Nhiễm giun tóc: biểu hiện, chấn đoán và điều trị
Nội dung bài viết
Là loài sinh trưởng và phát triển thuận lợi ở vùng khí hậu nóng ẩm nhiệt đới. Sinh vật này có chu kì sống trải qua 2 môi trường. Những đặc điểm này hé lộ cho chúng ta thông tin về “nhân vật chính” của bài viết này: giun tóc – loài giun kí sinh phổ biến và có thể gây ra triệu chứng nguy hiểm cho con người.
Giun tóc là gì?
Giun tóc là kí sinh trùng có tên khoa học là Trichuris trichiura. Giun tóc thuộc ngành giun tròn gồm các loài thường gây bệnh ở người (giun đũa, giun móc, giun kim). Tên “giun tóc” được đặt bởi hình dạng bên ngoài đặc trưng của nó. Giun có phần đầu mỏng và dài như sợi tóc trong khi phần sau ngắn và phình to.
Giun tóc gây bệnh như thế nào?
Giun tóc là một trong những tác nhân gây bệnh thuộc nhóm “giun truyền qua đất”. Khi kí sinh trong ruột người, giun trưởng thành giao phối và đẻ trứng. Trứng giun sau khi theo phân ra ngoài, gặp môi trường đất ấm ẩm sẽ phát triển thành trứng mang ấu trùng có khả năng gây bệnh cho người. Vì vậy, ở những nơi khí hậu ẩm ướt, tập quán sinh hoạt lạc hậu, vệ sinh cá nhân kém và môi trường sống chưa hợp vệ sinh, đặc biệt là những vùng có thói quen dùng phân người bón cây, bón ruộng, tỉ lệ mắc bệnh nhiễm giun tóc rất cao.
Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh giun tóc là do con người nuốt phải trứng giun mang ấu trùng. Vào đến ruột non, ấu trùng chui ra khỏi trứng và xâm nhập vào lớp nhung mao bề mặt. Phần lớn ấu trùng di chuyển đến manh tràng và phát triển thành thể trưởng thành. Tại đây, phần đầu giun cắm vào thành ruột lấy chất dinh dưỡng, phần đuôi sau lơ lửng và sẵn sàng giao phối với con khác giới đi ngang qua, tiếp tục một chu kì sống mới.
Khi giun kí sinh trong cơ thể, thành ruột tại vị trí gắn của giun bị tổn thương. Tại đây, hệ miễn dịch cơ thể được kích hoạt dẫn đến ruột bị viêm, tăng kích thích và chảy máu. Số lượng giun trong cơ thể càng lớn, triệu chứng bệnh càng rõ và nặng nề.
Biểu hiện của bệnh giun tóc
Khi nhiễm giun đường tiêu hóa nói chung, giun tóc nói riêng, người bệnh thường có các triệu chứng sau:
- Đau bụng.
- Đau khi đi đại tiện kèm tiết dịch nhầy, có thể lẫn máu (gặp nhiều ở giun tóc hơn các loại giun khác).
- Tiêu chảy.
- Chán ăn.
- Buồn nôn.
- Mệt mỏi, khó chịu toàn thân.
- Phát triển thể chất kém do rối loạn hấp thu và mất chất dinh dưỡng.
- Thiếu máu mạn tính: da xanh, niêm nhạt, tóc khô dễ rụng, móng tay dễ gãy, chóng mặt.
Nếu cơ thể mang một lượng nhỏ giun tóc thì thường sẽ không có biểu hiện hoặc biểu hiện bệnh mơ hồ thoáng qua.
Khi lượng giun đủ lớn, người nhiễm giun có thể thấy rõ các triệu chứng bất thường. Độ nặng những dấu hiệu bệnh này tùy thuộc vào số lượng giun cơ thể đang mang. Nhiễm giun tóc nặng và kéo dài, người bệnh có thể bị sa trực tràng, nhiễm trùng do loét và viêm ruột do tổn thương thành ruột.
Đặc biệt, giun tóc gây ra hội chứng kiết lỵ do ruột già bị kích thích. Người bệnh hay đau bụng, đi ngoài nhiều lần, mỗi lần ít phân, phân có thể kèm máu, nhầy. Hội chứng này ở trẻ em gây tình trạng tiêu chảy, thiếu máu thiếu sắt, chậm phát triển thể chất. Đồng thời, dinh dưỡng kém ở những trẻ này có thể dẫn đến chậm phát triển về nhận thức.
Cần làm gì để chẩn đoán nhiễm giun tóc?
Những triệu chứng nhiễm giun tóc kể trên là dấu hiệu chung của nhiều loại bệnh. Các bệnh như viêm ruột thừa, viêm túi mật, thủng ruột cũng gây tình trạng đau bụng và các triệu chứng đi kèm. Tiêu chảy ra máu có thể nằm trong bệnh cảnh viêm ruột, nhiễm vi khuẩn hoặc các loại kí sinh trùng khác.
Giun tóc được chẩn đoán xác định khi có các xét nghiệm hình ảnh học cho thấy hình ảnh đặc trưng của giun tóc. Hiện nay có 2 cách được dùng đó là:
- Xét nghiệm phân tìm trứng: là cách được sử dụng phổ biến nhất. Mẫu phân người bệnh được đem đi soi dưới kính hiển vi để tìm trứng giun. Hiện nay có nhiều kĩ thuật xét nghiệm ra đời, ưa chuộng nhất là phương pháp Kato-Katz. Kĩ thuật này vừa có thể xác định, vừa có thể đánh giá mức độ nhiễm giun
- Nội soi đại trực tràng : là phương pháp xâm lấn. Qua nội soi, bác sĩ có thể phát hiện thấy giun trưởng thành đang cắm trên thành ruột.
Điều trị bệnh nhiễm giun tóc như thế nào?
Theo nghiên cứu, những người bị nhiễm giun tóc thường nhiễm kèm với giun móc. Vì vậy, nếu chẩn đoán xác định có nhiễm kèm sẽ điều trị chung.
Thuốc hiện nay được sử dụng rộng rãi để điều trị giun là Mebendazol và Albendazol, được điều trị trong vòng 3 ngày, liều tùy thuộc vào việc nhiễm đơn hay nhiễm chung nhiều loại giun khác nhau.
Thuốc có một số chống chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu và cho con bú… Vì vậy cần đến khám và sử dụng thuốc theo y lệnh bác sĩ.
Các triệu chứng của bệnh như thiếu máu thiếu sắt, suy dinh dưỡng, sa trực tràng,.. sẽ cần các thuốc bổ sung cũng như các phương pháp kèm theo để điều trị.
Các cách phòng ngừa nhiễm giun tóc
- Tẩy giun định kỳ.
- Tránh tiếp xúc với đất có nguy cơ nhiễm phân người, đặc biệt là nơi dùng phân người để bón cây bón cây trồng.
- Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trước khi nấu ăn và trước khi ăn.
- Rửa sạch, gọt vỏ hoặc nấu chín các loại rau quả sống trước khi ăn.
- Nâng cao ý thức người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống xung quanh, xây dựng hố xí hợp vệ sinh.
Ở môi trường khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, các loại giun đặc biệt là giun tóc phát triển rất thuận lợi và dễ gây bệnh cho con người nếu không có cách phòng chống tốt. Vì vậy, việc tuyên truyền kiến thức, xây dựng nếp sống khoa học, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường rất quan trọng để góp phần giảm thiểu tình trạng mắc bệnh do kí sinh trùng gây ra.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Parasites – Trichuriasishttps://www.cdc.gov/parasites/whipworm
Ngày tham khảo: 04/11/2019
-
Các bệnh do giunhttp://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1109/cac-benh-do-giun
Ngày tham khảo: 04/11/2019
-
Hậu quả sa trực tràng và thiếu máu nhược sắc từ bệnh giun tóc Trichuris trichiurahttp://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=58&cat=936&ID=1888
Ngày tham khảo: 04/11/2019