Cấy ghép implant: Quy trình và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Cấy ghép implant là giải pháp trồng răng mới khá hoàn hảo, giúp khắc phục tình trạng bị mất một răng, nhiều răng hoặc cả hàm răng. Để thực hiện phương pháp này, Nha sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để đặt trụ implant vào xương hàm, nhằm thay thế cho phần chân răng cũ. Một khoảng thời gian sau, khi trụ implant dính chặt vào xương hàm, một mão răng sứ sẽ được tiếp tục gắn lên trên để tạo ra một chiếc răng giống hệt như thật.
Những ai có thể cấy ghép Implant?
Các giai đoạn của Cấy ghép Implant
1. Loại bỏ răng hư hoặc bị tổn thương 2. Đặt implant 3. Gắn abutment 4. Gắn mão cố định
- Bất kì ai đã đến tuổi trưởng thành( từ 18 tuổi), có sức khỏe ổn định, không mắc các bệnh mãn tính.
- Người bị mất 1 răng hoặc nhiều răng vĩnh viễn.
- Không bị bệnh tiểu đường.
- Người có các bệnh lý như huyết áp cao hay có vấn đề về nha chu phải được điều trị ổn định trước khi tiến hành cấy ghép Implant.
Quy trình thực hiện cấy ghép Implant
1. Tư vấn và điều trị sơ bộ
Lần hẹn đầu tiên, Nha sĩ thực hiện khám và tư vấn ban đầu, bao gồm như kiểm tra răng miệng toàn diện, chụp X-quang, chụp phim 3D và sau đó lấy dấu răng sơ khởi.
Lần hẹn thứ hai, Nha sĩ trao đổi và thống nhất với bệnh nhân về kế hoạch điều trị, quy trình thực hiện. Cũng như thông báo thời gian tối thiểu cho quá trình cấy ghép Implant.
Những lần hẹn tiếp theo, Nha sĩ tiến hành một số điều trị ban đầu cho các trường hợp sau:
- Nha sĩ nhổ bỏ răng bị hư hoặc bị tổn thương. Nguyên nhân do sâu răng hay vẫn còn mảnh vỡ sót lại do tai nạn làm gãy răng…
- Bệnh nhân không có đủ xương hàm (do tiêu xương hay các bệnh lý khác) để đặt trụ Implant. Nha sĩ cấy ghép xương hàm từ xương cằm hoặc xương hông của bệnh nhân. Điều này là cần thiết vì trụ Implant cần một lượng xương nhất định giúp cố định và neo giữ.
- Trường hợp bệnh nhân có các bệnh về nha chu, được điều trị trước khi tiến hành cấy ghép Implant.
2. Đặt Implant
Sau khi xương hàm đã ổn định( nếu có ghép xương), Nha sĩ tiến hành khoan một lỗ vừa với bán kính của trụ Implant. Loại Implant đã được lựa chọn phù hợp kích thước và khả năng tích hợp với xương hàm. Sau đó, đặt trụ Implant vào. Trụ Implant lúc này đóng vai trò như một cái chân răng giả.
Quá trình này có thể mất 1-2 giờ. Bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc tê tại vùng cấy Implant để cảm thấy thoải mái, không có cảm giác khó chịu. Điều này giúp Nha sĩ thực hiện nhanh chóng và thuận lợi.
Quá trình lành thương, thời gian để xương hàm và trụ Implant tích hợp với nhau có thể mất tới 5 tháng cho hàm dưới và tối đa 7 tháng cho hàm trên.
3. Đặt Abutment và gắn mão tạm
Tiếp đến là gắn abutment vào trụ Implant bằng vít. Abutment có vai trò như cùi răng, giúp nâng đỡ và lưu trữ mão răng. Một mão tạm được gắn trên abutment trong khi đợi mô mềm tiếp tục lành lại và hình thành xung quanh răng giả như với răng tự nhiên.
4. Đặt mão sau cùng
Giai đoạn cuối cùng là gắn mão cố định sau cùng. Mão cố định được gắn vào abutment theo 2 cách, gắn bằng vít hoặc bằng chất dán (cement). Cách thứ hai thường được lựa chọn nhiều hơn vì có tính thẩm mĩ và chắc chắn hơn.
Làm răng sứ là giai đoạn làm mão cuối cùng của cấy ghép implant. Tìm hiểu ngay: Làm răng sứ: Tất tần tật những điều cần biết
Cần làm gì sau cấy ghép Implant?
1. Chăm sóc sau cấy ghép
Về cơ bản, bạn nên chăm sóc cho implant giống như cách bạn chăm sóc răng tự nhiên. Bạn nên đánh răng 2-3 lần một ngày, dùng chỉ nha khoa hằng ngày và súc miệng bằng nước súc miệng không cồn. Ngoài ra, điều quan trọng là phải kiểm tra thường xuyên với Nha sĩ 6 tháng một lần.
2. Tái khám định kỳ
Nha sĩ có thể chụp X-quang nhiều hơn trong các lần tái khám định kỳ. Họ sẽ xem xét trụ implant, abutment và mão có khít sát với nhau không, để kịp thời điều chỉnh.
3. Biến chứng có thể xảy ra
Cũng giống như bất kỳ tiểu phẫu hay phẫu thuật nào khác, có những rủi ro có thể xảy ra. Cấy ghép Implant cũng có khả năng thất bại, cho dù đó là do nhiễm trùng, cắn hay nghiến răng.
Trường hợp bệnh nhân cần cấy ghép Implant ở hàm dưới. Có khả năng một dây thần kinh chạy dưới hàm dưới có thể bị tổn thương trong quá trình khoan hoặc đặt implant. Nó có thể gây tê hoặc ngứa ran. Tuy nhiên điều này có thể chỉ là tạm thời cho đến khi dây thần kinh lành lại. Nhưng cũng có trường hợp dây thần kinh không khôi phục được như lúc đầu.
Khi cấy ghép Implant ở hàm trên. Có trường hợp mũi khoan có thể xuyên qua các xoang phía trên răng hàm trên, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Để tránh điều này xảy ra, Nha sĩ sẽ chụp X-quang trước khi phẫu thuật. Nhằm xác định chính xác vị trí của bất kỳ dây thần kinh hoặc xoang nào gần đó.
Kết luận
Nếu bạn có đủ điều kiện về kinh tế lẫn sức khỏe thì cấy ghép Implant là một phương án tốt cho phục hình răng. Mặc dù cấy ghép Implant tốn nhiều thời gian và công sức. Nhưng nói về sự ổn định và độ bền có thể lên tới 25 năm, nếu tuân thủ đúng quy trình chăm sóc và tái khám của Nha sĩ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Dental Implant Timeline: What To Expect At Every Stage Of The Procedurehttps://www.authoritydental.org/what-are-dental-implants
Ngày tham khảo: 17/03/2020