YouMed

Những cách bấm huyệt hạ huyết áp bạn có thể thực hiện

Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Thị Lệ Quyên
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Huyết áp cao (Tăng huyết áp) là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đau đầu, chóng mặt, nóng phừng mặt, nhìn mờ… Đây là tình trạng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, gây suy giảm chất lượng cuộc sống và dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh mạch vành…

Có nhiều phương pháp giúp làm giảm huyết áp bao gồm dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong đó, bấm huyệt hạ huyết áp là phương pháp không dùng thuốc được nhiều người áp dụng cho thấy có hiệu quả. Cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu về phương pháp bấm huyệt hạ huyết áp qua bài viết dưới đây.

Huyết áp cao là gì?

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành mạch. Khi áp lực này tăng cao kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng tăng huyết áp. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg và được xác định bằng cách đo huyết áp.

Tăng huyết áp nếu không kiểm soát tốt, lâu ngày dễ làm tổn thương thành mạch máu. Từ đó, phát sinh các bệnh lý như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, xơ vữa thành mạch…

Phân loại cao huyết áp

Cao huyết áp được phân thành 2 loại:

Cao huyết áp vô căn (nguyên phát): không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp.

– Cao huyết áp thứ phát, có thể do các nguyên nhân như:

Triệu chứng của cao huyết áp

Huyết áp cao thường ít gây triệu chứng, có thể là:

  • Đau đầu. Đau thường xuất hiện vùng đỉnh đầu. Hoặc đôi khi chỉ là cảm giác nặng đầu.
  • Chóng mặt, nhìn mờ.
  • Có thể kèm hồi hộp, dễ mệt, đau ngực, khó thở…

Huyết áp cần được kiểm soát tốt để hạn chế xuất hiện các biến chứng lên não, mắt, tim, thận và mạch máu ngoại biên.

Đau đầu là một trong những triệu chứng của cao huyết áp
Đau đầu là một trong những triệu chứng của cao huyết áp

Hiệu quả của bấm huyệt hạ huyết áp

Các nghiên cứu thực hiện trên bệnh nhân cao huyết áp cho thấy, huyết áp tâm thu giảm đáng kể sau 2, 3, 4 tuần áp dụng.

Xoa bóp – bấm huyệt được chứng minh làm giảm hoạt động giao cảm và tăng hoạt động phó giao cảm. Do đó, có thể làm giảm lo lắng và căng thẳng. Ngoài ra, liệu pháp xoa bóp giúp làm giảm huyết áp và nhịp tim ở những người cao huyết áp. Đồng thời làm tăng lưu lượng máu, sự đàn hồi của da tạo ra sự thư giãn cho các mô. Các động tác xoa bóp kéo dài sẽ nén các mô cơ thể lại và khi được giải phóng sẽ làm tăng lưu lượng máu đến các khu vực.

Như vậy, việc giảm huyết áp và nhịp tim có thể giải thích thông qua cảm giác thoải mái, thư giãn, cũng như sự gia tăng hoạt động phó giao cảm do phương pháp này tạo ra.

Xoa bóp bấm huyệt giúp phòng ngừa và ổn định huyết áp nhờ vào tác dụng thư giãn và gia tăng hoạt động phó giao cảm
Xoa bóp bấm huyệt giúp phòng ngừa và ổn định huyết áp nhờ vào tác dụng thư giãn và gia tăng hoạt động phó giao cảm

Cách bấm huyệt hạ huyết áp

Chỉ định bấm huyệt hạ huyết áp

Bấm huyệt được áp dụng kết hợp với thuốc hạ áp. Những trường hợp tăng huyết áp cấp cứu hoặc khẩn cấp cần ưu tiên các phương pháp điều trị nội khoa trước để hạn chế các biến chứng. Bấm huyệt có thể kết hợp sau khi bệnh nhân đã qua được giai đoạn nguy kịch.

Thận trọng – kiêng kị khi thực hiện bấm huyệt hạ huyết áp

  • Bệnh nhân đang mắc các bệnh ngoài da ở vùng mặt.
  • Bệnh nhân mắc bệnh về máu: máu khó đông…
  • Bệnh nhân đang sốt cao.

Đây là những trường hợp nên thận trọng khi sử dụng các phương pháp này.

Các huyệt giúp hạ áp và cách bấm

Day bấm một số huyệt vị theo một quy trình cụ thể có ý nghĩa phòng bệnh.

Đông y và tây y đều có những bài thuốc phòng, chữa bệnh cao huyết áp. Tuy nhiên, trong nhiều hoàn cảnh thực tế, thuốc không có sẵn trong tay hoặc thầy thuốc không có mặt ngay tại chỗ. Việc tiến hành tự bấm huyệt đều đặn cũng có thể góp phần hỗ trợ trị liệu cho các thuốc hạ áp và phòng bệnh một cách tích cực.

Một số huyệt giúp hạ huyết áp

1. Day bấm huyệt thái dương

Dùng ngón giữa 2 bàn tay day đồng thời 2 huyệt thái dương trong khoảng 1 phút đến khi đạt cảm giác căng tức là được. Vị trí huyệt thái dương ở chỗ lõm phía sau ngoài đuôi  mắt 2 cm. Khi ấn vào có cảm giác tê tức.

2. Day bấm huyệt toản trúc

Dùng ngón giữa 2 bàn tay day đồng thời 2 huyệt toản trúc trong 1 phút. Huyệt toản trúc nằm ở chỗ lõm đầu trong lông mày.

3. Day bấm huyệt suất cốc

Dùng ngón tay cái 2 bên day đồng thời 2 huyệt suất cốc trong 1 phút. Huyệt suất cốc được xác định bằng cách gập vành tai về phía trước và ép vào đầu. Sau đó đo từ điểm cao nhất vành tai lên phía trên 1,5 cm.

4. Day ấn huyệt nội quan

Dùng ngón tay cái day ấn huyệt nội quan trong 1 phút. Huyệt nội quan được xác định bằng cách đo lên 2 cm từ giữa lằn chỉ cổ tay, giữa 2 gân cơ nổi rõ nhất, nắm bàn tay, hơi gấp và nghiêng ra ngoài để hiện rõ khe giữa này.

5. Day huyệt thái xung

Dùng ngón tay cái day 2 huyệt thái xung cùng một lúc. Huyệt thái xung được tìm bằng cách sờ dọc theo khoảng giữa ngón cái và ngón trỏ bàn chân. Sau đó, xác định góc tạo nên bởi 2 đầu xương bàn chân của 2 ngón. Huyệt nằm ở góc này, khi ấn có cảm giác căng tức.

6. Day ấn huyệt khúc trì

Dùng ngón tay cái day ấn huyệt khúc trì trong khoảng 1 phút. Huyệt khúc trì nằm ở đầu nếp gấp khuỷu khi gấp cẳng tay vào cánh tay.

Một số lưu ý đối với người cao huyết áp

Người bệnh cao huyết áp cần giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt nên tăng cường vận động như tập thể dục, đi bộ hàng ngày. Ngoài ra, cần điều chỉnh cân nặng hợp lý tránh thừa cân béo phì.

Chế độ ăn uống của người cao huyết áp cần hạn chế:

  • Chất bột đường.
  • Chất béo có nguồn gốc từ động vật: mỡ.
  • Ăn ít muối

Nên:

  • Ăn cá, thịt nạc.
  • Các chất đạm có nguồn gốc thực vật như đậu đỗ, lạc vừng.
  • Ăn nhiều rau quả tươi có hàm lượng vitamin cao.
  • Kiêng hút thuốc lá, bia rượu.
Chế độ ăn nhiều rau quả xanh giúp kiểm soát huyết áp
Chế độ ăn nhiều rau quả xanh giúp kiểm soát huyết áp

Đặc biệt người cao huyết áp cần theo dõi, kiểm tra huyết áp thường xuyên để điều chỉnh kịp thời giúp ổn định huyết áp.

Trước khi bấm huyệt nên để cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn, tinh thần thoải mái và hít thở đều đặn trong vài phút.

Khi bấm huyệt, nên ấn đầu ngón tay thẳng góc vào đúng vị trí huyệt để tạo lực đủ mạnh. Mỗi huyệt vị nên day ấn trong 1 – 3 phút, lặp lại 1 – 2 lần/ngày.

Những phương pháp đông y khác giúp chữa cao huyết áp

Ngoài phương pháp bấm huyệt giúp xoa bóp, các phương pháp không dùng thuốc khác có thể được áp dụng như: cấy chỉ, châm cứu chữa cao huyết áp, dưỡng sinh… giúp ổn định huyết áp.

Bấm huyệt hạ huyết áp là một trong những phương pháp tương đối an toàn mà người bệnh có thể áp dụng kết hợp với điều trị thuốc. Tuy nhiên, để biết rõ nguyên nhân cao huyết áp. Đồng thời, kiểm soát huyết áp đúng mục tiêu nhằm ngăn chặn những biến chứng, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám bệnh để được tư vấn thích hợp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Massage therapy for essential hypertension: a systematic reviewhttps://www.nature.com/articles/jhh201452

    Ngày tham khảo: 21/09/2021

  2. Quyết định về việc ban hành Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứuhttps://kcb.vn/wp-content/uploads/2015/07/Ch%C3%A2m-c%E1%BB%A9u.pdf

    Ngày tham khảo: 21/09/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người