Cà dại hoa tím: Công dụng và cách dùng
Nội dung bài viết
Cà dại hoa tím có tên khoa học là Solanum indicum L. còn có tên khác là Cà gai hoa tím. Cây thuộc họ Cà (Solanaceae). Cây có tác dụng tán ứ tiêu thũng, tiêu viêm giảm đau. Được dùng để chữa sưng amydal, đau dạ dày, đau răng, ho, đau bụng…Cùng tìm hiểu kĩ hơn về công dụng của loài cây này qua bài viết dưới đây.
1. Tìm hiểu chung về Cà dại hoa tím
1.1. Mô tả về dược liệu
Là loại cây nhỏ, cao gần 1m, phân cành nhiều. Thân và cành có lông hình sao và gai xong màu nâu nhạt. Lá mọc so le, hình trái xoan, dài 5 – 7 cm, rộng 2,5 – 5cm, hai mặt có gai rải rác ở gân, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới có lông trắng, cuống có lông và gai.
Cụm hoa mọc thành chùm ở ngoài kẽ lá gồm nhiều hoa màu lam tím, đài hình chuông, 5 thùy, có lông và gai.
Quả mọng, hình cầu, màu đỏ hay vàng da cam khi chín, nhẵn, hạt hình đĩa màu vàng.
Mùa hoa quả: từ tháng 1 – 6.
1.2. Phân bố sinh thái
Solanum L là một chi lớn trong họ Solanaceae. Ở Việt nam, Cà dại hoa tím mọc ở khắp nơi, từ vùng núi thấp (dưới 1000m) đến trung du và đồng bằng. Các tỉnh ở vùng trung du thường gặp nhiều hơn. Là cây ưa ẩm và ưa sáng, cây thường mọc ven đồi, ven đường đi hoặc trong các trảng bụi trên đất sau nương rẫy.
1.3. Bộ phận dùng
Nhân dân thường dùng rễ và các phần như quả, hoa, lá của cây để làm thuốc.
1.4. Thành phần hóa học
Quả Cà dại hoa tím chứa solasonin, diosgenin. Hàm lượng alcaloid toàn phần là 0,2 – 1,8%. Ngoài ra còn có dầu béo 10,1% bao gồm các acid béo.
Lá chứa diosgenin và solanin. Rễ có solanin.
2. Tác dụng dược lý của Cà dại hoa tím
2.1. Tác dụng chống viêm
Đã tiến hành áp dụng các phương pháp như gây phù thực nghiệm chân chuột cống trắng bằng kaolin, gây u hạt thực nghiệm với amian. Khảo sát ảnh hưởng trên trong lượng tuyến ức chuột cống non để nghiên cứu và đã chứng minh rễ và phần trên mặt đất của dược liệu, có tác dụng chống viêm đối với cả 2 giai đoạn cấp tính và mạn tính của phản ứng viêm.
Đồng thời cây cũng có tác dụng gây teo tuyến ức chuột cống đực non. Đã so sánh hoạt tính chống viêm của cây với những thuốc chống viêm tiêu chuẩn, nhận thấy hoạt tính chống viêm phụ thuộc vào liều.
2.2. Ảnh hưởng trên huyết áp
Cao toàn phần chiết từ toàn bộ cây được thử nghiệm về nhiều hoạt tính sinh học và chứng minh có ảnh hưởng đến huyết áp. Ngoài ra còn tác dụng trên ung thư biểu mô mũi – hầu người trong nuôi cấy mô, và trên bệnh bạch cầu siêu vi khuẩn Friend ở chuột nhắt trắng.
2.3. Khả năng ức chế hệ thần kinh trung ương
Một enzym chiết từ quả có tác dụng gây thủy phân protein, giống như trypsin của tuyến tụy. Solanin chiết xuất từ lá và quả cà dại hoa tím có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương ở thỏ, gây nhanh nhịp tim ở thỏ và chuột cống trắng, gây nhịp thở nhanh hoặc nhịp thở chậm ở thỏ.
2.4. Các tác dụng khác
Chiết suất từ cây có tác dụng làm tăng lực co cơ tim ở ếch, làm tăng đường máu ở chuột cống trắng, ức chế cholinesterase huyết tương ở người. Ngoài ra còn có thể gây độc hại đối với phôi ở chuột cống và chuột nhắt trắng.
Solanin ức chế sự phát triển của một số lớn nấm. Cao cồn chiết từ quả có hoạt tính kháng khuẩn đối với tụ cầu vàng và Escherichia coli. Cao chiết từ lá cũng ức chế E.coli. Một số hoạt tính dược lý khác của các cây chi Solanum là chống co thắt, hạ cholesterol máu và chống HIV – I.
Cà dại hoa tím có trong thành phần một bài thuốc cổ truyền của Ấn độ gồm nhiều dược liệu thảo mộc và một số chất khoáng, được coi là có tác dụng bảo vệ chống tăng huyết áp và thiếu máu cục bộ. Đã chứng minh bài thuốc này có hoạt tính giảm lipid máu ở chuột cống trắng. Bài thuốc gây ức chế rõ rệt sinh tổng hợp cholesterol ở gan và làm tăng thải trừ acid mật trong phân.
3. Công dụng của Cà dại hoa tím
Rễ cây được nhân dân dùng làm thuốc chữa ho, hen, sốt và để lợi tiểu. Có khi dùng để chống nôn và tẩy nhẹ. Ngày uống 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc.
Rễ cây còn được dùng để chữa đau răng, dưới dạng thuốc sắc đặc và dùng ngâm. Rễ được giã nhỏ và được dùng điều trị loét mũi. Quả được coi là độc, có tác dụng nhuận tràng và làm dễ tiêu.
Rễ cà dại hoa tím có trong thành phần một số bài thuốc cổ truyền Ấn độ được áp dụng để điều trị sỏi niệu dưới dạng nước sắc như sau:
- Rễ các cây: cà dại hoa tím, cỏ xước, cam thảo dây, núc nác, cà trái vàng, hương lâu, hoa ban, toàn cây sam trắng, rau má, quả gai chống, nhân táo chua và một số dược liệu khác.
- Rễ cà dại hoa tím, thân rễ riềng nếp, rễ các cây: cà trái vàng, ké hoa vàng, sâm rừng, thóc lép, thầu dầu, quả gai chống và một số dược liệu khác.
- Rễ các cây: cà dại hoa tím, bạch hoa xà, hổ vĩ, thóc lép, núc nác, sâm rừng, tiết dê, quả cây gai chống, hạt táo chua và một số dược liệu khác.
Dùng ngoài, lá và quả giã nhỏ chà xát lên chỗ ngứa để chữa ngứa.
Cà dại hoa tím được dùng nhiều trong y học dân gian không chỉ ở nước ta mà còn ở các nước khác. Tuy nhiên liều lượng sử dụng còn phụ thuộc vào cơ thể mỗi người. Quý độc giả cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi dùng để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bác sĩ Phạm Thị Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.