Cùng bác sĩ tìm hiểu cách giác hơi chữa bệnh
Nội dung bài viết
Hiện nay, cùng với sự tiến bộ của nền y học thế giới, các phương pháp y học cổ truyền cũng ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu trị bệnh. Trong đó, có thể kể đến phương pháp chữa bệnh độc đáo bằng cách giác hơi. Dù lâu đời, nhưng liệu pháp này vẫn được ưa chuộng và được người dân ứng dụng nhiều trong cuộc sống, với nhiều kết quả tích cực. Hãy cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu rõ về cách giác hơi chữa bệnh, qua bài viết này nhé.
Giác hơi là gì?
Khái niệm
Theo một số tài liệu, cách giác hơi chữa bệnh được ghi nhận từ thời Ai Cập cổ đại. Ngày nay, liệu pháp này phổ biến ở khắp nơi trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam…
Ban đầu, người ta dùng các dụng cụ làm bằng nguyên liệu thô sơ như vỏ sò, sừng động vật. Sau đó, cùng với sự phát triển của nhân loại, họ đã cải tiến thêm nhiều chất liệu mới tiện dụng và thẩm mỹ hơn như gốm, thủy tinh, tre, trúc…
Ở hiện tại, thường dùng nhất là các cốc hay ống thủy tinh, một đầu tròn, kín và một đầu mở, để làm dụng cụ giác hơi.
Theo y học cổ truyền, chữa bệnh bằng phương pháp giác hơi còn được gọi là “giác pháp”.
Một số phương pháp giác hơi
Hiện nay, có khá nhiều cách giác hơi chữa bệnh được sử dụng trong thực tế như:
- Giác hơi “khô”: tạo áp suất âm trong ống giác bằng cách dùng hơi nóng từ lửa để đẩy khí.
- Giác hơi “ướt: trước hết là chích máu ở một vị trí rồi đặt ống giác lên. Tiếp theo, sẽ thấy máu được hút ra ngoài cùng với phần da. Sau cùng, người bệnh sẽ được dán băng gạc hoặc bôi thuốc tại từng vùng da để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
- Giác hơi “khí”: Giác hơi không dùng lửa, tạo môi trường chân không bằng cách dùng dụng cụ bơm chuyên dụng hút hết không khí bên trong ống giác. Với cách này, sẽ hạn chế rủi ro da bị bỏng, rát do nhiệt, hay nhiễm trùng do tổn thương.
Ngoài ra, dân gian còn ghi nhận sự kết hợp của giác hơi cùng với các phương pháp khác để trị bệnh như chích lễ, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt…
Những vị trí có thể và không thể giác hơi trên cơ thể
Chữa bệnh bằng phương pháp giác hơi nên ưu tiên thực hiện tại các vị trí:
- Hầu như các vị trí trên cơ thể đều có thể giác hơi, tốt nhất là nơi có cơ thịt dày, đầy đặn,…Cụ thể như phần cổ gáy, lưng, vai, tứ chi…
- Lớp mỡ dưới da vừa phải, đàn hồi và lông tóc ít…
- Theo đường kinh lạc và các huyệt đạo tùy theo trường hợp bệnh lý. Vị trí huyệt thường hay sử dụng như Túc tam lý, Quan nguyên, Trung quản, Nội quan, Hợp cốc…
Ngược lại, để hạn chế tình trạng dò khí và tổn thương da, các vị trí không nên chọn như:
- Chỗ cơ thịt mỏng, xương không bằng phẳng, nhiều lông tóc.
- Vị trí có các mạch máu lớn, nông, vùng trước tim…
- Các vùng da non, mỏng (mắt, mũi, đầu vú…), bị tổn thương, sẹo, lở loét, bệnh da liễu…
- Các vị trị còn “dấu giác”, chưa tan hết vết cũ.
- Đặc biệt là phần bụng và lưng dưới của phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, đang mang thai.
Nên lựa chọn các vị trí cần thiết, theo tình trạng bệnh để giác hơi. Sau đó có thể thay đổi, xen kẽ các vị trí với nhau. Bởi nếu cùng lúc giác hơi toàn thân, người bệnh sẽ mệt mỏi, dễ dẫn đến trạng thái ngất, sốc…
Cơ chế của phương pháp giác hơi
Nguyên lý cơ bản của cách giác hơi chữa bệnh là dùng nhiệt hoặc bơm chuyên dụng tạo ra lực hút không khí. Sau khi hút hết không khí, môi trường chân không sẽ xuất hiện áp suất âm. Lúc này, lượng máu đến vùng điều trị sẽ tăng lên, nhằm hỗ trợ điều trị bệnh.
Bất kỳ là sử dụng cách thức nào thì do tác động của áp suất âm trong ống giác mà người bệnh cảm giác như da bị kéo, nóng, căng hoặc ấm áp, dễ chịu… đều là các hiện tượng bình thường.
Ngoài ra, chỗ giác sẽ xuất hiện màu đỏ tía do mạch máu giãn ra, gọi là “dấu giác”. Đây là hiệu ứng trị liệu sau khi giác. Đợi sau vài ngày có thể tự khôi phục mà không cần biện pháp xử lý nào.
Theo quan niệm y học cổ truyền, liệu pháp ứng dụng nguyên lý cân bằng âm dương, dùng nhiệt đối nghịch với các bệnh lý có tính chất hàn. Ngoài ra, lực hút trong quá trình giác hơi sẽ tạo ra “khí”-dòng chảy năng lượng truyền vào cơ thể.
Thực tế, dân gian có thể dựa vào tính chất của “dấu giác” mà suy luận nguyên nhân bệnh. Ví dụ như:
- Khí hư, huyết ứ, kinh lạc tắc trở: thường có sắc tím đậm hay thâm đen hoàn toàn.
- Khí trệ huyết ứ: dấu giác có các điểm tím rải rác.
Tác dụng của phương pháp giác hơi
Theo y học hiện đại
Hơi nóng tạo ra các kích thích nhiệt độ, đồng thời lực hút tạo ra tác động cơ học kéo căng da. Điều này giúp kích thích gia tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ lỗ chân lông mở ra và tạo điều kiện cho độc tố được thải ra ngoài. Hơn nữa, các mô trên cơ thể nhờ đó mà giãn nở ra, tăng thêm sự chuyển hóa tế bào và trao đổi oxy.
Hiện nay, nghiên cứu ở các tạp chí y học bước đầu đã ghi nhận nhiều hiệu quả khả quan với tình trạng giảm đau mỏi cơ, giảm căng cơ ở cổ gáy, lưng, tứ chi, hỗ trợ hệ tiêu hóa, ra mồ hôi…Thế nhưng, vẫn cần thêm các nghiên cứu chuyên sâu hơn để có kết luận toàn diện nhất.
Cải thiện hệ thống hô hấp với các triệu chứng ho, sổ mũi, cảm lạnh,…
Theo y học cổ truyền
Khai thông nơi bế tắc, ứ trệ, thông kinh hoạt lạc, giúp hỗ trợ cân bằng âm dương của cơ thể…
Hoạt huyết, hành khí, làm ra mồ hôi, giảm đau nhức, giải độc, thư giãn tinh thần, tăng cường chức năng tạng phủ…
Những bệnh lý có thể điều trị bằng giác hơi
Cách giác hơi chữa bệnh khá phổ biến trong nhân dân, được ứng dụng với một số bệnh lý như:
- Đau mỏi cơ, khớp, căng cơ ở các vị trí như cổ gáy, lưng, tứ chi…
- Người có bệnh lý tiêu hóa hay chuyển hóa như khó tiêu, đầy bụng, sôi bụng, béo phì…
- Người có bệnh lý hô hấp như cảm cúm, ho kéo dài, sổ mũi…
Lưu ý khi giác hơi chữa bệnh
Cần lưu ý rằng chữa bệnh bằng phương pháp giác hơi là liệu pháp trị triệu chứng. Chúng gần như không thể điều trị được tận gốc các nguyên nhân thực thể.
Khi thực hiện các động tác phải nhanh, chính xác, nhẹ nhàng. Đặc biệt, tư thế người bệnh phải thư giãn đồng thời cần thăm hỏi bệnh nhân trong suốt quá trình thực hiện.
Nếu trong khi thực hiện mà người bệnh có các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, choáng, sắc mặt nhợt, mạch nhanh đột ngột…cần dừng ngay. Sau đó, để người bệnh nghỉ ngơi tại chỗ và theo dõi dấu hiệu sinh tồn kỹ lưỡng.
Tùy theo tình trạng bệnh nhân mà lựa chọn cách thức giác hơi cũng như kích thước ống giác sao cho phù hợp. Quan trọng là phải kiểm tra sự toàn vẹn và sát trùng dụng cụ trước khi thực hiện tránh tổn thương da và viêm nhiễm. Mặt khác, có thể thoa một vaseline, dầu dừa…nhằm giảm tính ma sát của ống giác, giảm tính trạng giác hơi bị thâm.
Từ từ rút ống giác lên khỏi mặt da, tạo điều kiện cho không khí vào, ống sẽ lỏng ra. Ngược lại, không nên mở lên đột ngột hay xoay chuyển.
Nếu quá nóng hoặc thực hiện nhiều lần trên một vùng da, hay thời gian làm quá lâu… có thể gây ra mảng bầm tím, bỏng, sẹo…thậm chí nhiễm trùng da. Mỗi liệu trình chỉ nên kéo dài khoảng 5-10 ngày, 10 phút/lần thực hiện.
Sau khi giác hơi, nên giữ ấm, tránh lạnh, gió,…
Đối tượng không nên chữa bệnh bằng phương pháp giác hơi
Cách giác hơi chữa bệnh khá đơn giản, ít đau đớn và hầu như không gặp tác phụ gì. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể trị liệu bằng phương pháp này. Cụ thể như:
- Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là phụ nữ mang thai dễ bị sẩy thai, sinh non khi giác hơi ở vùng bụng và lưng dưới.
- Trẻ em rất dễ bị tổn thương da khi giác hơi, vì da còn non và mỏng.
- Các trường hợp có bệnh lý về máu như bệnh bạch cầu, giảm tiểu cầu, đang xuất huyết…
- Trường hợp bệnh lý ngoại khoa, cấp cứu, suy đa cơ quan, suy giảm miễn dịch…
- Không thực hiện liệu pháp tại các vùng da có bệnh da liễu, lở loét,…
Quả thực, chữa bệnh bằng phương pháp giác hơi là liệu pháp đơn giản, độc đáo, được ưa chuộng và ứng dụng rộng rãi trong nhân dân. Hơn nữa, các tác dụng tuyệt vời mà trị liệu này mang lại trong thực tế là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, muốn hạn chế các rủi ro cũng như tai biến không mong muốn trong quá trình điều trị, hãy tham khảo ý kiến của các y bác sĩ có chuyên môn nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Tác giả Thanh Huyền. Giác hơi trị bệnh qua hình ảnh. Nhà xuất bản Thời Đại
-
Cupping Therapyhttps://www.webmd.com/balance/guide/cupping-therapy
Ngày tham khảo: 22/07/2021
-
What is Cupping Therapy?https://www.healthline.com/health/cupping-therapy
Ngày tham khảo: 22/07/2021
-
Bạn biết gì về giác hơi?https://vienyhocungdung.vn/ban-biet-gi-ve-giac-hoi-20160321143701373.htm
Ngày tham khảo: 22/07/2021
-
Giác hơi sao cho an toàn và hiệu quảhttps://suckhoedoisong.vn/giac-hoi-sao-cho-an-toan-va-hieu-qua-n161342.html
Ngày tham khảo: 22/07/2021