Thuốc ức chế miễn dịch CellCept (Mycophenolate mofetil): cách dùng và lưu ý khi sử dụng
Nội dung bài viết
Các bệnh nhân cấy ghép tạng đòi hỏi một loại thuốc nhằm ngăn ngừa tình trạng đào thải cơ quan ghép. Và thuốc CellCept là một loại thuốc ức chế miễn dịch giúp giải quyết vấn đề trên. Tuy nhiên, ngoài các công dụng đó bạn sẽ lưu ý những gì khi dùng để xử trí những tác động không mong muốn. Hãy cùng tìm hiểu CellCept là thuốc gì, công dụng cũng như cách dùng của thuốc qua bài viết sau của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên nhé.
Thành phần hoạt chất chính: Mycophenolate mofetil.
Tên chứa thành phần tương tự: Micocept 500mg, Micocept 250mg, Transfonex 250mg, Mycophenolate mofetil Teva…
CellCept là thuốc được dùng để điều trị bệnh gì?
CellCept chứa mycophenolate mofetil. Thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế miễn dịch tức là thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của hệ miễn dịch của cơ thể. Do đó, CellCept được sử dụng để ngăn cơ thể đào thải các cơ quan được ghép như: thận, tim hoặc gan.
CellCept nên được sử dụng cùng với các loại thuốc khác: Cyclosporin và corticosteroid.
Đối tượng không sử dụng
- Nếu bị dị ứng (mẫn cảm) với mycophenolate mofetil, axit mycophenolic hoặc bất kỳ các thành phần khác trong thuốc.
- Nếu đang mang thai hoặc dự định có thai hoặc nghĩ rằng bạn có thể mang thai.
- Không dùng nếu không sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả.
- Phụ nữ đang cho con bú.
Cách dùng thuốc CellCept
- Tùy vào trường hợp cấy ghép sẽ có các chỉ định về liều dùng khác nhau. Bệnh nhân nên dùng theo chính xác liều lượng mà bác sĩ chỉ định.
- Cách dùng thuốc: nuốt nguyên viên, không nhai, không nghiền.
- Dùng thức ăn và đồ uống không ảnh hưởng đến việc điều trị bằng CellCept.
Tác dụng phụ của thuốc CellCept
- Da: mụn lở loét, zona, rụng tóc, nổi mẩn;
- Tiêu hóa: buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, đầy hơi, ợ hơi.
- Nguy cơ bị tràn dịch màng phổi, khó thở;
- Xuất huyết tiêu hóa, viêm phúc mạc, hoặc tắc ruột, viêm dạ dày, viêm đại tràng, loét dạ dày, tá tràng, viêm thực quản.
- Có thể làm tăng hay hạ huyết áp;
- Kích động, lú lẫn, trầm cảm, lo âu, mất ngủ;
- Tăng hoặc hạ kali máu, tăng đường huyết, hạ magie máu, hạ canxi, tăng cholesterol máu, tăng lipid huyết, tăng phosphat;
- Tăng axit uric máu, gút,
- Xuất hiện tình trạng chán ăn, sụt cân;
- Hô hấp: viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm xoang.
CellCept có thể dùng chung với loại thuốc nào?
Vui lòng cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn biết nếu bạn đang dùng hoặc gần đây đã sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác, bao gồm:
- Azathioprine hoặc các loại thuốc khác ức chế hệ thống miễn dịch của bạn – được chỉ định sau khi thực hiện cấy ghép.
- Cholestyramine – được sử dụng để điều trị cholesterol cao.
- Rifampicin – một loại kháng sinh được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng như bệnh lao.
- Thuốc điều trị các bệnh về dạ dày: esomeprazol, pantoprazol.
- Kháng sinh – dùng để điều trị nhiễm khuẩn.
- Isavuconazole – được sử dụng để điều trị nhiễm nấm.
- Telmisartan – dùng để điều trị tăng huyết áp.
Những trường hợp cần thận trọng khi dùng thuốc CellCept
- Nói chuyện với bác sĩ ngay lập tức trước khi bắt đầu điều trị với CellCept.
- Có dấu hiệu nhiếm trùng như sốt, đau họng.
- Xuất hiện bất kỳ các vết bầm tím hoặc bất ngờ chảy máu.
- Đã từng gặp vấn đề với tiêu hóa như loét dạ dày.
- Đang có kế hoạch mang thai hoặc nếu bạn có thai trong khi bạn hoặc người yêu hoặc chồng đang dùng thuốc.
Lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc CellCept
1. Ảnh hưởng của CellCept với ánh sáng mặt trời
CellCept làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể của bạn trước tác động của ánh sáng mặt trời, hậu quả là làm tăng nguy cơ ung thư da.
Hạn chế lượng ánh sáng mặt trời và tia cực tím bằng cách:
- Mặc quần áo bảo hộ cũng che đầu, cổ, cánh tay và chân.
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số bảo vệ cao.
2. Tiêm phòng vắc-xin khi đang điều trị CellCept
- Nếu cần tiêm vắc-xin (vắc-xin sống) trong khi dùng CellCept, hãy báo cho bác sĩ biết.
- Đầu tiên, bác sĩ sẽ phải tư vấn cho bạn về những loại vắc-xin bạn có thể có.
- Không được hiến máu trong khi điều trị bằng CellCept và trong ít nhất 6 tuần sau khi dừng điều trị.
- Đàn ông không được hiến tinh dịch trong quá trình điều trị bằng CellCept và trong ít nhất 90 ngày sau khi ngừng điều trị.
3. Tránh thai ở phụ nữ dùng CellCept
Nếu bạn là phụ nữ có thể mang thai, phải sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả với CellCept.
- Trước khi bạn bắt đầu dùng thuốc.
- Trong toàn bộ quá trình điều trị của bạn với CellCept
- Trong 6 tuần sau khi ngừng điều trị với thuốc.
4. Tránh thai ở nam giới dùng CellCept
- Để đảm bảo an toàn, bạn hoặc bạn gái (hoặc vợ) nên sử dụng biện pháp tránh thai trong quá trình điều trị và trong 90 ngày sau khi bạn ngừng dùng CellCept.
- Nếu đang có kế hoạch sinh con, hãy nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro tiềm ẩn và các liệu pháp thay thế.
Phụ nữ mang thai và cho con bú có được dùng CellCept hay không?
Trường hợp phụ nữ có thể mang thai, phải cung cấp xét nghiệm thử thai âm tính trước khi bắt đầu điều trị bằng CellCept và phải tuân theo lời khuyên tránh thai từ bác sĩ.
Phụ nữ mang thai
Mycophenolate gây dị tật bẩm sinh và sảy thai. Đọc thông tin cẩn thận và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ trao đổi và cung cấp thông tin cho bạn, đặc biệt là tác dụng của mycophenolate trên thai nhi.
Phụ nữ đang cho con bú
Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn trước khi dùng thuốc. Bác sĩ sẽ tư vấn những lựa chọn thay thế có thể thực hiện để ngăn sự đào thải cơ quan cấy ghép.
Cách bảo quản thuốc CellCept
- Tránh xa tầm nhìn và tầm với của trẻ em.
- Không sử dụng thuốc sau ngày hết hạn ghi trên thùng.
- Không lưu trữ trên 30°C.
- Giữ trong thùng carton để tránh ánh sáng từ bên ngoài.
- Thuốc không nên được xử lý qua nước thải hoặc chất thải sinh hoạt. Hỏi dược sĩ của bạn làm thế nào để vứt bỏ thuốc không còn cần thiết. Những biện pháp này sẽ giúp bảo vệ môi trường.
CellCept là một thuốc biệt dược thường được dùng chỉ định trong các trường hợp cấy ghép tạng. Lưu ý mỗi trường hợp cấy ghép sẽ được chỉ định sử dụng với liều lượng khác nhau, do đó cần tuân thủ theo lời bác sĩ.
Ngoài ra, bạn có thể phải trải qua quá trình tiếp xúc với tính độc hại của thuốc bao gồm nôn, buồn nôn, hoặc xuất hiện mụn nhọt, rụng tóc. Qua bài viết, ta đã có cái nhìn kĩ hơn về thuốc CellCept là gì và những công dụng, cách dùng cũng như tác dụng phụ của thuốc. Nếu gặp phải các trường hợp gây ảnh hưởng đến cơ thể, gọi ngay cho bác sĩ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hướng dẫn sử dụng CellCept 500 mghttps://drugbank.vn/thuoc/Cellcept&VN-20763-17
Ngày tham khảo: 29/05/2023
-
Hướng dẫn sử dụng CellCept 250 mghttps://drugbank.vn/thuoc/Cellcept&VN-21283-18
Ngày tham khảo: 29/05/2023