Bệnh chàm da (Eczema): Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán
Nội dung bài viết
Chàm (Eczema) là một bệnh lý da rất thường gặp. Mặc dù chàm da là bệnh lý lành tính. Tuy nhiên, chàm da rất hay tái phát. Gây ra ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và tâm lý người bệnh. Trong bài viết này, Bác sĩ chuyên khoa Da liễu Võ Thị Ngọc Hiền sẽ cung cấp đến bạn nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán về căn bệnh này.
Chàm da (Eczema) là gì?
Chàm (Eczema) là một tình trạng viêm da thường gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi đó người bệnh bị nổi mẩn đỏ kèm mụn nước và rất ngứa.
Chàm da rất phổ biến trong dân số, chiếm tỷ lệ trên 10%. Chàm có thể xảy ra ở nhiều đối tượng bao gồm người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh.
Đây là một bệnh lý lành tính, không lây nhưng rất hay tái phát. Từ đó, gây nhiều phiền toái cho người bệnh.
Nguyên nhân gây chàm da?
Nguyên nhân gây nên bệnh chàm da rất phức tạp và vẫn chưa được biết rõ. Các giả thuyết được đưa ra là:
- Sự tương tác qua lại giữa yếu tố gen (cơ địa của người bệnh).
- Yếu tố dị nguyên (tác nhân dị ứng từ môi trường).
Khi một người có cơ địa dễ dị ứng tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng từ môi trường sẽ làm bùng phát tình trạng viêm da dị ứng.
1. Yếu tố gen
Yếu tố di truyền đóng vai trò gây ra bệnh. Các nghiên cứu cho thấy cha, mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc các bệnh dị ứng như: hen, viêm mũi dị ứng, mề đay, chàm,… Dẫn đến con của họ cũng dễ bị mắc bệnh trên.
Bản thân người bệnh bị mắc các bệnh lý dị ứng khác thì những đối tượng này có cơ địa dị ứng và dễ mắc bệnh chàm kèm theo.
2. Yếu tố môi trường
Mỗi người bị chàm da thường có những yếu tố gây dị ứng từ môi trường khác nhau. Có thể là do thức ăn, động vật, cây cối hoặc do không khí.
3. Các yếu tố gây dị ứng thường gặp bao gồm:
- Thực phẩm: trứng, sữa, hải sản, đậu phộng và thức ăn lên men (chao, mắm)…
- Động vật: lông chó, mèo hay các sản phẩm làm từ da, lông thú có thể gây dị ứng.
- Thực vật: phấn hoa của một vài loại cây cối có thể khởi phát bệnh chàm.
- Hóa chất: Các loại xà phòng, chất tẩy rửa, mỹ phẩm hay nước hoa chứa nhiều hương liệu. Khi tiếp xúc trực tiếp với da, gây ra bệnh chàm.
- Không khí: khói bụi, ô nhiễm từ môi trường là yếu tố làm khởi phát bệnh thường xuyên.
- Chăm sóc da: các thói quen không dưỡng ẩm đủ cho da, tắm lâu hay tắm nước nóng làm cho da trở nên khô và dễ khởi phát bệnh chàm.
- Tâm lý: căng thẳng, lo âu kéo dài cũng có thể gây nên bệnh chàm và khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Biểu hiện của chàm da?
Bất cứ vị trí nào trên cơ thể đều có thể bị chàm nhưng thường gặp nhất ở da đầu, mặt, môi, bàn tay và bàn chân.
Bệnh chàm còn được phân ra nhiều dạng như: chàm tiếp xúc, chàm thể tạng, chàm tiết bã, chàm đồng tiền,… Tuy nhiên, các dạng chàm kể trên đều giống nhau ở một vài triệu chứng sau đây:
1. Mẩn đỏ
Vùng da người bệnh nổi những mảng màu hồng, đỏ, hơi sưng phù và rất ngứa. Mẩn đỏ có thể xuất hiện ở một hay một vài vị trí, không bắt buộc đối xứng nhau hay nổi lên khắp cơ thể.
2. Mụn nước
Sau vài giờ hay vài ngày xuất hiện mẩn đỏ, trên vùng da này nổi lên nhiều mụn nước nhỏ li ti. Mụn nước có dịch trong, có thể tự khô rồi tróc ra, nhưng thường bị vỡ do cào gãi làm rỉ nước, khi khô để lại màu vàng hay nâu.
3. Da khô, tróc vẩy
Vùng da bị chàm trở nên khô, nứt nẻ và tróc các vảy mịn như da chết.
4. Dày da
Đối với người hay bị bệnh chàm và thường xuyên tái phát ở cùng một vị trí, da sẽ dày lên và có thể bị sạm hơn so những vùng da còn lại.
Trên vùng da dày này có thể thấy rõ những ô vuông đặc trưng ở người bị chàm lâu ngày.
Chẩn đoán chàm da?
Chẩn đoán bệnh chàm da dựa vào yếu tố gợi ý, biểu hiện bệnh và các xét nghiệm.
Yếu tố gợi ý
Yếu tố cơ địa dị ứng của bản thân hay người thân trong gia đình gợi ý bệnh chàm do di truyền.
Hiện diện các nguyên nhân gây dị ứng từ môi trường như thức ăn, động vật, thực vật, hóa chất, không khí hay tâm lý.
Biểu hiện
Triệu chứng ban đầu là nổi mẩn đỏ và rất ngứa, sau đó xuất hiện mụn nước. Các mụn nước bị vỡ ra do cào gãi làm rỉ dịch và để lại màu vàng hay nâu.
Trong trường hợp tái phát nhiều lần, vùng da bị chàm sẽ dày lên, có màu xám và hình ảnh ô vuông đặc trưng.
Xét nghiệm
Chẩn đoán bệnh chàm dựa vào hỏi bệnh và thăm khám là chủ yếu. Các xét nghiệm khác ít hỗ trợ trong chẩn đoán bệnh. Có thể thực hiện xét nghiệm tìm các yếu tố dị ứng trên da để có kế hoạch điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát.
Bệnh chàm là một bệnh lý da lành tính, không lây và có thể điều trị. Điều quan trọng trong quản lý bệnh chàm là chăm sóc sao cho bệnh ít tái phát nhất.
Hãy tiếp tục tìm hiểu các phương pháp chăm sóc và điều trị cho người bệnh chàm da trong những bài viết sau:
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Bệnh chàm da. Bệnh Da liễu. Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.