5 cách chữa sâu răng dân gian có thể bạn chưa biết
Nội dung bài viết
Từ ngàn xưa ông bà ta đã quan niệm “Cái răng cái tóc là gốc con người.” Vì vậy vấn đề răng miệng đã được ông cha ta quan tâm và lưu truyền lại nhiều bài thuốc chữa sâu răng hiệu quả từ dược phẩm thiên nhiên. Nếu bạn đang tìm kiếm các cách chữa sâu răng dân gian với giá thành rẻ, từ nguyên liệu vườn nhà thì đây chính là bài viết dành cho bạn.
Tình hình sâu răng ở Việt Nam
Tại lễ phát động các hoạt động hưởng ứng “Ngày sức khỏe răng miệng thế giới 2019” diễn ra sáng 20-3, GS. TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương cho biết: Tỷ lệ sâu răng ở Việt Nam hiện là hơn 90% người có bệnh về răng miệng. Trong đó hơn 85% trẻ em 6-8 tuổi có sâu răng sữa, còn sâu răng vĩnh viễn gia tăng theo tuổi.
Ở người cao tuổi và người trưởng thành, có hơn 80% người có sâu răng vĩnh viễn; hơn 60% trẻ em và hơn 80% người lớn có viêm lợi, viêm quanh lợi, viêm quanh răng; hơn 30% người trưởng thành trở lên có túi mủ bệnh lý quanh chân răng, làm cho răng lung lay và đây cũng là ổ nhiễm khuẩn lớn.
Sâu răng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Sâu răng có thể dẫn đến những vấn đề răng miệng rất khó chịu cho người bệnh như răng đổi màu, hơi thở hôi, buốt khi ăn đồ nóng lạnh, đau… Không những thế, sâu răng tiến triển dẫn đến viêm tủy răng có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây áp-xe răng.
Sâu răng có thể gây giảm chất lượng sống, thậm chí tác động xấu đến thẩm mỹ và giao tiếp xã hội của bệnh nhân. Vì vậy ngăn chặn sớm và kịp thời có thể giúp giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
5 cách chữa sâu răng dân gian có thể bạn chưa biết
Hãy thử các cách chữa sâu răng dân gian đã được ông cha ta truyền lại sau đây để giảm đau và tiết kiệm chi phí khi mắc phải sâu răng nhé.
1. Nước muối biển
Trích lược từ sách Từ Hy Quang Tự y phương tuyển nghị của Trần Khả Dực. Vào đời Thanh, các quan ngự y trong cung đình là Trương Trọng Nguyên và Đào Bảo Sinh đã sử dụng muối để chế biến thuốc. Thuốc này giúp cho Từ Hy thái hậu có răng chắc, mắt sáng.
Cách chữa sâu răng dân gian bằng nước muối biển được thực hiện như sau:
Muối sạch 1kg, hòa vào chung với nước sôi. Lóng lấy nước muối trong, rót vào cốc to bằng bạc, nấu đến khi khô rồi tán bột. Sau đó cho vào lọ sành, gốm để dùng dần. Mỗi buổi sáng lấy 3g thoa vào chân răng, mặt răng, một lúc sau súc miệng rồi nhổ ra.
Trích lược theo sách Thương y đại toàn của Cố Thế Trừng đời Thanh, cách chế biến bột phòng ngừa sâu răng, làm răng bền chắc.
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: muối ăn 120g, xuyên tiêu 60g, hạn liên thảo (cây cỏ mực) 60g, khô bạch phàn (phèn phi) 30g.
Đầu tiên lấy 2 chén nước sắc hạn liên thảo và xuyên tiêu cho chín kỹ. Lọc còn khoảng 1 chén, hòa muối và phèn phi vào. Đun đến khi khô nước, lấy phần lắng đem ra nghiền bột để dùng. Mỗi ngày đều đặn 2-3 lần, lấy bột xoa lên răng rồi súc miệng. Dùng kiên trì theo thời gian răng sẽ bền chắc.
2. Cây mè
Cây mè hay còn có tên khác là vừng, hồ ma,… Tên khoa học là Sesamum indicum L., thuộc họ Vừng (Pelaliaceae).
Cây mè có tác dụng chữa nướu răng bị sưng nhức. Dùng mè bằng cách lấy 100g hạt mè nấu với 750ml nước, sắc còn 200ml, sau đó ngậm hồi lâu rồi súc miệng nhổ đi, ngậm chia thành nhiều lần trong ngày.
3. Cây bồ đề
Cây bồ đề còn được gọi là cây đề, có tên khoa học Ficus religiosa L., thuộc họ dâu tằm (Moraceae).
Khi được phân tích hoạt chất, vỏ cây bồ đề cho kết quả có chứa 4% tanin. Mủ bồ đề chứa nhựa và trong mủ bồ đề đông khô chứa 85% nhựa và 12% cao su.
Một trong số những cách chữa sâu răng dân gian của người Trung Quốc là sắc nước vỏ cây bồ đề để làm thuốc súc miệng. Mục đích làm răng chắc khỏe và chữa đau răng. Cụ thể, người ta dùng vỏ rễ hoặc vỏ thân cây bồ đề với liều lượng 20 – 60g sắc với nước rồi ngậm, mỗi ngày súc miệng 2 – 3 lần.
Người Ấn Độ dùng vỏ cây bồ đề để trị bệnh lậu, trị nhiệt độc bằng nước pha vỏ.
Người Việt Nam thường dùng vỏ cây nấu nước rửa để chữa bệnh lở loét và bệnh da liễu.
Ngoài ra vỏ cây bồ đề còn có thể thay thế vỏ cây chay. Khi đó ăn với trầu cau có tác dụng làm chắc răng.
4. Cây xương khô
Cách chữa sâu răng dân gian lưu truyền: ngắt một cành cây xương khô (hay còn gọi là cây giao) cho nhựa tiết ra. Sau đó dùng bông tẩm nhựa xương khô đặt vào hố răng đau. Nhựa cây này có tính sát khuẩn, giảm đau.
5. Cây trẩu
Cây trẩu còn có nhiều tên gọi khác như cây thiên niên đồng, dầu sơn ngô đồng, mộc du thụ,… Tên khoa học là Aleurites montana (Lour) Wils. Thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae).
Vỏ cây trẩu sắc với nước dùng ngậm chữa đau và sâu răng nhưng nhớ không được nuốt. Ngậm nhiều lần trong ngày.
Bên cạnh các cách chữa sâu răng dân gian trên, cách tốt nhất để có một sức khỏe răng miệng toàn diện là hình thành thói quen chăm sóc, vệ sinh răng miệng. Thực hiện chúng một cách điều độ, kiên trì và đúng cách. Đồng thời bạn nên đến gặp nha sĩ định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra răng miệng của mình nhé. Chúng tôi, các bác sĩ Youmed luôn mong đợi có thể phục vụ tốt nhất cho bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Natural ways to remove cavities at homehttps://www.medicalnewstoday.com/articles/321259
Ngày tham khảo: 17/02/2021
-
Việt Nam hiện có hơn 90% người có bệnh về răng miệnghttps://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/viet-nam-hien-co-hon-90-nguoi-co-benh-ve-rang-mieng
Ngày tham khảo: 17/02/2021
-
Phòng và chữa đau răng theo Đông yhttps://suckhoedoisong.vn/phong-va-chua-dau-rang-theo-dong-y-n127289.html
Ngày tham khảo: 17/02/2021
-
Có phải cây trẩu chữa được đau và sâu răng?https://suckhoedoisong.vn/co-phai-cay-trau-chua-duoc-dau-va-sau-rang-n22793.html
Ngày tham khảo: 17/02/2021