YouMed

Vắc-xin phế cầu Synflorix phòng bệnh gì? Cần tiêm mấy mũi?

Dược sĩ NGUYỄN NGỌC CẨM TIÊN
Tác giả: Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên
Chuyên khoa: Dược

Vắc-xin phế cầu có thể giúp phòng các bệnh gì? Vắc-xin phế cầu cần tiêm mấy mũi? Vì sao nên tiêm phòng loại vắc-xin này? Những điều cần đặc biệt lưu ý sau khi tiêm phòng vắc-xin phế cầu là gì? Hãy cùng YouMed theo dõi các vấn đề được phân tích và trình bày trong bài viết dưới đây nhé!

Vắc-xin phế cầu phòng bệnh gì?

Phế cầu khuẩn có tên khoa học là Streptococcus pneumoniae. Vi khuẩn này có thể gây ra những căn bệnh nghiêm trọng đe dọa tính mạng như bệnh viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi. Ngoài ra, có thể xâm nhập vào máu gây tình trạng nhiễm trùng máu. Không những vậy, vi khuẩn này cũng chính là các tác nhân gây ra các bệnh như viêm xoang, viêm kết mạc.

Do đó, nên tiêm vắc-xin phòng phế cầu cho trẻ. Đây được xem là biện pháp chủ động, giúp tiết kiệm và có tầm ảnh hưởng quan trọng giúp phòng ngừa các bệnh trên.

Vắc-xin phế cầu giúp phòng những bệnh nào? Cần tiêm mấy mũi?
Vắc-xin phế cầu giúp phòng những bệnh nào? Cần tiêm mấy mũi?

Ngoài ra, vắc-xin phế cầu cần tiêm mấy mũi phụ thuộc vào tình trạng cơ địa của từng trẻ, độ tuổi mà sẽ được chỉ định thời gian và lịch tiêm chủng phù hợp.

Vậy khi tiêm phòng vắc-xin phế cầu Synflorix có thể phòng được những bệnh lý như sau:

Viêm phổi

  • S. pneumonia là nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp nhất ở trẻ <5 tuổi và người già.
  • Phế cầu khuẩn có ở vùng hầu họng người bệnh, đối tượng đã phát bệnh lẫn những trường hợp ở thể thường trú và phát tán ra môi trường. Từ đó, có thể xâm nhập vào trẻ qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh (bị ho, hắt hơi hoặc nói chuyện,…).
  • Trong trường hợp đối tượng là người lớn. Vi khuẩn phế cầu không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, đối với trẻ có cơ thể yếu, sức đề kháng kém nên rất dễ dẫn tới nhiễm khuẩn hô hấp, viêm phổi…
  • Nguy cơ tử vong khi mắc bệnh viêm phổi do phế cầu ở trẻ khoảng 10 – 20%. Tỉ lệ này tăng hơn so với trẻ <2 tuổi.
  • Các biểu hiện khi trẻ mắc bệnh viêm phổi bao gồm:
    + Triệu chứng ban đầu là ho nhiều, sốt cao. Trẻ cảm giác ớn lạnh, tình trạng khóc quấy, trẻ bỏ bú.
    + Ngoài ra, trẻ có biểu hiện thở nhanh, suy kiệt vì không thể ăn uống.
    + Nghiêm trọng hơn là khi trẻ có biểu hiện sốt cao, tím tái, suy hô hấp.

Viêm màng não

  • Phế cầu khuẩn có thể xâm nhập và gây ra viêm màng não.
  • Khi xâm nhập vào não phế cầu sẽ gây viêm màng não với tỉ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nguy hiểm.
  • Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ nhỏ rất khó phát hiện. Các triệu chứng có thể xuất hiện như sốt cao, nôn ói, tiêu chảy, trẻ bỏ bú… Các biểu hiện này dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
  • Đối với trẻ lớn có các triệu chứng như cứng cổ, đau đầu, tiêu chảy hoặc táo bón. Trường hợp không phát hiện sớm, trẻ xuất hiện các triệu chứng như đau đầu dữ dội, co giật, rối loạn thị giác… Thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng như:
    + Chậm phát triển thần kinh vận động.
    + Tổn thương não vĩnh viễn dẫn đến trẻ kém phát triển.
    + Hoặc yếu liệt chi hay nửa người….

Viêm tai giữa

  • Lưu ý, phế cầu khuẩn có thể lây lan từ ổ viêm vùng mũi họng đến tai giữa thông qua vòi nhĩ.
  • Từ đó, gây viêm, ứ đọng dịch trong tai.
  • Tình trạng viêm tai giữa ở trẻ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới:
    + Tình trạng thủng màng nhĩ.
    + Làm tiêu xương.
    + Gây ảnh hưởng đến thính giác của trẻ.
  • Lưu ý, thính giác của trẻ <2 tuổi nếu bị ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng đến phát âm vì trẻ không nghe được.
Vắc-xin phế cầu phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ
Vắc-xin phế cầu phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ

Nhiễm trùng huyết

  • Tình trạng nhiễm trùng máu có thể gặp trên các đối tượng mắc bệnh hoặc dùng thuốc suy giảm miễn dịch
  • Phế cầu khuẩn nếu xâm nhập từ ổ nhiễm khuẩn vào máu sẽ gây sốc nhiễm trùng. Tình trạng này vô cùng nguy hiểm và nguy cơ tử vong rất cao.
  • Các dấu hiệu khi nhiễm trùng máu ở trẻ là:
    + Tình trạng sốt cao.
    + Nhịp tim nhanh.
    + Trẻ rơi vào tình trạng khó thở, thở nhanh.
    + Có thể bỏ bú, li bì hoặc vật vã kích thích nặng nhất là trẻ rơi vào hôn mê.

Liệu trình tiêm chủng vắc-xin Synflorix

Vắc-xin phế cầu cần tiêm mấy mũi tùy vào từng độ tuổi mà lịch tiêm phòng trên mỗi trẻ sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:

Trẻ từ 6 tuần – 6 tháng tuổi

Các lịch tiêm có thể chỉ định cho trẻ

Vắc-xin phế cầu cần tiêm mấy mũi? Đối với trẻ trong độ tuổi từ 6 – 6 tháng tuổi sẽ có lịch tiêm chủng như sau:

  • Liệu trình tiêm 3 liều cơ bản: được khuyến nghị sử dụng để đem lại hiệu quả tối ưu:
    + Có thể bắt đầu tiêm mũi đầu tiên từ lúc 6 tuần tuổi.
    + Thực hiện liều tiêm thứ 2 cách liều thứ 1 tối thiểu 1 tháng.
    + Sau đó, tiêm mũi thứ 3 cách liều thứ 2 tối thiểu cũng 1 tháng.
    + Thực hiện mũi tiêm nhắc lại cách mũi tiêm thứ 3 tối thiểu 6 tháng.
  • Liệu trình tiêm chủng 2 + 1:  được sử dụng để thay thế phác đồ 3 +1:
    + Có thể bắt đầu tiêm mũi đầu tiên từ lúc 6 tuần tuổi.
    + Thực hiện liều tiêm thứ 2 cách mũi tiêm đầu tiên tối thiểu 2 tháng.
    + Thực hiện mũi tiêm nhắc lại cách mũi tiêm thứ 2 tối thiểu 6 tháng.

Một số quốc gia có thể áp dụng lịch tiêm chủng như sau:

  • Khi trẻ được 2 tháng tuổi thực hiện mũi tiêm đầu tiên.
  • Tiêm mũi thứ 2: khi trẻ 4 tháng tuổi.
  • Thực hiện mũi tiêm thứ 3: Khi trẻ được 6 tháng tuổi.
  • Thực hiện mũi tiêm nhắc lại: cách 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ 3.

Lưu ý: đối với trẻ sinh non, ít nhất là sinh non từ 27 tuần tuổi  cần chú ý

  • Thực hiện chủng ngừa vắc-xin Synflorix khi trẻ được 2 tháng tuổi.
  • Khuyến nghị sử dụng phác đồ cơ bản 3 + 1 được trình bày như trên.
Tìm hiểu thông tin vắc-xin phế cầu cần tiêm mấy mũi
Tìm hiểu thông tin vắc-xin phế cầu cần tiêm mấy mũi

Trẻ từ 7 tháng – 11 tháng tuổi chưa từng được tiêm phòng trước đó

Vắc-xin phế cầu cần tiêm mấy mũi? Trường hợp trẻ từ 7 – 11 tháng tuổi đã được tiêm phòng trước đó thì lịch tiêm như sau:

  • Thực hiện mũi tiêm đầu tiên vào thời điểm được bác sĩ chỉ định.
  • Tiêm mũi thứ 2 cách liều mũi đầu tiên tối thiểu 1 tháng (tối thiểu 28 ngày).
  • Thực hiện tiêm liều nhắc lại vắc-xin phế cầu Synflorix khi trẻ >1 tuổi. Lưu ý, mũi tiêm nhắc lại cách liều tiêm thứ 2 tối thiểu 2 tháng.

Đối với trẻ lớn từ 1 – 5 tuổi và chưa tiêm trước đó

  • Áp dụng lịch trình tiêm 2 liều vắc-xin phế cầu Synflorix cho trẻ.
  • Với mũi tiêm thứ 2 cách mũi tiêm thứ nhất tối thiểu 2 tháng.
  • Lưu ý, không cần phải tiêm mũi nhắc lại.

Vì sao nên tiêm vắc-xin cho trẻ?

  • Phế cầu là một vi khuẩn thường gây bệnh ở trẻ nhỏ <5 tuổi với các bệnh lý vô cùng nguy hiểm đã được trình bày bên trên.
  • Ngoài các biến chứng nguy hiểm, một trở ngại lớn khác trong việc điều trị bệnh lí do phế cầu chính là đề kháng kháng sinh. Khi đề kháng:
    + Thời gian điều trị phải kéo dài.
    + Chi phí điều trị: tốn kém rất nhiều do phải dùng kháng sinh mạnh.
    + Thời gian điều trị có thể phải kéo dài >1 tháng.
  • Do đó, việc chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ là việc rất cần thiết và rất quan trọng.
  • Việc vắc-xin phế cầu cần tiêm mấy mũi  tùy thuộc vào từng trẻ. Hiện nay, có rất nhiều phác đồ chích vắc-xin phế cầu được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần – 5 tuổi.
  • Lưu ý, đến các tác dụng phụ sau tiêm như:
    + Đau đỏ tại vị trí tiêm.
    + Trẻ sốt nhiều mức độ khác nhau.
    + Tình trạng biếng ăn.
  • Tuy nhiên, các triệu chứng này ở trẻ có thể kéo dài khoảng 2 ngày nhưng không gây nguy hiểm cho sức khỏe nên không cần quá lo lắng.

Tóm lại, bài viết đã trình bày các thông tin cần thiết về bệnh lí do phế cầu, lịch tiêm chủng cũng như lí do vì sao nên đưa trẻ đi tiêm. Bố mẹ sẽ thường thắc mắc liệu vắc-xin phế cầu cần tiêm mấy mũi. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, tùy vào từng giai đoạn mà phác đồ tiêm sẽ khác nhau. Hơn nữa, bố mẹ nên chăm sóc trẻ thật cẩn thận sau khi tiêm nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Có nên tiêm vắc-xin phế cầu không?https://vnvc.vn/faq/co-nen-tiem-vac-xin-phe-cau/

    Ngày tham khảo: 22/06/2021

  2. Vắc-xin Synflorixhttps://vnvc.vn/synflorix-vac-xin-phong-viem-nao-viem-phoi-nhiem-khuan-huyet-viem-tai-giua-h-influenzae-khong-dinh-tuyp/

    Ngày tham khảo: 22/06/2021

  3. Lịch tiêm phònghttps://www.ema.europa.eu/en/documents/overview/synflorix-epar-summary-public_en.pdf

    Ngày tham khảo: 22/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người