Các yếu tố nguy cơ tiền sản giật mẹ bầu cần đặc biệt quan tâm
Nội dung bài viết
Có 4 nguyên nhân chính có thể gây ra triệu chứng tăng huyết áp trong thai kỳ bao gồm tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ (Gestational hypertension), tăng huyết áp mạn tính, tiền sản giật kèm bệnh tăng huyết áp mạn tính. Trong các nguyên nhân trên có tiền sản giật là một nguyên nhân được rất nhiều thai phụ quan tâm đến. Vậy tiền sản giật là gì? Đâu là các yếu tố nguy cơ tiền sản giật mẹ bầu cần quan tâm?
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là bệnh lý ở phụ nữ mang thai đặc trưng bởi các triệu chứng tăng huyết áp và protein niệu (dư thừa protein trong nước tiểu), hoặc tăng huyết áp và rối loạn chức năng các cơ quan có hoặc không kèm theo protein niệu. Tiền sản giật có thể xuất hiện trong nửa cuối của thai kỳ hoặc sau khi sinh.
Nguyên nhân của bệnh hiện nay vẫn còn chưa rõ tuy nhiên người ta nhận thấy bệnh có liên quan đặc biệt đến sự bất thường của các động mạch xoắn tại vị trí nhau thai. Cũng như những yếu tố nguy cơ tiền sản giật cũng góp phần làm tăng tỷ lệ mắc bệnh.
Tiền sản giật nguy hiểm như thế nào?
Tiền sản giật càng nặng và càng xảy ra sớm trong thai kỳ. Thì càng có nhiều nguy cơ đưa đến những biến chứng nghiêm trọng cho thai phụ và thai nhi.
Do các bất thường về động mạch xoắn nên tiền sản giật có thể làm hạn chế sự lưu thông máu đến nhau thai làm thai không đủ dinh dưỡng và có thể đưa đến tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung (IURG). Tiền sản giật còn là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng sinh non trên thai phụ.
Ngoài ra, các biến chứng khác mặc dù hiếm tuy nhiên lại rất nguy hiểm trên bệnh nhân tiền sản giật bao gồm:
- Đột quỵ
- Co giật
- Phù phổi
- Xuất huyết gan
- Suy tim
- Băng huyết sau sanh
- Nhau bong non
- Hội chứng HELLP
Trong đó có một biến chứng cực kỳ nguy hiểm mà thai phụ phải đặc biệt quan tâm đó là đột quỵ. Vốn là một biến chứng nghiêm trọng nhất của tiền sản giật / sản giật. Và là nguyên nhân của khoảng 36% đột quỵ trong thai kỳ.
Hội chứng HELLP (tán huyết, tăng men gan và hạ tiểu cầu) cũng là một cấp cứu sản phụ khoa cực kỳ nguy hiểm.
Các yếu tố nguy cơ tiền sản giật mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý
Bất kỳ phụ nữ mang thai nào cũng có thể có nguy cơ mắc tiền sản giật. Tuy nhiên, có những yếu tố sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ mắc tiền sản giật, các yếu tố nguy cơ tiền sản giật trên bao gồm:
- Mang thai lần đầu: các thai phụ mang thai lần đầu sẽ có nguy cơ tiền sản giật hơn so với các thai phụ khác
- Thai phụ mắc các bệnh như tăng huyết áp, bệnh thận, lupus hoặc tiểu đường từ trước khi mang thai
- Các thai phụ có tiền sử tiền sản giật trong quá khứ làm tăng cao nguy cơ bệnh tiền sản giật ở lần mang thai tiếp theo so với những phụ nữ khác.
- Bệnh đái tháo đường thai kỳ: việc tăng nguy cơ tiền sản giật ở những phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ liên quan đến nhiều yếu tố như bệnh thận hoặc các bệnh mạch máu tiềm ẩn, béo phì, tình trạng đề kháng insulin và rối loạn chuyển hóa lipid.
- Đa thai (sinh đôi hoặc sinh ba)
- Tiền sử gia đình có người thân bị tiền sản giật
- Tuổi mẹ cao
- Thai phụ có tình trạng thừa cân hoặc béo phì
Xem thêm: Chỉ số tiểu đường thai kỳ và những điều bạn cần biết
Những thai phụ có các yếu tố nguy cơ tiền sản giật kể trên cần chú ý đi thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế để có thể phát hiện sớm tiền sản giật và xử trí kịp thời.
Cách phòng ngừa tiền sản giật hiệu quả
Các thai phụ có thể thực hiện các biện pháp để phòng ngừa tiền sản giật như:
- Bổ sung vitamin D
- Bổ sung axit folic
- Bổ sung dầu cá
- Cải thiện chế độ ăn uống
- Nghỉ ngơi nhiều, hạn chế hoạt động thể chất
- Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có thể giảm cân trước khi mang thai
Các chuyên gia cũng khuyến cáo những thai phụ có các yếu tố nguy cơ tiền sản giật trung bình hoặc cao có thể dùng aspirin liều thấp để làm giảm nguy cơ mắc tiền sản giật. Aspirin liều thấp thường sẽ được bắt đầu sử dụng vào cuối tam cá nguyệt thứ nhất (khoảng tuần thứ 12 đến 14) và tiếp tục vào 3 tháng cuối của thai kỳ (thường dừng ở tuần thứ 36 của thai kỳ).
Tuy nhiên không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn tiền sản giật. Do đó các thai phụ cần đi khám thai định kỳ và thực hiện các xét nghiệm để giúp tầm soát phát hiện sớm tiền sản giật. Đặc biệt là đo huyết áp định kỳ trong thai kỳ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- https://www.uptodate.com/contents/preeclampsia-management-and-prognosis?search=Preeclampsia&source=search_result&selectedTitle=2~150&usage_type=default&display_rank=2
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/symptoms-causes/syc-20355745
- https://www.uptodate.com/contents/preeclampsia-clinical-features-and-diagnosis?search=preeclampsia-clinical-features-and-%C2%ADdiagnosis&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1