Binh lang: Vị thuốc quý gần gũi quanh ta
Nội dung bài viết
Binh lang là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng chữa các chứng bệnh về đường tiêu hóa như ăn không tiêu, bụng đầy trướng, nhiễm giun sán rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
1. Giới thiệu về Binh lang
- Cách gọi khác: hạt Cau, Đại phúc tử, Tân lang…
- Tên khoa học: Areca Catechu L.
- Dược liệu: Semen Arecae.
- Họ: Cau dừa (Palmae/Arecaceae).
Binh lang là hạt của quả Cau phơi khô lấy từ cây Cau.
Có 2 loại cây đó là: Cau rừng (Sơn binh lang) và Cau nhà (Gia binh lang). Cau rừng có hạt cứng hơn và nhỏ hơn Cau nhà.
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Cau là cây trồng lâu đời và rất quen thuộc với người Việt Nam. Cây được trồng khắp nơi, nhất là vùng trung du và đồng bằng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre… Có 2 giống: Cau rừng (Sơn binh lang), hạt nhỏ, nhọn, chắc và Cau vườn (Gia binh lang) với hạt to, hình nón cụt.
Mùa thu hoạch khoảng tháng 9 – 12, lấy quả thật già (kích thước lớn, có màu xanh đậm, hạt cứng chuyển sang màu nâu nhạt là được). Sau đó, róc bỏ vỏ ngoài và vỏ già, lấy nguyên hạt ở trong đem phơi sấy thật khô.
1.2. Mô tả toàn cây
Cau là một cây to có thân mọc thẳng cao chừng 15 – 20m, đường kính 10 – 15cm. Thân hình trụ rỗng có nhiều vòng đốt là vết tích của những tàu lá rụng, chỉ ở ngọn có một chùm lá to rộng. Gốc thân hơi phình ra mang nhiều rễ nổi trên mặt đất.
Lá hình lược dừa, có bẹ to mang 2 dãy lá chét xếp đều đặn, dạng lông chim. Mo Cau rụng sớm, bên trong chứa cụm hoa. Trong cụm hoa, hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới. Hoa đực nhỏ màu trắng, thơm gồm 3 lá đài màu lục, 3 cánh hoa trắng, 6 nhị. Hoa cái to, bao hoa không phân hoá. Noãn sào thượng 3 ô.
Quả hạch hình trứng to bằng quả trứng gà, quả bì có sợi. Vỏ quả ngoài mỏng, nhẵn bóng, khi chín màu vàng đỏ, vỏ quả giữa cứng và nhiều xơ. Hạt có nội nhũ xếp cuốn, hơi hình nón cụt, đầu tròn giữa đáy hơi lõm, màu nâu nhạt, vị chát.
Mùa hoa tháng 5, mùa quả tháng 10.
1.3. Bộ phận làm thuốc – bào chế
Một số cách bào chế Binh lang:
- Hái quả Cau già, sau đó bỏ vỏ và lấy hạt phơi khô hoàn toàn. Khi dùng đem hạt khô ngâm nước 2 – 3 ngày cho mềm. Mỗi ngày thay nước 1 lần, không nên ngâm vào dụng cụ bằng sắt vì trong hạt có chứa chất tanin. Vớt ra để ráo nước, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô.
- Hoặc lấy Binh lang đã chọn lọc, đập vụn to như hạt đậu là được.
- Sao binh lang: Lấy dược liệu đã thái lát, cho vào nồi, sao bằng lửa nhẹ cho đến khi chuyển màu, lấy ra để nguội.
- Tiêu binh lang: Lấy dược liệu đã thái lát, cho vào nồi, sao bằng lửa lớn cho đến khi có màu vàng cháy. Phun sơ qua với ít nước, lấy ra hong khô.
Sau khi bào chế:
- Vị thuốc dạng hình trứng, hơi rộng ở dưới, đáy phẳng, lõm ở giữa. Mặt ngoài có màu nâu đỏ nhạt hoặc màu vàng nâu nhạt, bên trong có các vân nâu và trắng xen kẽ, phôi nhỏ nằm ở đáy hạt.
- Hạt phải khô chắc, không mọt, mặt ngoài không nhăn nheo là tốt. Thứ hạt nhẹ xốp, giữa có lỗ rỗng là kém.
1.4. Bảo quản
Vị thuốc dễ bị mốc và mọt nên cần bảo quản ở nơi kín và thoáng mát. Nếu thấy mọt thì nên sấy diêm sinh để tránh hư hại.
2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
Trong vị thuốc Binh lang có chứa:
- Thành phần chính là tanin. Tỉ lệ tanin trong hạt non chừng 70% nhưng khi chín chỉ còn 15 – 20%.
- Ngoài ra còn chất mỡ với thành phần chủ yếu gồm myristin, olein, laurin.
- Các chất đường: sacaroza, nanman, galactan 2% và muối vô cơ.
- Một số ancaloit: arecolin, guvacolin, arecaidin, guvaxin…
Tác dụng dược lý:
- Xổ sán (taeniasis): tác dụng đối với sán lợn tốt hơn sán bò, làm tê liệt thần kinh của sán kết hợp với Bí đỏ (hạt) có tác dụng hợp đồng tốt, nâng cao hiệu quả xổ sán. Thuốc đối với lãi kim cũng có tác dụng nhất định. 20 phút sau khi dung dịch hạt Cau tới ruột làm con sán bị tê liệt và không bám vào thành ruột được.
- Tác dụng đối với hệ thần kinh: arecolin có tác dụng như thần kinh phó giao cảm, kích thích các thụ thể cholinergic, làm tăng trương lực cơ trơn của trường vị, tăng nhu động ruột và gây tiêu chảy (cho nên xổ sán lãi không cần thuốc tẩy). Ngoài ra, nó còn làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, tăng tiết nước bọt và mồ hôi. Dung dịch thuốc nhỏ mắt từ dược liệu làm đồng tử nhỏ lại, tăng co thắt túi mật và cơ trơn tử cung.
- Kháng khuẩn: hạt Cau tươi và khô đều có tác dụng ức chế nấm và virus gây bệnh ngoài da.
3. Binh lang trong y học cổ truyền
Vị chát, hơi đắng, cay, tính ôn, không có độc.
Quy vào kinh Đại trường và kinh Vị.
Chủ trị: các chứng sán lãi, nhiều loại ký sinh trùng đường ruột, ăn uống không thông, khó tiêu, bụng đầy tiện bón, chứng tả lị, mót rặn, phù (thủy thũng), ống chân sưng đau.
>> Tìm hiểu về một dược liệu có tác dụng trừ giun: Sử quân tử: Vị thuốc trị giun có sẵn ngay trong vườn nhà.
4. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Thảo dược Binh lang được sử dụng chủ yếu ở dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc dạng hoàn tán với liều dùng 6 – 15g.
Trong trường hợp dùng độc vị để trị nhiễm sán lá, có thể dùng đến 60 – 100g/ngày. Ngoài ra, hạt Cau còn được dùng để nấu nước ngâm rửa ngoài da.
5. Một số bài thuốc kinh nghiệm
5.1. Trị sán
Binh lang (cắt lát), Nam qua tử mỗi thứ 30g. Nam qua tử tán nhỏ, Binh lang sắc nước trộn uống. Có thể ăn hết hạt Bí ngô rồi uống nước sắc Binh lang.
Hoặc trị giun kim: Binh lang 15g, Thạch lựu bì, Nam qua tử đều 10g sắc uống lúc đói trước khi đi ngủ (Sổ tay lâm sàng trung dược).
5.2. Trị táo bón, bụng đầy do thực tích khí trệ
Mộc hương, Binh lang, Thanh bì, Trần bì, Nga truật, Hoàng liên đều 30g. Hoàng bá, Đại hoàng đều 100g. Hương phụ sao, Khiên ngưu đều 120g. Tán bột mịn làm hoàn, mỗi lần 6 – 10g, ngày 2 – 3 lần với nước sôi ấm. Uống đến khi triệu chứng giảm (Mộc hương Binh lang hoàn – Đan khê tâm pháp).
Hoặc hạt Cau 10g, Sơn tra 10g sắc uống (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).
5.3. Chữa trẻ con chốc đầu
Mài hạt Cau thành bột rồi phơi khô, sau đó trộn với dầu và thoa lên vùng da cần điều trị.
5.4. Trị chứng ợ hơi và ợ chua, chán ăn
Trần bì 6g và hạt Cau 12g. Đem các nguyên liệu tán thành bột, sau đó chế với mật làm thành viên. Khi đói, dùng ăn một lượng vừa phải.
Hoặc
Trần bì 5g, Lai phục tử và Binh lang mỗi vị 10g. Đem Trần bì rửa sạch, thái nhỏ, Lai phúc tử đem sao qua, Binh lang đập vụn. Sau đó, cho dược liệu vào ấm và sắc lấy nước, thêm đường vào và khuấy đều. Đợi thuốc nguội thì chia thành vài lần uống và dùng hết trong ngày.
5.5. Trị tức ngực buồn nôn, chân đùi sưng đau do hàn thấp cước khí
Gừng sống và Cát cánh mỗi vị 8g. Tía tô và Ngô thù mỗi vị 4g. Binh lang và Trần bì 16g, Mộc qua 12g. Dùng sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
6. Kiêng kỵ
- Hạt Cau kỵ lửa, vì vậy không nên sao chín vì có thể làm giảm tác dụng chữa bệnh của dược liệu.
- Không dùng Binh lang cho trẻ nhỏ, sản phụ.
- Các trường hợp khí hư hạ hãm (sa dạ dày, thoát vị cơ quan tiêu hóa).
- Không có tích trệ.
Binh lang là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
- Hoàng Duy Tân (2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai.