thế hỗ trợ những người phụ nữ của mình có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Cả nam giới và nữ giới đều có thể bị trầm cảm. Trầm cảm có những tiêu chí chung để chẩn đoán nhưng các triệu chứng của nam và nữ có thể rất khác nhau. Những người đàn ông bị trầm cảm có thể tức giận hoặc hung dữ thay vì buồn bã. Cùng Youmed tìm hiểu thêm nhé!
Xem thêm: Trầm cảm nam giới: Có thể bạn chưa biết
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Perinatal Depression Screening: New Recommendations and Challengeshttps://womensmentalhealth.org/posts/perinatal-depression-screening/?
Ngày tham khảo: 28/08/2019