Bệnh nhiễm chí và kiến thức cơ bản
Nội dung bài viết
Ông bà ta có câu: ” Có chí thì nên”. Thế nhưng về phía y học, chúng tôi hay nói đùa một câu:”có chí thì nên… cạo đầu”. Đó là những điều vui khi nói về một bệnh đã cũ: nhiễm chí.
Bạn có thắc mắc về bệnh nhiễm chí là gì thì xin xem bài viết dưới đây.
I. THÔNG TIN CHUNG
Nhiễm chí hay còn gọi là nhiễm chấy, là bệnh do kí sinh trùng thuộc giống Pediculus gây ra. Đây là giống côn trùng sống kí sinh trên cơ thể người, có chu trình phát triển nội sinh. Điều đó có nghĩa là chúng đẻ trứng, sinh sống, và phát triển ngay trên người. Về lịch sử, được ghi nhận qua hệ gen, chúng đã kí sinh trên cơ thể tổ tiên loài người cách đây hơn 10000 năm.
II. HÌNH THỂ
Nhìn chung, chúng có hình dạng khá giống nhau. Chúng đều có thân dài, ngực hẹp hơn bụng và có phân chia rõ rệt. Hai giống được ghi nhận là: Pediculus humanus var. capitis (chí đầu) và Pediculus humanus var. corporis (chí mình).
Pediculus humanus var. capitis (chí đầu)
Pediculus humanus var. corporis (chí mình)
Chiều dài tương đương: 2-4mm, thân dài. Cả hai giống có thể giao hợp với nhau tạo nên các loài chí lai, nhưng căn bản, chúng có sự thích nghi khác nhau. Chí sống trên đầu có màu xám, chỉ gặp ở tóc, ít gặp hơn là ở chân mày, râu, ria. Loài chí sống ở thân mình lại có màu trắng dơ, lớn hơn chí sống ở đầu, gặp trong các nếp gấp quần áo, trứng dính vào sợi vải. Nó chỉ xâm nhập vào người để hút máu.
Thân gồm 3 phần: đầu – ngực (với 3 đốt dính liền nhau) và bụng.
- Đầu có 2 mắt đơn, một đôi râu ngắn gồm 3 đốt. Vòi hút lớn, dùng đâm xuyên da để hút máu.
- Mỗi đốt ở ngực mang một đôi chân khỏe, mỗi chân có 5 đốt. Tận cùng của chân có vuốt cong, có càng để bám.
- Bụng có 9 đốt nhưng vài đốt phía trên hòa vào nhau nên thường thấy rõ 7 đốt. Đốt bụng cuối cùng ở con cái có lỗ sinh dục ở giữa và hai mấu, để bám vào lông khi đẻ trứng.
Con đực kích thước nhỏ hơn con cái, có gai giao hợp.
- Trứng: kích thước rất bé: 0.4-0.7mm. Mắt thường có thể nhìn thấy: chúng có màu vàng nhạt, có nắp ở đầu.
- Nhộng: có hình dáng giống con trưởng thành nhưng kích thước nhỏ hơn. Đây là loài côn trùng tiến hóa không hoàn toàn. Cá thể non chỉ là bản sao thu nhỏ so với cá thể trưởng thành.
Trái sang phải: ấu trùng 1, ấu trùng 2, ấu trùng 3- con trưởng thành con đực và con cái
III. CHU TRÌNH PHÁT TRIỂN
- Chí sống ở người và ở khắp nơi trên thế giới.
- Đối với loài chí đầu thì thường chúng thích sống phía sau gáy, đôi khi ở chân mày và râu.
- Còn loài chí sống ở thân mình thì thường rúc ở quần áo. Bất ngờ là chúng hay trú ngụ ở các đường may, nếp gấp vải ở vùng ngực và nách.
- Con cái đẻ trứng hình bầu dục, dính vào tóc hay sợi vải nhờ chất keo. Khoảng 1 tuần sau, trứng nở ra ấu trùng. Lột xác khoảng 3 lần trong khoảng 2 tuần, ấu trùng sẽ trưởng thành. Trong suốt cuộc đời, chí đầu đẻ khoảng 140 trứng, chí mình đẻ khoảng 300 trứng. Trung bình, mỗi ngày chí mình đẻ 6-9 trứng.
- Ở nhiệt độ 5 độ C, chí có thể sống được 10 ngày mà không cần ăn.
Môi trường ổ chuột, đông đúc và dơ bẩn là nơi thường xảy ra các ổ dịch về bệnh nhiễm chí.
IV. DỊCH TỄ HỌC
- Mọi nơi trên thế giới, hễ có người là có thể tìm thấy chí. Nơi sống thích hợp của chí đầu là tóc, của chí mình là vùng lông ngực, lông nách, sợi vải. Với cách di chuyển rất nhanh, chí đầu và chí mình sẵn sàng nhảy từ người này sang người khác. Hút máu người trong thời gian rất dài, chúng chỉ có món ăn duy nhất đó.
- Nhiệt độ thích hợp của chí sinh sống là 15-38 độ C. Khi quá 40 độ C, chúng sẽ chết.
- Bệnh chí rất dễ lây. Nhất là ở những người kém vệ sinh, lười tắm. Ghi nhận nhiều ở vùng xứ lạnh với việc mặc quần áo dày, lại ngại tắm rửa. Nhưng ở xứ nóng lại xảy ra dịch diện rộng do môi trường vệ sinh kém. Những nơi dân cư sống chen chúc, các khu ổ chuột, doanh trại, nhà tù cũng thường gặp. Dễ lây đối với chí đầu nếu dùng chung lược, nón.
Chí mình sống bám trên sợi vải
- Ngày nay, chúng ta thường thấy bệnh quay lại, 1 phần là do quy định đội nón bảo hiểm. Nón bảo hiểm dùng chung, ít giặt rửa là môi trừng lý tưởng lây chí. Tại trường mầm non, lớp học nội trú, các em nhỏ nằm gần nhau cũng dễ lây chí. Còn đối với chí mình, thường là do tiếp xúc, dùng chung quần áo.
V. GÂY BỆNH
Khi hút máu người, chí sẽ tiết nước bọt. Nước bọt của chúng gây dị ứng, ngứa, tạo nên một nốt sần nhô cao. Độ nhạy cảm thay đổi theo từng cá thể. Ngứa càng nhiều gãi càng nhiều. Gãi gây trầy da và bội nhiễm, để lại sần và sẹo, loét da. Lông mi nếu nhiễm chí, có thể gây kích ứng và viêm kết mạc.
Bệnh gây mất ngủ và tâm thần bị ức chế. Người bệnh sẽ khó cưỡng được cảm giác gãi, tại nơi công cộng, điều đó gây cảm giác khó chịu, ức chế.
VI. TRUNG GIAN TRUYỀN BỆNH NHIỄM CHÍ
Rất nhiều bệnh được ghi nhận với vật kí sinh trùng này, đặc biệt là chí mình. Ít nguy hiểm hơn là chí đầu. Chí truyền các bệnh sau:
1. Bệnh sốt phát ban (epidemic typhus)
- Khi chí đốt người, nếu chúng hút máu người nhiễm bệnh. Rickettsia prowaseki sẽ theo máu, vào cơ thể chí, sinh sản trong tế bào dạ dày rồi được thải ra ngoài khi chí hút máu. Chứa Rickettsia prowaseki trong dạ dày trong suốt cuộc đời của chí. May mắn là không truyền qua trứng. Do đó, dịch lây lan nhanh nhưng không kéo dài. Dịch thường gặp ở những nhà tù chật chội, quân đội, hay nạn đói.
- Lúc đốt, chí sẽ đi tiêu ngay tại chỗ. Ngứa do dị ứng sẽ khiến bệnh nhân gãi. Việc gãi sẽ gây nên vết trầy xước. Từ vết trầy xước đó, Rickettsia prowaseki sẽ chui vào và gây bệnh. Cũng có trường hợp bệnh nhiễm do người bệnh dùng răng cắn nát xác chí. Sốt cao, chí sẽ nhảy từ người này sang người khác, do đó bệnh lây nhanh chóng.
Nhìn qua kính hiển vi: Rickettsia prowaseki xâm nhập trong tế bào
2. Bệnh sốt hồi quy
- Căn bệnh này do Borrelia recurrensis gây ra. Lúc hút máu, loài Borrelia recurrensis theo máu, sinh sản khắp cơ thể chí. Borrelia recurrensis không có lối thoát. Nhiễm bệnh khi người bệnh ngứa gãi và lỡ tay nghiền nát xác chí, chúng theo vết trầy do gãi vào cơ thể người.
Hình ảnh qua kính hiển vi: Borrelia recurrensis
3. Bệnh sốt hầm hố (trench fever)
- Rickettsia quintana gây nên. Tử suất không đáng kể. Ghi nhận các ca bệnh đầu tiên từ thế chiến thứ nhất. Sau này, bệnh xuất hiện ở Châu Âu và Mexico. Tương tự như bệnh sốt phát ban, loài Rickettsia quintana qua phân chí, vào cơ thể người qua vết trầy da khi gãi.
Bệnh sốt hầm hố thường gặp ở các chiến hào quân sự. Nơi vệ sinh kém và tập trung đông đúc các quân nhân. Tại các hầm mỏ ở Mỹ, nơi tập trung nhiều công nhân cũng là nơi hay xảy ra bệnh sốt hầm hố
VII. CHẨN ĐOÁN BỆNH NHIỄM CHÍ
- Triệu chứng gãi và các biến chứng của nó: vết trầy, vết loét da.
- Tìm thấy chí và trứng chí trên tóc.
VIII. ĐIỀU TRỊ
- Bác sĩ sẽ chỉ định tùy vào triệu chứng và biểu hiện của bệnh nhân.
Một loại thuốc giảm ngứa, giảm dị ứng sẽ được bôi lên lớp da.
-
Đối với nhiễm chí ở đầu:
- Chúng ta trở lại với câu nói vui đầu bài: “có chí thì nên… cạo đầu”. Đây là giải pháp đơn giản và cực kì hiệu quả.
- Dùng lược bí để chải tóc, giũ sạch chí.
- Thuốc bôi và hóa chất trị nhiễm chí: khi dùng, phải che chắn mắt, mũi và miệng.
- Không dùng chung lược, nón và ngày nay gần gũi nhất, là nón bảo hiểm. Nón phải được giặt hoặc thay định kì.
-
Đối với nhiễm chí ở cơ thể:
- Tắm rửa thường xuyên.
- Quần áo phải giặt giũ, ngâm nước nóng, tẩy uế. Nấu sôi quần áo ở 60 độ C trong 15 phút.
IX. KIỂM SOÁT BỆNH NHIỄM CHÍ
- Cách dễ dàng nhất là có riêng vật dụng cá nhân: lược và nón, quần áo không dùng chung.
- Thường xuyên tắm gội, giặt quần áo, tẩy giường chiếu.
- Thuốc diệt khi phun sẽ dập được dịch, tuy nhiên phải có quần áo bảo hội cụ thể.
- Khi có vấn đề thắc mắc, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để được giải đáp tốt nhất.
Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.