YouMed

Thoái hóa điểm vàng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

bác sĩ nguyền hồ thanh an
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An
Chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Nội tổng quát

Thoái hóa điểm vàng (hay còn gọi là thoái hóa điểm vàng do tuổi) là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy giảm thị lực không hồi phục ở người lớn tuổi. Bệnh hoàn toàn không có biểu hiện trên lâm sàng trong giai đoạn sớm. Khi thị lực bệnh nhân bị ảnh hưởng đáng kể, các triệu chứng mới bắt đầu trở nên rõ ràng. Sự chậm trễ trong chẩn đoán ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị. Do đó, biết được những tình huống có nhiều khả năng mắc bệnh và định kỳ thăm khám tại các cơ sở y tế là hết sức quan trọng. 

Điểm vàng là gì?

Điểm vàng là một phần của võng mạc, nằm ở phía sau của mắt. Đây là nơi tập trung rất nhiều tế bào nhạy cảm ánh sáng. Chúng có nhiệm vụ tiếp nhận và dẫn truyền các tín hiệu thu được về hệ thần kinh để tái tạo thành các hình ảnh mà ta thấy được.

Điểm vàng chủ yếu chịu trách nhiệm cho thị lực ở trung tâm. Do đó, khi bị bệnh sẽ làm giảm khả năng nhìn ở vùng này.

Thoái hóa điểm vàng là gì?
Điểm vàng ở mắt bình thường và mắt bị bệnh thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng là gì?

Thoái hóa điểm vàng là tên được đặt cho một nhóm các bệnh lý của võng mạc. Chúng xảy ra khi các tế bào nhạy cảm ánh sáng bị tổn thương và chết đi, làm cho thị lực bị ảnh hưởng.

Bệnh không bao giờ dẫn tới mù hoàn toàn nhưng làm suy yếu khả năng thực hiện các công việc đòi hỏi sự chi tiết cao như đọc sách, xem tivi, lái xe,…

Nguyên nhân của thoái hóa điểm vàng là gì?

Có hai loại thoái hóa điểm vàng: thể khô và thể ướt.

  • Thể khô: chiếm khoảng 80% các trường hợp, xảy ra khi điểm vàng bị mỏng dần đi theo tuổi. Bệnh nhân sẽ bị mất thị lực từ từ.
  • Thể ướt: hiếm gặp hơn nhưng nặng nề hơn. Dạng này xảy ra khi các mạch máu phát triển một cách bất thường ở phía bên dưới võng mạc. Những mạch máu này rò rỉ máu và dịch tạo ra những điểm mù ở vùng trung tâm, làm biến dạng hình ảnh nhìn thấy được. Cuối cùng,hình thành nên các vết sẹo ở điểm vàng. Kết quả là bệnh nhân sẽ mất thị lực vĩnh viễn.

Những ai có nhiều khả năng bị thoái hóa điểm vàng?

Các tình huống sau đây có thể làm gia tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng thoái hóa điểm vàng:

  • Trên 50 tuổi.
  • Béo phì, ít vận động
  • Tăng cholesterol máu.
  • Chế độ ăn có nhiều chất béo bão hòa (như thịt, bơ, phô mai,…).
  • Hút thuốc lá.
  • Tăng huyết áp.
  • Có người thân bị thoái hóa điểm vàng.

Những triệu chứng của thoái hóa điểm vàng là gì?

Ở giai đoạn sớm, thoái hóa điểm vàng có thể không biểu hiện triệu chứng. Đôi khi có thể phát hiện tình cờ khi khám mắt định kỳ.

Ở giai đoạn bệnh tiến triển hoặc ảnh hưởng cả hai mắt, bệnh nhân có thể than phiền về các tình trạng sau:

  • Vùng bị mờ ở trung tâm, lớn hơn và tối hơn theo thời gian (thường xuất hiện đầu tiên).
  • Các hình ảnh trở nên không còn sắc nét, khó phân biệt các chi tiết.
  • Suy giảm/thay đổi nhận thức về màu sắc.

Bạn cần tìm đến các phòng khám hoặc bệnh viện chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt để được chẩn đoán kịp thời nếu ở trong bất kỳ tình huống nào nêu trên.

triệu chứng của thoái hóa điểm vàng là gì?
Hình ảnh mờ ở trung tâm, không sắc nét và thay đổi về màu sắc là triệu chứng của bệnh thoái hóa điểm vàng (Nguồn: allaboutvision)

Quy trình chẩn đoán bệnh như thế nào?

Sau khi được nhỏ mắt bằng dung dịch đặc biệt, bác sĩ sẽ sử dụng ống kính y khoa để quan sát võng mạc, đánh giá các thay đổi về mạch máu và thần kinh. 

Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một bài kiểm tra bằng cách nhìn vào lưới Amsler với từng mắt. Nếu nhìn thấy một số đường thẳng bị méo mó, biến dạng hay mờ đi, và kèm theo vùng tối ở trung tâm thì rất có thể bạn đã mắc bệnh.

Trong trường hợp phát hiện bất thường, một số biện pháp chụp hình võng mạc có thể được chỉ định thêm để khảo sát một cách chi tiết hơn.

Quy trình chẩn đoán bệnh thoái hóa điểm vàng
Bài kiểm tra bằng lưới amsler.
Hình bên trái: thị lực bình thường. Hình bên phải: suy giảm thị lực do bệnh thoái hóa điểm vàng.
(Nguồn: dr.sharangwartikar)

Bệnh thoái hóa điểm vàng có chữa khỏi được không?

Hiện tại vẫn chưa có cách để chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên việc điều trị có thể ngăn ngừa sự suy giảm thị lực và làm chậm diễn tiến của bệnh một cách đáng kể. Có rất nhiều biện pháp đã được khắp nơi trên thế giới áp dụng vào thực tế:

  • Dùng thuốc: nhằm mục đích ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới và làm giảm sự rò rỉ dịch bên trong mắt gây nên bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong điều trị, nhiều bệnh nhân đã thực sự cảm thấy thị lực của mình được cải thiện. Để đạt được hiệu quả, cần định kỳ lặp lại theo lời dặn của bác sĩ.
  • Liệu pháp laser: Tia laser có thể được sử dụng để phá hủy các mạch máu đang phát triển bất thường.
  • Liệu pháp quang động học: Phương pháp này phối hợp cả thuốc và laser. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc đặc biệt vào trong cơ thể. Chúng sau đó sẽ được các mạch máu bất thường ở mắt hấp thu. Cuối cùng, tia laser sẽ được sử dụng để kích hoạt lượng thuốc này, làm phá hủy các mạch máu bất thường

Thoái hóa điểm vàng là một bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi. Chúng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực ở đối tượng này. Nguy cơ mắc bệnh đặc biệt cao ở một số trường hợp đặc biệt như béo phì, ít vận động, hút thuốc lá,…

Giai đoạn sớm thường biểu hiện rất ít triệu chứng. Đôi khi có thể phát hiện qua thăm khám định kỳ mà không hề có bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, thường xuyên quan tâm đến sức khỏe của mắt là một việc cực kỳ quan trọng.

Hiện vẫn chưa có biện pháp điều trị triệt để tình trạng suy giảm thị lực. Tuy nhiên có thể ngăn ngừa và làm chậm đáng kể diễn tiến của bệnh bằng các biện pháp như: dùng thuốc, dùng tia laser và phối hợp cả hai,…

Hãy chia sẻ với người thân để cùng nhau bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt của mình bạn nhé!

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Age-related macular degeneration overviewhttps://www.webmd.com/eye-health/macular-degeneration/age-related-macular-degeneration-overview

    Ngày tham khảo: 29/10/2019

  2. What Is Macular Degeneration?https://www.aao.org/eye-health/diseases/amd-macular-degeneration

    Ngày tham khảo: 29/10/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người