Cách châm cứu: Phương thức hoạt động và các thao tác – kĩ thuật
Nội dung bài viết
Châm cứu là phương thức điều trị không dùng thuốc hiện được chấp nhận ở nhiều quốc gia. Trong đó, châm cứu được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đau cấp và mạn tính chiếm tỷ lệ cao nhất. Hiệu quả của châm cứu đã được báo cáo ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Với những ưu điểm như thuận tiện, chi phí thấp và ít tác dụng phụ trong quản lý và điều trị đau nên châm cứu được xem là lựa chọn hiệu quả. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về cách châm cứu thông qua những thao tác – kĩ thuật ở bài viết dưới đây.
Châm cứu là gì?
Châm là dùng kim đưa vào những điểm trên cơ thể gọi là huyệt. Sau khi châm qua da, căn cứ vào tình trạng bệnh và thể chất bệnh nhân. Dùng thủ pháp phù hợp nhằm thông kinh hoạt lạc, khử bệnh tật, nâng cao đề kháng của cơ thể mà chữa bệnh. Kim châm cứu thường có 5 loại chình gồm:
- Kim nhỏ (hào châm): Kích thước dài ngắn khác nhau. Loại này thường được dùng nhất hiện nay.
- Kim dài (trường châm): thường dùng châm huyệt Hoàn khiêu.
- Kim ba cạnh: kim có 3 cạnh sắc, dùng châm nông ngoài da và làm chảy máu.
- Kim cài loa tai (nhĩ hoàn): dùng găm vào da và lưu ở loa tai.
- Kim hoa mai: dùng để gõ trên mặt da.
Cứu là dùng sức nóng tác động vào huyệt để kích thích phản ứng của cơ thể. Thường dùng lá ngải khô chế thành ngải nhung rồi vo viên to nhỏ như mồi ngải hoặc cuốn thành điếu ngải. Đốt ngải rồi hơ trực tiếp hoặc gián tiếp lên huyệt vị của cơ thể.
Cả hai đều nhằm mục đích phòng và trị bệnh. Hai phương pháp châm cứu tuy khác nhau nhưng cùng tác động lên huyệt, thường gọi chung là châm cứu. Việc lựa chọn cách châm cứu cũng rất quan trọng trong điều trị bệnh.
Cách thức hoạt động của châm cứu
Tác dụng theo YHCT của châm cứu
1. Châm cứu giúp cân bằng âm dương
Theo YHCT, bệnh tật phát sinh là do mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Âm dương phải điều hòa thì cơ thể mới khỏe mạnh. Điều trị bằng châm cứu giúp cân bằng âm dương. Cụ thể, khi chính khí hư thì bổ, tà khí thực thì tả, bệnh thuộc nhiệt thì châm, thuộc hàn thì cứu.
2. Điều hòa hoạt động kinh lạc
Hệ kinh lạc gồm những đường kinh nối từ tạng phủ ra ngoài da và lạc nối các đường kinh với nhau tạo thành một hệ thống chằng chịt khắp cơ thể. Trong đường kinh có kinh khí vận hành để nuôi dưỡng cơ quan tạng phủ và thích ứng với điều kiện bên ngoài. Mỗi đường kinh có tính chất và hoạt động tùy theo công năng của tạng phủ mà nó xuất phát và mang tên.
Tác dụng theo học thuyết thần kinh
Theo học thuyết thần kinh, đường đi của kinh lạc phần lớn trùng với đường đi của dây thần kinh. Theo các nghiên cứu có thể chia huyệt thành 3 loại:
- Loại 1 tương ứng với điểm vận đông cơ.
- Loại 2 nằm trên điểm giao nhau của các sợi thần kinh.
- Loại 3 nằm trên đám rối thần kinh bề mặt.
Cả 3 loại huyệt nhìn chung đều là nơi tập trung của nhiều đầu mút thần kinh (thụ cảm thể). Châm cứu gây ra một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế hay phá vỡ cung phản xạ bệnh lý. Dựa vào vị trí tác dụng của nơi châm chia ra 3 loại phản ứng của cơ thể. Điều này giúp giải thích cơ chế tác dụng của phương pháp này:
1. Phản ứng tại chỗ
Châm cứu tạo cung phản xạ mới có tác dụng ức chế cung phản xạ bệnh lý như: làm giảm đau, giảm co thắt cơ. Cụ thể, trong cùng thời gian tại nơi nào đó của hệ thần kinh trung ương. Khi hai luồng xung động của hai kích thích đưa tới, kích thích nào có xung động mạnh và liên tục hơn sẽ kéo các xung động và dập tắt kích thích kia.
Khi châm cứu, kích thích phải đạt ngưỡng mà YHCT gọi là đắc khí. Đồng thời, phải tăng cường độ kích thích khi cần để duy trì ức chế cảm giác đau bệnh lý. Hiện tượng này cho phép giải thích tác dụng giảm đau trên a thị huyệt và vùng lân cận
Khi châm cứu đúng huyệt sẽ tạo cảm giác đắc khí: tê tức nặng, da vùng châm đỏ hoặc tái, cảm giác kim bị hút chặt xuống. Theo các nhà thần kinh, hiện tượng này xảy ra ở vùng nhiều cơ. Do kim kích thích gây co cơ, thay đổi vận mạch và tác động vào thần kinh cảm giác sâu.
2. Phản ứng tiết đoạn
Khi nội tạng có tổn thương bệnh lý sẽ biểu hiện bằng thay đổi cảm giác vùng da cùng tiết đoạn. Ngược lại khi châm cứu vào huyệt trên vùng da sẽ điều chỉnh rối loạn bệnh lý của tạng phủ trong cùng tiết đoạn. Ví dụ: châm huyệt Vị du có thể cắt cơn đau dạ dày, châm huyệt Phế du giúp cắt cơn hen. Việc lựa chọn cách châm cứu tùy vào tình trạng bệnh và tay nghề của bác sĩ.
3. Phản ứng toàn thân
Trong châm cứu, có thể dùng huyệt không cùng vị trí đau và tiết đoạn với cơ quan bị bệnh. Điều này liên quan đến các phản ứng toàn thân. Châm cứu gây những biến đổi về thể dịch và nội tiết, chất trung gian hóa học như:
- Tăng số lượng bạch cầu.
- Tăng tiết các opiat nội sinh giúp giảm đau.
- Tăng tiết kích thích tố ACTH.
- Tăng số lượng kháng thể.
Cách châm cứu và những kỹ thuật châm cứu
Tư thế bệnh nhân trong việc lựa chọn cách châm cứu
Chọn tư thế bệnh nhân đúng góp phần không nhỏ trong quá trình châm.
Các nguyên tắc được áp dụng khi chọn tư thế người bệnh:
- Chọn tư thế sao cho bộc lộ rõ nhất vùng được châm.
- Bệnh nhân phải thoải mái trong suốt quá trình châm.
Tư thế ngồi: có 7 cách ngồi
- Ngồi ngửa dựa ghế.
- Ngồi chống cằm.
- Ngồi cúi sấp.
- Ngồi cúi nghiêng.
- Ngồi thẳng lưng.
- Ngồi duỗi tay.
- Ngồi co khuỷu tay, chống tay lên bàn.
Tư thế nằm: có 3 tư thế nằm
- Nằm nghiêng.
- Nằm ngửa.
- Nằm sấp.
Tùy vùng huyệt định châm mà bác sĩ sẽ chọn tư thế thích hợp.
Phương pháp xác định vị trí huyệt
1. Phương pháp đo để lấy huyệt quan trọng trong cách châm cứu
Phương pháp này sử dụng thốn. Thốn là đơn vị chiều dài trong châm cứu. Đây là một trong những cách đo của châm cứu thường được dùng. Có 2 loại thốn:
Thốn phân đoạn (thốn B). Ví dụ: Từ nếp gấp khuỷu tay đến nếp gấp cổ tay quy ước là 12 thốn. Tùy vào vị trí của huyệt bác sĩ sẽ đo để xác định. Từ đó, giúp tìm và châm chính xác vào huyệt mang lại hiệu quả điều trị cao.
Thốn ngón tay (thốn F): được quy ước bằng chiều dài của đốt giữa ngón 3 của cơ thể người bệnh. Cách đo này thường dùng cho các huyệt ở mặt, bàn tay, bàn chân.
2. Phương pháp dựa vào mốc giải phẫu hoặc hình thể tự nhiên trong cách châm cứu
Dựa trên nguyên tắc: huyệt thường nằm ở chỗ lõm cạnh đầu xương, ụ xương, giữa khe 2 xương giáp nhau…
3. Phương pháp lấy huyệt dựa vào tư thế hoạt động của người bệnh
Phương pháp này đòi hỏi người bệnh phải thực hiện một số động tác để bác sĩ xác định huyệt. Ví dụ: bệnh nhân co khuỷu tay để xác định huyệt khúc trì.
4. Phương pháp lấy huyệt dựa vào cảm giác khi dùng tay đè và di chuyển trên da
Đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng ngón tay ấn mạnh trên vùng huyệt và di chuyển ngón tay trên bề mặt da vùng huyệt. Mục đích để tìm cảm giác ê, tức…
Thao tác châm kim trong cách châm cứu
-
Chọn kim
Độ dài kim sẽ tùy thuộc độ dày cơ vùng châm.
Kim phải đảm bảo chất lượng: không rỉ sắt, không cong. Kim châm cứu cũng giống thiết bị y tế khác cần đảm bảo quy trình sản xuất tốt và tiêu chuẩn vô trùng. Kim chỉ sử dụng một lần.
-
Sát trùng da
Làm sạch bề mặt da cần châm.
-
Châm qua da
Bác sĩ thực hiện thao tác châm nhanh gọn, dứt khoát để người bệnh không đau hoặc ít đau. Việc đưa kim không đúng cách có thể gây đau trong quy trình châm cứu. Do đó, cách châm cứu này cần được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn.
-
Vê kim
Vê kim để tìm cảm giác đắc khí giúp đạt hiệu quả tối đa khi châm. Bác sĩ sẽ thực hiện đều đặn, linh hoạt, nhịp nhàng để người bệnh thấy ít đau nhất.
-
Rút kim
Khi hết thời gian lưu kim, bác sĩ sẽ rút kim. Sau đó sát trùng da chỗ kim châm.
Chỉ định, chống chỉ định của châm cứu
Chỉ định
- Trong các chứng đau cấp và mạn tính.
- Vùng đầu mặt: Đau đầu căng cơ, đau răng, đau sau nhổ răng, đau đầu migraine…
- Hệ thống vận động: Thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa, bong gân, viêm quanh khớp vai, viêm cân mạc…
- Viêm khớp dạng thấp.
- Đau sau phẫu thuật.
- Đau thượng vị.
- Đau bụng kinh.
- Điều hòa các rối loạn cơ năng của cơ thể: rối loạn chức năng thần kinh tim, mất ngủ, ăn kém, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, cảm cúm, bí tiểu, nấc cục…
- Liệt: liệt nửa người sau độ quỵ, liệt các dây thần kinh, liệt dây thanh…
- Ngoài ra còn chỉ định trong một số bệnh lý thực thể nhất định.
Chống chỉ định
- Cơ thể suy kiệt, sức đề kháng giảm sút. Khi đó, kim châm như một vật thể lạ, có thể kích thích cơ thể sinh miễn dịch phản ứng lại. Ngoài ra theo YHCT, khi chính khí cơ thể suy yếu, việc tác động từ kim châm có thể làm hao khí huyết của cơ thể.
- Tránh châm vào những vùng huyệt có viêm nhiễm hoặc lở loét bên ngoài.
- Cần được cấp cứu kịp thời các cơn đau do nguyên nhân ngoại khoa… Châm cứu nên áp dụng sau khi bệnh nhân đã ổn định để hỗ trợ phục hồi tốt.
Châm cứu là phương pháp điều trị không dùng thuốc được chứng minh có hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Việc hiểu đúng về cách châm cứu cũng như phương thức hoạt động giúp bạn có kiến thức và thêm tự tin khi sử dụng liệu pháp này. Tuy nhiên, châm cứu nên được tiến hành bởi nhân viên y tế có kinh nghiệm để tránh một số rủi ro cũng như gia tăng hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Acupuncturehttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/acupuncture/about/pac-20392763
Ngày tham khảo: 04/06/2021
-
Acupuncturehttps://www.nhs.uk/conditions/acupuncture/
Ngày tham khảo: 03/06/2021