Bạc thau: công dụng, cách dùng và một số bài thuốc Đông y
Nội dung bài viết
Cây Bạc thau có tên khoa học là Argyreia acuta Lour. Cây còn được gọi là Bạc sau, Bạch hoa đằng, Thảo bạc, thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae). Cây có vị chua, hơi đắng, nhạt, tính mát. Công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, sát trùng, tiêu viêm. Dưới đây là một số bài thuốc quý được điều chế từ loại cây này!
1. Tìm hiểu chung về Bạc Thau
1.1. Mô tả dược liệu
Bạc thau là dây leo, bò hay quấn, dài hàng mét. Thân và cành non có lông mịn, màu lục, sau nhẵn, vỏ màu nâu. Lá bạc thau mọc so le, hình bầu dục hoặc trái xoan, gốc bằng hoặc hơi hình tim, đầu nhọn, dài 5 – 11cm, rộng 3 – 8cm, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm đen, mặt dưới nhiều lông mịn, màu trắng bạc. Cuống lá rất dài phủ đầy lông.
Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá. Hoa màu trắng, đài hoa hình chén có lông màu ánh bạc, mặt ngoài có lông tơ. Qủa mọng, hình cầu, khi chín màu đỏ, có đài tồn tại cong lên, hạt 2 – 4 màu nâu.
Mùa hoa quả: tháng 8 – 11.
1.2. Phân bố, sinh thái
Cây Bạc thau thuộc chi Argyreia Lour. có khoảng hơn 40 loài trên thế giới, phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi. Ở Việt Nam, hiện nay đã biết khoảng 15 loài, trong đó ít nhất 2 loài được dùng làm thuốc là Argyreia acuta Lour. và A.capitata Choisy. Loài Bạc thau (Argyreia acuta Lour.) có vùng phân bố rộng rãi khắp nơi, từ vùng núi thấp (dưới 1000m) đến trung du và ở đồng bằng.
Bạc thau thuộc loại cây ưa ẩm. Cây thường leo trùm lên các loại cây gỗ, cây bụi khác ở ven rừng, chân đồi, bờ nương rẫy cũng như trong các lùm bụi quanh làng. Ở một vài nơi ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ còn thấy cây mọc lẫn trong các bụi tre gai.
Những cây không bị chặt phá, chiều dài của thân leo có thể lên tới 15 – 20m. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Khi quả chín, tự mở hạt rơi xung quanh gốc cây mẹ và mọc thành những cây con. Cây còn có khả năng tái sinh tốt từ các phần còn sót lại sau khi bị cắt.
1.3. Bộ phận dùng
Đoạn thân mang lá dài 30 – 50cm, thu hái quanh năm, lúc trời khô ráo, rồi đem phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 – 60°C.
>> Xem thêm bài viết: Hạt Bìm bìm biếc: Vị thuốc chữa phù thũng, trừ giun
2. Tính vị của Bạc thau theo Đông y
Cây có vị hơi chua, hơi đắng, nhạt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, giải độc, sát trùng, tiêu viêm.
3. Công dụng của Bạc thau
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Sát trùng.
- Tiêu viêm.
- Thanh nhiệt cơ thể.
- Giải độc.
- Lợi thủy.
Theo Y học cổ truyền:
- Dược liệu khô giúp điều kinh, chữa ho, thông tiểu, bạch đới khí hư.
- Có thể dùng để điều trị ho cho trẻ em.
- Dùng ngoài giã nát đắp lên những vị trí bị mụn nhọt để hút mủ lên da non và đắp lên những vị trí bị gãy xương.
Dược liệu Bạc thau thường được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị những bệnh lý sau:
- Bí tiểu tiện.
- Nước tiểu đục.
- Ngứa lở.
- Bạch đới.
- Sốt rét
- Mụn nhọt.
- Ho.
- Viêm phế quản cấp tính và mạn tính.
4. Bài thuốc có chứa Bạc thau
4.1. Chữa ho trẻ em
Bạc thau, Chua me, Xương sống, mỗi vị 6 – 8g tươi, giã nát, vắt lấy nước uống.
4.2. Chữa rong kinh, rong huyết
Bạc thau 30 – 40g tươi, giã nát, chế nước nguội vào, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp lên đỉnh đầu.
Bạc thau, Ngải cứu, Lá bạch đầu ông, mỗi vị 20g tươi, giã nát, vắt lấy nước uống.
4.3. Chữa kinh nguyệt không đều
Bạc thau 20g, Rau dền gai 8 – 16g sắc uống.
4.4. Chữa khí hư bạch đới
Bạc thau, Bạch đồng nữ, mỗi vị 30 – 40g tươi. Gĩa nát, vắt lấy nước uống hoặc sắc uống. Loại khô, dùng mỗi vị 15 – 20g.
4.5. Chữa vết thương, mụn nhọt chảy nước vàng
Lá khô tán bột mịn, rắc, hoặc lá tươi, giã nát đắp.
4.6. Chữa nổi mẩn, ngứa, ghẻ lở, rôm sẩy
Lá bạc thau được nấu lấy nước tắm, rửa.
Bạc thau có tính mát, vị chua hơi đắng có nhiều công dụng như: chữa vết thương, mụn nhọt, rong kinh rong huyết, bạch đới,… Bài viết đã cung cấp thêm về cách dùng và liều lượng của Bạc thau. Quý độc giả trước khi sử dụng cần chú ý tham khảo ý kiến chuyên gia để mang đến hiệu quả tốt nhất. Đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo của YouMed để cập nhật cho mình nhiều thông tin hữu ích nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.