YouMed

Tinh dầu hoa nhài: công dụng, cách dùng và lưu ý

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cho đến nay, dù trải qua nhiều thế hệ, hương hoa nhài vẫn là chất tạo mùi ưa thích được sử dụng rộng rãi trong liệu pháp hương thơm. Đặc biệt sản phẩm tinh dầu hoa nhài không chỉ đem lại trải nghiệm hương thơm ấn tượng mà còn vô vàn lợi ích sức khỏe ấn tượng. Sau đây, hãy cùng Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai khám phá nhiều hơn về chiết xuất thiên nhiên tuyệt vời này nhé.

Tinh dầu hoa nhài là gì?

Thông tin chung

Theo tài liệu, loài hoa nhài (Jasmine) được cho là có nguồn gốc từ Iran.1 Tuy nhiên, ngày nay quần thể loài này cũng có thể được tìm thấy ở các vùng khí hậu nhiệt đới khác trên thế giới. Nhài thuộc chi Jasminum, họ Oleaceae2, với 2 giống phổ biến gồm:

  • Jasminum grandiflorum.
  • Jasminum officinale.

Tinh dầu hoa nhài (Jasmine essential oil) là sản phẩm thực vật, gồm nhiều hợp chất thơm dễ bay hơi từ bộ phận hoa của loài thực vật cùng tên.3 Thông qua quá trình chưng cất hơi nước thu được tinh dầu này có đặc trưng nổi bật như:

  • Kết cấu tinh dầu loãng, màu vàng nhạt, trong suốt.
  • Mô tả hương thơm: tinh dầu gồm nốt hương nồng nàn, mạnh mẽ nhưng cũng ngọt ngào hương hoa. Gợi cho ta cảm giác vừa lãng mạn, yêu thương nhưng đầy tinh tế, dịu dàng.
  • Độ lan tỏa và lưu giữ mùi hương ổn định.

Goa nhài và tinh dầu của chúng đã được ứng dụng phong phú trong cuộc sống. Có thể bắt gặp chiết xuất này trong thành phần trong:

  • Sản phẩm mùi hương như nước hoa, nến thơm, túi thơm,…1
  • Chất tạo hương trong ẩm thực: đồ ngọt, tráng miệng, rượu…
  • Trị liệu: đặc tính long đờm, sát trùng, cải tình trạng lo âu, căng thẳng…4
Hoa nhài (Jasmine) là loài hoa quen thuộc.
Hoa nhài (Jasmine) là loài hoa quen thuộc

Thành phần nổi bật của tinh dầu hoa nhài

Sau đây là một số thành phần hóa học nổi bật của tinh dầu Jasmine, góp phần tạo nên hương thơm và lợi ích sức khỏe tuyệt vời.2

  • Benzyl axetat.
  • β-linalool.
  • Benzyl alcohol.
  • Indole.
  • Benzyl benzoate.
  • Cis-jasmone.

Ngoài ra, còn có các hợp chất khác được xác định như 2-Phenylthiolane, Cyclohexene, 3-ethenyl, Acetaldehyde, N-Methylallylamine, Propanamide…4

Bảo quản tinh dầu hoa nhài như thế nào

  • Khuyến khích bảo quản tinh dầu Jasmine trong tủ lạnh để giữ độ tươi mới cho sản phẩm. Ngoài ra, cần đậy chặt nắp lọ chứa tinh dầu sau khi dùng để hạn chế xảy ra quá trình bị oxy hóa và ôi thiu.
  • Để có độ tươi tối đa, thời gian lý tưởng tiêu thụ tinh dầu Jasmine là trong vòng 6-8 tuần.
  • Ánh sáng mặt trời và bụi bẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm, vì hãy tránh những yếu tố này tiếp xúc với sản phẩm.
Tinh dầu Jasmine đem lại hương hoa nhài nở rộ thanh khiết.
Tinh dầu Jasmine đem lại hương hoa nhài nở rộ thanh khiết

Lợi ích nổi bật đến từ tinh dầu hoa nhài (Jasmine)

Liệu pháp tinh thần

Có bằng chứng cho thấy liệu pháp hương thơm sẽ cải thiện tinh thần con người theo hướng tích cực. Theo nghiên cứu so sánh với giả dược, tinh dầu hoa nhài có thể làm tăng kích thích hành vi. Điều này bao gồm sự gia tăng đáng kể nhịp thở, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu,…Ngoài ra, đối tượng đã tham gia trong nhóm dùng dầu hoa nhài cũng cho biết họ cảm thấy tỉnh táo hơn.1

Bạn có thể trải nghiệm lợi ích này của tinh dầu hoa nhài bằng cách sử dụng chúng thông qua dầu xoa bóp hoặc từ máy khuếch tán hương thơm.

Tác động lên hệ thần kinh

Một số nghiên cứu nhỏ về tiềm năng khả quan của tinh dầu từ hoa nhài đối với các chức năng của hệ thần kinh cho thấy:3

  • Những cảm xúc tích cực bao gồm cảm giác khỏe khoắn, năng động, tươi mát và lãng mạn đã được tăng lên nhờ tinh dầu này.
  • Mặt khác, những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như cảm giác buồn ngủ đã giảm đáng kể.
  • Từ những kết quả này có thể gợi ý rằng tinh dầu hoa nhài có tác dụng kích thích chức năng của hệ thần kinh. Đồng thời phân từ hương thơm còn ảnh hưởng đến hoạt động sóng não và trạng thái tâm trạng.

Cải thiện tâm trạng

Với mùi hương dễ chịu, đặc tính làm dịu tâm trạng của tinh dầu Jasmine cũng được đánh giá cao. Người ta đã báo cáo rằng tinh dầu của loài hoa này có thể giúp giảm lo lắng, cải thiện các thông số sinh lý như huyết áp, nhịp tim và nhịp hô hấp.2

Cụ thể, kết quả chỉ ra rằng điểm số trung bình của sự lo lắng và mức độ cortisol trung bình giảm đáng kể ở những bệnh nhân sau khi hít tinh dầu Jasmine khoảng 1 giờ. Ngược lại, mức độ điểm lo lắng này không thay đổi và mức cortisol trung bình tăng đáng kể ở nhóm chứng.2

Kháng khuẩn

Hoạt động kháng khuẩn của chế phẩm có chứa tinh dầu hoa nhài đã được nhận xét chống lại vi sinh vật khác nhau. Theo đó, trong xét nghiệm khuếch tán đĩa thạch, chúng cho thấy khả năng ức chế vi khuẩn:5

  • Staphylococcus aureus.
  • Staphylococcus epidermidis.
  • Escherichia coli.6
  • Nấm Candida albicans.

Đây là những tín hiệu tích cực, tạo tiền đề cho những nghiên cứu lâm sàng cụ thể và chi tiết hơn sau này.

Chống viêm

Dựa theo nghiên cứu, tinh dầu hoa nhài cũng có đặc tính chống viêm và có thể hữu ích trong việc chăm sóc da nói chung và điều trị bệnh vẩy nến.7

Một nghiên cứu khác trên động vật cho thấy chiết xuất hoa nhài có thể tăng tốc độ chữa lành các vết thương mãn tính, chẳng hạn như vết loét do tiểu đường. Nó thúc đẩy quá trình hồi phục của vết thương, sự hình thành mô hạt và các mạch máu mới.8

Chúng ta vẫn cần thêm nghiên cứu để chứng minh công dụng này đối với con người.

Gợi ý một số cách sử dụng tinh dầu hoa nhài đơn giản

Một số cách để sử dụng tinh dầu từ Jasmine đơn giản mà bạn có thể ứng dụng:

  • Lan tỏa hương thơm bằng cách khuếch tán (máy khuếch tán, đèn xông…);
  • Xông hơi: hơi nước cùng với hợp chất sinh học thông qua đường hô hấp mà cải thiện sức khỏe;
  • Pha loãng với dầu vận chuyển (dầu dừa, dầu oliu, dầu hạnh nhân…), bôi tại chỗ như dầu massage;
  • Xịt tinh dầu pha loãng với nước lên vị trí cần thiết để khử mùi hay muốn lưu hương thơm;
  • Nhỏ 2-3 giọt dầu Jasmine vào bồn nước ấm, nước ngâm chân…

Bên cạnh đó, để tìm kiếm mùi hương phù hợp với cá nhân, bạn hoàn toàn có thể kết hợp vài loại tinh dầu khác cùng với tinh dầu hoa nhài.

  • Cam bergamot;
  • Gỗ đàn hương (sandalwood);
  • Hoa hồng (Rose);
  • Hương trái cây họ cam quýt như cam, chanh, bưởi…;
Có thể kết hợp tinh dầu từ hoa nhài với các loại tinh dầu khác nhau.
Có thể kết hợp tinh dầu từ hoa Jasmine với các loại tinh dầu khác nhau.

Liệu tinh dầu hoa nhài có thực sự an toàn?

Theo y văn, tinh dầu hoa nhài thường được coi là an toàn và không gây dị ứng, và rất hiếm khi có báo cáo về kích ứng da.1 Thế nhưng cũng cần phải thận trọng trên một số đối tượng có cơ địa đặc biệt, chẳng hạn như:

  • Phụ nữ mang thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú.
  • Trẻ sơ sinh.
  • Tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với tinh dầu, cũng như sản phẩm từ hoa nhài trước đó.

Để an toàn, bạn cũng cần lưu ý những điều sau trong quá trình sử dụng tinh dầu này:

  • Tinh dầu hoa nhài phải được pha loãng trong dầu nền trước khi thoa lên da. Ví dụ như dầu dừa, dầu jojoba, dầu oliu, dầu hạnh nhân…
  • Chiết xuất thực vật này không được dùng để uống trực tiếp.
  • Nên thử nghiệm các sản phẩm mới, bằng cách thoa 1 ít dầu đã pha loãng lên vùng da trên cẳng tay và theo dõi phản ứng bất thường trong 24 giờ sau đó.

Có thể tự làm tinh dầu hoa nhài được không?

Nếu bạn đang hứng thú với việc tạo ra một lọ tinh dầu Jasmine thì hãy thử tham khảo gợi ý dưới đây nhé:

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • Hoa nhài.
  • Dầu oliu hoặc bất kỳ dầu nền nào mà bạn ưa thích như dầu dừa, dầu hạnh nhân…
  • Vải sạch.
  • Lọ thủy tinh tối màu, có nắp đậy.

Thực hiện:

  • Bước 1: Rửa sạch hoa nhài cũng như các dụng cụ chứa tinh dầu, rồi để ráo nước.
  • Bước 2: Xếp hoa nhài vào lọ thủy tinh, sau đó cho từ từ dầu oliu vào lọ, sao cho dầu ngập hết phần hoa.
  • Bước 3: Dùng nắp đậy kín lọ thủy tinh, đặt lọ nơi thoáng mát khoảng 5-7 ngày. Trong quá trình này, thỉnh thoảng nên lắc nhẹ lọ mỗi ngày để tinh chất từ hoa nhài hòa lẫn vào dung dịch nhanh hơn.
  • Bước 4: Lọc hỗn hợp trên qua vải sạch, loại bỏ phần tạp chất, chỉ lấy phần dung dịch dầu;
  • Bước 5: Thêm vài cánh hoa nhài vào phần dung dịch vừa lấy, rồi ngâm tiếp tục khoảng 3-5 ngày;
  • Bước 6: Lọc hỗn hợp như bước 4. Thành phẩm là dung dịch trong suốt, màu vàng nhạt, không có tạp chất, cùng hương hoa nhài đặc trưng.

Như vậy, có thể nói rằng tinh dầu hoa nhài đã thể hiện trọn vẹn hương thơm đặc trưng và giá trị sinh học của loài hoa này. Chúng không chỉ mang đến trải nghiệm mùi hương thú vị, khó quên mà còn là đa dạng lợi ích sức khỏe khác nhau.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Everything You Need to Know About Jasmine Essential Oilhttps://www.healthline.com/health/jasmine-essential-oil

    Ngày tham khảo: 25/09/2022

  2. Effects of inhaling jasmine essential oil on anxiety and blood cortisol levels in candidates for laparotomy: A randomized clinical trialhttps://www.jnmsjournal.org/article.asp?issn=2345-5756;year=2021;volume=8;issue=2;spage=128;epage=133;aulast=Yadegari

    Ngày tham khảo: 25/09/2022

  3. The effects of jasmine Oil inhalation on brain wave activies and emotionshttps://www.researchgate.net/publication/236235613_The_effects_of_jasmine_Oil_inhalation_on_brain_wave_activies_and_emotions

    Ngày tham khảo: 25/09/2022

  4. Analysis of bioactive compounds for Jasmine flower via Gas chromatography-mass spectrometry (GC-MS)https://www.researchgate.net/publication/325675523_Analysis_of_bioactive_compounds_for_Jasmine_flower_via_Gas_chromatography-mass_spectrometry_GC-MS

    Ngày tham khảo: 25/09/2022

  5. Antimicrobial activity of blended essential oil preparationhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23157022/

    Ngày tham khảo: 25/09/2022

  6. Antibacterial Potential Assessment of Jasmine Essential Oil Against E. Colihttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2792499/

    Ngày tham khảo: 25/09/2022

  7. Commercial Essential Oils as Potential Antimicrobials to Treat Skin Diseaseshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5435909/

    Ngày tham khảo: 25/09/2022

  8. Effects of ethanolic extract of Jasminum grandiflorum Linn. flowers on wound healing in diabetic Wistar albino ratshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5641414/

    Ngày tham khảo: 25/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người