Thuốc Phaanedol (paracetamol) và những điều cần lưu ý
Nội dung bài viết
Thuốc Phaanedol (paracetamol) là thuốc gì? Thuốc được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý như thế nào? Cách dùng ra sao và những điều gì cần phải lưu ý xuyên suốt quá trình dùng thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu và phân tích Phaanedol (paracetamol) qua bài viết dưới đây!
Tên thành phần hoạt chất: Paracetamol.
Tên một số biệt dược chứa hoạt chất tương tự: Paradol, Hapacol, Cophadol,…
1. Thuốc Phaanedol là thuốc gì?
Phaanedol được bào chế dưới dạng viên nén chứa hoạt chất paracetamol hàm lượng 500mg. Thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt không steroid.
2. Công dụng của thuốc Phaanedol
Phaanedol được chỉ định trong một số trường hợp:
- Điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa.
- Đau: Giảm đau tạm thời trong điều trị chứng đau nhẹ và vừa, giảm đau cường độ thấp có nguồn gốc không phải nội tạng. Thuốc không có tác dụng trị thấp khớp.
- Sốt: Thuốc được dùng để giảm thân nhiệt khi hạ sốt. Tuy vậy cần thận trọng vì thuốc có thể làm che lắp dấu hiệu của bệnh khi dùng thuốc.
Bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi có hướng dẫn của bác sĩ.
3. Trường hợp không nên dùng Phaanedol
Thuốc được chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người bệnh quá mẫn với paracetamol hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc
- Người suy gan nặng
- Người bệnh thiếu hụt men glucose – 6 – phosphate dehydrogenase
4. Hướng dẫn dùng thuốc Phaanedol
4.1 Liều dùng
Liều lượng thuốc cần được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi và triệu chứng bệnh của từng bệnh nhân. Tùy theo từng đối tượng sử dụng mà liều dùng của thuốc sẽ khác nhau. Bạn nên lưu ý rằng, liều trình bày dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, bạn không được tự ý dùng mà phải tuân thủ chính xác liều lượng mà bác sĩ hướng dẫn.
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi trở lên: Mỗi lần uống 1- 2 viên, ngày 3-4 lần
- Không dùng quá 8 viên/ ngày
4.2 Cách dùng
Thuốc được dùng theo đường uống, sau khi ăn no.
5. Tác dụng phụ của thuốc Phaanedol
Tác dụng không mong muốn bạn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc:
- Ban đỏ hoặc mày đay
- Trong một số ít trường hợp riêng lẻ, Phaanedol đã gây giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu
- Độc tính thận khi lạm dụng thuốc dài ngày
Bạn nên thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
6. Tương tác thuốc khi dùng Phaanedol
Bạn không nên sử dụng đồng thời với:
- Rượu, bia. Uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ Phaanedol gây độc cho gan
- Nguy cơ Phaanedol gây độc tính gan gia tăng đáng kể ở người bệnh uống liều Phaanedol lớn hơn liều khuyên dùng trong khi dùng thuốc chống co giật (gồm phenytoin, barbiturat, carbamazepin) hoặc isoniazid
- Cần phải chú ý đến khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở người bệnh dùng đồng thời với phenothiazin
7. Lưu ý khi dùng thuốc Phaanedol
Một vài lưu ý khi dùng thuốc như:
- Không được dùng Phaanedol để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi do thầy thuốc hướng dẫn, vì đau nhiều và kéo dài như vậy có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị có giám sát bởi thầy thuốc
- Không dùng Phaanedol cho người lớn và trẻ em để tự điều trị sốt cao (trên 39,5 ºC), sốt kéo dài trên 3 ngày, hoặc sốt tái phát, trừ khi do thầy thuốc hướng dẫn, vì sốt như vậy có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng cần được thầy thuốc chẩn đoán nhanh chóng
- Phải thận trọng khi dùng Phaanedol cho người bị suy gan, suy thận, người nghiện rượu, suy dinh dưỡng mạn tính hoặc bị mất nước. Tránh dùng liều cao, dùng kéo dài và dùng theo đường tĩnh mạch cho người bị suy gan
8. Những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc Phaanedol
8.1. Phụ nữ có thai và đang cho con bú
Chỉ nên dùng thuốc khi thật cần thiết.
Hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.
>> Xem thêm: Các lưu ý khi mang thai bắt buộc bạn phải thuộc lòng!
8.2. Người lái tàu xe hay vận hành máy móc
Thuốc không ảnh hưởng đến khả năng lái tàu xe hay vận hành máy móc.
9. Xử lý khi dùng quá liều thuốc Phaanedol
Buồn nôn, nôn, và đau bụng thường xảy ra trong vòng 2 – 3 giờ sau khi uống liều độc của thuốc. Methemoglobin máu, dẫn đến chứng xanh tím da, niêm mạc và móng tay là một dấu hiệu đặc trưng nhiễm độc cấp tính dẫn chất p-aminophenol; một lượng nhỏ sulfhemoglobin cũng có thể được sản sinh.
Khi bị ngộ độc nặng, ban đầu có thể có kích thích hệ thần kinh trung ương, kích động, và mê sảng. Tiếp theo có thể là ức chế hệ thần kinh trung ương: sững sờ, hạ thân nhiệt, mệt lả, thở nhanh, nông; mạch nhanh, yếu, không đều, huyết áp thấp và suy tuần hoàn. Trụy mạch do giảm oxy huyết tương đối và do tác dụng ức chế trung tâm, tác dụng này chỉ xảy ra với liều rất lớn. Sốc có thể xảy ra nếu giãn mạch nhiều. Cơn co giật nghẹt thở gây tử vong có thể xảy ra. Thường hôn mê xảy ra trước khi chết đột ngột hoặc sau vài ngày hôn mê.
Khi gặp phải các dấu hiệu liệt kê ở trên, bạn nên ngừng dùng thuốc và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
10. Xử lý khi quên một liều thuốc Phaanedol
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
11. Cách bảo quản thuốc Phaanedol
Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng trực tiếp.
Lưu ý: Để xa tầm tay trẻ em và đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Qua bài viết này, YouMed đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi Phaanedol (paracetamol) là thuốc gì, công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý khi sử dụng. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có xảy ra bất cứ tác dụng không mong muốn nào hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết tốt nhất!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Dược thư Quốc gia Việt Nam năm 2018
- Tờ Hướng dẫn sử dụng thuốc Phaanedol