Đi khám tai: Cần chuẩn bị những gì ?
Nội dung bài viết
Bạn có biết rằng: Người bệnh chính là người hiểu rõ nhất về tình trạng và triệu chứng của bản thân. Vì vậy, việc biết cách cung cấp thông tin cần thiết cho bác sĩ là rất cần thiết. Sự chuẩn bị kĩ càng cùng câu hỏi thông minh của bạn sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ vấn đề của người bệnh, từ đó đưa ra hỗ trợ và phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.
1. Những điều cần chuẩn bị khi đi khám tai:
Sau đây là gợi ý một số điều mà bạn có thể chuẩn bị trước khi đi khám tai với các bác sĩ:
- Liệt kê tất cả những bệnh lý hiện tại, các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng. Đặc biệt nếu bạn có dị ứng thuốc nào đó, hãy nhớ cho bác sĩ biết cụ thể về tên loại thuốc đó.
- Viết ra các triệu chứng của bạn, bao gồm cả thời điểm xuất hiện và diễn tiến của chúng theo thời gian gần đây.
Những triệu chứng chủ quan về tai (nghe kém, tiếng động lạ trong tai, cảm giác đau tai, chảy dịch tai…) chỉ có bạn là người rõ nhất. Việc hiểu rõ triệu chứng của bản thân và trao đổi với bác sĩ sẽ giúp bác sĩ dễ chẩn đoán cho bạn hơn.
Bạn nên đi cùng một người thân trong gia đình hoặc một người bạn thân để giúp bạn ghi nhớ thông tin, đặc biệt trong trường hợp khả năng nghe của bạn bị giảm sút (nghe kém, điếc, ù tai).
>>>Có thể bạn quan tâm:
Bạn bị nghe kém ở một hoặc hai tai và đang vô cùng lo lắng? Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Bài viết “Nghe kém: Nguyên nhân cách điều trị và phòng tránh?” sẽ cho bạn một cái nhìn rõ hơn về vấn đề nghe kém. Qua đó giúp bạn có quyết định điều trị đúng đắn và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
2. Những câu hỏi người bệnh có thể khai thác từ bác sĩ
Hãy viết lại những câu hỏi mà bạn thắc mắc trước khi đi khám tai! Điều này sẽ giúp bạn trao đổi với bác sĩ hiệu quả hơn, tránh trường hợp quên những điều cần hỏi do tâm lý lo lắng căng thẳng khi gặp bác sĩ.
- Tôi có cần làm thêm những xét nghiệm, nội soi hay chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh nào khác?
- Tôi có cần phải kiêng cữ, thay đổi lối sống hay luyện tập thế nào không?
- Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng các thuốc được kê trong đơn thuốc? Có triệu chứng nào tôi cần phải đặc biệt chú ý?
- Các triệu chứng sẽ bắt đầu thuyên giảm bao lâu sau khi bắt đầu điều trị?
- Bệnh lý ở tai của tôi mãn tính hay tạm thời? Tôi có phải sử dụng thuốc lâu dài hay không?
Trong quá trình thăm khám, hãy ghi lại những thông tin bác sĩ cung cấp nhé. Ngoài ra, nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình thăm khám, đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ. Không nên đem nỗi bất an và những thắc mắc không được giải quyết về nhà.
>>Xem thêm: “Viêm tai giữa là gì? Khi nào cần đến khám bác sĩ?“
3. Các câu hỏi bác sĩ có thể hỏi bạn khi đi khám tai
Người bệnh nên hiểu rõ về triệu chứng của mình và chuẩn bị kĩ lưỡng để cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ ngay khi được hỏi. Các câu hỏi bác sĩ có thể đề cập đến bao gồm:
Nếu bạn có vấn đề về khả năng nghe (thính lực)
- Vấn đề về khả năng nghe bắt đầu xuất hiện khi nào? Kéo dài bao lâu?
- Ban bị giảm thính lực (khả năng nghe) với tất cả âm thanh hay chỉ với một loại âm thanh nào?
- Bạn bị một bên hay hai bên tai?
- Bạn bị ở tai bên nào? Tai trái hay tai phải? Vấn đề ở tai của bạn xảy ra bất ngờ hay từ từ?
- Trong trường hợp nào người bệnh không nghe rõ? Khi trò chuyện? Khi nói chuyện qua điện thoại? Khi xem TV? Khi nghe nhạc? Hay trong buổi tiệc ồn ào?
- Người khác có phải hét lên khi nói chuyện với bạn không?
- Bạn có nghe thấy tiếng: – Lùng bùng; Tiếng ve kêu; Lách tách trong tai; Tiếng mạch đập? Cảm giác như ở dưới nước? Cảm giác như trong thùng kín. Hãy mô tả chi tiết cho bác sĩ về âm thanh bất thường trong tai mà bạn luôn nghe thấy.
Nếu bạn có cảm giác đau tai
- Cảm giác đau tai ở bên ngoài hay đau bên trong đầu?
- Cảm giác đau như thế nào: Đau nhức nhối? Hay đau như cắt? Đau như đâm? Đau buốt? Hay cảm giác đau châm chích?
- Cơn đau xuất hiện liên tục hay từng cơn?
- Khi ấn lên tai có cảm giác đau không?
- Bình thường bạn làm cách nào để đỡ đau?
Nếu bạn gặp tình trạng chảy dịch ở tai
- Bạn chảy dịch tai bao lâu rồi? Có tái đi tái lại hay không?
- Có chảy nước hay chảy dịch từ tai không? Dịch chảy ra giống như mủ hay có lẫn máu?
- Dịch chảy có nặng mùi không?
- Bạn có vấn đề gì với ráy tai không?
Nếu bạn gặp phải các triệu chứng khác có thể liên quan đến tai
- Bạn có chóng mặt không? Có thấy đồ vật xung quanh xoay vòng vòng không?
- Bạn có sốt không?
- Bạn có thấy nổi mụn nước ở tai không?
- Bạn có thấy mặt bị méo không?
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hỏi bạn các câu hỏi khác như:
- Bạn có đang mắc bệnh lý nào khác? Bạn có đang uống thuốc, thực phẩm chức năng nào khác không?
- Bạn có sử dụng máy trợ thính không?
- Bạn có thường xuyên nghe nhạc lớn tiếng?
- Bạn có sống gần / làm việc những nơi có tiếng ồn như: Công trường xây dựng, hay gần sân bay không?
- Bạn có bị chấn thương ở đầu trước đây không?
- Bạn có từng phẫu thuật tai trước đây không?
Qua bài viết trên, hi vọng các bạn đã có thêm sự chuẩn bị thật tốt trước khi đi khám tai. Sự chuẩn bị kĩ càng cùng câu hỏi thông minh sẽ giúp bác sĩ nắm rõ vấn đề và đưa ra hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh.
>>>Xem thêm: “Nghe kém ở trẻ em: Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị“
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
“Communication in English for Vietnamese health professionals”, Giao tiếp bằng tiếng Anh trong ngành Y, 2nd edition, 2017, BS Nguyễn Đình Vân
Mayoclinic.org