YouMed

Cà tím và những điều bạn không thể bỏ qua

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cà tím là loại rau xuất hiện nhiều, quen thuộc trong các món ăn của người dân Việt Nam. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà loài thực vật này vừa có giá trị dinh dưỡng cao vừa có công dụng tốt đối với sức khỏe chúng ta. Sau đây, hãy cùng YouMed hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại cây gần gũi này.

Cà tím là gì?

Cà tím có tên thường gọi: Nuy qua và tên kên khoa học là Solanum melongena L. Trong đó:

  • Cà tròn Solanum melongena L var.esculentum Nees gồm cà bát xanh, cà tím, cà bát trắng…
  • Cà dài Solanum melongena L var. serpentinum Bailey gồm cà dái dê, cà dồi chó…

Họ khoa học: Thuộc họ Cà (Solanaceae). Theo một số tài liệu, cà tím cùng họ với khoai tây, cà chua, hồ tiêu…

Đặc điểm sinh trưởng và thu hái cà tím

Có tài liệu ghi nhận rằng, từ hơn 1500 năm trước, cà tím đã được phát hiện mọc hoang dại tại các vùng Tây Nam Trung Quốc, Đông Bắc Ấn Độ. Cũng có tài liệu cho rằng, cây có nguồn gốc tại biên giới Ấn Độ và Mianma. Hiện nay, loài thực vật này phân bố ở khắp nơi trên thế giới như châu Âu, châu Á, Đông Nam Á, như Thái Lan, Việt Nam…

Đây là loại rau xanh được trồng khắp nơi từ vùng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm đến vùng cận nhiệt đới ôn hòa hoặc vùng ôn đới ấm. Loại rau ngắn ngày, ưa sáng và ưa ẩm. Thời kỳ gieo trồng thích hợp và thời điểm mát mẻ như mùa xuân, mùa thu đông, nhiệt độ trung bình 20-26 độ C.

Thuộc loài sinh trưởng nhanh, từ khi gieo hạt đến khi ra hoa quả chỉ khoảng 2 tháng. Hoa thụ phấn chủ yếu bằng côn trùng hoặc tự thụ phấn, tỷ lệ thụ phấn tương đối cao. Mùa hoa quả sẽ rơi vào tháng 3 đến tháng 6 trong năm.

Cà tím là loại rau quen thuộc, được trồng nhiều ở nước ta.
Cà tím là loại rau quen thuộc, được trồng nhiều ở nước ta

Mô tả toàn cây cà tím

Thuộc loài cây sống nhiều năm, có thân thảo hơi hóa gỗ, có lông hoặc nhẵn, cao khoảng 100 cm và có gai nhỏ.

Lá cây có kích thước rộng khoảng 5-8 cm, dài khoảng 10-15 cm, có phân thùy nhiều hay ít. Hình dáng đa dạng thuôn dài hoặc trái xoan có gốc tròn đầu nhọn. Hai mặt lá có lông tơ mịn, cuống lá dài khoảng 3 cm.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim. Hoa màu trắng, tím xanh, tím nhạt… Đài hình phễu có năm đến chín thùy, không bằng nhau, hình mũi mác. Có tràng hình bánh xe với số cánh hoa không đều và không cố định. Số lượng nhị bằng số cánh hoa, gồm phần chỉ nhị ngắn. Ngoài ra, còn có bao phấn xếp thành vòng quanh nhụy, mở ở đầu đính kèm bầu hình cầu hoặc hơi dẹt, có nhiều ô.

Quả mọng, có kích thước và màu sắc tùy theo giống. Thường gặp vỏ quả màu tím, thân hình trụ dài, phần đầu phình to hơn. Bên trong, trơn mượt, có các hạt mềm, có thể ăn được.

Bảo quản

Thực phẩm sau khi thu hái, rửa sạch, loại bỏ chất bẩn, để trong bọc kín, giữ nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Tốt nhất nên để trong ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được lâu hơn.

Thành phần hóa học của cà tím

Theo nhiều tài liệu, cà tím có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:

Số liệu thuộc Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản của Bộ Công thương số ra ngày 12/07/2018, 100g quả cà chứa khoảng 25 kcal, 92% nước, kèm theo:

  • Protein 0,98g, chất béo 0,18g, đường 3,53g…
  • Các khoáng chất: Phốt pho 24 mg, canxi 9 mg, kali 229 mg, natri 2 mg, kẽm 0,15 mg, đồng 0,081 mg, mangan 0,232 mg, sắt 0,23 mg…
  • Vitamin dồi dào: Vitamin C 2,2 mg, Thiamin 0,039 mg, Niacin 0,649 mg, Vitamin B6 0,084 mg, Folate 22 µg, Lutein và zeaxanthin 36 µg…
  • Chất xơ chiếm khoảng 16g. Với khuyến nghị cho người Việt Nam mỗi ngày 18-20g chất xơ thì đây là loại thực phẩm tuyệt vời.

Ngoài ra, quả còn có pectin 11%, acid oxalic… Hạt của cà tím còn chứa dầu béo 21,2 %, trong đó nhiều acid linoleic…

Tác dụng Y học hiện đại

Thân thiện với người bệnh đái tháo đường, ngừa táo bón

Cà tím thuộc loại rau giàu chất xơ, làm chậm quá trình hấp thu các chất đường và chất béo trong cơ thể, tăng tiết insulin. Từ đó, quá trình này sẽ giữ cho đường huyết ổn định hơn, phù hợp với người có các tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân…Bên cạnh đó, những chất xơ không hòa tan, làm chúng ta có cảm giác nhanh no, no lâu hơn. Cũng nhờ vậy mà giảm cảm giác thèm ăn, thúc đẩy nhu động ruột, kích thích tiêu hóa…

Hỗ trợ hệ tim mạch

Cà tím là loại thực phẩm giàu kali, một ion có tác dụng ổn định nhịp tim. Bên cạnh đó, việc chứa nhiều flavonoid, kích thích chuyển hóa cholesterol xấu ở gan, cũng góp phần làm giảm các nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như nhồi máu cơ tim, thiếu máu tim…

Cà tím là thực phẩm có lợi cho hệ tim mạch.
Cà tím là thực phẩm có lợi cho hệ tim mạch

Kháng khuẩn

Một số nghiên cứu đã ghi nhận rằng, cà tím nhờ chứa các chất flavonoid mà có thể ức chế các vi khuẩn Staphycoloccus aureus, Bacillus subtilis…

Giàu chống oxy hóa, tăng sức đề kháng

Không chỉ giàu các vitamin và khoáng chất, cà tím còn chứa sắc tố anthocyanin. Tất cả đều là những hợp chất các khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, ngăn ngừa các gốc tự do gây hại cho tế bào. Nhờ vậy, mà làm chậm đi sự lão hóa của cơ thể, loại bỏ các chất độc hại.

Ngăn ngừa các vấn đề ung thư

Nhờ chứa hơn 13 loại hợp chất phenolic cũng như chất solasodine rhamnosyl glycosides, được nghiên cứu là những chất có khả năng ngăn ngừa tế bào ung thư, giảm nguy cơ tái phát bệnh mãn tính. Thế nhưng, cần nhiều các nghiên cứu hơn nữa để khẳng định chắc chắn nhận định này hơn.

Dự phòng thiếu máu, loãng xương

Do chứa lượng sắt, folate, canxi, vitamin, phenolic…phong phú mà, cà tím hỗ trợ những người bệnh thiếu máu, thiếu sắt cũng như phòng ngừa loãng xương, giúp xương luôn chắc khỏe.

Ngoài ra, phụ nữ có thai và cho con bú có thể sử dụng một lượng cà tím vừa phải trong các bữa ăn. Điều này sẽ giúp cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển não bộ của thai nhi, ngừa dị tật bẩm sinh, tăng khả năng nhận thức. Tuy nhiên, có tài liệu ghi nhận rằng, không nên ăn quá nhiều lượng cà tím, bởi hàm lượng chất phytohormone khá cao sẽ làm tăng kích thích các cơ trơn, tăng nguy cơ co bóp tử cung, dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non.

Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt, tính mát (lương)

Tác dụng:

  • Quả: Thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận gan, hoạt huyết, giảm sưng viêm, tiêu ung nhọt, chữa thiếu máu, nhuận tràng…
  • Rễ, cuống: Lợi tiểu, chữa đi tiểu ra máu, đại tiện ra máu…
  • Hạt: Lợi tiểu
  • Lá: Đắp dịu vết bỏng, nhanh lành vết thương…

Cách sử dụng cà tím

Tùy mục đích sử dụng có thể dùng cà tím với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Cà tím có thể làm salad, xào, hấp…trong các bữa ăn hằng ngày. Hoặc có thể sắc thuốc, chế biến thành bột mịn để uống.

Liều dùng:

  • Mỗi bữa ăn chỉ nên ăn khoảng 250g quả, dùng khoảng 2-3 lần/ tuần
  • Rễ, quả sau khi sấy khô thì dùng khoảng 8-12g/ ngày dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
  • Có thể ăn cả vỏ cà tím, bởi vỏ có chứa các vitamin C và B bổ dưỡng cho sức khỏe.

Một số lưu ý:

  • Thực vật này có chứa lượng oxalate đáng kể, dễ gây tích tụ sỏi thận.
  • Người có rối loạn tiêu hóa nặng như bệnh dạ dày, tiêu chảy nên hạn chế ăn loại thực phẩm này, bởi tính hàn của nó sẽ khiến tình trạng bệnh khó chịu hơn. Khắc phục tình trạng này bằng cách phối hợp cùng vài lát gừng để ấm bụng.
  • Nên ăn cà tím đã được nấu chín, cũng như không nên ăn quá nhiều cà tím cùng một lúc, nhất là phụ nữ có thai.

Có thể chế biến cà tím thành nhiều món ăn bổ dưỡng khác nhau.
Có thể chế biến cà tím thành nhiều món ăn bổ dưỡng khác nhau

Một số bài thuốc từ cà tím

Hỗ trợ rong kinh, rong huyết ở phụ nữ, đại tiện ra máu

Quả cà tím, sao vàng rồi tán nhỏ, 8g trộn với ít nước giấm, uống ngày 3 lần.

Giảm sưng tấy vết thương

Quả cà tím, giã nhỏ ra với ít giấm rồi thoa lên vùng da bị sưng.

Cà tím là loại rau quen thuộc và gần gũi trong các bữa ăn của chúng ta. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của thực phẩm đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.webmd.com/food-recipes/eggplant-health-benefits
  2. https://www.healthline.com/nutrition/eggplant-benefits
  3. https://www.healthline.com/nutrition/eggplant-benefits

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người