YouMed

Bất ngờ với công dụng trị bệnh của Dong riềng đỏ

Bác sĩ LÊ NGỌC BẢO
Tác giả: Bác sĩ Lê Ngọc Bảo
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền

Dong riềng đỏ là một loại cây phổ biến ở Việt Nam, thường được sử dụng như một nguồn tinh bột. Ngoài ra người ta còn dùng trị viêm gan, chấn thương. Mời quý bạn đọc tìm hiểu về cây thuốc này, công dụng của nó cũng như những tiềm năng trong sản xuất thuốc qua bài viết sau đây.

1. Giới thiệu cây thuốc

Dong riềng hay Khoai riềng, có tên khác là Chuối củ. Tên khoa học Canna edulis Ker Gawl., thuộc họ Chuối hoa.

Cây cao 1,2 – 1,5m, có thể tới 2m. Thân rễ phình to thành củ, chứa nhiều tinh bột. Trong thực vật nói chung, Thân rễ chỉ cho một đoạn của thân cây nằm ngang dưới mặt đất mà từ các mắt của nó mọc ra các rễ và chồi. Nó vốn là thân cây nhưng nằm sát mặt đất và phình ra nên thường gọi là củ, như gừng, nghệ, riềng, …

Cây Dong riềng cao khoảng 1,5-2m
Cây Dong riềng cao khoảng 1,5 – 2m.

Lá có phiến thuôn dài, thường có màu tía. Gân lá ở giữa to, gân phụ song song. Hoa xếp thành cụm ở ngọn thân, màu đỏ, hồng. Quả nang có nhiều gai mềm, chứa nhiều hạt hình cầu màu đen. Cây ra hoa quả quanh năm.

Quả cây Dong riềng
Quả cây Dong riềng.

Cây được trồng phổ biến ở Việt Nam, có gốc từ châu Mỹ. Cây tương đối chịu rợp, chịu rét kém. Trong điều kiện thuận lợi, cây cho năng suất 20 tấn củ trở lên sau một năm.

2. Bộ phận dùng và thành phần hóa học

2.1. Bộ phận dùng

Thường dùng thân rễ, hoa và lá Dong riềng. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm. Rễ dùng tươi hay phơi khô. Hoa phơi khô.

2.2. Thành phần hoá học

Thân rễ có chứa nhiều tinh bột, khoảng 28%. Đặc điểm tinh bột khoai riềng khi nấu với nước có thể đông cứng lại như thạch. Ngoài ra trong Khoai riềng có một ít tanin. Các nghiên cứu dược lý gần đây cho thấy trong Dong riềng còn có phenylpropanoid sucrose, epimedokoreanone A, nepetoidin B, axit ferulic, axit caffeic, hydroxytyrosol và 1 H-indole-3-carboxaldehyde.

Thân rễ Dong riềng
Thân rễ Dong riềng.

3. Công dụng, cách dùng

3.1. Tính vị, tác dụng

Dong riềng đỏ có vị ngọt, nhạt, tính mát. Cây có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, an thần, tức là làm mát cơ thể, bồi bổ, chữa mất ngủ, …

Liều dùng: Rễ 15 – 20g, sắc uống; hoa 10 – 15g, hãm sôi trong nước và dùng ngay.

3.2. Kinh nghiệm sử dụng Dong riềng

Nhiều nước trồng và khai thác Dong riềng làm nguồn chế biến tinh bột. Nó còn được dùng để làm tá dược trong sản xuất thuốc.

  • Củ luộc ăn ngon, và chế bột làm miến (bún tàu) tại nhiều vùng ở nước ta.
  • Rễ dùng chữa viêm gan hoàng đản cấp tính. Dùng ngoài trị đòn ngã chấn thương, viêm mủ da.
  • Hoa dùng chữa chảy máu bên ngoài. Hạt có thể tán bột rắc chữa viêm tai có mủ.
Hoa màu đỏ, hồng, có thể dùng chữa chảy máu
Hoa màu đỏ, hồng, có thể dùng chữa chảy máu.

Ở Ấn Độ, rễ được xem như làm ra mồ hôi, lợi tiểu được dùng trị sốt và phù.

>> Xem thêm: Cây Bình vôi: Chìa khóa vàng chữa mất ngủ quen thuộc

4. Một số công thức thuốc dùng Dong riềng

4.1. Trị Viêm gan cấp

Rễ Dong riềng tươi 60 – 90g đun sôi uống. Có hiệu quả sau một tuần lễ điều trị.

4.2. Trị đòn ngã chấn thương:

Giã rễ tươi và đắp tại chỗ.

5. Một số nghiên cứu về tác dụng của Dong riềng

Chiết xuất từ lá Dong riềng có thể dùng để tổng hợp các hạt nano bạc (AgNPs). Hạt nano bạc này có tác dụng ức các vi sinh vật gây bệnh, ở nồng độ ức chế vi sinh vật thì không có ảnh hưởng đến tế bào động vật và người. Do đó, lá Dong riềng là một ứng cử viên trong sản xuất nano bạc thân thiện với môi trường, sạch, tiết kiệm chi phí và không độc hại.

Một nghiên cứu ở nước ta cho thấy dịch chiết thân rễ Dong riềng có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, chống đông máu và chống oxi hóa mạnh. Các hoạt tính này tương tự các thuốc tim mạch điều trị các bệnh như thiếu máu cơ tim, tắc mạch máu ở tay chân, xơ vữa mạch, … Do đó thân rễ Dong riềng là một nguồn tiềm năng để bào chế thuốc tim mạch, chống oxi hóa.

Thành phần hóa học Dong riềng có tìm năng trong bệnh tim mạch.

Tác dụng chống oxi hóa của thân rễ Dong riềng còn được chứng minh qua các nghiên cứu khác, tác dụng này tương đương với vitamin C, là một chất chống oxi hóa thường dùng. Cũng từ tác dụng chống oxi hóa, người ta nhận thấy dùng Dong riềng trong sản xuất sữa chua giúp tạo sản phẩm có chất lượng tốt hơn, bản quản được lâu hơn.

Tóm lại, Dong riềng là nguồn sản xuất tinh bột, cũng dùng để trị viêm gan, chấn thương. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy chiết xuất từ lá và thân rễ của nó có tác dụng chống đông máu, chống kết tập tiểu cầu, chống oxi hóa. Qua đó thể hiện tiềm năng trong sản xuất nhiều loại thuốc trị các bệnh thường gặp.

Bác sĩ Lê Ngọc Bảo

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Đỗ Tất Lợi, (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội
  • Võ Văn Chi (2012), Từ điển Cây thuốc Việt Nam tập 1, NXB Y học, Hà Nội.
  • Mishra T, Goyal A, Middha S, Sen A, (2011), “Antioxidative properties of Canna edulis Ker-Gawl”, Indian Journal of Natural Product Resources, volume 2 pp. 315-321.
  • Sook Yun Y, Satake M, Katsuki S, Kunugi A, (2004), “Phenylpropanoid derivatives from edible canna, Canna edulis”, Phytochemistry, volume 65 (14), pp. 2167-2171.
  • Otari, S. V. et al. (2017) “Canna edulis Leaf Extract-Mediated Preparation of Stabilized Silver Nanoparticles: Characterization, Antimicrobial Activity, and Toxicity Studies,” Journal of Microbiology and Biotechnology. Korean Society for Microbiology and Biotechnology, 27(4), pp. 731–738
  • Nguyen T M H, Le H L, Ha T T, Bui B H, et al, (2020), “Inhibitory effect on human platelet aggregation and coagulation and antioxidant activity of C. edulis Ker Gawl rhizome and its secondary metabolites”, Journal of Ethnopharmacology, volume 263 pp. 113136.
  • Mishra, T., Goyal, A. K., Middha, S. K., & Sen, A. (2011), “Antioxidative properties of Canna edulis Ker-Gawl”, Indian Journal of Natural Products and Resources, volume 2(3), pp.315-321.
  • Umam, A. K., Lin, M. J., Radiati, L. E., & Peng, S. Y. (2019) “The Capability of Canna edulis Ker Starch as Carboxymethyl Cellulose Replacement on Yogurt Drink During Cold Storage”, Animal Production, volume 20(2), pp.109-118.
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người