Khám phá công dụng của Cù mạch
Nội dung bài viết
Cây Cù mạch còn được gọi là Cự câu mạch, Cẩm chướng thơm, Cẩm nhung, Cồ Mạch, Đại lan, Cự mạch… Cây có tên khoa học là Dianthus caryophyllus Linn., thuộc họ Cẩm chướng (Caryphyllaceae). Trong Đông y, Cù mạch là một loại dược liệu có tính hàn, vị đắng, quy về hai kinh Tâm và Tiểu Trường. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin về loại cây này.
1. Giới thiệu về cây Cù mạch
1.1. Mô tả dược liệu
Cù mạch có thân nhỏ, là loại thực vật có hoa, cây mọc bò trên mặt đất thành cụm. Thân mọc màu xanh chia thành nhiều đốt. Lá mọc đối ở ngay đầu đốt, dài, hình mũi mác.
Hoa thường nở vào mùa xuân hoặc mùa hạ, có màu tím. Quả của cây có hình trụ, có dạng quả nang được tạo thành từ 4 mảnh vỏ ghép lại. Bên trong có hạt dẹp nhỏ, hình tròn, màu đen.
1.2. Phân bố và thu hái
Ở nước ta, ngoài tác dụng làm thuốc, cây Cù mạch thường được trồng làm cảnh ở nhiều nơi. Trong đó, nhiều nhất là ở Đà Lạt. Đồng thời cây cũng được trồng với diện tích rộng để thu hái dược liệu phục vụ làm thuốc chữa bệnh.
Cù mạch được thu hái tốt nhất khi cây bắt đầu chớm ra hoa. Cây được đem về rửa sạch, để nguyên hoặc thái nhỏ, phơi ở nơi có nhiều bóng râm, nhiều gió để làm khô. Có thể dùng dược liệu ở dạng tươi hoặc đem sao qua tán bột dùng.
1.3. Bộ phận dùng
Cù mạch có thể dùng toàn cây, bao gồm lá, thân, hoa, ngọn non và hạt.
1.4. Thành phần hóa học
Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nhiều về thành phần của cây Cù mạch.
2. Công dụng của Cù mạch
Theo Đông y, Cù mạch có vị đắng, tính hàn, quy vào 2 kinh Tâm và Tiểu trường. Cây Cù mạch có công dụng giúp lợi niệu, kích thích lưu thông khí huyết, trừ thấp, thông lâm, trừ ứ, chỉ thống. Điều trị các bệnh bí tiểu, tiểu buốt, tiểu ra máu, sỏi bàng quang, hóc xương, bế kinh. Có thể sắc uống, tán bột hoặc phối hợp làm thành viên hoàn với các dược liệu khác. Mỗi ngày dùng 6 – 15g tùy chỉnh.
3. Bài thuốc có chứa Cù mạch
Cù mạch được sử dụng để điều trị nhiều bệnh, là thành phần của nhiều bài thuốc, cụ thể:
3.1. Điều trị sỏi ở niệu quản
Bài thuốc Niệu lộ bài thạch thang: Dùng 15g thảo dược, Cây mắt rồng và Cỏ lưỡi mèo mỗi vị 30g, Mã đề và Biển súc mỗi vị 24g, Đinh phụ 10g, Hạt dành dành 20g, Hoàng lương 12g, Hoạt thạch và Cỏ xước mỗi vị 15g, Quốc lão (sao), Chỉ xác và Đinh phụ mỗi thứ 10g. Tất cả sắc uống, ngày chia 2 lần uống sáng chiều sau ăn.
3.2. Chữa dị vật trong cổ họng, vết thương bị đâm
Dùng Cù mạch tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 9g với rượu.
3.3. Hỗ trợ điều trị sỏi bàng quang
- Dùng hạt Cù mạch tán nhuyễn thành bột. Mỗi lần dùng 6g uống với rượu, ngày dùng 3 lần sáng trưa chiều.
- Dùng 12g Cù mạch, Thòng bong và hoạt thạch mỗi vị 9g, Kim tiền thảo 30g, Cam thảo 3g. Mỗi ngày dùng 1 thang đem sắc chia làm 2 – 3 lần uống
3.4. Cù mạch chữa hóc xương cá
Ngoài các công dụng trên thì Cù mạch còn có khả năng chữa hóc xương cá. Công thức để chữa hóc xương cá là tán Cù mạch thành bột. Ngày dùng 6 – 15g mỗi ngày theo dạng sắc uống.
3.5. Chữa tiểu tiện ra máu
Dùng 15g Cù mạch, 30g Mã đề thảo, Mã lan căn và Ô liễm mai. Rửa sạch đem sắc cạn còn 1 chén, để nguội, ngày uống 3 lần.
3.6. Điều trị các chứng bế kinh, ứ huyết
Dùng 9g thảo dược, Huyết căn và thược dược mỗi vị 9g, Ích mẫu thảo 15g, Hồng hoa 6g. Tất cả đem sắc uống.
4. Lưu ý khi sử dụng Cù mạch
- Chú ý không sử dụng Cù mạch với Phiêu tiêu.
- Người bị tỳ thận hư nhưng không có thấp nhiệt tránh dùng.
- Không sử dụng cho phụ nữ có thai.
Bài viết trên đã cung cấp nhiều thông tin về công dụng và cách dùng của vị thuốc Cù mạch. Cây đã được ứng dùng nhiều trong nhân dân, tuy nhiên hiện tại vẫn còn ít nghiên cứu về loài cây này. Vì vậy, Quý độc giả trước khi sử dụng Cù mạch làm thuốc cần tham khảo ý kiến chuyên gia để đảm bảo an toàn và có thể mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II. NXB Khoa học và kỹ thuật