Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần biết
Nội dung bài viết
Các mốc khám thai luôn là điều mà mẹ bầu rất quan tâm. Hành trình từ lúc mẹ biết mình mang thai cho đến khi em bé chào đời có rất nhiều điều hào hứng và cũng rất nhiều lắng lo. Để có một thai kì khoẻ mạnh, mẹ nên khám thai đều đặn và làm các xét nghiệm cần thiết. Bài viết này sẽ chứa đựng những thông tin mẹ bầu cần biết về các mốc khám thai.
Tầm quan trọng của việc khám thai trước khi sinh
Khám thai là việc giám sát toàn thân đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, để theo dõi tiến trình phát triển của thai nhi, xác định sức khỏe của bà mẹ và em bé trong bụng. Khám thai đúng cách cung cấp sự chăm sóc cần thiết cho người mẹ. Giúp xác định các biến chứng của thai kỳ như thiếu máu, tiền sản giật, tăng huyết áp… ở người mẹ và sự phát triển chậm hoặc không đủ của thai nhi.
Khám thai cho phép xử trí kịp thời các biến chứng thông qua việc giới thiệu đến cơ sở thích hợp để được điều trị thêm. Khám thai cũng giúp cho mẹ bầu chuẩn bị kế hoạch sinh nở, xác định cơ sở để sinh và chuyển tuyến trong trường hợp có biến chứng.
Các mốc khám thai định kì
Từ khi có em, mẹ gần như thay đổi lịch trình sinh hoạt của mình. Em cũng mang đến cho mẹ nhiều trải nghiệm đầu tiên. Lần đầu tiên mẹ nghe thấy nhịp tim em bé, rồi lần đầu mẹ cảm thấy em cựa quậy hay những ngày mẹ thấy em ngày càng lớn, bụng mẹ ngày càng to ra. Để theo dõi sự phát triển cũng thai cũng như sức khoẻ của mẹ, mẹ cần nắm rõ các mốc khám thai.
Lịch khám thai định kì cho hầu hết mọi thai kì:
Tam cá nguyệt 1 – 3 tháng đầu:
- Lần khám 1: sau trễ kinh 2 – 3 tuần.
- Lần khám 2: từ khi 11 tuần đến 13 tuần.
Tam cá nguyệt 2 – 3 tháng giữa:
- Kiểm tra mỗi tháng 1 lần.
Tam cá nguyệt 3 – 3 tháng cuối:
- Tuần 28 đến tuần thứ 36: kiểm tra định kì mỗi 2 tuần.
- Tuần 36 đến tuần thứ 39: kiểm tra định kì mỗi tuần.
- Từ tuần thứ 39: kiểm tra mỗi 3 ngày và các theo dõi dấu hiệu sanh.
Mẹ bầu có thể cần tái khám thường xuyên hơn nếu có những yếu tố cần theo dõi. Hãy chú ý theo dõi sổ khám thai và đặt nhắc nhở về lịch hẹn trên điện thoại. Sau đây là các mốc khám thai mẹ cần lưu ý.
Các mốc khám thai ở tam cá nguyệt 1
1. Lần khám đầu: sau trễ kinh 2 – 3 tuần
Lần đầu tiên đến khám để xác định tin vui là mẹ đã mang thai. Trong lần đầu tiên này, bác sĩ sẽ hỏi về tiền căn bệnh lý và kiểm tra sức khoẻ tổng quát. Huyết áp, cân nặng và chiều cao sẽ được đo để tính chỉ số khối cơ thể BMI. Khám tổng quát để loại trừ các bệnh lý về hô hấp và tim mạch.
Khuyến cáo rằng mẹ nên làm siêu âm đầu tiên trong tuần thứ 6 đến tuần thứ 10 (tính từ ngày kinh cuối). Mặc dù có thể thử que test nhanh để xác định có thai, siêu âm sẽ giúp mẹ biết được số lượng thai, tính tuổi thai, vị trí làm tổ và tính sinh tồn của thai.
Ngoài ra, các xét nghiệm khác cũng được làm như:
- Xét nghiệm máu: kiểm tra nhóm máu, RH + hay -, có thiếu máu hay không và chức năng tuyến giáp.
- Xét nghiệm các bệnh nhiễm như HIV, viêm gan B, giang mai, Rubella,…
- Kiểm tra đường huyết để xác định đái tháo đường sẵn có.
- Xét nghiệm nước tiểu: tổng phân tích nước tiểu để kiểm tra đạm niệu, nhiễm trùng tiểu.
Xem thêm: Dấu hiệu tụt huyết áp khi mang thai và cách xử trí
2. Tuần thứ 11 đến tuần thứ 13
Tuần 11 đến 13, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi cân nặng và huyết áp. Trong suốt thai kì, cân nặng nên tăng trong khoảng từ 11 – 16kg cho phụ nữ có BMI bình thường (18.5 đến 24.9). Thông thường, bác sĩ sẽ kê thêm sắt và calcium bắt đầu từ lần khám này.
Siêu âm đo độ mờ da gáy kết hợp với double test là quan trọng nhất trong thời gian này. Double test là xét nghiệm máu nhằm định lượng nồng độ beta -hCG và PAPP-A. Khi kết hợp với độ mờ da gáy và các yếu tố khác, bác sĩ sẽ xác định nguy cơ cao hay thấp mắc các bất thường về nhiễm sắc thể. Các bất thường này có thể là hội chứng Down, hội chứng Edwards (trisomi 18) và hội chứng Patau (trisomi 13).
Các mốc khám thai ở tam cá nguyệt 2
Từ tam cá nguyệt thứ 2, việc khám thai định kì giúp theo dõi sự phát triển và tầm soát các bất thường của thai nhi. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra sức khoẻ của mẹ, tiêm vaccine uốn ván và bổ sung các vi chất. Mẹ bầu nên khám thai mỗi tháng 1 lần. Mỗi lần đến khám, mẹ sẽ được đo huyết áp, theo dõi cân nặng và làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu cũng như siêu âm.
1. Tuần thứ 16 đến tuần thứ 18
Từ tuần thứ 16, mẹ đã có thể cảm nhận rõ rệt hơn những thay đổi bên trong cơ thể. Ngoài đo cân nặng và huyết áp như thông thường, bác sĩ sẽ siêu âm bụng để kiểm tra sự tăng trưởng của thai nhi. Đây cũng có thể là lần đầu tiên ba mẹ nghe thấy tiếng tim thai. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra nhau thai, ối và kênh cổ tử cung để xác định nguy cơ sanh non.
Nếu chưa được làm double test trong tam cá nguyệt 1, đây sẽ là thời điểm thích hợp để làm triple test. Triple test (xét nghiệm bộ ba) là xét nghiệm máu của mẹ để định lượng các chất hCG, AFP và estriol. Dựa vào nồng độ các chất này, kèm theo các yếu tố khác, triple test giúp dự báo khả năng mắc các dị tật bẩm sinh.
Thời điểm này, mẹ bầu cũng cần chú ý bổ sung sắt, canxi và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho thai nhi.
2. Tuần thứ 20 đến tuần thứ 25
Đến tuần thứ 20 là mẹ bầu đã được nửa chặng đường trong quá trình mang thai. Ở giai đoạn này, hầu hết các cơ quan quan trọng của thai nhi đã được hình thành và có thể thấy được trên siêu âm. Do đó, thời điểm này cần làm siêu âm hình thái học thai nhi.
Siêu âm lần này sẽ giúp mẹ kiểm tra sự phát triển của thai nhi, cử động thai, theo dõi các cơ quan và xác định khiếm khuyết bẩm sinh.
Nhiều cơ quan của em bé sẽ được kiểm tra như hình dạng của đầu, mặt, cột sống, thành bụng, dạ dày, tim, thận và tay chân. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tình trạng nhau, dây rốn và ối.
3. Tuần thứ 24 đến tuần thứ 28
Tương tự như những lần khám thai trước với đo huyết áp, cân nặng, đo vòng bụng và xét nghiệm nước tiểu. Đây là một trong các mốc khám thai quan trọng. Mẹ bầu sẽ được làm liệu pháp dung nạp glucozơ để xác định đái tháo đường thai kì.
Đây cũng là thời điểm phù hợp để tiêm vaccine uốn ván mũi 1.
Bác sĩ cũng khuyến cáo làm siêu âm hình thái học thai nhi ít nhất một lần trong tháng này. Siêu âm giúp đo kích thước vòng đầu, vòng bụng, chiều dài xương đùi và độ sâu khoang ối. Chỉ số bình thường gợi ý rằng em bé đang phát triển khoẻ mạnh. Siêu âm lần này giúp theo dõi chính xác hơn sự phát triển của em bé. Nếu chỉ số bất thường, bác sĩ sẽ đề nghị lần khám thai kế tiếp gần hơn để kiểm tra.
Các mốc khám thai ở tam cá nguyệt 3
Đã đến những tháng cuối của thai kì rồi. Mục đích của khám thai trong 3 tháng cuối thai kì còn giúp chọn lựa phương pháp sinh. Siêu âm 2D và màu đánh giá sự phát triển của thai và các nguy cơ cần phải sinh mổ. Xét nghiệm nước tiểu vẫn được làm đều đặn để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng tiểu và đạm niệu.
1. Tuần thứ 29 đến tuần thứ 32
Giai đoạn này mẹ bầu cần khám tối thiểu một lần. Sức khoẻ tổng quát cho mẹ, thai và làm xét nghiệm nước tiểu. Siêu âm 2D và siêu âm màu để khảo sát sự phát triển của thai. Các khảo sát bao gồm: cân nặng ước lượng, ngôi thai, lượng nước ối, vị trí nhau và dây rốn.
Non stress test cũng có thể được đo trong khoảng thời gian này. Test đo lại nhịp tim thai, cử động của thai nhi và phản ứng của thai với những cơn gò sinh lý. Mục đích của non stress test là để đảm bảo là em bé được cung cấp đủ oxy.
2. Tuần thứ 32 đến tuần thứ 36
Nếu bé đang phát triển tốt và sắp đến ngày sinh, mẹ cần đi khám đều đặn hơn. Lịch khám từ tuần 32 đến tuần 36 là mỗi 2 tuần 1 lần. Bên cạnh những kiểm tra định kì, siêu âm để kiểm tra nhịp tim thai và tư thế nằm của em bé.
Đây cũng là thời gian thích hợp để tiêm mũi thứ 2 vaccine ngừa uốn ván.
3. Tuần thứ 36 đến tuần thứ 39
Sau tuần thứ 36, mẹ nên đi khám thai đều đặn mỗi tuần. Tương tự, bác sĩ sẽ đo huyết áp, cân nặng và vòng bụng. Kiểm tra nhịp tim thai và ngôi thai (tư thế nằm của em bé). Thời điểm này, cần làm siêu âm hình thái và siêu âm màu.
Từ tuần này trở đi, nếu có những tình trạng cần phải mổ sanh, bác sĩ sẽ lên lịch mổ. Em bé cũng có thể muốn ra đời sớm hơn, nên bạn cần chú ý theo dõi những dấu hiệu chuyển dạ như đau bụng hay vỡ ối. Những dấu hiệu khác cần cũng chú ý như giảm cử động thai, chảy máu âm đạo.
Đây cũng là thời gian thích hợp để mẹ tìm hiểu về quá trình chuyển dạ, sanh ngả âm đạo và các phương pháp giảm đau sản khoa.
4. Từ tuần thứ 39 trở đi
Từ thời điểm này trở đi, em bé có thể ra đời bất cứ lúc nào. Mẹ bầu nên tái khám mỗi 3 ngày để được khám, làm xét nghiệm nước tiểu và non stress test (nếu cần). Chú ý đến các dấu hiệu chuyển dạ như đau trằn bụng, chảy nước ối, ra huyết âm đạo và chú ý cử động của thai nhi. Mẹ cũng đừng quên chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cần thiết để sẵn sàng đi sinh bất cứ lúc nào nhé.
Dưới đây là các mốc khám thai và các xét nghiệm thông thường mẹ bầu cần làm trong thai kì:
Tam cá nguyệt | Các mốc khám thai | Xét nghiệm | Siêu âm |
TCN 1:
Xác định có thai – tình trạng thai và tuổi thai. Đánh giá sức khoẻ chung của mẹ. Bổ sung sắt, canxi và các vi chất khác. |
Sau khi trễ kinh 2 đến 3 tuần | 1. Công thức máu, nhóm máu.
2. Chức năng tuyến giáp 3. Đường huyết 4. Giang mai, Toxo, Rubella, CMV, Viêm gan B, HIV 5. Tổng phân tích nước tiểu (TPTNT). 6. ECG (điện tim đồ) |
Xác định có thai, vị trí thai, tình trạng thai, số lượng, tuổi thai => ngày dự sanh. |
Thai 11 – 13 tuần | Double test | Đo độ mờ da gáy (tuần thứ 12). | |
TCN 2: mỗi tháng khám 1 lần.
Theo dõi sự phát triển thai nhi và các bất thường của thai. Theo dõi sức khoẻ mẹ. |
Thai 16 – 18 tuần | Triple test (nếu chưa làm double test)
TPTNT mỗi lần tái khám. |
Đo chiều dài kênh cổ tử cung. |
Thai 20 – 25 tuần | TPTNT mỗi lần tái khám. | Khảo sát hình thái học thai nhi.Sự phát triển của thai, tuổi thai, nhau và ối. | |
Thai 24 – 28 tuần | OGTT: nghiệm pháp dung nạp đường.
TPTNT mỗi lần tái khám. |
||
TCN 3:
Sự phát triển của thai nhi và sức khoẻ mẹ. Đánh giá ngôi thai, khung chậu, khả năng sinh ngả âm đạo và nguy cơ cần sinh mổ |
Thai 29 -32 tuần: 1 lần |
TPTNT mỗi lần tái khám
|
Siêu âm 2D, siêu âm màu:
Non stress test khi có chỉ định.
|
Thai 32 – 36 tuần (mỗi 2 tuần) | |||
Thai 36 – 39 tuần (mỗi tuần 1 lần) | |||
Từ tuần 39 (mỗi 3 ngày) | TPTNT mỗi lần tái khám | Non stress test khi có chỉ định. |
Cần lưu ý là các mốc khám thai này sẽ thay đổi nếu có vấn đề khác cần theo dõi. Bác sĩ sẽ đề nghị khám thường xuyên hơn nếu cần. Hãy trao đổi với bác sĩ về các lo lắng của mình để được tư vấn mẹ nhé. Luôn giữ tinh thần thoải mái, ăn uống đủ chất để em bé phát triển khoẻ mạnh. Đừng quên theo dõi các bài viết về chủ đề thai kì tại YouMed nhé. Chúc mẹ bầu một thai kì an vui!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Checklist for Ante natal check-uphttps://vikaspedia.in/health/women-health/pregnancy-health-1/checklist-for-ante-natal-check-up
Ngày tham khảo: 10/12/2021
-
Các giai đoạn khám thaihttps://www.tudu.com.vn/vn/huong-dan-dich-vu/huong-dan/kham-benh/cac-giai-doan-kham-thai/
Ngày tham khảo: 10/12/2021
- Bộ Y tế (2017). Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Phần 2. Mục A. Chăm sóc trước sinh, trang 41 - 46.